Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO THEO TÍN CHỈ NGÀNH LUẬT THỜI HỘI NHẬP

Advertisements

PHÁP LUẬT VIỆT NAM – Giáo dục đại học ở Việt Nam đang đứng trước những thách thức không nhỏ từ yêu cầu của xã hội, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và đặc biệt giáo dục đại học của Việt Nam đang tụt hậu khá xa so với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Một trong những giải pháp được nhắc tới nhiều trong giai đoạn hiện nay là việc chuyển từ hệ thống đào tạo truyền thống vốn có sang đào tạo theo tín chỉ – một mô hình chúng ta học tập từ các trường đại học của nước ngoài. Phương thức đào tạo theo tín chỉ hiện đang được đánh giá là phương thức đào tạo tiên tiến với nhiều ưu điểm. Cũng như các ngành đào tạo khác trong hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam, ngành luật cũng cần chuyển sang hình thức đào tạo theo tín chỉ.

1. Xây dựng chương trình đào tạo theo tín chỉ ngành Luật thời hội nhập – Khó hay dễ?

Chương trình đào tạo theo tín chỉ bao gồm hệ thống các môn học bắt buộc và các môn học tự chọn. Các môn học bắt buộc là lượng kiến thức mà sinh viên bắt buộc phải tích lũy và không có quyền lựa chọn. Các môn học tự chọn được xây dựng một cách linh hoạt, với số lượng các môn học trong danh sách tự chọn phong phú, đa dạng để sinh viên có thể lựa chọn những môn phù hợp nhằm tích lũy đủ số tín chỉ cần thiết để được cấp bằng. Đối với ngành luật, chương trình đào tạo theo tín chỉ cũng được phân chia thành các môn học bắt buộc và các môn học tự chọn. Vấn đề là việc xây dựng và sắp xếp các môn học, cũng như phân định các môn học bắt buộc hay tự chọn dựa trên tiêu chí nào?

Theo Điều 3 Khoản 2 Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ (ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), “học phần bắt buộc là học phần chứa đựng những nội dung kiến thức chính yếu của mỗi chương trình và bắt buộc sinh viên phải tích lũy; học phần tự chọn là học phần chứa đựng những nội dung kiến thức cần thiết, nhưng sinh viên được tự chọn theo hướng dẫn của trường nhằm đa dạng hóa hướng chuyên môn hoặc được tự chọn tùy ý …”. Vậy thì nội dung kiến thức nào là chính yếu, và nội dung kiến thức nào là cần thiết? Bộ Giáo dục và Đào tạo có cần làm rõ hơn quy định trên hay không?

Hội nhập quốc tế tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mọi lĩnh vực pháp luật (như lĩnh vực pháp luật kinh tế – thương mại, pháp luật hành chính, pháp luật dân sự, pháp luật hình sự, …), nhưng trước hết là thách thức đối với lĩnh vực pháp luật quốc tế, đặc biệt pháp luật thương mại quốc tế, trong điều kiện Việt Nam là nước có tư duy nông nghiệp đang phải tham gia “luật chơi” thương mại toàn cầu. Do nhận thức được điểm yếu đó trong tiến trình hội nhập, nên việc đưa các môn học về hội nhập kinh tế quốc tế và WTO vào chương trình đào tạo của các trường đại học và các trường Đảng, đã trở thành chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Bên cạnh đó, nhu cầu hiểu biết về pháp luật quốc tế, pháp luật nước ngoài đang đặt ra những đòi hỏi cấp bách đối với các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp và đội ngũ luật sư, tư vấn pháp luật của Việt Nam. Các cử nhân Luật cần được trang bị đầy đủ và toàn diện kiến thức về pháp luật quốc tế, pháp luật nước ngoài, đặc biệt là pháp luật thương mại quốc tế, luật so sánh, … Điều này chắc chắn tác động đến định hướng xây dựng chương trình đào tạo theo tín chỉ ngành luật thời hội nhập. Vấn đề đặt ra là: làm thế nào để đưa các môn học mới nhưng rất “chính yếu” thuộc lĩnh vực pháp luật quốc tế, pháp luật nước ngoài vào chương trình đào tạo, trong khi thời lượng chương trình đào tạo có hạn và không dễ gì cắt hoặc hoặc giảm thời lượng các môn luật truyền thống?

Trong số các môn học thuộc lĩnh vực pháp luật quốc tế, ngoài những môn học truyền thống như Công pháp Quốc tế và Tư pháp Quốc tế, môn Luật Thương mại Quốc tế cần được nhìn nhận và đưa vào chương trình đào tạo theo tín chỉ như một mảng kiến thức bắt buộc đối với sinh viên luật. Việc các trường đại học quan tâm đến sự phát triển của môn học Luật Thương mại Quốc tế, như các môn học bắt buộc khác trong chương trình đào tạo, chính là sự đáp ứng nhu cầu chính trị, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Bên cạnh môn Luật Thương mại Quốc tế, một môn học khác cũng đang được quan tâm khi xây dựng chương trình đào tạo ngành luật là môn Pháp luật ASEAN. Đây là môn học có nội dung gì? Là kiến thức “chính yếu” hay kiến thức “cần thiết”? Môn học này nên được xây dựng thành học phần bắt buộc hay học phần tự chọn trong chương trình đào tạo ngành luật?  

Theo chúng tôi, trong trường hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo không quy định rõ hơn về Điều 3 Khoản 2 Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ nêu trên, các trường đại học vẫn có thể xác định nội dung kiến thức nào là “chính yếu”, nghĩa là xác định được học phần nào là bắt buộc, dựa trên các tiêu chí cơ bản sau đây:

– Chương trình đào tạo phải được xây dựng trên cơ sở chương trình khung ngành luật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

– Chương trình đào tạo cần được xây dựng phù hợp với thông lệ quốc tế;

– Cố gắng tránh sự trùng lặp nội dung giữa các môn học, nhất là các môn học bắt buộc;

– Chương trình đào tạo cần đáp ứng được các nhu cầu của xã hội, đặc biệt là nhu cầu của người sử dụng lao động;

– Chương trình đào tạo cần được xây dựng phù hợp với định hướng phát triển của trường đại học, của ngành, góp phần thực hiện các mục tiêu và chiến lược phát triển của Đảng và Nhà nước.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các trường đại học phải thực hiện chế độ báo cáo cơ quan chủ quản và các cơ quan cấp trên về các hoạt động của trường theo quy định hiện hành. Cơ quan chủ quản phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện quản lý Nhà nước đối với các trường đại học trực thuộc. Do đó, việc xây dựng chương trình đào tạo của trường đại học, trong chừng mực nhất định, phải tính tới sự phù hợp với chiến lược phát triển của ngành chủ quản và theo định hướng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Xây dựng chương trình đào tạo theo tín chỉ ngành luật thời hội nhập – Không thể dựa vào cảm tính

Việc xây dựng chương trình đào tạo theo tín chỉ đối với bất kỳ ngành khoa học nào cũng phải căn cứ trước hết vào các quy định pháp luật hiện hành về giáo dục – đào tạo như: Luật Giáo dục năm 2005, Điều lệ Trường đại học năm 2003, Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ (ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 15/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Theo các quy định pháp luật nêu trên, chương trình giáo dục của các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam cần phải được xây dựng và ban hành trên cơ sở chương trình khung giáo dục ngành luật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định và căn cứ vào nhiệm vụ đào tạo của nhà trường (Điều 41 khoản 1 Luật Giáo dục năm 2005; Điều 6 khoản 4 Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/08/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Điều 10 khoản 2 và Điều 15 khoản 1 Điều lệ Trường Đại học được ban hành kèm theo Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg ngày 30/7/2003; Điều 2 khoản 2 Quy chế đào tạo Đại học và Cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ được ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 15/08/2007). Ngày 16/9/2005, Chương trình khung giáo dục ngành luật đã được ban hành kèm theo Quyết định số 29/2005/QĐ-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong khối kiến thức bắt buộc của chương trình khung, có môn Luật Thương mại Quốc tế với thời lượng 45 tiết. Đây là thời lượng tối thiểu để các trường đại học xây dựng chương trình đào tạo của mình. Do đó, khi xây dựng chương trình đào tạo theo tín chỉ, các cơ sở đào tạo luật phải đưa môn Luật Thương mại Quốc tế vào chương trình, ít nhất là nhằm mục đích tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về giáo dục – đào tạo (chưa tính đến các tiêu chí khác như đáp ứng nhu cầu xã hội, nhu cầu chính trị…).

Trong việc xây dựng chương trình đào tạo theo tín chỉ, ngoài tiêu chí tuân thủ chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần phải cân nhắc đến tiêu chí nâng cao năng lực cạnh tranh của cơ sở đào tạo. Theo đó, trong thời gian gần đây, Đại học Luật Hà Nội – cơ sở đào tạo luật lớn nhất Việt Nam, đã có một số động thái thể hiện sự quan tâm nhằm phát triển môn học Luật Thương mại Quốc tế, như: xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ liên kết với Trường Đại học Tây Anh Quốc về Luật Thương mại Quốc tế; nghiên cứu việc nhập khẩu chương trình đào tạo tiên tiến của Hoa Kỳ, trong đó dự kiến lựa chọn nhập khẩu chương trình đào tạo Luật Thương mại Quốc tế. Là trường đại học trực thuộc Bộ Tư pháp, Đại học Luật Hà Nội được sự quan tâm lớn của Bộ chủ quản và Ngành Tư pháp trong việc xây dựng Đề án Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm trình Chính phủ. Đề án đề cập đến nội dung xây dựng một số môn học và bộ môn trở thành trọng điểm, trong đó có môn Luật Thương mại Quốc tế. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn của Đại học Luật Hà Nội so với các cơ sở đào tạo luật khác trong cả nước.

Theo Điều lệ Trường đại học năm 2003, các trường đại học được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế, tổ chức và nhân sự, nhưng trong khuôn khổ pháp luật và Điều lệ Trường đại học. Theo đó, các trường đại học phải thực hiện chế độ báo cáo cơ quan chủ quản và các cơ quan cấp trên về các hoạt động của trường theo quy định hiện hành; cơ quan chủ quản phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện quản lý Nhà nước đối với các trường đại học trực thuộc; trường đại học chịu sự kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan chủ quản và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Do đó, việc xây dựng chương trình đào tạo theo tín chỉ ngành luật, trước hết phải tuân thủ chương trình khung giáo dục ngành luật do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, tiếp theo là phải tính tới sự phù hợp với chiến lược phát triển của Ngành chủ quản. Cuối cùng, quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường Đại học thiết nghĩ cũng phải dựa trên trách nhiệm đối với sự nghiệp đào tạo thế hệ luật gia thời hội nhập cho đất nước, đối với sự phát triển của xã hội trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO.

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT VIỆT NAM

Trích dẫn từ:

http://www.moj.gov.vn/p/tag.idempotent.render.userLayoutRootNode.target.n472.uP?uP_root=me&cmd=item&ID=12742

Exit mobile version