Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

VỊ TRÍ, VAI TRÒ VIỆN KIỂM SÁT TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ THEO YÊU CẦU CẢI CÁCH TƯ PHÁP

Advertisements

TS. NGUYỄN NGỌC KHÁNH – Phó Tổng biên tập Tạp chí Kiểm sát

1. Vị trí, vai trò Viện kiểm sát (Viện công tố) của một số nước trên thế giới trong tố tụng dân sự

1.1. Vị trí, vai trò Viện công tố Pháp trong tố tụng dân sự

Viện công tố Pháp có thể tham gia vào quá trình giải quyết vụ việc với hai tư cách: Thứ nhất, với vai trò đại diện cho lợi ích chung, bảo vệ trật tự công, Viện công tố có thể tự mình khởi kiện (khởi tố) vụ án dân sự, đưa yêu cầu giải quyết việc dân sự ra trước Toà án (như đưa ra yêu cầu tuyên bố một người mất tích hay là đã chết, đưa ra yêu cầu Toà án chỉ định người quản lý di sản thừa kế…), hoặc tham gia tố tụng với tư cách bị đơn đại diện cho Nhà nước khi bị kiện; thứ hai, với vai trò đại diện và bảo vệ luật pháp, Viện công tố có quyền kháng nghị theo thủ tục phá án (giám đốc thẩm) và tham gia tố tụng để cho ý kiến về việc áp dụng pháp luật tại phiên toà giải quyết vụ việc dân sự.

1.2. Vị trí, vai trò Viện kiểm sát Liên bang Nga trong tố tụng dân sự

Viện kiểm sát Liên bang Nga tham gia tố tụng dân sự với tư cách là người nhân danh Liên bang Nga và vì lợi ích của luật để bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích xã hội, Kiểm sát viên Liên bang Nga thực hiện 2 nhóm quyền cơ bản: Thứ nhất, khởi kiện yêu cầu Toà án bảo vệ quyền tự do và lợi ích hợp pháp của công dân, của tập hợp người không xác định, lợi ích của Liên bang Nga, chủ thể Liên bang Nga, các tổ chức tự quản địa phương; thứ hai, tham gia tố tụng và phát biểu kết luận đối với những vụ án liên quan đến việc buộc đi ở nơi khác, yêu cầu khôi phục việc làm, yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do bị xâm phạm tính mạng hoặc sức khoẻ, hoặc trong những trường hợp khác do luật quy định.

1.3. Vị trí, vai trò Viện kiểm sát Trung Quốc trong tố tụng dân sự

Trong tố tụng dân sự, vị trí, vai trò Viện kiểm sát Trung Quốc được biểu hiện trên hai phương diện chủ yếu: Thứ nhất, nhân danh lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng để khởi kiện vụ án dân sự, cụ thể là trường hợp tài sản quốc gia, tài sản tập thể bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây nên, mà cơ quan, tổ chức bị thiệt hại không tự đề xuất khởi kiện dân sự, Viện kiểm sát có thể quyết định việc khởi kiện dân sự kèm theo cùng với việc đưa ra cáo trạng buộc tội. Việc khởi kiện dân sự sẽ được xét xử đồng thời với vụ án hình sự. Kiểm sát viên tham gia vào quá trình giải quyết vụ án có quyền, nghĩa vụ tương tự như nguyên đơn, trừ quyền hoà giải và nghĩa vụ nộp các lệ phí tố tụng; thứ hai, thực hiện chức năng giám sát pháp luật trong tố tụng dân sự thông qua hoạt động kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

1.4. Vị trí, vai trò cơ quan Công tố Hoa Kỳ trong tố tụng dân sự

Vị trí, vai trò cơ quan Công tố Hoa Kỳ trong tố tụng dân sự được thể hiện tập trung và rõ nét thông qua chức năng đại diện cho lợi ích công hoặc đại diện cho Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ hay Chính phủ Hoa Kỳ, cũng như cho các cơ quan hành pháp liên bang, các cơ quan hành pháp tiểu bang trong các khiếu kiện dân sự nếu các đối tượng này là một bên tham gia tranh chấp (với tư cách là nguyên đơn hoặc với tư cách là bị đơn); và trong những trường hợp này, các Công tố viên tham gia tố tụng có vị trí như một bên đương sự. Các loại khiếu kiện dân sự mà cơ quan Công tố Hoa Kỳ có thể tham gia tương đối đa dạng và phong phú, như: Đại diện và trực tiếp bảo vệ lợi ích cho Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ hay Chính phủ Hoa Kỳ, cũng như cho các cơ quan hành pháp khác trong các vụ kiện dân sự mà các đối tượng này là một bên tham gia tranh chấp (cả trong nước cũng như tại Toà án nước ngoài); khởi kiện yêu cầu bãi bỏ các văn bản pháp luật, nếu việc áp dụng chúng làm hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của các công dân; khởi kiện nhằm bảo vệ chính sách “cơ hội ngang bằng”, không phân biệt đối xử đối với những nhóm người chịu thiệt thòi trong xã hội (như phụ nữ, người bị tàn tật, người dân tộc thiểu số, người da đen…); khởi kiện nhằm bảo vệ an toàn và sức khoẻ cộng đồng, chống ô nhiễm môi trường…

1.5. Vị trí, vai trò cơ quan Công tố Nhật Bản trong tố tụng dân sự

Trong tố tụng dân sự, Công tố viên Nhật Bản có vai trò như người đại diện cho lợi ích công, tham gia tố tụng với vị trí là người đại diện cho những đương sự không có khả năng tự thực hiện các quyền dân sự của mình, như: yêu cầu tước bỏ hoặc hạn chế quyền của cha mẹ trong trường hợp nếu cha mẹ lạm dụng quyền của mình hoặc có lỗi nghiêm trọng trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái; yêu cầu Toà án tước bỏ quyền quản lý của cha mẹ đối với tài sản của con cái trong trường hợp nếu việc cha mẹ quản lý tài sản đó gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản họ đang quản lý; quyền yêu cầu Toà án thải hồi người giám hộ nếu người giám hộ thực hiện một hành vi không phù hợp cho việc thực hiện trách nhiệm giám hộ…

1.6. Vị trí, vai trò cơ quan Công tố Cộng hoà Indonesia trong tố tụng dân sự

Trong tố tụng dân sự, cơ quan Công tố Cộng hoà Indonesia được trao thẩm quyền khá rộng. Ngoài các nhiệm vụ tham gia vào các hoạt động nhằm tăng cường nhận thức pháp luật trong xã hội, tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm việc thi hành các chính sách thực thi pháp luật, tư vấn và hỗ trợ thông tin về mặt pháp lý cho các cơ quan Nhà nước, cơ quan Công tố Cộng hoà Indonesia có thẩm quyền:

Tiến hành các hoạt động pháp lý đại diện và phục vụ cho lợi ích của Nhà nước và Chính phủ trong và ngoài Toà án. Công tố viên có thể đại diện cho Nhà nước và Chính phủ với tư cách là nguyên đơn hoặc bị đơn trong các án kiện tại Toà án hay là một bên tham gia đối với các vụ việc pháp lý giải quyết ngoài Toà án; kháng nghị đối với các vụ án dân sự lên Toà án tối cao. Theo quy định tại điểm d Điều 35 Luật tổ chức cơ quan Công tố nước Cộng hoà Indonesia, thẩm quyền kháng nghị này thuộc về Tổng Chưởng lý.

2. Vị trí, vai trò Viện kiểm sát Việt Nam trong tố tụng dân sự

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004, Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng, thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự (mặc dù phạm vi tham gia phiên toà và thẩm quyền cụ thể của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự đã có nhiều sửa đổi, bổ sung khác trước, như: Viện kiểm sát không tham gia 100% các phiên toà như quy định của Điều 21 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 mà chỉ giới hạn tham gia đối với những vụ án do Toà án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại (về việc thu thập chứng cứ đó) của Toà án, đối với các việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án, đối với các vụ án và các việc dân sự mà Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của Toà án (theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm); Viện kiểm sát không thực hiện thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự, lao động là thẩm quyền đã được quy định cho Viện công tố và Viện kiểm sát trong 34 năm từ năm 1950 đến năm 2004…) mà một trong những phương thức hoạt động chủ yếu là phải tập trung kiểm sát các quyết định giải quyết và xử lý vụ việc dân sự của Toà án để góp phần đảm bảo các quyết định này có căn cứ và hợp pháp; trong trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật, Viện kiểm sát được thực hiện các quyền: Quyền yêu cầu, quyền kiến nghị, quyền kháng nghị nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật.

Với Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004, nhiều thẩm quyền cơ bản của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự như: Thẩm quyền tham gia phiên toà và phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án, thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm… vốn đã được ghi nhận từ rất sớm thậm chí từ ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (năm 1945), trước khi ra đời hệ thống Viện kiểm sát nhân dân các cấp (năm 1960), nay tiếp tục được khẳng định, kế thừa, bổ sung, chỉnh lý sau khi đã được kiểm nghiệm, sàng lọc qua thực tiễn sống động của đời sống xã hội. Tuy nhiên, quá trình tiếp nhận, kế thừa chế định Viện kiểm sát trong Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 diễn ra chưa thật sự tròn vẹn. Điều đáng ngạc nhiên là trong khi chúng ta “quên” hay “cố tình lãng quên” thẩm quyền khởi tố (khởi kiện) vụ án dân sự của Viện kiểm sát khi soạn thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004, thì thẩm quyền này lại vẫn đang được quy định và tiếp tục quy định ở những nước vốn có truyền thống pháp luật văn minh và lâu đời nhất. Rõ ràng, vai trò này không chỉ được thừa nhận trong quá khứ. Sẽ là sai lầm khi chúng ta bỏ qua vai trò lịch sử của Viện kiểm sát trong việc khởi tố (khởi kiện) các vụ án dân sự. Việc Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 bỏ thẩm quyền khởi tố (khởi kiện) của Viện kiểm sát đã thực sự tạo ra khoảng trống pháp luật vì không một cá nhân nào, không một cơ quan, tổ chức Nhà nước nào được giao nhiệm vụ này có thể thay thế hoặc rất khó có thể thay thế cho hoạt động này của Viện kiểm sát. Vai trò “yếu ớt” của các cá nhân, cơ quan, tổ chức Nhà nước trong việc khởi kiện vụ án dân sự nhằm bảo vệ lợi ích chung trong thời gian qua là minh chứng rõ nét cho nhận định này.

Trước đây, khi chưa có Bộ luật Tố tụng Dân sự, hàng năm, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã khởi tố hàng trăm vụ án dân sự, bảo vệ có hiệu quả lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của các công dân, của những người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần… Từ khi ban hành Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 đến nay, vẫn chưa có một vụ án dân sự nào nhằm bảo vệ lợi ích chung được cơ quan, tổ chức Nhà nước khởi kiện, mặc dù đã có hàng trăm, hàng ngàn vụ việc dân sự xâm hại lợi ích công đã và đang xảy ra cần phải được xử lý. Đây là một thực tế đáng báo động, nhất là khi hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế, sự phát triển của khoa học – kỹ thuật, tình trạng vi phạm pháp luật dân sự xâm hại lợi ích công đang ngày càng gia tăng và đụng chạm đến cả những lĩnh vực quan trọng nhất của an sinh xã hội. Chẳng hạn như trong lĩnh vực môi trường, các phương tiện thông tin đại chúng đã lên án mạnh mẽ việc chúng ta chưa thiết lập được cơ chế pháp luật dân sự hiệu quả để bảo vệ môi trường sống đang bị ô nhiễm một cách nghiêm trọng. Trong khi đó, nguy cơ môi trường tác hại đến sức khoẻ con người là rất lớn. Khí thải, nước thải, rác thải từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, bệnh viện… chưa qua xử lý được đưa vào môi trường sống hàng ngày, hàng giờ, đáng sợ là có cả một số chất thải có nhiều nguy cơ gây ra các bệnh nguy hiểm đối với sức khoẻ con người như ung thư, đường ruột, vô sinh, lao phổi, các hội chứng nhiễm độc(1)… Hoặc ví dụ như trong lĩnh vực tiêu dùng, quyền lợi của hàng triệu người tiêu dùng bị xâm hại hàng ngày với chiều hướng diễn biến phức tạp. Không kể các vụ ngộ độc thực phẩm tại đám cưới, trường học, nhà hàng, các khu công nghiệp khiến hàng chục, thậm chí hàng trăm người phải cấp cứu, năm 2006 và năm 2007 đã xảy ra nhiều vụ xâm phạm quyền lợi của rất, rất nhiều người tiêu dùng mà vẫn thiếu thủ tục khiếu kiện dân sự có hiệu quả để bảo vệ người tiêu dùng như: Vụ xăng pha aceton làm hư hỏng động cơ; vụ sữa bột được ghi thành sữa tươi của một số nhà sản xuất sữa, nguy hại nhất là nước tương có chứa chất 3-MPCD có khả năng gây ung thư, nước mắm gây ngộ độc do có chứa chất urê vượt quá nồng độ cho phép(2)…

Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận vai trò quan trọng của các cá nhân, cơ quan, tổ chức, bằng việc xử lý hình sự, bằng việc áp dụng các biện pháp hành chính (như việc định ra tiêu chuẩn, kiểm tra, thanh tra, giám sát, cấp giấy phép, phạt tiền…), trợ giúp pháp lý (như tư vấn pháp luật; tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật…), trợ giúp về mặt xã hội (như tiếp nhận, nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ; cử người giám hộ để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự…), đã có những đóng góp tích cực trong công cuộc đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật dân sự xâm hại lợi ích chung. Tuy nhiên, nếu chỉ giới hạn ở những biện pháp này như hiện nay thì rõ ràng chưa đủ, mà cần phải có cái nhìn bao quát, xa và rộng hơn theo hướng phát huy đồng bộ sức mạnh tổng thể các biện pháp, bao gồm cả biện pháp giải quyết các vụ việc trong quan hệ pháp luật dân sự. Song để thực hiện có hiệu quả biện pháp giải quyết các vụ việc trong quan hệ pháp luật dân sự vốn dĩ rất phức tạp, thì không phải cá nhân, cơ quan, tổ chức nào cũng có thể làm được. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực mình phụ trách một cách chuyên sâu, các cơ quan, tổ chức Nhà nước không có điều kiện về thời gian cũng như nguồn lực trong việc khởi kiện bảo vệ lợi ích chung như những cơ quan, tổ chức chuyên về tố tụng. Trong lĩnh vực này, vai trò của cá nhân cũng rất hạn chế và thụ động. Chưa kể đến khó khăn về phương diện tâm lý(3), những khó khăn về thủ tục tố tụng, về khả năng tài chính khi khởi kiện… đã là những rào cản không dễ vượt qua đối với những cá nhân muốn khởi kiện để bảo vệ lợi ích chung, trong đó có lợi ích của chính mình. Điều này ta có thể nghiệm thấy khi nghiên cứu vụ án anh Hà Hữu Tường, cán bộ thi hành án dân sự quận 8 thành phố Hồ Chí Minh khởi kiện doanh nghiệp đòi bồi thường cho hàng triệu người tiêu dùng ở Việt Nam vừa qua. Theo đơn khởi kiện, anh Tường yêu cầu ngành y tế và các nhà sản xuất phải bồi thường thiệt hại 30 tỷ đồng đối với tính mạng và sức khoẻ hàng triệu người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm nước tương chứa 3-MCPD vượt tiêu chuẩn trong nhiều năm qua. Việc anh Tường đứng ra làm đơn khởi kiện cho những người tiêu dùng khác là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, xét về góc độ pháp luật tố tụng, đơn khởi kiện này khó có thể được Toà án chấp nhận: Thứ nhất, anh Tường chỉ là một cá nhân, theo Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 thì cá nhân có thể khởi kiện để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình, nếu thay mặt cho những người khác phải được sự uỷ quyền hợp pháp của những người đó; nếu không có uỷ quyền thì việc khởi kiện để bảo vệ lợi ích của tập hợp người tiêu dùng chỉ do các cơ quan, tổ chức có chức năng trong lĩnh vực mình phụ trách thực hiện. Thứ hai, đơn khởi kiện phải ghi rõ bị đơn là ai, chứ không thể ghi chung chung các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất nước tương và ngành y tế được. Thứ ba, yêu cầu bồi thường 30 tỷ đồng cho “sức khoẻ và tính mạng của hàng triệu người tiêu dùng”, mà không rõ là bồi thường cho cụ thể những ai. Thứ tư, kèm theo đơn phải có chứng cứ cụ thể chứng minh cho yêu cầu bồi thường 30 tỷ đồng này. Thứ năm, tiền tạm ứng án phí sơ thẩm để Toà án thụ lý là quá lớn, sơ sơ cũng phải trên 150 triệu đồng. Đây không phải là khoản tiền mà bất cứ cá nhân thiện chí nào cũng sẵn có khi tự đứng ra khởi kiện bảo vệ lợi ích công như anh Tường(4).

Nhưng đối với Viện kiểm sát thì khác. Với việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước chuyên trách trong lĩnh vực tố tụng, có tính chuyên nghiệp cao thông qua bộ máy và cán bộ chuyên môn trong hệ thống cơ quan Viện kiểm sát từ Trung ương đến địa phương, mô hình Viện kiểm sát có điều kiện hơn và có ưu thế hơn các mô hình khác trong việc khởi kiện để bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng. Không phải ngẫu nhiên mà pháp luật các nước đều quy định dành cho Viện kiểm sát (Viện công tố) thực hiện thẩm quyền này. Tất nhiên, trong xã hội dân chủ cần đa dạng hoá các kênh, các hình thức bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng bằng con đường Toà án. Nhưng các kênh, các hình thức bảo vệ khác bằng con đường Toà án không loại trừ khả năng bảo vệ của Viện kiểm sát trong lĩnh vực này. Các kênh, các hình thức bảo vệ khác nhau cần phải được phát triển song song mà không phủ nhận lẫn nhau.

Ở khía cạnh khác, việc Viện kiểm sát cần phải tham gia tố tụng với tư cách bị đơn đại diện cho Nhà nước Việt Nam khi bị kiện là một vấn đề không thể không quan tâm. Hiện nay, cùng với quá trình đổi mới, sự tham gia của Nhà nước Việt Nam vào các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại trong nước cũng như ngoài nước như quan hệ công trái, vay mượn, mua sắm, thừa kế di sản, đầu tư trong nước và ngoài nước… do Chính phủ đại diện ngày càng thường xuyên và phát triển sâu rộng. Như một hệ quả tất yếu của sự phát triển, việc phát sinh và gia tăng những tranh chấp có tính chất dân sự trong đó Nhà nước Việt Nam là chủ thể bị kiện là điều không thể tránh khỏi. Vấn đề là cơ quan, tổ chức Nhà nước nào có thể thay mặt Nhà nước Việt Nam để tham gia tố tụng với tư cách bị đơn? Trước yêu cầu mới này, có lẽ chúng ta không có nhiều lựa chọn. Suy cho cùng, với những ưu thế sẵn có của cơ quan Nhà nước chuyên trách trong lĩnh vực tố tụng, Viện kiểm sát xứng đáng là một mô hình thích hợp nhất cho việc thực hiện thẩm quyền quan trọng này.

3. Xác định đúng vị trí, vai trò Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự theo yêu cầu cải cách tư pháp

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 nêu rõ việc “Nghiên cứu việc chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố…”. Như vậy, định hướng đổi mới vị trí, vai trò Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự theo yêu cầu cải cách tư pháp đã rõ, theo nghĩa: Việc xác định mô hình Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự cần phải được đặt trong nội dung và yêu cầu chuyển đổi từ mô hình tổ chức Viện kiểm sát hiện có sang một mô hình tổ chức mới là Viện công tố với chức năng, nhiệm vụ thay đổi. Vấn đề đặt ra là mô hình Viện công tố đó có thực hiện chức năng, nhiệm vụ gì trong tố tụng dân sự hay không?

Về vấn đề này, chúng tôi thấy rằng, trong định hướng chuyển đổi từ mô hình Viện kiểm sát hiện có sang một mô hình mới là Viện công tố, cần tiếp tục khẳng định vai trò của Viện kiểm sát (cơ quan Công tố) trong tố tụng dân sự và tiếp tục coi đó như là một chức năng thuộc tính của mô hình Viện công tố (Viện kiểm sát) chuyển đổi ở nước ta. Cùng với việc thực hiện chức năng công tố, cơ quan Công tố nhân danh công quyền tham gia trong một số loại vụ việc dân sự liên quan đến trật tự pháp luật, lợi ích Nhà nước, lợi ích xã hội trên cơ sở bảo đảm và tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự là phù hợp với truyền thống pháp lý, đặc điểm kinh tế – xã hội nước ta cũng như xu thế hội nhập quốc tế hiện nay. Dưới góc độ nghiên cứu về tổ chức và hoạt động cơ quan Công tố (Viện kiểm sát) của các quốc gia trên thế giới cho thấy, bên cạnh việc thực hành quyền công tố là chính, các cơ quan này đều có vị trí, vai trò nhất định trong lĩnh vực dân sự, thương mại, cho dù chúng có được gọi là “Viện kiểm sát” hay “Viện công tố”, cho dù đó là Viện kiểm sát (Viện công tố) có chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp hay không có chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, cho dù đó là Viện kiểm sát (Viện công tố) có vị trí thuộc nhánh quyền hành pháp, lập pháp hay tư pháp. Quá trình cải cách tư pháp ở các nước châu Âu cũng cho thấy xu hướng mở rộng thẩm quyền của cơ quan Công tố (Viện kiểm sát) ra ngoài phạm vi truyền thống của nó là tố tụng hình sự, tức là họ đã nhìn thấy hạn chế của mô hình “Viện công tố (Viện kiểm sát) trong tố tụng hình sự thuần tuý” và ưu việt của mô hình “Viện công tố (Viện kiểm sát) mở rộng trong cả lĩnh vực dân sự”. Hội thảo Viện công tố (Viện kiểm sát) ở châu Âu trong thế kỷ 21 tại thành phố Strassburg tháng 5 năm 2000 đã khẳng định: “Nếu chỉ có lĩnh vực hình sự thì quá hạn chế, do vậy nên nhìn nhận vai trò của Viện công tố (Viện kiểm sát) trong lĩnh vực pháp luật dân sự, thương mại và xã hội. Hơn nữa, với mục đích bảo đảm sự phản ứng hiệu quả trước hiện tượng tội phạm, cần nghiên cứu khả năng hoạt động của Viện công tố (Viện kiểm sát) trong lĩnh vực thuế, tài chính, hành chính và các lĩnh vực khác…”. Dưới góc độ lịch sử và thực tiễn, nghiên cứu cơ quan Công tố Việt Nam từ năm 1945 đến nay cho thấy, tuy mức độ có khác nhau trong từng thời kỳ nhưng vai trò của cơ quan Công tố (Viện kiểm sát) trong việc giải quyết các vụ việc dân sự luôn được khẳng định, phát triển và phát huy hiệu quả trong thực tiễn đời sống xã hội.

Quán triệt quan điểm của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp; kết hợp lý luận và thực tiễn hơn 60 năm thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự và trên cơ sở kế thừa truyền thống, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm nước ngoài phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế, vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự được đổi mới theo hướng: Viện kiểm sát vừa là cơ quan đại diện và bảo vệ luật pháp, vừa đại diện cho lợi ích Nhà nước và lợi ích công cộng. Từ cách đặt vấn đề như vậy, trong tố tụng dân sự, Viện kiểm sát sẽ đảm nhận vai trò kép và được thực hiện ở chỗ: Thứ nhất, đó là vai trò bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích của những cá nhân không có khả năng tự thực hiện quyền dân sự và/hoặc không thể tự bảo vệ mình. Trong trường hợp này, Viện kiểm sát tham gia tố tụng với tư cách tương tự như một bên đương sự; thứ hai, đó là vai trò đại diện và bảo vệ luật pháp trong việc giải quyết các vụ việc dân sự. Trong trường hợp này, Viện kiểm sát tham gia tố tụng với tư cách là cơ quan tiến hành tố tụng (theo cách gọi hiện nay của ta).

Như vậy, trong tố tụng dân sự, Viện kiểm sát có ba vị trí khác nhau: Là người đại diện cho Nhà nước Việt Nam trong các vụ việc dân sự mà Nhà nước Việt Nam là một bên đương sự; là người đứng đơn khởi kiện (khởi tố) vụ việc dân sự nhân danh lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích của những cá nhân không có khả năng tự thực hiện quyền dân sự và/hoặc không thể tự bảo vệ mình; là người đại diện và bảo vệ luật pháp./.

____________________

(1) Bên cạnh đó, tác hại của ô nhiễm môi trường đến nền kinh tế cũng rất lớn. Theo báo Dân trí mạng (ra ngày 26/10/2007), thì dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay đang ở mức khoảng 8%/1 năm, nhưng nếu tính những tổn thất môi trường do quá trình tăng trưởng đem lại, tăng trưởng thực tế còn rất thấp, không khả quan đến như vậy. Thậm chí, GDP thực tế của Việt Nam sẽ chỉ còn ở mức 3 – 4%/1 năm nếu tình trạng ô nhiễm môi trường không được cải thiện.

(2) Xem Hải Hà “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: thiếu cơ chế pháp lý”, Báo Hà Nội Mới, số ra ngày 10-9-2007, tr. 3.

(3) Theo ông Đỗ Viết Tịnh, Chánh văn phòng Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, thì “Thực tế, người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa quen và cũng ngại dính đến khiếu kiện. Do đó mà nhiều khi quyền lợi của mình bị xâm phạm, họ cũng cho qua, cùng lắm là khiếu nại đòi bồi thường với chính doanh nghiệp đó thôi. Chính vì lẽ đó mà nhiều doanh nghiệp đã không tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng. Vụ “ghi nhầm” nhãn sữa tươi vừa qua, trước đó là vụ xăng có chứa chất aceton, vụ các cây xăng vi phạm về đo lường và chất lượng xăng… là minh chứng rõ ràng nhất”, báo Bảo vệ Pháp luật, số ra ngày 31/10/2007, tr.12.

(4) Xem Tiền Phong Online, số ra ngày 20/6/2007, bài “Vụ nước tương chứa chất 3-MCPD gây ung thư”.

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

Trích dẫn từ: http://www.vksndtc.gov.vn/tailieu/cctuphapview.aspx?stt=64

Exit mobile version