admin@phapluatdansu.edu.vn

BẢO ĐẢM ĐỊNH HƯỚNG NỀN KINH TẾ TRONG ĐA DẠNG HOÁ CÁC HÌNH THỨC CÔNG HỮU

TS. NGUYỄN MINH KHẢI – Học viện Chính trị-Quân sự

Trong công cuộc đổi mới kinh tế hiện nay ở nước ta, việc giải quyết vấn đề sở hữu, trong đó có quan hệ giữa công hữu và tư hữu, các hình thức của chế độ công hữu cũng như quan hệ của các vấn đề đó đối với tiến trình định hướng xã hội chủ nghĩa nền kinh tế, đang là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng.

Chúng ta đều biết, chế độ công hữu về tư liệu sản xuất (chế độ sở hữu xã hội) là chế độ mà quyền chiếm hữu những tư liệu sản xuất chủ yếu thuộc về xã hội dưới nhiều hình thức do nhân dân lao động làm chủ (quan hệ sở hữu chỉ được gọi là chế độ sở hữu một khi nó được pháp luật thừa nhận và bảo vệ, nghĩa là nó chỉ tồn tại khi còn nhà nước).

Theo chúng tôi, khi bàn đến chế độ công hữu với tư cách vừa là phương tiện kinh tế, vừa là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn hiện nay cần khai thác thêm một số khía cạnh, như: quy mô của chế độ công hữu (quan hệ về lượng giữa công hữu và tư hữu); trình độ của chế độ công hữu (quan hệ về chất giữa công hữu và tư hữu); đặc biệt cần quan tâm đến các hình thức của chế độ công hữu trong tiến trình định hướng xã hội chủ nghĩa nền kinh tế nước ta.

Về những hình thức cụ thể, có lẽ cũng không nên chỉ đóng khung chế độ công hữu trong hai hình thức sở hữu chính, đó là sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể. Trên thực tế việc thừa nhận thành phần kinh tế nhà nước theo nghĩa rộng, bao gồm toàn bộ lợi ích và vốn của nhà nước có cả trong những thành phần kinh tế khác dưới hình thức góp vốn, liên doanh, liên kết, tô nhượng… đã phần nào nói lên tính chất đa dạng của chế độ công hữu. Trên cơ sở những nhận thức mới về hình thức của chế độ công hữu cần có sự gắn kết ngay từ đầu các hình thức công hữu phù hợp với trình độ và quy mô công hữu, có như vậy chúng ta mới triệt để khắc phục được những sai lầm giáo điều, chủ quan, duy ý chí trước đây.

Lâu nay khi nói đến thành công cũng như những tồn tại của quá trình đổi mới kinh tế chúng ta thường nhấn mạnh đến đổi mới cơ chế và chính sách kinh tế. Điều đó là hoàn toàn đúng, song chưa đủ. Và nếu như vậy thì chúng ta chưa thật sự đánh giá hết vai trò của việc xử lý các mối quan hệ về sở hữu, về thành phần kinh tế và các hình thức tổ chức kinh tế trong thời gian qua.

Việc xử lý các quan hệ sở hữu trong những năm qua của Đảng và Nhà nước ta đã có đóng góp rất to lớn vào thành tựu tăng trưởng kinh tế. Điều đó có thể giúp chúng ta suy luận được rằng, những cản trở lớn nhất của chúng ta hiện nay lại nằm chính ở sự lúng túng trong xử lý quan hệ sở hữu, trong đó có quan hệ công hữu. Hay nói rộng ra chúng ta vẫn còn lúng túng trong xử lý các vấn đề thuộc quan hệ sản xuất. Cũng với lôgic đó cần phải thấy những tồn tại, yếu kém trong chính sách kinh tế không chỉ có ở chính sách tài chính, tiền tệ, đầu tư, thị trường, quản lý ngân sách… mà còn ở chính sách về quan hệ sản xuất, cũng như lộ trình xây dựng quan hệ sản xuất mới, tiến bộ ở nước ta.

Để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đưa đổi mới đi vào chiều sâu, tạo môi trường thuận lợi cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thu được nhiều thắng lợi hơn nữa, đòi hỏi chúng ta phải giải quyết tốt quan hệ sở hữu, hình thành một hệ thống quan hệ sở hữu phù hợp (trong đó có công hữu) với đòi hỏi khách quan của nền sản xuất xã hội. Cùng với tiến trình xã hội hoá lực lượng sản xuất do công nghiệp hoá, hiện đại hoá mang lại con đường cơ bản của sự phát triển quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nước ta là sự hình thành đa dạng các hình thức sở hữu hỗn hợp, đan kết lẫn nhau giữa hai nhân tố công hữu và tư hữu bằng những hình thức kinh tế trung gian quá độ. Trong đó, nhân tố công hữu sẽ ngày càng tăng lên thông qua một quá trình tích luỹ về lượng bằng những định hướng của nhà nước chuyên chính vô sản phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất, yếu tố công hữu sẽ ngày càng làm tốt hơn vai trò chi phối và chủ đạo trong nền kinh tế và cũng là một tất yếu kinh tế trong quan hệ công hữu – tư hữu, tư hữu sẽ chỉ giảm đi về mặt tỷ trọng tương đối trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân mà thôi. Các hình thức kinh tế quá độ để chuyển tư hữu thành công hữu là rất đa dạng, thực tiễn cuộc sống và sự phát triển tư duy lý luận sẽ ngày càng bổ sung thêm những hình thức mới. Cho đến nay chúng ta có thể khẳng định để chuyển tư hữu thành công hữu không chỉ bằng con đường tịch thu, quốc hữu hoá hay bằng chủ nghĩa tư bản nhà nước mà có thể là phát triển rộng rãi các hình thức của kinh tế hợp tác, các công ty cổ phần và các tổ chức kinh tế của những người lao động làm chủ.

Về sở hữu toàn dân, trong các trước tác của mình C.Mác cho rằng, bản chất của sở hữu toàn dân là sở hữu xã hội. Trong điều kiện toàn dân với tư cách là người chủ xã hội chưa thể chi phối một cách trực tiếp những tư liệu sản xuất do mình làm chủ thì có thể thông qua đại diện của mình để nắm và vận hành những tư liệu sản xuất đó, đại diện đó chính là nhà nước chuyên chính vô sản, đại biểu cho quyền lợi của toàn dân, vì thế chế độ sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất chuyển thành chế độ sở hữu nhà nước. Với lý do đó có thể khẳng định, thực chất sở hữu nhà nước chỉ là một hình thức của sở hữu xã hội (toàn dân), nhà nước là đại diện cho hình thức sở hữu công cộng.

Cần nói thêm rằng sở hữu tập thể cũng là một hình thức sở hữu công cộng ở mức thấp và đại diện. Theo lôgic này giống như để thực hiện quyền dân chủ, lúc đầu là dân chủ đại diện và sau đó là tăng dần dân chủ trực tiếp và yếu tố trực tiếp ngày càng tăng lên, để xây dựng chế độ công hữu chúng ta phải chú ý đến hình thức sở hữu công cộng trực tiếp không thông qua một cơ chế uỷ quyền và đại diện. Bản thân sở hữu công cộng trực tiếp cũng phải kết hợp hài hoà được ba lợi ích: xã hội, tập thể và cá nhân.

Có thể khẳng định rằng chế độ công hữu sẽ không thể phát huy tính tích cực trong sự tác động trở lại của quan hệ sản xuất đối với lực lượng sản xuất nếu không từng bước xác lập quyền làm chủ trực tiếp tư liệu sản xuất, cũng như trong phân phối và quản lý sản phẩm của những người lao động. Nếu theo quy luật hình thức công hữu trực tiếp ngày càng lớn dần và chiếm ưu thế tuyệt đối, còn hình thức công hữu đại diện gắn với sứ mệnh của nhà nước chuyên chính vô sản sẽ ngày càng thu hẹp lại và điều này hoàn toàn đúng với tư tưởng của các nhà kinh điển cho rằng, đến chủ nghĩa cộng sản nhà nước sẽ không còn tồn tại, cũng có nghĩa là lúc đó không còn hình thức công hữu đại diện nữa.

Từ một số ý kiến trên, theo chúng tôi trong quá trình xây dựng quan hệ sản xuất theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta cần khẳng định một số vấn đề sau:

Một là: Xác lập quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa phải lấy chế độ công hữu làm mục tiêu và phương tiện để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, song không phải bằng con đường tự phát hoặc làm bằng bất cứ giá nào, mà phải tìm tòi sáng tạo các hình thức công hữu đa dạng với mức độ tiến hoá khác nhau, có khả năng kích thích quá trình tích tụ, tập trung sản xuất và xã hội hoá lao động – sử dụng các hình thức sở hữu hỗn hợp và sở hữu tư nhân như là sự bổ sung hợp quy luật cho sở hữu công cộng.

Hai là: Chúng ta chấp nhận sở hữu tư nhân (cả sở hữu tư sản và sở hữu nhỏ), phát huy tính tích cực của nó, song không phải không cần có định hướng, không được để nó giữ vai trò chủ đạo dẫn tới sự ra đời kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa.

Ba là: Tiếp tục đổi mới và phát triển có hiệu quả kinh tế nhà nước nhằm làm tốt vai trò chủ đạo; làm đòn bẩy đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và giải quyết những vấn đề xã hội; mở đường, hướng dẫn, hỗ trợ các thành phần kinh tế khác cùng phát triển; làm lực lượng vật chất để nhà nước thực hiện chức năng điều tiết kinh tế vĩ mô; tạo nền tảng cho xã hội mới.

Để làm tốt vai trò này cần xác lập cơ chế thực hiện quyền sở hữu nhà nước bao gồm quyền sở hữu, quyền định đoạt, quyền sử dụng và quyền hưởng thụ kết quả. Một phần không nhỏ tài sản nhà nước hiện nay không rõ ai là người làm chủ thực sự: nhà nước, toàn dân hay một nhóm các giám đốc doanh nghiệp nhà nước, hay thủ trưởng các cơ quan nhà nước ? nếu không có cơ chế hữu hiệu thì đây chính là yếu tố triệt tiêu hiệu quả của kinh tế nhà nước, làm yếu vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.

Bốn là: Xác lập quyền sở hữu trực tiếp của người lao động thông qua cơ chế, tạo cho người lao động được làm chủ tư liệu sản xuất dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau để tăng dần sở hữu công cộng trực tiếp.

Năm là: Cuộc đấu tranh giữa hai xu hướng tự phát lên chủ nghĩa tư bản và xu hướng tự giác sử dụng chủ nghĩa tư bản để xây dựng chủ nghĩa xã hội là một trong những nội dung của đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc ở nước ta hiện nay. Tự giác, chủ động phát huy mặt tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực của chủ nghĩa tư bản, của kinh tế thị trường, xây dựng và củng cố cơ sở kinh tế xã hội chủ nghĩa là yếu tố đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước./.

SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 48 NĂM 2003

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading