admin@phapluatdansu.edu.vn

CẦN CÓ CƠ CHẾ HỢP LÝ

TS. NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

Công chứng sai có thể dẫn đến việc chuyển dịch tài sản nhầm địa chỉ và điều đó cũng có nghĩa rằng sẽ có người nào đó bị thiệt hại. Loại rủi ro nghề nghiệp này là mối đe dọa cả đối với công chứng viên nhà nước và công chứng viên tư nhân. Tuy nhiên, trong trường hợp công chứng nhà nước phạm sai lầm gây thiệt hại, thì có Nhà nước đứng đằng sau, đóng vai người bảo trợ, bồi thường thay cho viên chức thi hành công vụ; trong khi đằng sau công chứng tư nhân chẳng có ai.

Bởi vậy, vấn đề bảo đảm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên tư nhân được xã hội đặt ra thậm chí trước khi các văn phòng công chứng tư mở cửa đón những người khách đầu tiên. Đáng tiếc là người làm luật đã tỏ ra chậm chạp, nặng nề, thiếu nhạy bén trong việc giải quyết vấn đề này.

Trong khung cảnh luật hiện hành, mỗi khi cần xác định trách nhiệm vật chất của công chứng viên trong quá trình tác nghiệp, người ta chỉ có thể dựa vào luật chung về trách nhiệm dân sự. Cụ thể, nếu công chứng viên làm sai, dẫn đến thiệt hại cho người khác, thì phải bồi thường thiệt hại bằng toàn bộ tài sản của mình. Thoạt nghe, dễ nghĩ rằng người bị thiệt hại được pháp luật bảo vệ tốt; nhưng trên thực tế, nạn nhân của công chứng viên, cũng như bất kỳ nguyên đơn dân sự nào trong một vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, chỉ là một chủ nợ không có bảo đảm của người gây thiệt hại.

Rõ hơn, muốn cưỡng chế việc bồi thường thì người bị thiệt hại phải chỉ ra các tài sản thuộc sở hữu của người gây thiệt hại, có thể bán được để trả nợ . Nếu người gây thiệt hại có chủ nợ được bảo đảm bằng các biện pháp cầm cố, thế chấp, thì người bị thiệt hại phải để chủ nợ được ưu tiên trả nợ trước. Nếu ngoài người bị thiệt hại, người gây thiệt hại còn có các chủ nợ không có bảo đảm khác nữa, thì việc trả nợ được thực hiện theo quy tắc “chạy đua”: ai đến trước được trả trước; ai đến sau được trả sau, bằng những gì còn lại; ai chậm chân, đến muộn, chẳng còn gì để bán trừ nợ, thì đành chịu.

Ở các nước tiên tiến, trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên được bảo hiểm bắt buộc. Trong trường hợp công chứng viên được bảo hiểm nghề nghiệp mắc sai sót về chuyên môn mà không phải do lỗi cố ý, gây thiệt hại cho một người nào đó, thì công ty bảo hiểm sẽ thế chỗ công chứng viên trong vai trò người bồi thường.

Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp công chứng không chỉ là biện pháp bảo vệ quyền lợi của “người tiêu dùng” dịch vụ công chứng, nó còn có tác dụng như chiếc phao cứu hộ giúp công chứng viên khỏi “chết chìm” trong giông bão kiện cáo và nhất là vẫn có thể tiếp tục đứng vững sau một tai nạn nghề nghiệp.

Về phương diện tâm lý, dưới sự che chở của chế độ bảo hiểm trách nhiệm, người hành nghề có được sự tự tin cần thiết để đương đầu với những thách thức của nghề nghiệp. Chẳng hạn, khi đứng trước những yêu cầu phức tạp về mặt nghiệp vụ, người hành nghề, thay vì thẳng thừng từ chối để tránh rủi ro, có thể bình tĩnh cân nhắc về việc nhận hay không nhận. Việc công chứng viên mạnh dạn tiếp nhận và xử lý những yêu cầu công tác khó khăn sẽ có tác dụng tích cực trong việc thúc đẩy lưu thông dân sự. Nó cũng tạo điều kiện cho công chứng viên hoàn thiện kỹ năng chuyên môn, tay nghề. Xã hội được hưởng lợi từ đó.

Tất nhiên, để được bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, công chứng viên phải nộp phí bảo hiểm. Các tài sản chuyển dịch do hiệu lực của văn bản công chứng thường có giá trị lớn; thiệt hại gây ra, nếu có, cũng to lớn một cách tương ứng. Để tránh rủi ro tổn thất cho chính mình, các công ty bảo hiểm thường chỉ chấp nhận bảo hiểm với mức phí cao.

Để giải bài toán hóc búa về phí bảo hiểm, công chứng viên ở các nước tiên tiến không giao kết hợp đồng bảo hiểm riêng lẻ, theo kiểu mạnh ai nấy làm. Họ có hội nghề nghiệp tự quản của mình; chính hội này nhận ủy thác của tập thể hội viên, đứng ra làm đối tác và giao kết với công ty bảo hiểm một hợp đồng bảo hiểm chung, có hiệu lực đối với từng hội viên.

Theo hợp đồng đó, hội sẽ nộp cho công ty bảo hiểm một khoản phí bảo hiểm được tính bằng cách nhân mức phí bảo hiểm bình quân áp dụng cho mỗi cá nhân với tổng số hội viên. Khoản này được hội thu từ sự đóng góp của hội viên. Mức đóng góp thường không được ấn định theo kiểu bình quân chủ nghĩa mà dựa vào nhiều yếu tố: thâm niên nghề nghiệp, địa bàn hoạt động, doanh thu trung bình hàng năm…

Với cách tính này, các công chứng viên mới vào nghề hoặc đặt văn phòng ở những nơi hẻo lánh, giao dịch thưa thớt, có thể đóng phí bảo hiểm thấp mà vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm như các công chứng có thâm niên và doanh thu cao hơn. Trong chừng mực đó, nộp phí bảo hiểm thông qua hội nghề nghiệp cũng được coi là một cách thiết lập mối quan hệ tương trợ giữa các công chứng viên. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong điều kiện nghề công chứng là một nghề mang tính rủi ro cao.

SOURCE: THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

Trích dẫn từ: http://www.thesaigontimes.vn/Home/doanhnghiep/phapluat/17370/

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading