admin@phapluatdansu.edu.vn

BÀN VỀ KHÁI NIỆM XÃ HỘI HÓA

GS. NGÔ THÀNH DƯƠNG

Gần đây trên báo chí và phát thanh truyền hình trong nước một số bài viết và nói đã sử dụng khái niệm "xã hội hóa". Các tác giả nói về chủ trương của Đảng và Nhà nước xã hội hóa giáo dục và văn hóa. Có bài chỉ nói thoáng qua, nhưng có bài lại phân tích lý luận về xã hội hóa. Ở đây tôi muốn trao đổi về mặt lý luận để chúng ta sử dụng khái niệm đó như thế nào cho chính xác.

Lượm lặt qua các báo tôi tóm tắt một số ý kiến nói về "xã hội hóa" như sau:

"Tăng nguồn lực đầu tư của Nhà nước để phát triển các lĩnh vực xã hội và thực hiện các mục tiêu xã hội, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa – coi đây là một biện pháp rất cơ bản nhằm huy động mọi nguồn lực, trí tuệ của các thành phần kinh tế, của các tổ chức xã hội, của mọi người".

"Thực hiện xã hội hóa giáo dục, huy động nguồn vật chất và trí tuệ của xã hội tham gia chăm lo sự nghiệp giáo dục".

"Chuyển một số trường đại học, cao đẳng bán công sang loại hình tư thục. Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước…

"Huy động mọi nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa, xã hội hóa các hoạt động văn hóa".

Người ta dẫn chứng việc thực hiện chủ trương xã hội hóa đó như là cho phép thành lập một số công ty làm phim tư nhân, vận động xã hội hóa việc tu sửa giữ lại dáng hình xưa của các phố cổ v.v…

Theo cách nói trên, người ta hiểu khái niệm xã hội hóa như sau:

"Xã hội hóa là quá trình chuyển giao để khu vực dân sự (ngoài nhà nước) "gánh đỡ" những công việc trước đây do Nhà nước làm hoặc "quán tính" của tư duy cũ vẫn cho rằng đúng ra Nhà nước phải làm".

Để ca tụng việc xuất hiện cụm từ "xã hội hóa" là sự phát triển sáng tạo về lý luận của Đảng ta trong công cuộc đổi mới, có người viết:

"Xã hội hóa thực chất bao quát phạm vi rất rộng lớn, cả kinh tế, sự nghiệp, hành chính. Xét về lịch sử, xã hội hóa xuất hiện như một kết quả của đổi mới. Chỉ khi thực hiện đường lối đổi mới, chuyển sang thời kỳ đổi mới, xã hội hóa mới xuất hiện".

Như vậy là quan điểm nói trên về xã hội hóa đã rõ. Tôi không đồng ý với quan điểm đó. Theo tôi, cần nghiên cứu lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin để hiểu xã hội là gì và khái niệm xã hội hóa đã được các nhà kinh điển sử dụng như thế nào?

C. Mác viết: "Xã hội không phải là những cá thể người, mà biểu hiện tổng số những mối liên hệ và quan hệ của chúng, trong đó những cá thể đó tồn tại với nhau"(1).

Thực vậy, xã hội là cộng đồng người. Cộng đồng nhỏ nhất là gia đình, cộng đồng lớn nhất là xã hội loài người. Xã hội hình thành ở từng nước có những đặc điểm riêng. Trong mỗi xã hội ở từng nước lại hình thành những nhóm người theo nghề nghiệp, những tập đoàn người được gọi là giai cấp. Con người còn tạo lập ra những hình thức tổ chức xã hội như các đảng phái, các hiệp hội v.v… Trong xã hội những cá nhân, những tập đoàn người liên hệ với nhau, tác động qua lại với nhau rất phức tạp về các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Trong các mối quan hệ đó, chủ nghĩa Mác – Lê-nin phân tích mối quan hệ biện chứng giữa cá nhân và xã hội. Mỗi cá nhân có những đặc tính riêng. Đó là thế giới của cá nhân, do tác động tổng hợp của các yếu tố cơ thể và xã hội hết sức riêng biệt tạo nên. Với đặc điểm riêng về di truyền, về sinh lý thần kinh, về gia đình, về hoàn cảnh sống v.v… mỗi cá nhân có cuộc sống riêng, tiếp thu và chuyển những giá trị văn hóa của xã hội vào bên trong mình, thực hiện quá trình so sánh, lọc bỏ, tự đánh giá, tự giáo dục, tự tạo nên thế giới riêng của mình. Từ đấy hình thành nên những dạng riêng biệt về động lực, lợi ích, lòng tin, định hướng giá trị… trong xúc cảm, suy tư và hành động. Đây là quá trình kép, xã hội hóa cá nhân cá nhân hóa xã hội, không thể có mặt này mà không có mặt kia để tạo nên cuộc sống của con người.

Ở đây chủ nghĩa Mác – Lê-nin dùng khái niệm xã hội hóa cá nhân để nói về sự chuyển hóa của những tính chung của xã hội vào từng cá nhân, những tính chung của xã hội được cá nhân tiếp thu, nhưng lại được cá nhân hóa, nghĩa là được thể hiện ra ở mỗi người một cách khác nhau.

Chủ nghĩa Mác – Lê-nin phân biệt tính cá nhân và tính xã hội, hai mặt này quan hệ với nhau một cách biện chứng. Để hiểu rõ hơn khái niệm xã hội hóa, chúng ta dẫn chứng sự phân tích của chủ nghĩa Mác – Lê-nin về tính chất của công cụ sản xuất trong xã hội.

Hồi đầu, con người sử dụng những công cụ có tính chất cá nhân như cái rìu để chặt cây, cái cuốc để xới đất, cái xa quay sợi v.v… Đó là những công cụ mà một người sử dụng cũng làm ra được sản phẩm. Về sau, máy móc ra đời, công cụ sản xuất này mang tính xã hội vì phải có sự hợp tác của nhiều người sử dụng máy móc thì mới tạo ra được sản phẩm. Do đó lực lượng sản xuất của xã hội ngày càng được xã hội hóa cao hơn.

Như vậy, theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, khái niệm "xã hội hóa" nói lên sự chuyển hóa từ tính chất cá nhân thành tính chất xã hội. Ta dùng chữ "hóa" là muốn nói đến sự chuyển hóa từ cái này sang cái kia. Thí dụ: "Công nghiệp hóa" là nói sự chuyển hóa từ một nền kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp. "Hiện đại hóa" là nói sự chuyển hóa từ một nền kinh tế lạc hậu sang nền kinh tế hiện đại.

Khi ta nói "hợp tác hóa" trong nông nghiệp thì có ý nghĩa "xã hội hóa" vì chuyển từ sản xuất cá thể sang sản xuất tập thể trong nông nghiệp.

Khi ta nói "cổ phần hóa" các xí nghiệp thì cũng là "xã hội hóa" với nghĩa là chuyển từ vốn của một người thành vốn do nhiều người đóng góp để tiến hành sản xuất công nghiệp.

Tôi tán thành đoạn trình bày sau đây trong dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội X của Đảng:

"Doanh nghiệp cổ phần ngày càng phát triển, trở thành hình thức tổ chức kinh tế phổ biến, thúc đẩy xã hội hóa sản xuất kinh doanh và sở hữu".

Song không thể nói chủ trương cho mở các trường tư thục và thành lập các hãng phim tư nhân là "xã hội hóa" giáo dục và văn hóa. Dùng khái niệm xã hội hóa ở đây là không chính xác, vì thực chất đó là "tư nhân hóa".

Trong các bài báo, có người viết: "Xã hội hóa chính là quá trình đổi mới, khắc phục tình trạng tập trung hóa".

Ở đây người ta so sánh Nhà nước với xã hội, cho rằng xã hội to hơn Nhà nước.

"Nhà nước chỉ là một bộ phận của xã hội, dù "to" đến mức nào cũng không thể là tất cả xã hội".

"Nhà nước phải biết tự thu nhỏ lại, theo nghĩa những gì xã hội (chỉ khu vực ngoài nhà nước) làm được thì để xã hội tự làm".

Ở đây, có sự hiểu không đúng về khái niệm xã hội và Nhà nước. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Nhà nước là bộ máy thống trị của một giai cấp này đối với một giai cấp khác. Nhưng giai cấp nắm chính quyền Nhà nước nhân danh xã hội để điều hành và quản lý xã hội. Nhà nước không những thực hiện các chức năng giai cấp mà còn phải hoàn thành các chức năng xã hội, nghĩa là Nhà nước có nhiệm vụ phải giải quyết những công việc chung của xã hội về các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Chức năng của Nhà nước là như thế trong các chế độ quân chủ, cũng như trong chế độ cộng hòa dân chủ. Đến chế độ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước phải thực sự là "của dân, do dân và vì dân". Như vậy, Nhà nước xã hội chủ nghĩa thực sự đại diện cho toàn xã hội, chứ không phải chỉ là một bộ phận của xã hội. Nhà nước xã hội chủ nghĩa phải lo toan giải quyết tốt mọi vấn đề của xã hội. Những nhiệm vụ mà Nhà nước làm cho dân chính là những nhiệm vụ mang tính xã hội. Trước đây, chúng ta đã mắc sai lầm nóng vội ở chỗ "xã hội hóa" quá cao một cách tràn lan, "tập trung hóa" một cách quan liêu, trong khi nền kinh tế của nước nhà còn nghèo nàn, lạc hậu, cho nên Nhà nước không đủ sức ôm tất cả mọi việc. Đến nay với chủ trương "đổi mới" chúng ta chấp nhận nền kinh tế nhiều thành phần, không phải chúng ta thu hẹp Nhà nước, mà thu hẹp thành phần kinh tế nhà nước, để cho kinh tế tư nhân phát triển. Về mặt xã hội, giáo dục, văn hóa chúng ta động viên mọi người, các tổ chức xã hội "gánh vác" thêm bằng cách đóng góp tiền của, trí tuệ để cùng Nhà nước giải quyết một số mặt. Chủ trương "đổi mới" như thế là đúng đắn trong thời kỳ quá độ từ một nền kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là chủ trương "tư nhân hóa" một số hoạt động về kinh tế, văn hóa, xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Theo tư duy đổi mới, chúng ta nói rõ chủ trương đó là "tư nhân hóa" trong một phạm vi nhất định.

Trong thời kỳ thực hiện chính sách kinh tế mới ở Liên Xô trước đây, Lê-nin đã nói là có thể dùng chủ nghĩa tư bản để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên không phải cứ nói "tư nhân hóa" một số mặt là chệch hướng xã hội chủ nghĩa, mà cứ nói "xã hội hóa" mới chứng tỏ đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta cần hiểu đúng và sử dụng đúng khái niệm "xã hội hóa" của chủ nghĩa Mác – Lê-nin.


(1) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, t 46, phần I, tr 214 (tiếng Nga)

SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SÔ 103 NĂM 2006

3 Responses

  1. Bài viết hay. Nếu cụ thể hơn nữa thì hay biết bao. Xin cám ơn

  2. Bài viết của GS Ngô Thành Dương viết hay, song giá mà cụ thể hơn, dặc biệt là thêm so sánh, đối chứng thì hay hơn. Cám ơn

  3. “Xã hội hóa” và “Tư nhân hóa”!!! Bài viết rất hữu ích. Xin Cám ơn giáo sư.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading