admin@phapluatdansu.edu.vn

TRANH CHẤP SỞ HỮU TRÍ TUỆ: BẢN QUYỀN GIAO THÔNG

HOÀNG NGUYÊN

Nhờ sáng kiến này, người đi đường không phải dừng xe chờ đèn đỏ.

Thay vì để chiều đi lại ngược xuôi cắt nhau trực tiếp ở các ngã tư, gần một tháng nay, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chặn ngang nút giao, tận dụng dải phân cách lớn làm đảo chắn, buộc phương tiện giao thông phải chạy theo vòng xuyến. Từ đó bỏ hẳn việc dừng xe chờ đèn xanh-đỏ, xóa được các điểm ùn tắc do chờ đèn tín hiệu. Thế nhưng một doanh nhân ở quận Đống Đa khiếu nại về sáng kiến này vì doanh nghiệp cho rằng đã vi phạm bản quyền.

Sở “xài chùa”?

Anh Phạm Văn Tiệp, là một doanh nhân, vừa gửi đơn khiếu nại lên Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Anh cho biết từ việc tập Yoga, từ lâu anh đã có ý tưởng thiết kế mô hình giao thông theo nguyên lý chuyển động liên tục của bộ môn dưỡng sinh. Đến tháng 7-2008, giải pháp “Giao diện mềm nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị Hà Nội trong giai đoạn hiện nay” của anh được Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận quyền tác giả, do Phó Cục trưởng Vũ Văn Hoan ký. Anh Tiệp đã gửi công trình ấy bằng cả văn bản và đĩa CD tới Bộ Giao thông Vận tải, UBND và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Thậm chí sáng kiến này còn được Tạp chí Giao Thông Vận Tải của Bộ Giao thông Vận tải và Báo Bạn Đường thuộc Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chọn đăng tải như một giải pháp hữu ích trong việc chống ùn tắc giao thông.

Sao chép sẽ phải chịu trách nhiệm

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, anh Tiệp cho rằng giải pháp chống ùn tắc mà Sở Giao thông Vận tải đang triển khai đã “xài chùa” sáng kiến của mình mà không hề hỏi ý kiến tác giả. “Tôi không có ý đòi hỏi quyền lợi vật chất mà chỉ mong người sử dụng sự thừa nhận về danh nghĩa để khuyến khích những người có ý tưởng với sự phát triển của xã hội” – anh Tiệp nói.

Về phía cơ quan Sở, Chánh thanh tra Thạch Như Sỹ cho biết đã nhận được ý kiến khiếu nại này. Ông cũng xác nhận là đã được xem bản phôtô công trình của anh Tiếp nhưng thấy “chẳng có gì mới mà Sở cần phải học tập, tiếp thu”.

Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Vũ Ngọc Hoan, người ký giấy chứng nhận quyền tác giả cho anh Tiệp, lại cho rằng văn bằng của Cục có giá trị bảo hộ quyền tác giả kể cả 50 năm sau khi tác giả mất. “Tất cả những sao chép tác phẩm, công trình mà Cục đã cấp chứng nhận sẽ bị xem xét trách nhiệm liên đới”. Ông Hoan cho hay sẽ xem xét trường hợp anh Tiệp phản ánh.

Luật sư Trần Đình Triển, Đoàn luật sư Hà Nội:

Giao diện khó có thể coi là một phát minh

Về “giao diện mềm” của anh Tiệp khó có thể coi là một phát minh được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, việc Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận là chưa hợp lý, cần xem xét lại.

Luật sư Hà Đăng, Đoàn luật sư Hà Nội:

Chỉ nên coi đó là một ý tưởng

Giải pháp của anh Tiệp chỉ nên coi là một công trình nghiên cứu và nếu cơ quan nhà nước có áp dụng một phần ý tưởng ấy phục vụ mục đích công cộng thì cũng là điều chấp nhận được.

Bà Phan Thị Ngọc Lan, Giám đốc Công ty Sở hữu trí tuệ An Nguyên:

Cần đặt ra ngoại lệ để phục vụ lợi ích cộng đồng

Luật Sở hữu trí tuệ có bảo vệ quyền tác giả, song cũng đặt ra ngoại lệ cho phép nhà nước quyền cưỡng chế thực thi một giải pháp nào đó nhằm phục vụ cho lợi ích cấp thiết của cộng đồng xã hội trong trường hợp không thể thỏa thuận được với tác giả.

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Trích dẫn từ: http://www.thuvienphapluat.vn/default.aspx?CT=NW&NID=26457

2 Responses

  1. + Luật sư Trần Đình Triển cho rằng: khó có thể coi là phát mình theo tôi là không thỏa đáng. Vì phát mình thực chất chỉ là việc phát hiện ra một quy định vốn dĩ tồn tại trong tự nhiên. Do đó, nó là tài sản của nhân loại mọi người đều có thể tiếp cận mà không cho phép bất kỳ một sự bảo hộ nào. Tuy nhiên, công trình khoa học Tiệp hoàn toàn là một kết quả của hoạt động trí óc trong việc vận dụng nguyên lý tự nhiên để đưa ra thiết kế (giải pháp) hạn chế tắc đường và góp phần lưu thông dễ dàng thì phải được bảo hộ quyền tác giả trong lĩnh vực khoa học.
    + Còn ý kiến Luật sư Hà Đăng cho rằng chỉ coi là ý tưởng thì không hợp lý vì thực chất tất cả những cái gì thuộc về tài sản trí tuệ cũng bắt nguồn từ ý tưởng (tưởng tượng) chỉ có điều pháp luật không bảo hộ ý tưởng mà chỉ khi ý tưởng thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định thì mới được bảo hộ. Ở đây, ý tưởng của anh Tiệp đã được đăng ký bảo hộ ở cục bản quyền thể hiện dưới dạng sơ đồ thiết kế thì không có lý do gì cho đó là ý tưởng nên không được pháp luật bảo hộ
    + Đối với ý kiến của toilaw tôi đồng ý một phần, đúng là pháp luật về quyền tác giả chỉ bảo hộ hình thức mà không bảo hộ nôi dung, tức là đương nhiên cùng một nội dung mỗi người sẽ có cách thể hiện khác nhau. Nhưng chú ý là việc Sở sử dụng bản thiết kế của anh Tiệp chính là việc vi phạm về hình thức thể hiện do đó đây phải được coi là vi phạm quyền tác giả. Anh Tiệp hoàn toàn có quyền nhân thân đối với công trình này (nêu tên..). Tuy nhiên đúng như bà Pha Thị Ngọc Lan thì Luật SHTT có quy định hạn chế quyền của chủ thể, buộc chuyển giao quyền cho người khác.. trong trường hợp vì lợi ích xã hội(khoản 3 Điều 7). Điều luật này cũng phù hợp với nguyện vọng của anh Tiệp vì anh không đòi hỏi lợi ích vật chất gì mà chỉ muốn nêu tên anh.
    Trên đây là ý kiến cá nhân về vụ việc trên, tôi không chắc là mình đúng nền không nói người khác sai. Mọi ý kiến đều có tính tham khảo, hi vọng mọi người có thể trao đổi thêm về vấn đề này. Thân!

  2. không biết là do bài viết nêu chưa đầy đủ hay do lỗi cá nhân chưa hiểu kỹ ý của tác giả nhưng nếu theo các tình tiết đã nêu thì cá nhân tôi nhận thấy ở đây ông Tiệp được Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận quyền tác giả là không có gì sai cả. Bởi lẽ việc cấp giấy chứng nhận quyền tác giả chỉ là thừa nhận về mặt hình thức chứ không cần xem xét về nội dung do đó Cục cấp giấy chứng nhận là hoàn toàn hợp pháp. Về phía Sở giao thông đường bộ áp dụng ý tưởng trong tác phẩm của ông Tiệp là không vi phạm. Vì quyền tác giả chỉ được bảo hộ về hình thức mà không bảo hộ về nội dung nên việc sử dụng nội dung của tac phẩm không bị coi là xâm phạm quyền tác giả. Có chăng sự xâm phạm ở đây chỉ là việc Sở không nêu tên của tác giả khi thực hiện ý tưởng này mà thôi.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading