TS. CAO ĐỨC THÁI – Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh
Ngày 21-4-2009 Việt Nam đã công bố “Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam”. Theo Chương trình làm việc của Liên hợp quốc, Báo cáo của Việt Nam sẽ được trình bày vào ngày 8-5-2009 trước đại diện 192 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc. Đây cũng là vấn đề được dư luận trong và ngoài nước quan tâm.
Chắc chắn sẽ có không ít các ý kiến đánh giá khác nhau về tình hình quyền con người (QCN) ở Việt Nam, và cũng không loại trừ khả năng, đây là dịp các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc, bôi nhọ tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Cho đến nay, bên cạnh những quan điểm chung của cộng đồng quốc tế: như ý nghĩa, vai trò của QCN, tầm quan trọng như nhau của hai nhóm quyền (nhóm quyền Dân sự, Chính trị và nhóm quyền Kinh tế, xã hội và Văn hoá), vai trò của quốc gia trong việc bảo đảm QCN, tính đặc thù về lịch sử và văn hoá khi áp dụng QCN … vẫn còn có những khác biệt không nhỏ về nhận thức lý luận, quan điểm pháp lý, về đặc trưng văn hoá… của QCN … Những khác biệt này lại được nhân lên do ý đồ chính trị hoá QCN của các thế lực thù địch, cực đoan, chống Việt Nam; do không ít người thiếu thông tin chân thực về QCN ở Việt Nam.
Xét về những giá trị nền tảng: Tự do, Bình đẳng, Nhân phẩm, Nhân đạo – Khoan dung, QCN là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử, là giá trị chung của nhân loại, trong đó có những đóng góp không thể phủ nhận của dân tộc Việt Nam.
Cuộc cách mạng Tháng Tám, năm 1945 của nhân dân Việt Nam đã đồng thời thực hiện ba chức năng lịch sử:
– Lật đổ sự thống trị của thực dân, giành lại độc lập dân tộc;
– Xoá bỏ chế độ thực dân – phong kiến đẳng cấp, tàn bạo, xây dựng chế độ xã hội mới do nhân dân làm chủ;
– Đem lại quyền công dân và QCN cho tất cả mọi người.
Trong cuộc kháng chiến anh hùng kéo dài 30 năm, chẳng những nhân dân Việt Nam đã đánh bại các thế lực xâm lược hùng mạnh nhất thế giới, bảo vệ vững chắc độc lập, tự do, bảo vệ quyền sống của nhân dân Việt Nam mà còn góp phần to lớn thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc, giành lại QCN ở châu Á – châu Phi và Mỹ La-tinh. Đó là những đóng góp có ý nghĩa thời đại của Việt Nam trong thế kỷ XX.
Đổi mới là một thời kỳ đặc biệt trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Một mặt, do sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc đã giành được thắng lợi hoàn toàn, mặt khác, do sự phát triển về tư duy lý luận, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát hiện những sai lầm trong mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa kiểu cũ, đề ra Cương lĩnh, đường lối chính sách xây dựng đất nước phù hợp hơn với quy luật vận động phát triển của dân tộc Việt Nam và của nhân loại.
Một trong những tư tưởng nhất quán trong Cương lĩnh, đường lối, xuyên suốt lịch sử cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là gắn liền giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ xã hội do nhân dân làm chủ với bảo đảm QCN.
Cương lĩnh năm 1991 viết: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội:
– Do nhân dân lao động làm chủ
– Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công …, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân”. Xây dựng nền văn hoá mới, tạo ra một đời sống tinh thần cao đẹp, phong phú và đa dạng, có nội dung nhân đạo, dân chủ tiến bộ … Bảo đảm quyền được thông tin, quyền tự do sáng tạo của công dân … Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc … Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng.”(1). Toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta hướng đến từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Các quyền công dân và quyền con người được bảo đảm bằng pháp luật.
Hiến pháp năm 1992 đã quy định: Nhà nước ta là “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”; “ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”(2).
Ngoài Hiến pháp, từ năm 1986 (mở đầu thời kỳ đổi mới) đến nay, Nhà nước ViệtNam đã xoá bỏ hàng trăm văn bản, hàng ngàn giấy phép lỗi thời, hạn chế các quyền công dân và QCN, ban hành và sửa đổi khoảng 13.000 văn bản luật và dưới luật, trong đó có những bộ luật và luật quan trọng trực tiếp gắn với việc bảo đảm QCN như Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng Hình sự, Bộ luật Lao động, Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Đặc xá, Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo, Luật Bảo vệ Chăm sóc, giáo dục trẻ em, Luật Giáo dục, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Luật Phòng, chống HIV/ AIDS …
Cần lưu ý rằng, sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo luôn luôn nằm trong trào lưu của nền văn minh nhân loại xét về tất cả các phương diện, trong đó có lĩnh vực, dân chủ, nhân quyền và nhân đạo. Không chờ đến các nguyên tắc chính trị của Hiến chương Liên hợp quốc (năm 1945), đến các quy định chung (còn được gọi là các “chuẩn mực” quốc tế) về QCN trong Tuyên ngôn thế giới về QCN, năm 1948, các quy định về quyền trong các công ước quốc tế về QCN, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng các QCN trong phạm vi quyền tài phán quốc gia.
Năm 1957, trước khi Việt Nam trở thành thành viên của Liên hợp quốc, Nhà nước Việt Nam đã gia nhập bốn công ước Giơ-ne-vơ về luật nhân đạo quốc tế.
Trước đổi mới, năm 1981, 1982, Việt Nam đã gia nhập 5 công ước quốc tế về QCN, trong đó có 2 công ước cơ bản, bao quát đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của con người. Đó là “Công ước quốc tế về các quyền Dân sự, Chính trị”, năm 1966; “Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hoá”, năm 1966.
Cho đến nay, Nhà nước Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế về QCN. Pháp luật Việt Nam, về cơ bản đã tương thích với luật quốc tế về QCN. Cùng với việc sửa đổi, xây dựng hệ thống pháp luật, Nhà nước Việt Nam đã thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ của quốc gia thành viên các công ước, tiến hành nội luật hoá các điều ước mà mình đã ký kết hoặc gia nhập. Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế, năm 2005 còn quy định: “Trong trường hợp các văn bản (quy phạm pháp luật trong nước) khác với quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì áp dụng các quy định của điều ước quốc tế” (Điều 6. Khoản 1).
Quyền con người là giá trị chung của nhân loại. Do đó, việc bảo đảm QCN ở tất cả các quốc gia, dân tộc luôn luôn đòi hỏi một môi trường chính trị, kinh tế và xã hội nhất định. Về chính trị, đó là nhà nước pháp quyền cùng với hệ thống pháp luật bao quát các lĩnh vực của đời sống. Về kinh tế, đó là chế độ sở hữu nhiều thành phần trong đó có sở hữu tư nhân và cơ chế thị trường. Về xã hội, đó là chế độ dân chủ bao gồm cả sự tồn tại, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ (như tổ chức cộng đồng, các tổ chức xã hội, tổ chức nhân đạo – từ thiện). Có thể nói, cho đến nay, ở Việt Nam đã có đầy đủ các nhân tố chính trị, kinh tế, xã hội bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển vững chắc các QCN.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trong cuộc báo cáo của Việt Nam tại Liên hợp quốc, sẽ có nhiều chất vấn và phản biện, nhất là những vấn đề về quyền Dân sự, Chính trị, trong đó có vấn đề về vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam,.. về quyền tự do ngôn luận, báo chí, về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, về quyền của các dân tộc thiểu số.
Thực ra, Việt Nam có đầy đủ các căn cứ lịch sử, lý luận, pháp lý và thực tiễn để giải đáp thoả đáng những vấn đề trên.
Khác với nhiều quốc gia, dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam có một vị trí đặc biệt trong lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam. Đảng là người vận động, lãnh đạo, tổ chức và đi tiên phong trong sự nghiệp giành độc lập dân tộc, đem lại quyền công dân và QCN cho nhân dân Việt Nam. Đảng là trụ cột của hệ thống chính trị quốc gia, là người khởi xướng công cuộc đổi mới, đề xuất các chủ trương chính sách xây dựng nền kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và dân chủ hoá mọi mặt của đời sống xã hội. Chính vì những lý do đó nên Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quy định: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, Hiến pháp cũng quy định “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật” (Điều 4). Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là hoàn toàn hoàn hợp Hiến, hợp pháp, xét cả về phương diện pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế.
Điều 1, Công ước quốc tế và các quyền dân sự, chính trị, đã quy định: “Tất cả các quốc gia dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc có quyền tự do quyết định thể chế chính trị của mình …”(3). Điều đó có nghĩa, việc một quốc gia, dân tộc lựa chọn chế độ xã hội nào? Hệ thống chính trị gì? Trong đó vai trò của đảng chính trị ra sao ? … hoàn toàn thuộc thẩm quyền của mỗi quốc gia, dân tộc.
Nhờ có môi trường chính trị – pháp lý, kinh tế, xã hội tốt đẹp, sau hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đầy ấn tượng về nhiều mặt, trong đó có QCN:
– Trên lĩnh vực quyền Dân sự, Chính trị, quyền bầu cử, ứng cử và quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội của người dân ngày càng được nâng cao. Trong cuộc bầu cử Quốc hội khoá XII, 99% cử tri đã tham gia bầu cử. Sinh hoạt của Quốc hội đã có những cải tiến theo hướng tăng cường tính dân chủ, cởi mở trong trao đổi, thảo luận. Các phiên họp chất vấn được truyền hình trực tiếp đã trở thành diễn đàn xã hội đề cập tới nhiều nội dung, từ những vấn đề bức xúc đời thường đến những vấn đề có tính chiến lược của quốc gia.
Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”(4), Nhà nước đã ban hành các Nghị định của Chính phủ về Quy chế dân chủ ở cấp cơ sở xã – phường, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, bệnh viện, nhà trường…, trong đó quy định: “những việc cần thông báo công khai cho nhân dân, cán bộ, công chức biết; Những việc nhân dân, cán bộ, công chức có quyền bàn bạc và quyết định trực tiếp”. Có thể nói, đây là một bước đột phá trong việc thực hiện quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân.
Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được bảo đảm, thể hiện ở Luật Báo chí, Luật Xuất bản. Cho đến nay, Việt Nam có tới 700 cơ quan báo chí in với 850 ấn phẩm, gần 15.000 nhà báo, 68 đài phát thanh, truyền hình của Trung ương, cấp tỉnh …, 85% hộ gia đình tiếp sóng truyền hình, khoảng 20 triệu thuê bao Internet, chiếm 23.5% dân số, cao hơn mức trung bình của châu Á (18%)…
Ở Việt Nam, các tôn giáo bình đẳng. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáp được bảo đảm bằng pháp luật và trong thực tế. 54 dân tộc anh em đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Hiếm có một quốc gia nào như Việt Nam, từ khi giành được chính quyền, năm 1945 đến nay, không có xung đột dân tộc, sắc tộc và xung đột tôn giáo.
Nếu như trong giai đoạn cách mạng trước đây, cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là nhằm tạo ra các tiền đề và điều kiện cho sự ra đời và tồn tại của QCN, thì ngày nay giữ vững sự ổn định chính trị, bảo đảm quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội của người dân là điều kiện cơ bản nâng cao sự hưởng thụ QCN của người dân đồng thời bảo đảm sự bền vững của chế độ xã hội.
Trên lĩnh vực quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hoá, thành tựu nổi bật trong hơn 20 năm đổi mới là xoá đói, giảm nghèo, từng bước thực hiện công bằng xã hội. Tỷ lệ nghèo (theo tiêu chuẩn quốc gia) đã giảm từ 58.1% năm 1993 xuống 14.8% năm 2007, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên đạt Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xoá đói, giảm nghèo. Thu nhập bình quân đầu người được nâng cao nhanh chóng, từ 200 USD (năm 1990) lên 1.024 USD năm 2008.
Trong hoàn cảnh một quốc gia có nền kinh tế chưa phát triển, Nhà nước Việt Nam đã duy trì và phát triển được hệ thống giáo dục và y tế từ trung ương đến cơ sở, đó là một nỗ lực lớn. Ngân sách giành cho giáo dục hiện chiếm tới 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu phổ cập tiểu học trong hệ thống các mục tiêu thiên niên kỷ.
Chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân của Nhà nước Việt Nam xác định nhóm ưu tiên là phụ nữ, trẻ em và đồng bào dân tộc thiểu số. Nhà nước đã giành những nguồn lực to lớn bao gồm sức người, sức của thực hiện những nhiệm vụ có tính chiến lược như tiêm chủng cho trẻ em, hỗ trợ bảo hiểm y tế, chữa bệnh không mất tiền cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi.
Quyền tham gia sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hoá được bảo đảm bằng pháp luật và thông qua các phong trào quần chúng rộng rãi. Các di sản văn hoá, bản sắc văn hoá của các dân tộc thiểu số được Nhà nước bảo trợ.
Nói đến QCN, không thể không nói tới các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, đó là trẻ em, phụ nữ, dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người cao tuổi, nạn nhân chiến tranh. Hơn 20 năm qua, các nhóm xã hội này luôn được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi năm 2004) đã cụ thể hoá Công ước Quyền trẻ em, trong đó có nguyên tắc “Vì lợi ích tốt nhất của trẻ em” được ghi nhận. Nhiều quan điểm tích cực của Công ước, trong đó, quy định các em không chỉ là đối tượng được chăm sóc, bảo vệ mà còn là chủ thể tích cực của quyền như quyền tham gia ý kiến … đã được nội luật hoá.
Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, là một bước phát triển quan trọng trong việc bảo đảm quyền của nữ giới. Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng phát triển châu Á đã nhận xét: “Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế, là một trong những nước tiến bộ hàng đầu về bình đẳng giới… là quốc gia đạt được sự thay đổi nhanh chóng nhất về xoá bỏ khoảng cách giới trong 20 năm qua ở khu vực châu Á”(5).
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Do những điều kiện lịch sử và địa lý, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam còn nghèo và chưa phát triển. Để khắc phục hoàn cảnh đó, Nhà nước đã đề ra các Chương trình, Dự án giúp đỡ đồng bào thiểu số về đất sản xuất, đất ở, nhà ở (Chương trình 134) và nước sạch. Với nhiều giai đoạn, chi phí nhiều ngàn tỉ đồng, Chương trình Phát triển Kinh tế – Xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135), đã cải thiện đáng kể kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam vẫn còn những vấn đề cần được tiếp tục giải quyết để thực hiện tốt hơn, đầy đủ hơn các quyền con người. Chẳng hạn: hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, có chỗ còn chồng chéo, nhiều luật còn nặng về xây dựng “khung” pháp lý, khó áp dụng; tình trạng quan liêu, tham nhũng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi dẫn đến có lúc, có nơi còn vi phạm các quyền công dân, QCN; sự phân hoá giàu – nghèo có khuynh hướng gia tăng. Đặc biệt là tình trạng cán bộ, công chức và người dân thiếu hiểu biết về QCN: Một mặt, nhiều người chưa thấy được các quyền của mình, mặt khác, lại chưa hiểu được quyền gắn liền với nghĩa vụ, trách nhiệm. Chính vì vậy, trong nhiều trường hợp, những vấn đề xã hội đơn giản, có thể hòa giải hoặc giải quyết trong khuôn khổ pháp lý ở địa phương đã bị các thế lực thù địch, lợi dụng.
Tuy nhiên, lịch sử cách mạng Việt Nam trên 60 năm qua kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930) đến nay, đã chứng tỏ rằng, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, thống nhất đất nước và hạnh phúc của nhân dân luôn là mục tiêu, lý tưởng của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Không một lực lượng chính trị nào, dù họ ở đâu, được sự ủng hộ của ai, có thể thay thế vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam./.
(1) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991), tr 305, 306, 309
(2) Trung tâm KHXH và NV Quốc gia, “Bình luận Khoa học Hiến pháp …” Nxb KHXH – H.1996, tr 503
(3) Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người, “Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người”, H.2002 tr 250
(4) Chỉ thị số 30/CT – TW, ngày 18/02/1998 của Ban Bí thư
(5) Theo “Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người”.
SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 9 (177) NĂM 2009
Trích dẫn từ: http://www.tapchicongsan.org.vn/details.asp?Object=14331554&news_ID=8559896