admin@phapluatdansu.edu.vn

TRANH CHẤP SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP: TRANH CHẤP “TÁCH” VÀ “CỐC”

VI TRẦN

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã phạt Công ty TNHH Gold Roast Việt Nam (Gold Roast) do dùng hình cái tách màu đỏ trên bao bì sản phẩm cà phê gây nhầm lẫn với cái cốc của một công ty khác. Tòa án tỉnh này cũng cho rằng Gold Roast đã vi phạm quyền sở hữu công nghiệp. Hiện công ty này đang kháng cáo phán quyết trên của tòa.

Tách giống cốc là nhái nhãn hiệu

Theo hồ sơ, trước năm 2006, Công ty Société des Produits Nestlé (Nestlé) đã tung ra thị trường sản phẩm cà phê sữa uống liền mang hình cái cốc đỏ có viền vàng. Ngay sau đó, công ty này phát hiện Gold Roast cũng có loại sản phẩm tương tự có in hình cái tách đỏ trên bao bì. Tháng 10-2006, Nestlé đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) thẩm định xem nhãn hiệu hình cái tách đỏ của Gold Roast có vi phạm quyền sở hữu công nghiệp của Nestlé hay không. Nửa tháng sau, Cục phúc đáp Gold Roast sử dụng cái tách đỏ là gây nhầm lẫn với cái cốc đỏ đã được bảo hộ của Nestlé.

Dựa vào kết luận trên, Nestlé yêu cầu Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ xử lý hành vi vi phạm của Gold Roast. Vì không thuộc thẩm quyền nên nơi này đã chuyển hồ sơ cho Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương xử lý. Cuối năm 2007, Thanh tra Sở kết luận Gold Roast đã có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đầu năm 2008, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã phạt Gold Roast 100 triệu đồng và buộc công ty này “loại bỏ các yếu tố vi phạm” trên bao bì sản phẩm cà phê sữa uống liền.

Không có khả năng gây nhầm lẫn

Cho rằng bị phạt oan và để chứng minh mình không sao chép hình ảnh trên của Nestlé, Gold Roast liền nhờ Viện Nghiên cứu sở hữu trí tuệ (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) thẩm định lại. Một thời gian sau, viện này kết luận dấu hiệu tách cà phê màu đỏ trên sản phẩm của Gold Roast không có khả năng gây nhầm lẫn với cốc đỏ của Nestlé. Bởi theo viện này, người tiêu dùng nói rằng hình dáng giữa cái cốc và cái tách khác nhau (một cái hình trụ tròn, cái kia không tròn đều; một cái cao, một cái thấp…) cộng thêm các yếu tố chuyên môn nữa nên khó có thể gây ra sự nhầm lẫn.

Có được kết luận của Viện Nghiên cứu sở hữu trí tuệ, Gold Roast đã kiện quyết định xử phạt của chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ra Tòa hành chính. Gold Roast còn dẫn giải thêm từ năm 1996, sản phẩm của công ty này đã được nhập vào Việt Nam từ Singapore, có sử dụng hình ảnh cái tách màu đỏ trên bao bì. Đến năm 2001, Gold Roast có nhà máy sản xuất tại Việt Nam và tiếp tục sử dụng hình ảnh này. Nestlé chỉ đăng ký bảo hộ hình ảnh cái cốc đỏ tại Việt Nam từ năm 2004. Vì thế, Gold Roast sử dụng hình ảnh cái cốc đỏ là ngay tình, không hề vi phạm quyền sở hữu trí tuệ như văn bản của Cục Sở hữu trí tuệ. Gold Roast còn bảo nếu cho rằng công ty này vi phạm, tỉnh cũng không được quyền phạt tiền vì thời hiệu phạt tiền đã hết (vì họ sử dụng hình ảnh này gần 10 năm).

Không giám định được, tòa vẫn bác đơn

Thụ lý vụ án, TAND tỉnh Bình Dương đã trưng cầu giám định vì kết luận của Cục Sở hữu trí tuệ và Viện Nghiên cứu sở hữu trí tuệ không phải là văn bản giám định. Đầu tiên, tòa trưng cầu ở một viện nghiên cứu nhưng nơi này bảo rằng mình không có chức năng giám định vụ việc trên. Tiếp đến, tòa nhờ Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh nhưng nơi này cũng “bó tay” vì nằm ngoài khả năng giám định của cấp tỉnh. Tòa nhờ Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) thì viện này cũng lắc đầu do không thuộc lĩnh vực của mình.

Không có cơ quan nào giám định, trong khi hai cơ quan chuyên môn có ý kiến khác nhau, tòa án tỉnh quyết định lấy kết luận của Cục Sở hữu trí tuệ (cho rằng Gold Roast vi phạm) để làm căn cứ xử lý. Tòa nhận định công văn của Cục là kết luận về hành vi vi phạm của Gold Roast nên chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương xử phạt Công ty Gold Roast là có căn cứ. Vì thế, tòa bác đơn kiện, giữ nguyên quyết định xử phạt của chủ tịch tỉnh.

Chuyện cái cốc có gây nhầm với cái tách, Gold Roast có vi phạm hay không sắp tới sẽ được Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM phán quyết. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/news/toa-an/view.aspx?news_id=260150

2 Responses

  1. sau khi tham khảo hình ảnh hai cốc trên hai sản phẩm của hai công ty, em nhận thấy rằng hai sản phẩm này hoàn toàn có khả năng phân biệt với nhau. Vì thành phần mang tính phân biệt của hai sản phẩm này không phải là hình ảnh của cái cốc đỏ, mà nó là phần nhãn hiệu chữ: Nestle và Gold Roast. Nhìn vào sản phẩm người tiêu dùng hoàn toàn có thể biết được hai sản phẩm này có nguồn gốc khác nhau. Hơn nữa, Nestle là một thương hiệu ca phe khá phổ biến và nổi tiếng tại Việt nam, vậy có không sự nhầm lẫn của khách hàng giữa hai nhãn hiệu này. Hơn nữa hình ảnh cái cốc không được bảo hộ riêng biệt và mang tính phân biệt trong hai nhãn hiệu này.

    Một bằng chứng nữa là Gold Roast đã sử dụng hình ảnh cái cốc(tách) từ rất lâu và không có tranh chấp. Như vậy nhãn hiệu của Gold roast được xem như nhãn hiệu được sử dụng trước và rộng rãi

    Bên cạnh đó, Tòa án không thẩm định được sự giống nhau giữa hai nhãn hiệu này, chưa có kết quả thẩm định cuối cùng. Chính vì thế, đưa ra kết luận xử Gold roast thua kiện và buộc bồi thường là chưa hợp lý. Thử hỏi liệu rằng khi Gold Roast đăng ký nhãn hiệu của mình tại Cục SHTT, nhãn hiệu này có được chấp nhận không nếu như tranh chấp này chưa xảy ra. Em nghĩ có lẽ sẽ là Có.

  2. Thật khó mà hiểu được việc quản lý về các sản phẩm đăng ký bảo hộ SHTT của các cơ quan có thẩm quyền như thế nào? Rõ ràng Gold Roast đã đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đối với hình “tách” đấy rồi. Chẳng lẽ chính sự tắc trách này mà buộc Gold Roast bây giờ bị phạt vi phạm hành chính.
    Ngoài ra, việc có gây nhầm lẫn hay không thì phải khảo sát người tiêu dùng, nếu nó có khả năng gây nhầm lần (>50%) thì mới coi là gây nhầm lẫn
    Cuối cùng, Nestle hoàn toàn có thể yêu cầu Gold Roast dừng hành vi vi phạm và loại bỏ kiểu dáng ấy (nếu có căn cứ) còn kiệu tụng ra Tòa chỉ tự hạ thấp mình mà thôi. Một thương hiệu lớn như Nestle không cần thiết phải làm như vậy

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading