admin@phapluatdansu.edu.vn

NGÂN HÀNG VIỆT NAM: VẬN MAY KHÔNG ĐẾN NHIỀU LẦN

HUỲNH BỬU SƠN

Các nhà ngân hàng Việt Nam phải nghiêm khắc nhìn lại, giảm bớt tham vọng- và cả những ảo vọng- cá nhân, để có một cái nhìn nghiêm túc hơn. Thực tại sẽ rất khắc nghiệt nếu chúng ta quên đi những bài học căn bản trong điều hành ngân hàng. Không nên lấy ngắn nuôi dài, không nên lấy tiền thực để nuôi các tài sản ảo, không nên cho vay dựa trên các quan hệ thân hữu, không nên mù quáng theo đuổi lợi nhuận…

Những ngân hàng còn sống sót sau thời kỳ khó khăn của những năm 1997 – 2000 bước vào một giai đoạn tăng trưởng chưa từng có trong lịch sử, bắt đầu từ năm 2003, khi hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ năm 1997 của châu Á đã qua đi và nền kinh tế Việt Nam vượt qua giai đoạn đình trệ của những năm đầu thiên niên kỷ mới, đang thực hiện những bước tăng trưởng ngoạn mục với tốc độ tăng GDP hàng năm xấp xỉ 8%.
Các thành thị phát triển, mức sống người dân tăng lên, thu nhập, tiêu dùng và tiết kiệm đều tăng. Thị trường mới nổi của Việt Nam thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và cả thế giới ngạc nhiên trước sự phát triển nhanh chóng của ngành ngoại thương Việt Nam, mà nổi bật là sự tăng tốc của xuất khẩu. Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Thị trường vốn trong nước được mở rộng cửa để đón nhận nguồn vốn đầu tư gián tiếp (FII) đang đổ vào ồ ạt, thêm vào đó là dòng kiều hối cũng gia tăng nhanh chóng, kết quả là một đồng tiền Việt Nam có tỷ giá khá ổn định và một dự trữ ngoại tệ quốc gia đủ đảm bảo việc chịu đựng một tình trạng nhập siêu kéo dài và ngày càng có xu hướng tăng.

Thời “Ăn nên làm ra” của các ngân hàng…

Bối cảnh lạc quan của phát triển kinh tế có thể đã làm chúng ta quên đi sự thận trọng cần thiết, một sự thận trọng vốn là nền tẳng quý giá của hoạt động ngân hàng chuyên nghiệp và an toàn.
Đã có một sự đồng thuận rộng rãi cho việc nới lỏng các quy định đối với ngành ngân hàng (trừ việc cho thành lập các ngân hàng mới): các ngân hàng Việt Nam được làm đủ mọi loại hoạt động và dịch vụ ngân hàng, từ dịch vụ ngân hàng bán lẻ đến các hoạt động tài trợ dự án đầu tư trung và dài hạn cho các doanh nghiệp lớn nhỏ, từ việc cho vay tiêu dùng đến tài trợ các hoạt động kinh doanh bất động sản đầy rủi ro (gồm cả đầu tư và đầu cơ), từ việc cho vay đầu tư (hay đầu cơ?) chứng khoán đến việc tự mình kinh doanh chứng khoán qua việc tự tổ chức những công ty chứng khoán cho riêng mỗi ngân hàng.
Khái niệm ngân hàng đa năng bỗng trở thành phổ biến, quan điểm ngân hàng chuyên doanh được xem là bảo thủ, lạc hậu, lỗi thời và không còn phù hợp với tình hình mới.

Trong thời gian năm năm, từ 2004 đến 2008, các ngân hàng Việt Nam ăn nên làm ra và phát triển với tốc độ chóng mặt. Tổng tài sản Có tăng mạnh, đương nhiên là tổng dư Nợ cũng tăng mạnh không kém, lợi nhuận tăng và vốn tăng.
Ngành ngân hàng đua nhau thu hút nhân tài và có thể nói rằng đây là khu vực thu hút mạnh nhất nguồn nhân lực ưu tú của đất nước, được đào tạo trong và ngoài nước và được hưởng một mức lương rất cao. Cũng trong thời gian này, mức độ công nghiệp hóa và hiện đại hóa nghiệp vụ ngân hàng được đẩy mạnh, các ngân hàng Việt Nam đổi mới từng ngày dịch vụ ngân hàng của mình, phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, năng lực cạnh tranh được nâng cao. Có thể nói đây là thời gian trưởng thành hóa bướm của các ngân hàng Việt nam, có những ngân hàng đã có uy tín quốc tế.

Cùng với sự phồng thịnh của nền kinh tế và sự phát tài của các doanh nghiệp, tỉ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng giảm hẳn, đáp ứng được các chuẩn mực khắt khe nhất. Từ năm 2005, giá trị cổ phiếu ngân hàng tăng nhanh nhất trong các loại cổ phiếu doanh nghiệp, dù là cổ phiếu đăng kí trên thị trường chứng khoán chính thức hay OTC. Có những ngân hàng vào năm 2000 giá cổ phiếu chỉ còn phân nửa mệnh giá nay đã tăng vọt lên gấp 10 lần, thậm chí có những ngân hàng giá cổ phiếu tăng đến trên 20 lần. Chỉ cần nhắm mắt mua cổ phiếu của bất cứ ngân hàng nào ngày hôm trước thì ngày hôm sau đã có thể kiếm lãi 20-30%.
Ngay cả những ngân hàng nông thôn èo uột, nhân sự lãnh đạo và chuyên môn thiếu và yếu, làm ăn chật vật không có lãi mà cổ phiếu OTC của họ cũng có thể gấp 4-5 lần mệnh giá. Cổ phiếu ngân hàng đắt như tôm tươi, cũng không đủ cầu. Phong trào đua nhau thành lập ngân hàng bỗng trở nên rầm rộ, và trong điều kiện Chính phủ còn siết chặt việc mở ngân hàng, phong trào này trở thành một cuộc tranh đua nâng cấp ngân hàng nông thôn thành ngân hàng đô thị.

….Và đã xuất hiện những nguy cơ mới

Chỉ trong vòng hai năm, hệ thống ngân hàng nông thông đột nhiên biết mất, thay vào đó là những ngân hàng cổ phần đô thị mới toanh mà cổ phiếu tăng vọt theo kỳ vọng cuồng nhiệt của các nhà đầu tư cá nhân. Thành lập ngân hàng mới trở thành một mốt kinh doanh thời thượng. Cuộc đua làm ông chủ ngân hàng không chỉ có sự góp mặt của các tập đoàn kinh tế nhà nước với nguồn vốn khổng lồ mà còn có sự tham gia của những đại gia làm giàu nhờ kinh doanh bất động sản.

Cổ phiếu của những ngân hàng đang trên quá trình thành lập, dù theo luật không được mua bán, cũng được tranh mua với giá gấp đôi, gấp ba. Thị trường chứng khoán liên tục tăng điểm, thị trường nhà đất liên tục nóng sốt đã thu hút các khoản tín dụng khổng lồ của các ngân hàng và các khoản tín dụng này, đến lượt chúng, đã thúc đẩy sự tăng điểm của thị trường chứng khoán và sự tăng nhiệt của thị trường nhà đất.
Hiện tượng bong bóng tài sản, thuật ngữ diễn tả sự thổi phồng giá trị tài sản vượt quá xa giá trị thị trường hợp lý của chúng- có điều không ai có thể xác định thế nào là giá bong bóng trước khi chúng bị vỡ và chính sự khiếm khuyết đó lại càng khiến mọi người không tin là có giá trị ảo, giá trị bong bóng, ngoài những nhà phân tích kinh tế được xem như những thầy bói chuyên báo họa- đã xuất hiện trong nền kinh tế: giá nhà đất, giá cổ phiếu, và các danh mục tài sản Có của các ngân hàng dựa trên các giá trị đã trở thành ảo đó.

Đầu năm 2008, tình hình lạm phát toàn cầu, điều có thể được xem là những đám mây đen báo hiệu cơn bão tài chính sắp đến, tác động đến nền kinh tế Việt Nam và đã khiến Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thực hiện những động thái thắt chặt tiền tệ, một cú đạp thắng đột ngột làm hệ thống ngân hàng Việt Nam thực sự chao đảo. Thanh khoản của hệ thống cạn kiệt, lãi suất liên ngân hàng tăng vọt, dẫn đến lãi suất tiền gửi và cho vay gia tăng chóng mặt.

Đã có lúc lãi suất qua đêm liên ngân hàng lên đến 30%/năm, và đã có những ngân hàng sẵn sàng trả lãi suất tiền gửi đến 24%/năm. Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi giá chứng khoán giảm mạnh, các nhà đầu tư chứng khoán cá nhân hầu như mất khả năng thanh toán và các ngân hàng phải trở thành chủ nhân bất đắc dĩ của những tài sản mà giá trị khi ấy chỉ còn phân nửa hoặc thậm chí một phần ba. Hệ thống ngân hàng lại một lần nữa như trứng để đầu gậy.

Vị cứu tinh mang tên “khủng hoảng” và những bài học căn bản

Trong cơn nguy kịch đó, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ập đến trong những tháng còn lại của năm 2008 có thể được xem là một vị cứu tinh của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tình hình trở nên dễ thở hơn khi chính sách tiền tệ đảo chiều, lãi suất sụt giảm, thanh khoản trở nên dồi dào hơn khi Ngân hàng Nhà nước nới lỏng các biện pháp tiền tệ thắt chặt và gói kích cầu hỗ trợ lãi suất bỗng trở thành một liều thuốc tiên cho các ngân hàng Việt Nam, quốc doanh cũng như cổ phần.

Điều các ngân hàng cần nay đã có, đó là thời gian và thanh khoản. Họ đã có một thời kì ân huệ từ đầu tháng 1/2009 đến nay và có vẻ như những thông tin về gói kích cầu mới 8 tỉ USD (144 ngàn tỉ đồng) đã làm viễn cảnh kinh tế trở nên lạc quan hơn. Người ta hy vọng chàng hoàng tử Kích Cầu sẽ đánh thức được nàng Hằng Nga bất động sản đang ngủ yên tại các đô thị, thị trường chứng khoán sẽ được hồi phục và thế là những lỗi lầm trong quá khứ nóng hổi- hãy cứ tạm gọi chúng là những lỗi lầm- lại một lần nữa, có thể được quên đi.

Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng nên được lặp lại. Hãy nhìn lại những năm 2006, 2007 để thấy rằng vì đông cơ lợi nhuận, các ngân hàng của chúng ta đã hành động một cách rủi ro như thế nào đối với việc tài trợ kinh doanh nhà đất và chứng khóan không khác gì các ngân hàng Mỹ khi họ khởi động các nghiệp vụ cho vay dưới chuẩn lãi suất cao cho khách hàng mua nhà. Chỉ có điều khác, may mắn thay, là chúng ta không có một hệ thống tài chính có đủ công nghệ tinh vi và chuyên nghiệp để tạo ra các sản phẩm tài chính phức tạp nhằm chuyển các rủi ro này cho người khác trong khi nhân nó lên nhiều lần theo cấp số nhân. May mắn sẽ không xảy ra nhiều lần.

Nhà kinh tế người Mỹ được giải Nobel Kinh tế năm 2008 Paul Krugman, trong bài viết gần đây (10/4/2009) trên tờ New York Times tựa đề Making Banking Boring (Làm cho ngành ngân hàng trở nên nhàm chán) đã nhận định rằng khi ngành ngân hàng được quy định chặt chẽ, khi lợi nhuận ngân hàng không quá màu mỡ và khi nhà ngân hàng bảo thủ trong việc cho vay, khi đó nền kinh tế thường đạt được những tiến bộ ngoạn mục.

Vấn đề của các nhà ngân hàng Việt Nam là nghiêm khắc nhìn lại mình, giảm bớt các tham vọng- và cả những ảo vọng- cá nhân, để có thể có một cái nhìn nghiêm túc hơn đối với thực tại, một thực tại sẽ rất khắc nghiệt nếu chúng ta quên đi những bài học căn bản trong điều hành ngân hàng. Không nên lấy ngắn nuôi dài, không nên lấy tiền thực để nuôi các tài sản ảo, không nên cho vay dựa trên các quan hệ thân hữu, không nên mù quáng theo đuổi lợi nhuận- một nhà ngân hàng trẻ tuổi nào cũng biết rằng lợi nhuận cao đồng nghĩ với rủi ro cao.

Ngân hàng Nhà nước cũng nên hành động như những đồng nghiệp của họ ở các nước phát triển: tăng cường quy định và giám sát chặt chẽ ngành ngân hàng để bảo vệ đồng tiền tiết kiệm. Dù sao, đó là đồng tiền của người dân, có giá trị gấp từ 10 lần đến nhiều hơn đồng vốn mà các ông chủ ngân hàng bỏ ra.

SOURCE: DOANH NHÂN CUỐI TUẦN

Trích dẫn từ: http://tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/7214/index.aspx

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading