admin@phapluatdansu.edu.vn

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ MÔ HÌNH TỔ CHỨC CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN THEO YÊU CẦU CẢI CÁCH TƯ PHÁP

ĐINH VĂN QUẾ – Chánh toà Toà hình sự Toà án nhân dân tối cao

Theo quy định của pháp luật thì hệ thống Toà án nhân dân từ năm 1960 đến nay được tổ chức theo đơn vị hành chính gồm: Toà án nhân dân cấp huyện, Toà án nhân dân cấp tỉnh và Toà án nhân dân tối cao. Bên cạnh hệ thống Toà án nhân dân thì ở nước ta còn có hệ thống Toà án quân sự được tổ chức theo ba cấp không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, bao gồm: Toà án quân sự khu vực, Toà án quân sự cấp quân khu và Toà án quân sự Trung ương. Theo quy định của Luật tổ chức Toà án nhân dân thì Toà án quân sự Trung ương là một đơn vị của Toà án nhân dân tối cao, do Toà án nhân dân tối cao quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ và có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng.

Với cơ cấu tổ chức hệ thống Toà án như trên, hơn 40 năm qua, các Toà án đã góp phần đắc lực vào việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, duy trì trật tự an toàn xã hội, trật tự quản lý kinh tế, bảo đảm cho mọi người được sống trong một môi trường xã hội và sinh thái an toàn, lành mạnh, mang tính nhân văn cao; bảo đảm sự bình đẳng và an toàn pháp lý trong quan hệ dân sự, góp phần tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, góp phần tích cực loại bỏ những yếu tố gây cản trở cho tiến trình đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

Trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước, sắp xếp lại bộ máy qua các thời kỳ, hệ thống Toà án nhân dân cũng từng bước được thay đổi cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội như: Từ chế độ Thẩm phán bầu sang chế độ Thẩm phán bổ nhiệm, từ chỗ Chủ tịch Nước bổ nhiệm Thẩm phán từ cấp huyện đến Thẩm phán tối cao thì nay việc bổ nhiệm Thẩm phán cấp tỉnh và cấp huyện do Chánh án Toà án nhân dân tối cao thực hiện; từ việc Toà án nhân dân tối cao thống nhất quản lý các Toà án địa phương sang việc quản lý Toà án địa phương do Bộ Tư pháp đảm nhiệm và hiện nay lại giao cho Toà án nhân dân tối cao quản lý Toà án địa phương về mặt tổ chức; một số Toà án chuyên trách cũng được thành lập như Toà kinh tế, Toà hành chính và Toà lao động ở Toà án nhân dân tối cao và các Toà án cấp tỉnh.v.v.

Tuy nhiên, việc tổ chức bộ máy hệ thống Toà án nhân dân theo đơn vị hành chính không còn phù hợp; chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của các Toà án còn nhiều bất hợp lý. Chất lượng xét xử chưa đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của xã hội; còn nhiều trường hợp bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội; việc giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế, hành chính, lao động còn nhiều thiếu sót, đặc biệt là các tranh chấp dân sự, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức và của công dân, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và đối với Toà án.

Nhằm nâng cao năng lực và hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung, đặc biệt đối với Toà án và Viện kiểm sát trước yêu cầu của tình hình mới, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương cải cách tư pháp. Quan điểm chỉ đạo và nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 49) có nhiều nội dung khác nhau. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến một số vấn đề có liên quan đến việc tổ chức Toà án các cấp và sự tương quan với tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị.

Một trong những nội dung cơ bản mà Nghị quyết số 49 đã đề ra, đó là: “Tổ chức Toà án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, gồm: Toà án sơ thẩm khu vực được tổ chức ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện; Toà án phúc thẩm có nhiệm vụ chủ yếu là xét xử phúc thẩm và xét xử sơ thẩm một số vụ án; Toà thượng thẩm được tổ chức theo khu vực có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm; Toà án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”.

Hiện nay, trừ Toà án quân sự thì hệ thống Toà án nhân dân ở nước ta được tổ chức theo đơn vị hành chính gồm: Mỗi đơn vị hành chính cấp huyện và cấp tỉnh có một Toà án nhân dân; Toà án nhân dân cấp tỉnh là Toà án cấp trên trực tiếp của Toà án nhân dân cấp huyện; Toà án nhân dân tối cao là Toà án cấp trên trực tiếp của Toà án nhân dân cấp tỉnh.

Việc nghiên cứu để tổ chức Toà án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính mà Nghị quyết số 49 đề ra là một bước đột phá về chất, nhằm xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Toà án; thể hiện đúng quan điểm “quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

1. Đối với Toà án sơ thẩm khu vực

Toà án sơ thẩm khu vực là Toà án chỉ xét xử sơ thẩm các vụ án theo quy định của pháp luật, được tổ chức ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện, tức là một đơn vị hành chính cấp huyện có thể tổ chức một Toà án sơ thẩm nhưng không phải là Toà án cấp huyện như trước đây mà là Toà án sơ thẩm khu vực. Hiện nay, Toà án nhân dân tối cao đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để trình với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc thành lập các Toà án sơ thẩm khu vực sau khi hoàn thành việc tăng thẩm quyền xét xử cho các Toà án cấp huyện theo quy định của pháp luật tố tụng hiện hành. Tuy nhiên, số lượng Toà án sơ thẩm khu vực là bao nhiêu thì vẫn là một ẩn số. Chúng tôi thấy rằng, số lượng Toà án sơ thẩm khu vực là bao nhiêu không phải là vấn đề quan trọng, mà vấn đề quan trọng là ở chỗ, Toà án sơ thẩm khu vực phải bảo đảm các tiêu chí: Đủ năng lực xét xử sơ thẩm các vụ án theo quy định của pháp luật và thuận tiện cho người tham gia tố tụng trong khu vực đó. Để chuẩn bị cho việc thành lập các Toà án sơ thẩm khu vực, hiện nay theo gợi ý của Toà án nhân dân tối cao thì các Toà án cấp tỉnh đang “gom” hai hoặc ba Toà án cấp huyện lại để thành lập một Toà án sơ thẩm khu vực. Ví dụ: ở tỉnh Thái Bình có 8 Toà án cấp huyện thì dự kiến sẽ thành lập 4 Toà án sơ thẩm khu vực, tức là cứ 2 Toà án cấp huyện thì “nhập” lại thành một Toà án sơ thẩm khu vực. Nếu tổ chức Toà án sơ thẩm khu vực theo hướng này, chúng tôi thấy chưa đúng với tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị, vì đó mới chỉ là việc “nhập” nhiều Toà án cấp huyện trong một tỉnh thành một Toà án sơ thẩm khu vực, vẫn bị chi phối bởi đơn vị hành chính là trong một tỉnh, chứ chưa thật sự bảo đảm đúng nghĩa là “Toà án sơ thẩm khu vực không phụ thuộc vào đơn vị hành chính”. Cần phải xem xét đến trường hợp có thể thành lập Toà án sơ thẩm khu vực trên địa bàn của hai hoặc ba tỉnh. Ví dụ: Một Toà án sơ thẩm khu vực nằm trên địa bàn của tỉnh Nam Định nhưng xét xử sơ thẩm cả những vụ án thuộc địa bàn của tỉnh Ninh Bình; Toà án sơ thẩm khu vực nằm ở địa bàn của tỉnh Hưng Yên nhưng xét xử sơ thẩm cả những vụ án thuộc địa bàn của tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng.v.v. Toà án sơ thẩm khu vực không bị chi phối (quản lý) của bất cứ đơn vị hành chính của tỉnh nào. Có như vậy Toà án sơ thẩm khu vực mới thật sự đúng với tinh thần mà Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đã đề ra.

2. Đối với Toà án phúc thẩm

Theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị thì Toà án phúc thẩm là Toà án xét xử phúc thẩm và xét xử sơ thẩm một số vụ án.

Gọi là “Toà án phúc thẩm” nhưng không chỉ xét xử phúc thẩm mà còn xét xử cả sơ thẩm, tên gọi như vậy xét về ngữ nghĩa là không hợp lý, nhưng nếu gọi là Toà án cấp tỉnh thì lại càng không được vì như vậy không đúng với tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp là tổ chức Toà án theo thẩm quyền xét xử chứ không theo đơn vị hành chính. Cũng có ý kiến cho rằng, nên gọi “Toà án phúc thẩm” mà Nghị quyết số 49 nêu là “Toà án đệ nhị cấp” như Hiến pháp năm 1946 quy định hoặc nếu không muốn dùng thuật ngữ “đệ nhị” thì gọi là “Toà án trung cấp”; cũng theo ý kiến này, nếu gọi “Toà án phúc thẩm” là “Toà án trung cấp” thì “Toà án sơ thẩm khu vực” nên gọi là “Toà án sơ cấp”, và như vậy, hệ thống Toà án nhân dân sẽ có 4 cấp gồm: Toà án sơ cấp, Toà án trung cấp, Toà thượng thẩm và Toà án tối cao; chúng tôi thấy ý kiến này có nhiều nhân tố hợp lý. Để tránh xáo trộn về tên gọi các cấp Toà án, có thể chỉ đổi tên gọi “Toà án phúc thẩm” thành “Toà án trung cấp”, còn các Toà án khác vẫn gọi như tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị. Như vậy, hệ thống Toà án ở nước ta gồm: Toà án sơ thẩm khu vực, Toà án trung cấp, Toà thượng thẩm và Toà án tối cao.

Về thẩm quyền xét xử theo Nghị quyết số 49 thì Toà án này vừa phải xét xử phúc thẩm những vụ án mà bản án của Toà án sơ thẩm khu vực xét xử sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị, vừa phải xét xử sơ thẩm một số vụ án theo quy định của pháp luật. Và, nếu xét về thẩm quyền xét xử thì Toà án trung cấp (Toà án phúc thẩm) sau khi được cải cách sẽ có thẩm quyền xét xử tương tự như Toà án cấp tỉnh hiện nay. Vấn đề đặt ra là, việc tổ chức các Toà án trung cấp (Toà án phúc thẩm) như thế nào cho phù hợp. Trong các chương trình thực hiện cải cách tư pháp đến năm 2010 của Toà án nhân dân tối cao cũng chưa đề cập đến vấn đề tổ chức các Toà án trung cấp (Toà án phúc thẩm) như thế nào? Có bao nhiêu Toà án phúc thẩm trên phạm vi cả nước? Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức một Toà án phúc thẩm hay có thể 2 hoặc 3 tỉnh, thành phố tổ chức một Toà án phúc thẩm, hoặc ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có thể tổ chức 2 hoặc 3 Toà án phúc thẩm? Về vấn đề này, theo chúng tôi thì việc tổ chức Toà án trung cấp (Toà án phúc thẩm) cũng phải bảo đảm nguyên tắc là không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Do đó, không nhất thiết mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức một Toà án phúc thẩm, mà tuỳ thuộc vào số lượng vụ án của Toà án sơ thẩm khu vực và phạm vi địa bàn để tổ chức Toà án trung cấp (Toà án phúc thẩm); có thể tổ chức một Toà án trung cấp (Toà án phúc thẩm) trên một địa bàn giáp ranh 2 hoặc 3 tỉnh để xét xử phúc thẩm các vụ án của 7 hoặc 9 Toà án sơ thẩm khu vực đã xét xử sơ thẩm nhưng có kháng cáo, kháng nghị và xét xử sơ thẩm một số vụ án theo thẩm quyền được giao. Ví dụ: ở thành phố Bắc Ninh có thể tổ chức một Toà án trung cấp (Toà án phúc thẩm) để xét xử phúc thẩm các vụ án của 7 Toà án sơ thẩm khu vực, trong đó có Toà án sơ thẩm khu vực nằm trên địa bàn quận Long Biên, huyện Gia Lâm, huyện Đông Anh của thành phố Hà Nội, chứ không nhất thiết chỉ xét xử phúc thẩm các vụ án của Toà án sơ thẩm khu vực nằm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

3. Đối với Toà thượng thẩm

Theo Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị thì Toà thượng thẩm được tổ chức theo khu vực chỉ có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm. Về vị trí, vai trò và thẩm quyền của Toà thượng thẩm cũng tương tự như Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao hiện nay. Việc tổ chức các Toà thượng thẩm theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị không có gì vướng mắc. Hiện nay, cả nước có 3 Toà phúc thẩm đặt tại ba miền, nhưng các Toà án này hiện nay đều là đơn vị trực thuộc Toà án nhân dân tối cao, nếu tổ chức thành Toà thượng thẩm thì sẽ không thuộc Toà án nhân dân tối cao nữa mà là một cấp Toà án. Vấn đề còn lại là nên có bao nhiêu Toà thượng thẩm trên phạm vi cả nước là đủ. Trong kế hoạch cải cách tư pháp của Toà án nhân dân tối cao đến năm 2010 cũng chưa dự định sẽ tổ chức bao nhiêu Toà thượng thẩm trên phạm vi cả nước, nhưng theo chúng tôi mỗi Toà thượng thẩm chỉ nên xét xử phúc thẩm các vụ án có kháng cáo, kháng nghị của từ 13 đến 15 Toà án trung cấp (Toà án phúc thẩm) đã xét xử sơ thẩm. Như vậy, cả nước có khoảng từ 5 đến 7 Toà thượng thẩm.

4. Đối với Toà hình sự Toà án nhân dân tối cao

Theo Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị thì Toà án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. So với chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật hiện hành thì Toà án nhân dân tối cao sau khi đã được cải cách không còn chức năng xét xử phúc thẩm và thêm nhiệm vụ “phát triển án lệ”. Như vậy, Toà án nhân dân tối cao ngoài chức năng, nhiệm vụ như trước đây (trừ chức năng xét xử phúc thẩm) thì còn thêm một nhiệm vụ mới rất quan trọng, đó là “phát triển án lệ”. Thực tế trong thời gian vừa qua, Toà án nhân dân tối cao đã bước đầu “phát triển án lệ” bằng hình thức cho xuất bản ấn phẩm “quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao”.

Để thực hiện tốt vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Toà án nhân dân tối cao theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị trong chiến lược cải cách tư pháp, thì vấn đề quan trọng bậc nhất là tổ chức lại các Toà chuyên trách thuộc Toà án nhân dân tối cao và các đơn vị giúp việc. Hiện nay, nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án do nhiều đơn vị đảm nhiệm như: Các Toà chuyên trách (Toà hình sự, Toà dân sự, Toà kinh tế, Toà hành chính và Toà lao động), Ban Thanh tra, Ban Thư ký, Viện Khoa học xét xử. Tuy nhiên, công tác giám đốc việc xét xử các vụ án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật và hướng dẫn Toà án các cấp áp dụng thống nhất pháp luật đối với các vụ án cụ thể, chủ yếu do các Toà chuyên trách đảm nhiệm có sự phối hợp với các đơn vị liên quan. Việc cải cách bộ máy của Toà án nhân dân tối cao nói chung và các Toà chuyên trách nói riêng theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị là một yêu cầu tất yếu, nhưng cải cách như thế nào cũng là một vấn đề cần thảo luận.

Theo tinh thần cải cách tư pháp, Toà chuyên trách có nhiệm vụ giám đốc việc xét xử các vụ án trên phạm vi cả nước (kể cả các bản án của Toà thượng thẩm) thông qua việc giải quyết đơn yêu cầu giám đốc thẩm, tái thẩm; xem xét những kiến nghị của các cơ quan, ban ngành, các đoàn đại biểu Quốc hội… đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án các cấp theo quy định của pháp luật; đề xuất với Chánh án Toà án nhân dân tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án mà bản án hoặc quyết định của Toà án các cấp đã có hiệu lực pháp luật. Ngoài ra, các Toà chuyên trách còn tham mưu cho Lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao tổng kết xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật hình sự và xây dựng pháp luật.v.v.

Nếu theo tinh thần của Nghị quyết số 49 thì sau khi hoàn thành việc cải cách tư pháp, Uỷ ban Thẩm phán Toà án cấp tỉnh không còn chức năng giám đốc thẩm, tái thẩm nữa thì các Toà chuyên trách Toà án nhân dân tối cao còn phải giám đốc việc xét xử cả các vụ án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật của Toà án sơ thẩm khu vực, và như vậy, số lượng công việc sẽ tăng gấp nhiều lần so với hiện nay.

Cũng có ý kiến cho rằng, có thể giao cho Toà thượng thẩm, ngoài chức năng xét xử phúc thẩm, còn có chức năng giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án mà bản án của Toà án sơ thẩm khu vực hoặc của Toà án trung cấp (Toà án phúc thẩm) có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị do có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, để “giảm tải” cho Toà án nhân dân tối cao, còn Toà án nhân dân tối cao chỉ giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án mà bản án của Toà thượng thẩm có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị do có vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo chúng tôi nếu giao cho Toà thượng thẩm chức năng giám đốc thẩm, tái thẩm thì mới chỉ giải quyết vấn đề giảm tải cho Toà án nhân dân tối cao chứ chưa thể hiện đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 49. Tại sao lại không đặt vấn đề là tăng cường năng lực cho các Toà chuyên trách Toà án nhân dân tối cao đủ mạnh để thực hiện được chức năng giám đốc việc xét xử toàn ngành khi mà Toà án nhân dân tối cao không còn chức năng xét xử phúc thẩm nữa?

Riêng đối với Toà hình sự Toà án nhân dân tối cao có một đặc thù mà các Toà chuyên trách khác không có, đó là phải thường xuyên phối hợp với Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng trong việc đấu tranh và phòng ngừa tội phạm.

Do chưa được quan tâm đúng mức nên trong những năm qua, Toà hình sự chỉ mới đáp ứng được một phần chức năng, nhiệm vụ được giao; công tác giám đốc việc xét xử các vụ án hình sự nói chung chưa đạt yêu cầu, các vụ án mà bản án của Toà án các cấp có hiệu lực pháp luật chưa được kiểm tra xem xét lại nhằm xác định tính đúng đắn của các bản án đó; công tác tham mưu cho Lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật hình sự còn hạn chế, nhiều quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự do chưa được hướng dẫn nên việc áp dụng không thống nhất trong phạm vi toàn quốc; đặc biệt công tác phối hợp với các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm còn hạn chế do thiếu quá nhiều cán bộ, nhất là Thẩm phán.

Theo tinh thần cải cách tư pháp mà Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đề ra, căn cứ vào yêu cầu của việc cải cách tư pháp và tình hình giám đốc việc xét xử của Toà hình sự trong những năm qua thì mục tiêu chung của việc cải cách tư pháp đối với Toà hình sự Toà án nhân dân tối cao từ nay đến năm 2020 là:

Xây dựng Toà hình sự Toà án nhân dân tối cao trở thành một đơn vị “đầu não” của ngành Toà án trong lĩnh vực án hình sự và công tác giám đốc việc xét xử các vụ án hình sự; tham mưu cho Lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn Toà án các cấp áp dụng thống nhất pháp luật hình sự trên phạm vi cả nước, trong đó có việc xem xét, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hình sự; thường xuyên phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương giải quyết những vụ án trọng điểm; tổng kết công tác xét xử các vụ án hình sự; tham gia xây dựng pháp luật nói chung và pháp luật hình sự, tố tụng hình sự nói riêng; đảm bảo giám đốc việc xét xử 100% các vụ án mà bản án đã có hiệu lực của Toà án các cấp theo quy định của pháp luật.

Nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, cần tập trung củng cố hoàn thiện về tổ chức, và từng bước đề ra phương hướng xây dựng cơ cấu tổ chức mới đến năm 2020 theo hướng sau:

– Toà hình sự Toà án nhân dân tối cao tuy là đơn vị thuộc Toà án nhân dân tối cao nhưng phải coi như là một đơn vị cấp Tổng cục về biên chế, tổ chức, chế độ chính sách, tiền lương…

– Toà hình sự Toà án nhân dân tối cao sẽ tổ chức thành các Ban (Phân toà) nhưng mỗi Ban đảm nhiệm một lĩnh vực; các Ban của Toà hình sự tương đương với các Cục điều tra của Cơ quan điều tra Bộ Công an và các Vụ chức năng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ví dụ: Cơ quan điều tra có Cục điều tra tội phạm về an ninh quốc gia, Viện kiểm sát tối cao có Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án an ninh thì Toà hình sự có “Phân toà (Ban) giám đốc việc xét xử các vụ án về an ninh quốc gia”… Việc tổ chức như vậy, sẽ có nhiều thuận lợi, vừa chuyên sâu, vừa có điều kiện phối hợp với Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm. Lịch sử phát triển của Toà hình sự Toà án nhân dân tối cao cũng đã có thời kỳ Toà hình sự được tổ chức thành các “Phân toà” như: “Phân toà an ninh” chuyên giám đốc việc xét xử các vụ án về xâm phạm an ninh quốc gia; “Phân toà kinh tế” chuyên giám đốc việc xét xử các vụ án xâm phạm sở hữu, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; “Phân toà trị an” chuyên giám đốc việc xét xử các vụ án về trật tự an toàn xã hội. Hiện nay, do tình hình tội phạm diễn biến phức tạp và tình hình kinh tế, xã hội của đất nước cũng đã thay đổi, việc thành lập các “Phân toà” hay các “Ban” chuyên giám đốc việc xét xử về một loại tội phạm là rất cần thiết. Ví dụ: Phân toà (Ban) giám đốc việc xét xử các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia; Phân toà (Ban) giám đốc việc xét xử các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người; Phân toà (Ban) giám đốc việc xét xử các vụ án xâm phạm sở hữu; Phân toà (Ban) giám đốc việc xét xử các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; Phân toà (Ban) giám đốc việc xét xử các vụ án về các tội phạm ma tuý; Phân toà (Ban) giám đốc việc xét xử các vụ án về các tội phạm về chức vụ; Phân toà (Ban) giám đốc việc xét xử các vụ án về các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng.v.v.

Ngoài các đơn vị giám đốc việc xét xử chuyên sâu (Ban hoặc Phân toà), thì Toà hình sự Toà án nhân dân tối cao cần có các đơn vị giúp việc như: Văn phòng Toà hình sự, trong Văn phòng có các Phòng như: Phòng xử lý đơn; Phòng thống kê – tổng hợp, Phòng văn thư – lưu trữ.

5. Về sự tương quan giữa việc đổi mới tổ chức của Toà án nhân dân với tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát theo yêu cầu cải cách tư pháp

Cùng với việc tổ chức lại hệ thống Toà án các cấp, thì Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị cũng chỉ rõ: “Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức của Toà án. Nghiên cứu việc chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố, tăng cường trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra”. Tuy nhiên, khác với hệ thống Toà án, Nghị quyết số 49 nêu cụ thể mô hình và tên gọi của Toà án các cấp, còn đối với Viện kiểm sát, Nghị quyết số 49 chỉ nêu “được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức của Toà án”. Như vậy, việc tổ chức Viện kiểm sát như thế nào cho phù hợp với hệ thống Toà án là một vấn đề rất quan trọng.

Cần nhận thức rằng, tính phù hợp giữa Viện kiểm sát với hệ thống tổ chức của Toà án không có nghĩa là Toà án có mấy cấp thì Viện kiểm sát cũng có bấy nhiêu cấp, mà vấn đề quan trọng là tổ chức Viện kiểm sát như thế nào để có thể đáp ứng được yêu cầu của việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Với quan điểm như vậy, nhằm bảo đảm cho Viện kiểm sát hoàn thành chức năng, nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài, theo chúng tôi, về tổ chức của Viện kiểm sát cần tiếp tục được nghiên cứu một cách sâu sắc và toàn diện trước khi xem xét, quyết định./.

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

Trích dẫn từ: http://www.vksndtc.gov.vn/tailieu/cctuphapview.aspx?stt=63

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading