admin@phapluatdansu.edu.vn

GIA TĂNG TỶ LỆ SINH CON THỨ BA: NHỮNG QUAN NGẠI VỀ ỔN ĐỊNH QUI MÔ DÂN SỐ

NGÂN GIANG

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quy mô dân số Việt Nam đã lên tới 86,5 triệu người và sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tình trạng mất cân bằng giới tính trẻ sơ sinh cũng đang gây ra những quan ngại cảnh báo về những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Quy mô dân số nước ta đang đứng thứ 13 trên thế giới; dự báo dân số sẽ tiếp tục tăng vào khoảng 88 triệu người vào năm 2010.

Thực tế cho thấy, đối tượng sinh con thứ 3 không dừng lại ở những hộ nông dân mà gần đây lại tập trung chủ yếu trong đối tượng công chức nhà nước, những gia đình khá giả. Theo Tổng cục Dân số, tình trạng sinh con thứ 3 và mất cân bằng giới đang xảy ra khá nghiêm trọng tại nhiều địa phương. 45/63 tỉnh, thành có số con thứ 3 trở lên tăng cao, trong đó tỉnh Cà Mau dẫn đầu với tốc độ tăng 100%, Trà Vinh 97%, Bạc Liêu 87%…

Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định "mập mờ" của Pháp lệnh Dân số (PLDS) hiện hành chính là cái cớ để nhiều gia đình vin vào đó sinh thêm con thứ 3 và làm gia tăng sự mất cân bằng giới tính. Điều 10 PLDS năm 2003 quy định các cặp vợ chồng được quyền tự quyết số con, thời gian sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh. Và theo đó, người dân mặc nhiên hiểu họ muốn sinh bao nhiêu con cũng được mà không quan tâm đến quy định của Chính phủ về nghĩa vụ mỗi gia đình chỉ nên có 1-2 con. Vì thế khi làm công tác tuyên truyền giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, các cán bộ dân số gặp vướng mắc khi bị nhiều người dân lý luận: "Rõ ràng Quốc hội quy định là được tự quyết số con, sao anh lại bảo không nên?". Bên cạnh đó, các cơ quan đơn vị, cộng đồng nới lỏng biện pháp hành chính, e ngại xử lý đối với người sinh con thứ 3 trở lên đã làm cho việc thực hiện chỉ tiêu giảm sinh hàng năm càng thêm khó khăn.

Theo đại diện của một số chi cục dân số các tỉnh, thời gian qua nhiều đảng viên "lách" Quy định 94/QĐ -TW của Bộ Chính trị: "Đảng viên có con thứ 3 thì cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ), khi sinh đến con thứ 4 thì mới bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng". Họ cho rằng các quy định xử phạt đối với việc sinh con thứ 3 là được nới nhẹ. Do đó, tỷ lệ con thứ 3 là con của đảng viên từ đầu năm 2008 đến nay đã tăng vọt. Ông Dương Quốc Trọng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS – KHHGĐ cho biết : "Thật ra không có sự ép buộc cứng nhắc nào bắt người dân không được sinh con thứ 3. Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền con người, quyền tự do quyết định sinh sản của người dân. Vì thế, chúng ta cũng chưa có một điều nào quy định rõ các hình thức xử lý đối với những người sinh quá số con quy định mà chỉ có chế tài với từng đối tượng. Chẳng hạn, nếu là đảng viên sẽ chịu hình thức kỷ luật của Đảng, từ cảnh cáo đến khai trừ khỏi tổ chức, còn cán bộ công nhân viên chức thì xử lý theo luật điều lệ cơ quan. Còn với người dân tự do nói chung thì cơ quan chức năng chỉ biết kiên trì vận động thôi chứ không có cách nào khác để trói buộc họ thực hiện đúng quy định".

Những thay đổi, sửa đổi liên tục những năm qua đã gây ra cú sốc đột biến về dân số. Và để đưa việc sinh đẻ có kế hoạch trở lại quỹ đạo mà cả nước đã từng đạt được trước đây, theo các địa phương sẽ phải mất nhiều năm rốt ráo vận động "đến từng ngõ, gõ từng nhà".

Năm 2003 PLDS ban hành được gần 9 tháng, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 104/2003/NĐ- CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của PLDS. Năm 2004, tỷ lệ sinh, tỷ lệ phát triển dân số tăng mạnh trở lại ở nhiều địa phương trong cả nước; Dư luận cho rằng hiệu lực pháp lý của Nghị định 104 thấp hơn PLDS 2003, thậm chí có ý kiến còn cho rằng những quy định trên của Nghị định là trái với Pháp lệnh. Việc sửa đổi Điều 10 của PLDS sẽ giúp người dân nhận thức rõ hơn về quy định của pháp luật đối với công tác DS- KHHGĐ, tránh sự hiểu nhầm pháp luật cho phép sinh nhiều con trong thời gian qua, hoặc cố tình hiểu nhầm để sinh con thứ 3. "Việc sửa đổi này vừa tạo thuận lợi cho việc tuyên truyền, vừa để người dân dễ chấp nhận hơn. Từ đó sẽ giúp giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 và tôi tin rằng chúng ta sẽ sớm kiểm soát được tình hình gia tăng dân số trong thời gian tới”, ông Trọng nói.

Theo ông Trọng, việc tính số dân cần đi liền với diện tích đất nước (tức điều đáng quan tâm là mật độ dân số). Hiện nay, mật độ dân số Việt Nam là 260 người/km2, cao gấp 5 lần mật độ trung bình thế giới, gấp 2 lần mật độ trung bình Châu Á và gấp 1,8 lần nếu so với Trung Quốc. Diện tích đất nước ta không quá hẹp nhưng tỷ lệ rừng, biển – những nơi dân cư không thể định cư được lại khá lớn. Vì thế, nếu số dân quá đông sẽ ảnh hưởng đến việc sử dụng diện tích và và các tài nguyên của đất nước. Với các gia đình giàu có, việc sinh nhiều con có thể không ảnh hưởng tới cuộc sống của họ nhưng vẫn gây sức ép lên xã hội, cộng đồng. Ông Trọng lý giải: "nếu dân số tăng 1% thì tương ứng tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP phải tăng 4% mới đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Mà như hiện nay, khi dân tăng 1% thì GDP của Việt Nam tăng 6%, tức là mức sống của chúng ta vẫn giậm chân tại chỗ, không hề được cải thiện". Vì vậy, việc ổn định quy mô dân số là mục tiêu lâu dài. Sẽ là nguy cơ cho sự phát triển bền vững của đất nước nếu như để xảy ra sự bùng nổ gia tăng không kiểm soát về dân số cùng với sự mất cân bằng giới tính đe dọa sự bất ổn xã hội.

SOURCE: BÁO ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT

Trích dẫn từ:

http://doisongphapluat.com.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=8&ID=705

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading