Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU NHÀ: MƯỢN NHÀ KHÔNG TRẢ, ĐEM HÓA GIÁ CHO CÁN BỘ

Advertisements

VŨ HOÀNG

Chuyện bắt đầu từ ngày 13-5-2003, khi ông Huỳnh Thanh Bạch, Chủ tịch UBND thị trấn Định Quán làm đơn xin mua căn nhà và đất thổ cư tại ấp Hiệp Cường, thị trấn Định Quán. Ngày 9-9-2004, UBND huyện Định Quán có công văn số 664/UBH duyệt bán hóa giá căn nhà trên cho ông Bạch. Sau khi ông Bạch nộp tiền, UBND huyện Định Quán ra Quyết định số 259 ngày 6-10-2005, công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Bạch và vợ là bà Nhung. Ông Bạch cho người đến ở thì xảy ra tranh chấp. Bà Vũ Thị Cau là người ở sát vách, đã khiếu nại và cho rằng căn nhà và đất huyện ký bán cho ông Bạch, là của gia đình bà.

1. Cho mượn, mất nhà

Theo đơn khiếu nại của gia đình bà Vũ Thị Cau, chúng tôi đã đến địa phương tìm hiểu sự việc. Cơ quan chức năng đưa ra công văn số 928/UBND-NC ngày 20-7-2006 của UBND huyện Định Quán, xác định rõ nguồn gốc đất tranh chấp: Thời gian từ năm 1976 – 1977, Hợp tác xã mua bán xã Phú Hiệp đã “quản lý” hai gian nhà này để phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh. Đến năm 1985, HTX Phú Hiệp giải thể nên bàn giao hai căn nhà này cho UBND thị trấn Định Quán quản lý. Từ đó đến trước ngày 15-12-2005, không có ai khiếu nại, thắc mắc gì về vấn đề này. Do vậy mà UBND huyện đã bán hóa giá cho ông Huỳnh Thanh Bạch. Văn bản này nêu: “Việc bà Cau và chồng là ông Nhương cho là nhà và đất nói trên của gia đình ông bà tạo lập, nhưng hai ông bà không cung cấp được các giấy tờ liên quan để chứng minh nguồn gốc đất và nhà là của gia đình ông bà. Theo quy định của pháp luật, một trong những căn cứ xác lập quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình là được Nhà nước giao đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất … (khoản 2 Điều 688 Bộ luật dân sự 2005). Người sử dụng đất không chỉ có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp bảo vệ đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính mà còn phải có nghĩa vụ đăng ký quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất mình sử dụng (khoản 2 Điều 107 Luật Đất đai năm 2003). Trong suốt thời gian này ông bà không tiến hành đăng ký kê khai đối với diện tích 186,8m2 để thực hiện quyền của người sử dụng đất hợp pháp của mình. Hiện nay trong sổ mục kê và sổ địa chính của UBND thị trấn Định Quán thì không có tên của ông bà đối với diện tích đất đang tranh chấp. Bên cạnh đó bà chỉ cung cấp được những thông tin qua lời khai và xác nhận của những người làm chứng ngày 28-2-2008, thể hiện họ chỉ nghe, biết, nhưng không biết cụ thể về nguồn gốc tài sản khi Hợp tác xã Phú Hiệp thuê mướn căn nhà, đất nói trên.”

Sau vụ việc trên, ông Huỳnh Thanh Bạch lại làm đơn kiện bà Vũ Thị Cau và ông Phan Đình Nhương ra tòa. TAND huyện Định Quán đã chấp nhận đơn kiện của ông Huỳnh Thanh Bạch, buộc bà Vũ Thị Cau và ông Phan Đình Nhương phải trả lại tài sản gắn liền với QSD đất là căn nhà tọa lạc tại ấp Hiệp Cường, TT. Định Quán, cho ông Huỳnh Thanh Bạch.

Nói về nguồn gốc khu đất, bà Cau tường trình: "Vào năm 1957, vợ chồng tôi đến Định Quán lập nghiệp và khai phá được khu đất mặt tiền quốc lộ 20 ấp Hiệp Cường, thị trấn Định Quán (đối diện trường Nguyễn Du hiện nay). Gia đình tôi dựng 2 căn nhà trên đất (một căn 3 gian để ở và một căn vá vỏ xe hơi sau này bán lại cho ông Lương Văn Ngói). Năm 1977, đại diện UBND và Hợp tác xã mua bán xã Phú Hiệp (trong đó có ông Lê Hồng Hải – Chủ tịch xã, bà Chánh – Chủ nhiệm Hợp tác xã (nay đã mất), ông Lại Văn Kiềm – Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã), đến đặt vấn đề mượn 2 gian nhà của căn nhà của gia đình tôi, để làm điểm thu mua nông sản. Gia đình tôi đồng ý cho Hợp tác xã mượn 2 gian của căn nhà, gian còn lại gia đình tôi vẫn sử dụng cho đến nay. Quá trình cho Hợp tác xã mượn đất, gia đình tôi không đòi hỏi điều kiện gì. Gần đây, các con trong gia đình đã lớn, điều kiện sống chật chội (chỉ có 80m đất ở) nên vợ chồng tôi phải dọn vào rẫy sinh sống, nhường căn nhà tại thị trấn cho các con. Trước đây, gia đình tôi chưa đòi lại nhà là cứ nghĩ UBND thị trấn sử dụng vào mục đích chung. Năm 2004, khi thấy UBND thị trấn không còn nhu cầu sử dụng nhà mà lại đem hóa giá cho ông chủ tịch thị trấn Huỳnh Thanh Bạch nên gia đình tôi mới đòi lại khu đất để sử dụng".

Chúng tôi đã tìm gặp một nhân chứng rất quan trọng là ông Lại Văn Kiềm (Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã mua bán xã Phú Hiệp giai đoạn 1976 – 1980). Ông Kiềm năm nay đã 96 tuổi, nhưng vẫn còn minh mẫn và nhớ rành rọt câu chuyện: "Năm 1977, Hợp tác xã mua bán Phú Hiệp mới được thành lập, điều kiện rất khó khăn, thiếu thốn nhất là kinh phí và địa điểm hoạt động. Ban Chủ nhiệm HTX gồm bà Chánh (chủ nhiệm) và tôi (phó chủ nhiệm) đã xin ý kiến của UBND trực tiếp là ông Hải, chủ tịch xã lúc đó về ý định mượn nhà đất của một số hộ dân ít có nhu cầu sử dụng, để làm địa điểm sản xuất kinh doanh của HTX. Được sự chấp thuận của UBND xã, Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã tiến hành vận động 5 hộ dân trong đó có gia đình bà Cau cho mượn nhà và đất. Các hộ trên được HTX trả lại nhà năm 1980, riêng hộ bà Vũ Thị Cau do công việc còn tiến hành nên HTX chưa trả lại nhà cho ông bà. Tôi xin khẳng định việc mượn nhà và đất các hộ dân trên, chỉ để phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của Hợp tác xã, chứ không theo một chủ trương trưng thu, trưng mua tài sản gì cả. Nay HTX và UBND thị trấn không còn nhu cầu mượn nhà cho việc chung, đề nghị cơ quan chức năng xem xét giải quyết trả lại nhà gia đình bà Cau, chứ không được vin vào bất cứ lý do gì để hóa giá cho cán bộ.

Ông Nguyễn Kim Cương, nguyên trưởng công an huyện Tân Phú cũ cho biết: "Năm 1976 (khi chưa tách huyện), tôi đã biết rõ trường hợp gia đình bà Cau, ông Nhương có cho HTX mượn nhà. Nay huyện lấy nhà của ông bà hóa giá cho ông Bạch, hiện là cán bộ lãnh đạo một cơ quan của huyện Định Quán, là điều không nên, nhất là gia đình ông bà đang gặp khó khăn."

Một nhân chứng khác là ông Lê Hồng Hải (Chủ tịch UBND xã Phú Hiệp giai đoạn 1977 – 1982, nay là thị trấn Định Quán). Ông Hải tuy đã mất nhưng trước đó đã để lại bản tường trình: “Vào năm 1977, Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã mua bán Phú Hiệp đã đề đạt với UBND xã về việc mượn nhà đất của một số hộ trên địa bàn để làm cơ sở phục vụ cho kinh doanh của HTX. Được sự chấp thuận của cấp ủy và sự thống nhất của UBND, tôi thay mặt cho xã cùng đại diện của Hợp tác xã là bà Chánh, chủ nhiệm và ông Kiềm, phó chủ nhiệm HTX đã vận động 5 hộ dân, trong đó có gia đình bà Cau, cho HTX mượn nhà và đất. Khi được gia đình bà Cau và các hộ khác cho mượn nhà và đất, UBND đã để HTX trực tiếp quản lí và sử dụng số tài sản trên. Năm 1982, khi HTX không còn nhu cầu mượn nhà, tôi đã giải quyết trả lại nhà và đất cho bà Tiến, ông Kiệu (cũng là các đối tượng cho HTX mượn đất như trường hợp bà Cau). Trường hợp tài sản của gia đình bà Cau, lúc đó HTX vêîn sử dụng là điểm thu mua nông sản, nên chưa xem xét trả lại. Là một trong những người trực tiếp đứng ra mượn đất của gia đình ông bà Cau trước đây, tôi rất mong cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết sao cho gia đình bà Cau khỏi thiệt thòi vì tài sản là do gia đình bà tạo dựng và cho Nhà nước mượn suốt nhiều năm nay".

2. Cơ quan tham mưu của huyện Định Quán nói gì?

Trong khi gặp gỡ các nhân vật để tìm chứng cứ khẳng định căn nhà và đất thổ cư tại ấp Hiệp Cường, thị trấn Định Quán, thuộc quyền sở hữu của gia đình bà Cau, ông Nhương, chúng tôi đã tìm được một tài liệu có giá trị của Phòng tài nguyên môi trường huyện Định Quán thực hiện.

Đó là văn bản 72/TNMT.KNTC, ngày 4-8-2005 của Phòng TNMT báo cáo kết quả xác minh đơn khiếu nại của bà Vũ Thị Cau. Văn bản này kết luận: “Về lý, các trình tự thủ tục và quá trình diễn biến quản lý sử dụng nhà và đất bà Cau khiếu nại từ trước đến nay không có hồ sơ thể hiện. Nhưng về thực tế, nhà và đất này là tài sản do gia đình bà Cau tạo lập và sử dụng từ năm 1957 đến năm 1977, sau đó chính quyền địa phương sử dụng cho đến nay. Việc gia đình bà Vũ Thị Cau đã cho HTX mua bán xã Phú Hiệp trước đây mượn nhà và đất để phục vụ sản xuất kinh doanh là có cơ sở khẳng định, vì : Những người trực tiếp tiến hành vận động các hộ (trong đó có gia đình bà Cau) cho mượn nhà và đất là ông Lê Hồng Hải (nguyên Chủ tịch UBND xã Phú Hiệp) và ông Lại Văn Kiềm (nguyên Phó chủ nhiệm Hợp tác xã mua bán xã Phú Hiệp) thừa nhận Hợp tác xã chỉ mượn đất, chứ không trưng thu hay trưng mua. Đây là những nhân chứng đáng tin cậy, từng giữ cương vị chủ chốt trong chính quyền địa phương tại thời điểm có sự thay đổi về đối tượng sử dụng tài sản trên. Ông Huỳnh Thanh Tòng là cán bộ công tác lâu năm tại địa phương khẳng định trường hợp gia đình bà Cau không thuộc diện các đối tượng bị trưng thu, trưng mua trong quá trình cải cách ruộng đất. Ông Lại Văn Kiềm trực tiếp điều hành, quản lý hoạt động của Hợp tác xã thời kỳ đầu cho biết Hợp tác xã lúc đó rất khó khăn, không đủ điều kiện để mua lại nhà và đất của các đối tượng mà chỉ đặt vấn đề mượn. Trong đợt vận động cho Hợp tác xã mượn nhà và đất vào năm 1976 có tất cả 5 trường hợp trong đó có trường hợp bà Cau. 4 trường hợp kia đã được giải quyết quyền lợi từ năm 1980, thời gian ông Hải và ông Kiềm còn công tác, do HTX không còn nhu cầu sử dụng. Điều này cũng chứng tỏ Hợp tác xã đã không mua lại nhà và đất của 5 hộ nói trên. Trường hợp bà Cau lúc đó, HTX vẫn sử dụng làm điểm thu mua nông sản, nên chưa xem xét trả lại nhà và đất cho gia đình bà. Gia đình bà Cau đã cho Nhà nước mượn nhà và đất mà không đòi hỏi quyền lợi trong suốt nhiều năm. Thời gian gần đây khi thấy tài sản trên không còn được sử dụng vào mục đích chung và do hoàn cảnh khó khăn, bà Cau mới đề nghị xem xét giải quyết cho gia đình bà".

Vì sao trước những sự kiện thật, con người thật như vậy mà UBND huyện Định Quán cố tình bác bỏ quyền sở hữu đất và nhà của bà Cau, ông Nhương, người đã cho tập thể mượn nhà gần 30 năm không lấy một xu tiền nhà, để rồi được trả ơn bằng cách hóa giá bán như cho (18 triệu đồng) cho cán bộ là ông Huỳnh Thanh Bạch, nguyên chủ tịch thị trấn Định Quán, nay là Phó ban tổ chức huyện ủy? Điều đáng nói là gia đình ông Bạch hoàn toàn không có nhu cầu bức xúc về nhà ở. Như  bà Nhung, vợ ông Bạch cho chúng tôi biết: mục đích gia đình bà mua căn nhà vì “Nhà nước hóa giá thì chúng tôi mua, nếu không người khác cũng mua”. Gia đình ông Bạch đã có nhà và 2 ha vườn tại đường Thú y, thị trấn Định Quán, mà chúng tôi đã có dịp đến thăm. Khi đó căn nhà ông có một tốp thợ đang tiếp tục xây dựng thêm chuồng trại chăn nuôi. Trong khi đó gia đình bà Cau, ông Nhương 17 người gồm hai ông bà, 5 con, 5 dâu, rể và 5 cháu đang phải chui rúc trong căn nhà nhỏ tại thị trấn và căn nhà gỗ rách nát trên mảnh rẫy nghèo nàn. Bà Cao còn mang nỗi đau vì 2 người con ảnh hưởng chất độc da cam sống oặt ẹo, vẫn chưa được thị trấn quan tâm trợ cấp theo quy định của nhà nước. Đã thế người chồng bà bị bại não, chỉ còn nằm chờ chết. Oan ức, cụ bà gần 80 tuổi này không chịu thua, vẫn tiếp tục đội đơn đi các nơi khiếu kiện để đòi lại tài sản chính đáng của mình đã bị người ta nhẫn tâm bán rẻ, thực chất là chia chác quyền lợi béo bở cho nhau.

SOURCE: BÁO ĐẠI ĐOÀN KẾT ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ:

http://baodaidoanket.net/ddk/mdNews.ddk?masterId=15&categoryId=103&id=8555

Exit mobile version