admin@phapluatdansu.edu.vn

MUỐN BỘ MÁY CHUYÊN NGHIỆP PHẢI CÓ CÔNG CHỨC CÓ TRÁCH NHIỆM

DIỆP VĂN SƠN

Nhân đọc bài “Cần một bộ máy nhà nước chuyên nghiệp” (TBKTSG ra ngày 4-6-2009) chúng tôi xin góp thêm một số ý kiến. Thiết nghĩ bộ máy nhà nước chuyên nghiệp ngoài việc thiết kế tổ chức hợp lý, khoa học, trong một khuôn khổ thể chế chặt chẽ, thông suốt… thì quan trọng nhất là phải có một đội ngũ công chức chuyên nghiệp, có trách nhiệm. Thế nhưng qua khảo sát từ thực trạng thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ công chức hiện nay, rất dễ nhận thấy đội ngũ còn nhiều bất cập, được biểu hiện trong các mặt sau:

Thứ nhất, thiếu kiến thức và hiểu biết về những vấn đề thuộc pháp luật. Do giai đoạn chuyển đổi lâu dài hướng tới một cơ chế mới, đất nước ta chưa xây dựng được một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và phù hợp. Các quan hệ xã hội được giải quyết trên cơ sở những quy tắc chính trị, đạo đức và các văn bản dưới luật đã dẫn tới những lỗ hổng về kiến thức và hiểu biết về những lĩnh vực đó của đội ngũ cán bộ, công chức hành chính nhà nước. Điều đó đã gây ra không ít khó khăn đối với việc quản lý và kiểm soát các hoạt động kinh tế – xã hội một cách có hiệu lực và hiệu quả. Kết quả là sự thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu kỷ cương và nề nếp đã ảnh hưởng xấu tới quá trình phát triển.

Thứ hai, những kiến thức và hiểu biết cần thiết về hành chính công, đặc biệt là các kỹ năng và các quy trình có tính chất kỹ thuật của một nền hành chính công vẫn còn rất hạn chế. Các hoạt động bình thường hàng ngày như soạn thảo các văn bản hành chính, bố trí và sắp xếp lao động, lập kế hoạch, ra quyết định, thanh tra kiểm tra… đến những việc quan trọng như hoạch định chính sách, điều hành bộ máy, sử dụng các nguồn tài chính nhà nước và các tài sản công… vẫn chưa được thực thi một cách có hiệu quả và khoa học. Tình trạng này dẫn đến sự chắp vá, chồng chéo và trùng lắp chức năng nhiệm vụ tạo nên những hoạt động thiếu hiệu quả.

Thứ ba, kiến thức và kỹ năng ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại vào quản lý hành chính nhà nước chưa đáp ứng đầy đủ. Cán bộ, công chức của chúng ta chưa quen và thiếu thành thạo với các trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ hiện đại như máy vi tính, phương pháp lập chương trình, xây dựng dự án… đang là trở ngại không nhỏ đối với việc hiện đại hóa nền hành chính nhà nước trong tiến trình cải cách nền hành chính.

Thứ tư, đất nước đang trong quá trình hội nhập tuy nhiên những kiến thức về kinh tế đối ngoại, kinh tế thị trường giai đoạn toàn cầu hóa, luật pháp và thông lệ quốc tế… đặc biệt là trình độ ngoại ngữ là những kiến thức đang thiếu trầm trọng trong đội ngũ công chức hành chính hiện nay. Ta đang thiếu những chuyên gia giỏi am hiểu về những lĩnh vực này. Bằng chứng là đứng trước những vụ kiện bán phá giá (hàng rào kỹ thuật của các đối tác) hay vụ giam giữ thương gia Việt Nam đi hội chợ quốc tế… phản ứng của ta tỏ ra rất lúng túng.

Đấy là chưa kể đến vấn nạn học chỉ để có bằng đạt chuẩn, để được đề bạt, bổ nhiệm, chứ không phải học để làm việc, học để hành. Điều này lý giải việc kinh phí hàng năm Chính phủ và các địa phương bỏ ra nhiều, khá tốn kém để đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, nhưng đi đến đâu cũng nghe điệp khúc “trình độ năng lực cán bộ, công chức bất cập”.

Chính những bất cập trên cùng với nạn tham nhũng đã gây mất lòng tin của quần chúng vào bộ máy nhà nước.

Thiết nghĩ trong công tác đào tạo ngoài việc đào tạo những nội dung chính trị, đạo đức… rất cần quan tâm cung cấp những kiến thức về pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ về hành chính, kiến thức về khoa học công nghệ và kiến thức về kinh tế đối ngoại thời hội nhập… nhất là cần quan tâm bồi dưỡng những kiến thức trên trong quá trình đào tạo tiền công vụ.

Cần phải thống nhất nhận thức với nhau rằng, nếu đội ngũ cán bộ, công chức không có đầy đủ kỹ năng, không đủ sức vận hành bộ máy nhà nước (chưa nói đến nạn tham nhũng, tiêu cực…) thì đất nước ta sẽ rơi vào nguy cơ tụt hậu. Đã đến lúc không chỉ kêu gọi động viên tinh thần trách nhiệm chung chung mà cần phải đặt hoạt động công vụ trong một hệ thống công nghệ hành chính tiên tiến, chẳng hạn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO-9000 cho cơ quan hành chính là thích hợp nhất để tạo ra công nghệ hành chính cho hệ thống cơ quan công quyền.

SOURCE: THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

Trích dẫn từ: http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/ykien/19933/

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading