Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

CÂU CHUYỆN CỦA ĐỜI TÔI!

Advertisements

NGUYỄN LÊ ĐÔNG 

Tôi đã viết "Quá nửa vòng đời", hòng để lại "dấu vết" cho các con cháu tôi biết những bí mật mà chỉ một tôi hay và giữ kín trong suốt 70 năm qua với 300 trang giấy. Cuốn hồi ký này chỉ lưu truyền trong gia đình và các con cháu, chỉ mong sau này các con cháu hiểu gốc gác của họ tộc ông bà, cuộc đời chìm nổi của ông bà mà hay rằng, ông cha mình đã sống, đã đấu tranh và tồn tại trong cuộc đời nhiều biến động này như thế nào…

Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn hóa mang đậm đà bản sắc dân tộc: Đa dạng nhưng kỷ cương, phong phú nhưng phức tạp.

Cụ nội tôi là một võ quan "Thủ ngự, nguyên đái mông hàm, trấn giữ Cửa Cờn – Quỳnh Lưu – xứ Nghệ được các triều vua nhà Nguyễn phong 11 đạo sắc. Về hưu được lưu giữ ấn ngà".

Ông nội tôi đỗ đầu 3 huyện: Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, nên được thiên hạ gọi là cụ Đầu xứ. Ông chán cảnh quan trường không ra làm quan, chọn nghề "gõ đầu trẻ". Bố tôi là con trai thứ năm, nhưng thành đạt hơn cả: Từ lý trưởng lên chánh tổng (học thi đỗ tam tràng). Hội viên Hội đồng tỉnh Nghệ An, dân dã gọi là ông Hội. Nghỉ hưu được nhà nước Pháp tặng Huân chương "Bắc đẩu bội tinh" nhưng ông yểu mệnh mà chết "bất đắc kỳ tử". Ông ngoại tôi đậu tú tài nhưng không là ông Thông, ông Phán, mà vẫn theo gia truyền "bốc thuốc" để cứu người, đồng thời làm ông đồ tại gia.

Mẹ ruột tôi tham gia cách mạng khi mới 16 tuổi. Chồng trước của mẹ tôi là chiến sĩ cách mạng bị lưu đày Côn Đảo, vượt ngục và chìm giữa biển khơi. Sau khi con gái chết yểu lúc 8 tuổi và chồng bặt vô âm tín, thêm với "tội đồ" làm cộng sản, sợ liên lụy đến cha mẹ, anh, chị, em,… mẹ tôi tái giá với bố tôi để được bảo lãnh, khỏi bị Tây trả thù, thoái trào "Xô Viết Nghệ Tĩnh". Chuyện kể về "mẹ tôi thì đa đoan và ly kỳ lắm! Nhưng thôi! Nội dung và chủ đề là chuyện của tôi mà! Tôi là con út của gia đình. Bố tôi có ba vợ và 10 người con (8 trai, 2 gái) hiện còn sống 5 anh em trai, trên 70 tuổi (một liệt sỹ chống Pháp). Mẹ tôi là kế mẫu, tất nhiên là khác xa với cảnh vợ lẽ.

Tôi sinh năm Canh Thìn (1940); liên lụy nặng nề về thành phần giai cấp xuất thân trong giai đoạn đối trọng chuyên chính vô sản. Năm 1953, giảm tô, mẹ tôi bị quy lên thành phần phú nông với lý do "phát canh thu tô". Suốt đời, mẹ tôi chỉ duy nhất một nghề buôn bán với gánh hàng xén trên vai. Năm 1956 "Cải cách ruộng đất", mẹ tôi lên "địa chủ kháng chiến" ở giai đoạn cuối. Tuổi ngấp nghé "bẻ gãy sừng trâu" của tôi chìm đắm trong bế tắc; tôi thi đỗ đại học, nhưng không được tựu trường sau khi bị "thẩm tra lý lịch mật".

Một thanh niên cường tráng, có học, không được tung hoành, trong khi "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh" làm cho tôi thối chí, chỉ muốn chết. Người yêu đầu đời rất đẹp, đã không chịu nổi những thử lửa của trường đời nghiệt ngã dành cho tôi mà đành gạt lệ đi lấy chồng. Nhiều lúc bí bách trước tương lai quá mà tôi chỉ muốn thả trôi cho số phận, cho bom đạn, muốn đến đâu thì đến. Vì vậy, máy bay Mỹ ném bom vô tội vạ xuống làng quê tôi mà tôi nhất quyết không chịu xuống hầm. Mẹ tôi biết vì bà, vì thành phần gia đình mà tôi bị liên lụy thiệt thòi, bà chỉ biết khóc những lúc như vậy. Có một lần, tôi suýt chết vì một quả bom sát thương lớn, nổ cách tôi 15 mét. Quả bom đã khiến cho kho thóc hợp tác xã và nhà tôi chỉ còn là đống gạch vụn. Vậy mà may mắn thay, số phận gan lỳ của tôi đã cứu tôi khỏi cái chết.

Tôi bị sức ép, thổ huyết mũi, mồm, hậu môn, rớm máu toàn thân. Sau ba tháng nằm viện cấp cứu, khi đã bình phục, tôi quyết định phải làm một cái gì đó để thay đổi số phận và cuộc đời. Ngay lúc này, tôi cũng không biết phải làm gì, đi đâu để có thể đổi thay được hoàn cảnh, số phận nhưng tôi vẫn phải "liều mạng". Tôi ngửa tay xin mẹ 100 đồng để ra đi.

Mẹ hỏi:

– Con định đi đâu?

– Con cũng chưa biết nữa, mà cứ đi đã!

Quý tôi, chiều tôi, thương tôi và quá hiểu con, mẹ tôi cởi "ruột tượng" rút tiền, đưa cho tôi và ôm chầm lấy tôi, bốn dòng nước mắt lã chã…

– Mẹ biết lần này, con "một đi không trở lại". Cầu trời, khấn Phật cho con được "Chân cứng đá mềm" rồi về với mẹ.

– Con xin đa tạ, cúi lạy mẹ tha thứ cho con…

Đó là một đêm mưa dầm, gió bấc, trời tối như mực, lạnh lùng tiết đông, cuối tháng 11 âm lịch, năm 1965.

Tôi đi bộ theo trục quốc lộ 7A về điểm KM số 0, ngã ba Diễn Châu. Có pháo sáng máy bay Mỹ rọi đường và tiếng bom nổ đó đây suốt đêm. Đi được 42km, mệt lả, tôi nghỉ ngay trong căn nhà lá ven đường, gần cầu Bùng. Bấy giờ vào khoảng 4h sáng. Đang trằn trọc: "Đi đâu? Về đâu?" bắc tay qua trán thao thức thì một tốp dân quân, khoác súng ập vào kiểm tra giấy tờ. Vì không có giấy "tùy thân" nên sau vài câu hỏi, họ buộc tôi phải trở về nơi xuất phát. Gần sáng, hai dân quân áp tải bảo tôi: "Cứ thế mà ven theo quốc lộ". Tôi "Vâng ạ!". Vừa khuất bóng họ, ngồi nghỉ chừng 10 phút, tôi quay lại 180o. Con đường mở dưới chân mình với hai ý tưởng: "Nhất anh hùng, nhì thằng cùng!" và "Nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực!".

Và tôi đã có một đêm định mệnh bên bờ sông Gianh!

Ôi con sông ranh giới của cái thời Trịnh – Nguyễn phân tranh! Lịch sử đau đáu của một đất nước? Và riêng tôi là một sự đổi đời? Cùng với bộ đội, thanh niên xung phong khi bị máy bay và tàu chiến ngoài biển của giặc oanh kích cấp tập, tôi bị thương nặng. Ở đây, có một chi tiết phải được minh bạch để Ban biên tập và bạn đọc khỏi đặt dấu hỏi và thắc mắc: "Làm sao và căn cứ vào đâu tôi được xác định là một người lính, phải đưa ngay ra Bắc để cứu thương, cứu mạng?".Thượng đế đã sắp đặt như một lập trình? Trong một đêm gặp gỡ trên đường kẻ vào, người ra, nơi tạm nghỉ chân, tôi làm quen với một người lính, anh ta khoác ba lô ra Bắc. Tôi hỏi:

– Tại sao lại ngược chiều trong khi đồng đội rầm rập đi vào?

– Tôi ấy à! Là độc đinh bốn đời. Bố tôi hy sinh ở Điện Biên Phủ. Là con một, được tạm cho hoãn binh, nhưng tôi đã chích máu viết đơn tình nguyện, xung phong Nam tiến sau khi vừa tốt nghiệp đại học. Nhà trường thể theo yêu cầu đã chấp nhận và gấp rút cho tôi nhập ngũ để đi B ngay. Không ngờ vào đến Quảng Trị có lệnh quay trở ra để đi học và đào tạo ở nước ngoài, cụ thể là Liên Xô, đành phải "tuân chỉ"!.

– À! Có thế chứ!

Tôi bịa đặt lý do vắn tắt và rất "lô gích" để trao đổi lấy bộ quân phục của anh. Và anh thông cảm gật đầu. Anh vội vàng rút trong ba lô "con cóc" một bộ Tô Châu mới cứng. Thế là: "Một đổi một!".

Khi tôi có cảm giác "mình còn sống" thì tôi đang ở một miền quê yên ả, vùng chiêm trũng, trong thôn Thắng Lợi, xã Trác Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Tôi phải khai lại lý lịch và được phát thẻ "thương binh tạm thời" từ trại an dưỡng. Một năm sau, khi vết thương đã bình phục, tôi xin được quyết định chuyển ngành. Nhờ lý lịch mới (hay là số phận?) có trình độ văn hóa, lại "kinh qua chiến đấu", tôi được tin tưởng, phân công ở bộ phận phụ trách tổ chức nhân sự thuộc Nhà máy Liên hiệp Dệt Nam Định đang sơ tán ở xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân. Vào thời điểm đó, Bác Hồ kêu gọi "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt!".

Với sự cố gắng và nỗ lực hết mình, tôi đã làm việc bằng ba, bằng bốn và hơn thế nữa, được giám đốc tin tưởng, cân nhắc chức vụ tổ chức, uy tín của tôi nổi như cồn trong cơ quan. Đường công danh của tôi mở ra thênh thang. Nhưng vốn bị một nỗi mặc cảm đè nặng tôi chưa từng đi lính, chưa từng kinh qua chiến đấu, nhưng lại có một lý lịch "sáng choang", lại có thẻ thương binh dù chỉ là tạm thời trong 1 năm song trong lòng tôi nhiều lúc day dứt và đau khổ. Sự day dứt đau khổ ở đây không phải là vì tôi là một kẻ tráo trở, một kẻ cơ hội trên xương máu của anh em đồng chí mà do số phận sắp đặt, tôi đã đứng vào biển sóng cuộc đời xô đẩy mà không thể có con đường nào khác. Ít ra, khi tự vấn lương tâm mình, tôi rất xấu hổ và hèn hạ khi khai mình là người lính chiến. Đó là những cảm giác có thật và tự vấn trong lương tâm tôi. Tôi có đi lính ngày nào đâu, có chiến đấu ngày nào đâu. Nhưng nếu không nhận lấy cơ hội mà ông trời vì thấu hiểu hoàn cảnh của tôi, thương tình ban cho tôi thì cuộc đời tôi chẳng lẽ chìm mãi trong bế tắc ư?

Tôi day dứt đau khổ vì mỗi lần nhìn thấy những người lính chiến đấu từ chiến trường trở về, trong tôi dâng lên một cảm giác thương mình xót xa vì thực tế tôi đâu có hèn như vậy. Không hạnh phúc gì, sung sướng gì khi phải sống với một lý lịch dối trá. Chính vì vậy khi công tác ở nhà máy, bao nhiêu thanh niên xung phong, thương bệnh binh, bộ đội xin chuyển ngành về nhà máy, tôi nhận tất tật và rất ưu ái. Tôi đã làm việc hết mình cho nhà máy và đã được bình bầu là "Chiến sĩ thi đua" hằng năm và bằng khen của Bộ Công nghiệp nhẹ.

Người vợ, hiện đã chung sống 40 năm với 4 mặt con đã thành đạt và "đầy sân quế hòe", chính là cô gái tôi đã gặp ở nhà máy. Vợ tôi chính là nữ thanh niên xung phong chống Mỹ được tôi thu nhận về xí nghiệp rất muộn màng sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ hai khóa ở tuyến lửa khu IV và bị thương. Người con gái vùng biển Nghĩa Hưng dễ thương, có mái tóc dài xanh bết gót như một dòng sông, đã chiếm trọn tình cảm của tôi. Tôi lấy vợ sinh con và công việc đã ổn định  nhưng lòng vẫn canh cánh nhớ về người mẹ già nơi quê nhà. Vì mẹ đã tuổi cao sức yếu, đưa mẹ đi ra Nam Định để nuôi mẹ thì mẹ một mực không chịu. Cực chẳng đã, tôi xin nghỉ làm ở nhà máy, năm 1976 "bầu đoàn thê tử" tôi ôm nhau về xứ Nghệ để "báo hiếu trả nghĩa mẹ" sau 10 năm lưu lạc.

Từ đó trở đi, tôi ở quê nhà làm lại từ đầu, vất vả, khổ sở, làm thuê đủ nghề: Chạy chợ, chạy bè, đào đất, cất gỗ, thợ xẻ, thợ nề, làm cán bộ 202, chỉ huy xây dựng các công trình dân sự như bệnh viện, trường cấp 3, đập thủy lợi Đô Lương, hồ Kẻ Gỗ Hà Tĩnh. Năm 1993 mẹ già mất, hưởng thọ 93 tuổi. Cuộc sống ở quê nhà bao khó khăn vất vả, những tưởng tôi đã an bài với tuổi 60 nơi quê nhà nhưng một lần nữa tôi lại ly hương cùng vợ con ngược đường vào vùng Lâm Đồng xây dựng vùng kinh tế mới. Từ bấy cho đến nay cuộc sống của tôi dần ổn định hơn, các con cũng đã trưởng thành, tôi quay sang viết báo và cộng tác viên cho các báo. Tôi tìm niềm hạnh phúc trong những điều nhỏ nhặt mà tôi bắt gặp trong cuộc sống hằng ngày, sống tĩnh tâm hơn và vui vầy sớm tối với cháu con.

Kính thư: Nguyễn Lê Đông (Thôn 5, xã Tân Thanh, Lâm Hà, Lâm Đồng)

SOURCE: CHUYÊN MỤC “CHUYỆN KHÓ TIN CÓ THẬT” BÁO AN NINH THẾ GIỚI CUỐI THÁNG

Trích dẫn từ: http://antgct.cand.com.vn/vi-vn/chuyenkhotin/2009/5/52905.cand

Exit mobile version