admin@phapluatdansu.edu.vn

NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM – NHÌN TỪ SỰ PHÁT TRIỂN, TIẾN BỘ XÃ HỘI

VŨ PHÙ NGHĨA

Ở các góc độ khác nhau, người ta có thể đưa ra nhiều tiêu chí để đánh giá về tình hình nhân quyền của một quốc gia. Tuy nhiên, có một tiêu chí cơ bản mà bất cứ ai cũng phải thừa nhận, đó là "quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Điều này đã được "Tuyên ngôn Độc lập" của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ xác nhận từ năm 1776.

Từ luận cứ cơ bản này, soi rọi vào xã hội nước ta, kể từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam đến nay, thông qua hệ thống các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, nhất là những thay đổi tích cực trong đời sống xã hội cũng như cuộc sống của người dân đã cho thấy chăm lo đến các quyền cơ bản của người dân luôn luôn là mối quan tâm, là mục đích nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Một thực tế không thể phủ nhận là, mặc dù một đất nước phải gánh chịu những di chứng nặng nề của những năm dài chiến tranh, xuất phát điểm về kinh tế, xã hội lại thấp kém, lạc hậu nhưng vấn đề nhân quyền ở Việt Nam đã được thực hiện ngày càng đầy đủ, toàn diện hơn cùng với sự phát triển, tiến bộ của đất nước.

Xuất phát từ hoàn cảnh một đất nước nông nghiệp lạc hậu, khi người dân Việt Nam phải sống lầm than, tủi nhục dưới ách nô lệ của đế quốc, phong kiến; bị đe dọa triền miên bởi đói, rét, mù chữ, nghèo túng thì nói tới nhân quyền không gì khác hơn trước hết người dân phải có cơm ăn, áo mặc, được học hành, được sống trong tự do, độc lập. Nhiều tổ chức và nhiều người Việt Nam yêu nước đã nhận ra thực tế trên và tìm cách đưa dân tộc thoát khỏi thực trạng đó, song vì lý do này hay lý do khác đều không thành công. Trên thực tế, duy nhất Đảng Cộng sản đã giải quyết thành công được yêu cầu này. Lý do sâu xa của sự thành công đó chính là mục tiêu, lý tưởng phấn đấu của Đảng phù hợp với nguyện vọng thiết thực, đồng thời đó cũng là quyền con người của đại đa số quần chúng nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lúc sinh thời đã có một nguyện vọng: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành"(1). Ý nguyện đó của Người cũng là những giá trị thiết yếu về nhân quyền đang đặt ra đối với đất nước; đồng thời, đó cũng là mục đích, tôn chỉ hoạt động duy nhất, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta những năm qua. Điều này đã lý giải cho một thực tế là, trong các giai đoạn cách mạng, vượt qua mọi thử thách, gian khổ, hy sinh, đồng bào ta không phân biệt già trẻ, gái trai, dân tộc, tôn giáo đã đoàn kết sắt son, một lòng theo Đảng, tạo nên nguồn sức mạnh vô bờ bến, đánh thắng những tên đế quốc xâm lược tàn bạo có tiềm lực kinh tế, quân sự hùng mạnh.

Quyền được hưởng tự do, độc lập phải luôn luôn được gắn liền với quyền mưu cầu hạnh phúc. Đó là tư tưởng thường trực được thể hiện qua đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng. Ngay trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: "nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì"(2). Tư tưởng này của Người trở thành tư tưởng chủ đạo cho mọi hoạt động lãnh đạo của Đảng, nhất là của Nhà nước, kể từ khi nước ta giành được tự do, độc lập tới nay. Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc khỏi ách xâm lược của thực dân, đế quốc, bên cạnh việc động viên cao độ sức người, sức của để đánh thắng kẻ thù, Đảng và Nhà nước ta vẫn chú trọng quan tâm kết hợp giữa "kháng chiến và kiến quốc"; "vừa sản xuất, vừa chiến đấu"; "làm giàu, đánh thắng"… Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ mới được thành lập, phải đối phó với các nguy cơ "thù trong, giặc ngoài", việc quan tâm hàng đầu của Đảng ta vẫn là chống "giặc đói, giặc dốt". Trong thử thách ác liệt của những năm chống đế quốc Mỹ xâm lược, mặc dù phải tập trung hàng đầu cho chiến thắng ở chiến trường, song Đảng và Nhà nước ta vẫn quan tâm thích đáng tới các vấn đề xã hội, trực tiếp liên quan tới những nhu cầu thiết yếu của người dân, nhất là về lương thực, điều kiện học tập và y tế… Ngay trong những ngày tháng nóng bỏng nhất của cuộc chiến tranh, Việt Nam vẫn có những đội tuyển học sinh xuất sắc tham dự và giành nhiều giải cao trong các kỳ thi quốc tế; đồng thời, có những thành tựu đáng kể trong các lĩnh vực y học, khoa học – kỹ thuật… Thắng lợi oanh liệt của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc ta được tạo nên bởi nhiều nguyên nhân, song có một nguyên nhân hết sức quan trọng là sự hy sinh, phấn đấu tự giác vô bờ bến của quân và dân, một khi họ đã thống nhất cao độ về lý tưởng: chiến đấu vì quyền con người của mình và cho mình.

Hiện nay, trong điều kiện đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc chăm lo quyền cơ bản của người dân vừa đòi hỏi, vừa có những khả năng, điều kiện mới để thực hiện được đầy đủ, toàn diện với chất lượng cao hơn. Phấn đấu thực hiện "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" đang là mục tiêu của toàn Đảng, toàn dân ta; đồng thời, mục tiêu này đã bao hàm đầy đủ các tiêu chí về nhân quyền trong điều kiện mới, hoàn cảnh mới.

Việc thực hiện nhân quyền ở nước ta hiện nay được bảo đảm trước hết thông qua các định chế mang tính pháp lý quy định quyền lợi cả về vật chất, tinh thần của mọi người dân, thuộc mọi dân tộc, tôn giáo. Điều 50 của Hiến pháp năm 1992 xác định: "Ở nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng – thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật". Thông qua các sinh hoạt chính trị, xã hội, ở các mức độ khác nhau vừa qua, người dân có thể trực tiếp hoặc thông qua đại diện của mình là các đại biểu Quốc hội tham gia xây dựng hàng chục bộ luật mới trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhiều điều luật đã phát huy tốt tác dụng, tạo ra những hành lang pháp lý cần thiết về nhân quyền trên bình diện toàn xã hội nói chung, trong từng địa bàn dân cư và cá nhân nói riêng. Việt Nam đã tham gia có trách nhiệm vào các Công ước quốc tế về quyền con người.

Trên bình diện vĩ mô, vai trò của Nhà nước ngày càng phát huy có hiệu quả trong việc tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; khắc phục những hạn chế, lạc hậu ở các địa phương, các đối tượng khó khăn, cơ nhỡ. Thông qua các chính sách, các cuộc vận động xã hội nhân đạo do chính quyền, đoàn thể các cấp tổ chức đã góp phần điều tiết, làm giảm đi sự bất bình đẳng, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về giàu nghèo, trình độ dân trí, văn hóa… trong các khu vực dân cư. Từ một quốc gia thường xuyên thiếu đói, nước ta đã tạo ra bước phát triển nhảy vọt về sản xuất lương thực, trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu lương thực. Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là nước đã giải quyết thành công nhất việc xóa đói, giảm nghèo. Gắn liền với sự tăng trưởng kinh tế, vấn đề chăm lo sự tiến bộ, công bằng xã hội đã được hết sức chú trọng. Mặc dù trình độ kinh tế chưa thoát khỏi tình trạng kém phát triển nhưng những nỗ lực và kết quả của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong việc giải quyết hậu quả sau chiến tranh, phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Với sự quan tâm ưu tiên phát triển các địa phương, nhất là đối với các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng núi, biên giới, dân tộc thiểu số đang có sự phát triển tích cực. Tình trạng thiếu đói đã được đẩy lùi một cách đáng kể, bộ mặt kết cấu hạ tầng, đời sống văn hóa, trình độ dân trí, các điều kiện thiết yếu bảo đảm đời sống đã được cải thiện.

Cũng như nhiều quốc gia tiến bộ khác, quyền tự do tín ngưỡng và quyền sinh hoạt tôn giáo hợp pháp ở Việt Nam đã được chú trọng ngày càng đầy đủ theo đúng Công ước quốc tế và Hiến pháp nước ta. Đại hội IX của Đảng một lần nữa đã khẳng định: "Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao đời sống của đồng bào". Trên thực tế, các hoạt động tín ngưỡng, sinh hoạt tôn giáo hợp pháp ở Việt Nam hiện nay không những được diễn ra bình thường mà còn có sự phát triển. Nếu so với trước năm 1975, hiện nay số lượng các nhà tu hành, chức sắc tôn giáo, tín đồ đã tăng lên đáng kể. Các cơ sở thờ tự tôn giáo hợp pháp, các trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành và việc xuất bản các kinh sách phục vụ cho hoạt động tôn giáo đều có sự phát triển.

Trong đời sống chính trị, xã hội, vấn đề dân chủ, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân đã có sự chuyển biến quan trọng. Các thiết chế bảo đảm để nâng cao hiệu quả thực tế việc thực hiện dân chủ đã không ngừng được củng cố, tăng cường. Đã có sự đổi mới về thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở; chế độ tiếp dân, giải quyết các đơn thư tố cáo, khiếu nại của công dân. Từng bước người dân có thể tham gia đóng góp, chất vấn, phê bình, kiểm tra đối với các tổ chức công quyền, các đại diện mà mình tham gia bầu lên. Cũng cần thấy rằng, hoạt động này còn mới mẻ đối với chúng ta, các điều kiện bảo đảm cho hoạt động này chưa thật sự đầy đủ, đồng bộ đã dẫn tới không tránh khỏi những hạn chế, bất cập nhất định. Song từ kết quả thực tế, nhất là các tiền đề và chiều hướng phát triển đã có cơ sở bảo đảm để mục tiêu "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" đối với các vấn đề trọng đại của đất nước, từng địa phương và cá nhân ngày càng trở thành hiện thực.

Những sự phát triển tích cực về tình hình nhân quyền, nhất là trên các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, dân chủ ở Việt Nam hiện nay là một thực tế hiển nhiên. Thế nhưng ở đâu đó, lúc này hoặc lúc khác do các nguyên nhân khác nhau, trong đó có sự tỵ hiềm, thù địch về chính trị hoặc bất mãn, chống đối với chính thể, một số cá nhân nào đó đã cố tình phớt lờ thực tế, nhìn nhận xã hội Việt Nam nói chung, tình hình nhân quyền ở nước ta nói riêng hết sức méo mó, sai lệch. Điều nguy hại là, họ còn lợi dụng những thế lực, những diễn đàn nào đó để áp đặt những nhận định, chính sách phi lý về nhân quyền đối với chúng ta. Họ cố tình lờ đi thực tế là, nếu nói tới nhân quyền, điều trước hết cần đề cập là những quyền cơ bản của tuyệt đại nhân dân, trước hết là nhân dân lao động – những người đã đóng góp trực tiếp, trước hết vào sự phát triển, tiến bộ xã hội. Điều này đã và đang tiếp tục là mối quan tâm, thực hiện có hiệu quả của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam trước đây và hiện nay.


(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t 4, tr VIII (2) Hồ Chí Minh: Sđd, t 4, tr VIII

SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 53 NĂM 2004

One Response

  1. Do la cac quyen co ban cua nhan quyen. Nhung quyen ma 1 con nguoi binh thuong bat buoc phai co.
    The nhung nhan quyen dau chi han hep nhu vay. Con quyen tu do bau cu, tu do bao chi, tu do ngon luan. Nhung van de do dau ca roi. Tai sao nguoi viet khong binh luan gi ve van de nay?

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading