LÝ LAN
Tôi đã trở lại trạm chờ xe buýt đó để chụp một tấm hình, trong trường hợp miêu tả bằng lời của tôi không gợi được trí tưởng tượng của người đọc.
Đây là một đoạn vài chục mét ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai và Cách Mạng Tháng Tám. Trên hình có thể thấy lần lượt: một thùng rác công cộng màu xanh lá cây mới toanh, một gốc cây dầu cổ thụ, vỏ cây mốc thếch nứt nẻ, một trụ sắt sơn màu xanh dương cạnh một chàng trai trẻ, đó là trụ cắm bảng ghi các tuyến xe buýt dừng ở trạm này. Trụ xi măng cạnh đó là cột đèn đường, và cái trụ xanh lơ chống đỡ cái khung kiếng chữ nhật là cột điện thoại công cộng. Tiếp đến là hai gốc cây dầu nữa, một cây bị gắn tấm bảng to thông báo hay tuyên truyền gì đó, cuối cùng là cột đèn giao thông.
Chắc có người đang chau mày nghĩ xem câu đố núp ở chỗ nào. Ôi, có đố điếc gì đâu, tôi chỉ muốn ghi lại một góc đường Sài Gòn quen mà lạ, cũ mà mới.
Quen vì góc đường này tôi đi lại không biết bao nhiêu lần thuở còn là nữ sinh, rồi bẵng đi ba mươi mấy năm trời không có dịp đạp xe thong thả ngang qua ngắm trái dầu bay, bỗng dưng hôm nay tôi nhận ra mình đang đứng chờ xe buýt đúng cái chỗ mà ngày xưa có một người đứng chờ tôi đạp xe ngang qua để chạy theo! Những trụ đèn đường, điện thoại công cộng, trụ bảng xe buýt, kể cả cái thùng rác, đều là những vật mới bổ sung vào ba gốc cây dầu cũ kỹ ngày nào!
Cái thùng rác, căn cứ vào màu sơn tươi rói, hẳn là vật mới nhất, trông nó có vẻ tự hào chính đáng. Nếu nhìn hướng ngược lại, về phía Chợ Lớn, dài dài theo lề đường, cách quãng đều đặn, là những cái thùng rác công cộng xinh xắn tươi mới tương tự. Vụ này hẳn là nằm trong một chiến dịch chống xả rác của nhà nước. Trên xe buýt, tôi thấy có mấy sọt rác bằng giỏ nhựa để dưới gầm ghế và được cột dính vô chân ghế. Một hành khách xả miếng giấy gói kẹo xuống sàn xe bị mắng ngay “Không thấy giỏ rác hả?”. Tôi chứng kiến việc này thấy khoái lắm.
Bởi vì hồi tám tuổi (nhớ chính xác vì năm đó cha tôi đưa gia đình về Chợ Lớn sống, đến giỗ mới dắt về quê bằng xe đò) tôi vừa mới biết đọc, lên xe đò ngó thấy mấy tấm bảng có chữ là đọc vanh vách “Đừng thò tay ra ngoài”, “Đừng xả rác xuống đường”, đặc biệt khi sắp qua cầu Bình Lợi (hồi đó chưa có cầu Bình Triệu) lơ xe rảo một vòng như tiếp viên hàng không trước khi máy bay cất cánh, nhắc nhở ai có con nhỏ phải giữ, không cho thò tay thò đầu ra ngoài cửa sổ, và nhắc đi nhắc lại bà con bỏ rác xuống sàn xe, chứ đừng liệng ra ngoài, kẻo bị phạt nặng. Hai đầu cầu lúc đó đều có vọng gác. Khi xe đến bến, anh lơ thường phải quét rác trên xe, hốt ra một đống bã mía, lá chuối, gương sen, vỏ đậu phộng…
Mười mấy năm lại đây, xe hơi riêng và xe công các loại có máy lạnh dần dà phổ biến, ngó bộ sang trọng, nhưng người ngồi trên xe có rác, thậm chí đầu thuốc lá còn cháy, cứ quay kiếng xuống, liệng ra ngoài, nhân tiện khạc rồi nhổ phẹt ra ngoài một cái, xong quay kiếng lên. Tôi đi xe đò chất lượng cao bị tài xế rầy hoài vì không chịu liệng rác ra ngoài lúc xe đang chạy, mà bỏ rác trên xe làm dơ cái xe có bọc nhung lót thảm của ổng. Tôi muốn hỏi vậy sao ông không sắm cái giỏ rác để trên xe, mà thật tình không dám. Nay thấy xe buýt bình dân mà có giỏ rác trên xe không khoái sao được.
Lúc tôi cầm máy chụp hình cái góc đường kỷ niệm mối tình học trò này, một ông ngồi trên xe gắn máy ăn xong hộp cơm, liệng cái hộp vô chân hàng rào, rồi đưa tay xuống phẹc mơ tuya quần. Hành động trước của anh ta tôi còn hiểu được, vì tuy thùng rác cách chân anh không tới năm thước, nhưng phải đi vòng qua gốc cây để bỏ vô thùng, quả là mất công. Nhưng hành động sau thì tôi hết biết.
Nhớ năm ngoái, gặp lại bạn học cũ, cùng nhau đi dạo phố, vừa đi vừa ăn vặt như thời… con gái. Cầm miếng giấy gói bánh, tôi ngó dáo dác tìm thùng rác, bạn tôi cười: “Thấy mày làm vậy là biết mày ở nước ngoài mới về”. Tôi giận hết sức. Không phải khoe khoang gì, nhưng cái giáo dục không xả rác nơi công cộng tôi được lơ xe dạy cho từ hồi 8 tuổi ngồi xe đò Sài Gòn – Bình Dương, chứ có phải đợi qua tới Mỹ hay Pháp mới học được đâu.
Nhưng đúng là tập quán xã hội có liên quan đến nhiều thứ khác, mà giáo dục của từng cá nhân có thể bị môi trường làm biến dạng dễ dàng. Dù sao, tôi đã sống qua giai đoạn biến chuyển từ thời kỳ lơ xe nhắc nhở hành khách đừng xả rác xuống đường đến thời kỳ tài xế ép hành khách liệng đại rác ra khỏi xe đang chạy, tôi thấy sự suy hoại tập thể có quá trình hẳn hoi, chứ không đến nỗi một sáng một chiều. Nên chắc chắn giai đoạn chuyển biến tiếp từ thời kỳ rác đụng đâu xả đó đến lúc rác được bỏ vô thùng rác chắc cũng cần một quá trình. Đành phải kiên nhẫn thôi.
==============================
PHAN TRỌNG HIỀN
PHÚ QUÍ GIẬT LÙI
Trong bài Đành phải kiên nhẫn thôi! trên TBKTSG ra ngày 30-4-2009, nhà văn Lý Lan tỏ ý phàn nàn khi bị bạn bè cho rằng thói quen không xả rác của chị là do học được khi sống ở nước ngoài. Chị thanh minh rằng chị đã được một anh lơ xe đò dạy cho từ khi mới lên 8 tuổi, tức hơn 40 năm về trước.
Tôi là cư dân Sài Gòn – Gia Định lâu đời, sống cùng thời với chị Lý Lan, nên rất đồng cảm với những gì chị viết trong bài. Đến tận bây giờ, giống như chị Lý Lan, tôi cũng giữ được thói quen không xả rác bậy, nhờ thuở nhỏ được dạy kỹ trong gia đình và nhà trường.
Hiện nay, ngoài việc xả rác bừa bãi, nhiều thanh thiếu niên – kể cả học sinh, sinh viên – còn có một thói xấu khác là chửi thề, văng tục quá nhiều. Thời chúng tôi còn nhỏ, nhiều gia đình nề nếp, gia giáo dạy con rất nghiêm, con cái họ không hề chửi thề!
Tôi có một kỷ niệm nhớ đời về chuyện này: Cách đây bốn mươi mấy năm, thuở tôi khoảng 10 tuổi, có lần em kế tôi bắt chước bạn bè, thốt lên mấy “tiếng đan mạch” (Đ.M), bị má tôi nghe được. Ngay lập tức, bà bắt nó đứng khoanh tay, đồng thời triệu tập tất cả anh chị em chúng tôi lại răn dạy, rồi tát mạnh vào má em tôi hai cái; bắt nó xin lỗi và hứa: “Con xin lỗi má, từ nay về sau con không dám chửi thề, nói bậy nữa!”. Từ đó cho đến tận bây giờ, tất cả anh chị em chúng tôi đều không chửi thề và con, cháu chúng tôi cũng vậy.
Điều mà tôi muốn chia sẻ thêm là vấn đề lương tâm nghề nghiệp của công dân – yếu tố đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội. Trước 1975, môn công dân giáo dục rất chú trọng dạy dỗ học sinh điều này. Lương tâm nghề nghiệp, hiểu một cách đơn giản, là tinh thần trách nhiệm đối với công việc phải làm hàng ngày của mỗi người, dù cho mục tiêu là kiếm tiền để sống. Người có lương tâm nghề nghiệp luôn toàn tâm toàn ý với công việc, không làm dối, làm ẩu; làm việc gì cho ai cũng tận tình như làm cho chính mình hoặc cho gia đình mình.
Nghiên cứu các nước phát triển, tôi thấy họ làm tốt việc giáo dục lương tâm nghề nghiệp cho công dân, khiến mỗi người, dù làm bất cứ việc gì, ở đâu, cũng đặt vấn đề chất lượng, hiệu quả lên hàng đầu, không có chuyện làm dối, làm ẩu! Thí dụ, những công trình mà người Pháp, người Mỹ xây dựng trên đất nước ta, tuổi thọ nhiều công trình đến nay cũng từ 40 năm đến cả trăm năm, nhưng chất lượng vẫn còn tốt! Ngược lại, nhiều tổ chức, công ty, công nhân Việt Nam thường có thói quen làm dối, làm ẩu, nhiều công trình trị giá cả trăm, ngàn tỉ đồng nhanh chóng “xuống cấp”.
Ở TPHCM, tai tiếng nhất có lẽ là cây cầu Văn Thánh 2. Để cho “nhẹ tội”, có người đưa ra lập luận: do điều kiện địa chất ở đây không tốt(!). Họ quên rằng cầu Sài Gòn cũng ở gần đó thôi, được người Mỹ xây dựng cách đây hơn 50 năm đến nay vẫn vững vàng.
Nước ta đang có hiện tượng “phú quý giật lùi”, kinh tế phát triển đi lên nhưng đạo đức – tinh thần, lương tâm, nếp sống văn hóa – văn minh… lại có biểu hiện đi xuống. Khắc phục được điều này, theo tôi, chỉ có giáo dục, giáo dục và giáo dục mà thôi!
SOURCE: THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN
Trích dẫn từ: http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/bandocviet/19107/
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI, Đọc và chia sẻ |
Bài viết hay quá, thói quen khó đổi lắm ….
Bài viết hay quá. Thói quen khó sửa lắm
Hãy bắt tay vào làm những việc gì đó thật cụ thể, làm từ việc nhỏ như giáo dục trẻ em từ trong gia đình, trong trường học. Chính tiếng nói của trẻ em sẽ làm người lớn cảm thấy áy náy. Sau đó thì đến chế tài thật nặng, xem có ai dám vi phạm không. Anh lơ xe thời chị Lý Lan khuyến cáo hành khách không đươc vứt rác ra ngoài chẳng phải do ý thưc bảo vệ môi trường mà do anh ta sợ bị phạt đó thôi. Lâu dần nó sẽ trở thành ý thức tự giác thôi
cảm ơn bài viết
Ây da, ko có ý kiến.
Tôi cũng vậy.
Thật sự như chị Lý Lan nói “Đành phải kiên nhẫn thôi” với những thói quen dường như nó làm xấu xí đi người có hành vi khộng tôn trọng cộng đồng xung quanh mình. Như nhữgn bài báo, topic nói về chuyện con người ta vô tư vứt rác ra đường, xen ngang vào vị trí chờ của người khác, nói chuyện điện thoại nơi cộng cộng cứ như hét toáng vào mặt những người xung quanh mình, chạy xe rướng lên vỉa hè… đang ngày càng phổ biến rộng rãi, nhưgn kẹt nỗi Việt Nam mình chưa có chiến dịch tuyên truyền nào hữu hiệu để hy vọng giảm bớt đi cái thói quen mà người ta gọi là hành vi vô văn hoá này.
Chia sẽ cùng cảm nhận của bài viết qua bao thay đổi về người về cảnh, nơi mà mình sinh ra, lớn lên và buồn thay là những thứ ấy đang ngày biến chuyển theo những tình huống…xấu xí.
Cứ như thế chúng ta đành chờ thôi chị ạ, bởi theo tôi biết người Singapor họ phải mất 15 năm mới có được thói quen đậu xe đúng vạch đường giao thông dành cho mình.