ANH ĐỨC – PHAN VŨ
1. THÂN NÀI TRÊN LƯNG NGỰA
Cứ mỗi chiều thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần giới cá cược lại đổ về trường đua Phú Thọ – TP.HCM để khóc cười theo từng bước nhảy của ngựa đua. Trên lưng ngựa, có những em bé “không được lớn” đang phải oằn mình vì cuộc mưu sinh và thất học là “thành quả đạt được” sau khi giải nghệ…
Trẻ không muốn lớn
Tới trường đua Phú Thọ, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được là cảnh bát nháo, thiếu tính chuyên nghiệp của môn thể thao được coi là quí tộc này. Ngoài chủ ngựa, nài ngựa và một số ít người yêu thích đua ngựa, thì đa số những người còn lại đến đây hầu như là dân lao động nghèo, làm nghề tự do, buôn bán thậm chí không nghề nghiệp nhưng có cùng một sở thích là đam mê cá cược hơn là giải trí thuần túy.
Từ trong nhà cân, các nài ngựa xếp hàng và lần lượt được đọc tên lên bàn cân; đây là thủ tục bắt buộc để các nài bắt đầu đợt đua. Dàn cờ được chuẩn bị sẵn sàng, các “chiến mã” chờ cờ lệnh xuất phát. Cửa chuồng mở, vòng đua bắt đầu, những con ngựa tung mình lao về phía trước theo tiếng hò reo của khán giả. Trên lưng ngựa, những nài ngựa nhỏ thó với khuôn mặt non choẹt cúi rạp mình, quất roi thúc giục ngựa lao về đích. Những nài ngựa này đều có độ tuổi từ 10 đến 17 và cuộc đời làm nài được bắt đầu từ những hoàn cảnh thật đặc biệt.
Nài L.T.C đến với nghề này từ năm 2006, khi đó em mới 13 tuổi. L.T.C tâm sự: “Vì gia đình em nghèo nên em phải nghỉ học từ năm lớp 5 và theo nghề nài ngựa này. Hằng ngày em đi quần ngựa mướn cho chủ và luyện tập cưỡi ngựa”.
Theo lời L.T.C, mỗi đợt đua vào những ngày cuối tuần, nếu thắng có thể đem về nhà từ 1 đến 2 triệu đồng. Còn nếu thua thì cũng có tiền nhưng ít hơn, khoảng từ 100.000 đến 200.000 đồng, được gọi là tiền “tử” khi bước chân lên lưng ngựa.
Tổ ấm của L.T.C là căn nhà lá tồi tàn “thiếu trước, hụt sau” nằm cuối con đường đất ngoằn nghoèo chạy dài từ lộ lớn thuộc xã Đức Lập, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Mẹ nài L.T.C dáng người khắc khổ èo uột với căn bệnh đau dạ dày hành hạ nhiều năm ra đón chúng tôi, bà cho biết: “Nhà có 4 đứa con, thằng L.T.C là út, nhưng nó là đứa gồng gánh, lo toan và là thu nhập chính cho gia đình. Tôi và ba nó thì không thể lao động được vì sức khỏe yếu quá”.
Theo giới thiệu của L.T.C, chúng tôi được tiếp xúc với các nài khác hiện vẫn đang đua tại trường đua Phú Thọ. Điều cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là các em là những đứa trẻ phát triển không bình thường. Dáng người nhỏ bé, có em chỉ cân nặng 28 kg, còn nếu tăng cân lên đến 38 – 39 kg là phải giảm. Các nài như: N.T.H , N.V.S (tên tại trường đua) kể: Muốn giữ được cân nặng đủ tiêu chuẩn để đua, mỗi bữa các em chỉ được ăn theo kiểu “ép xác” với 1 chén cơm/1 bữa. Có những lúc lên cân hoặc để đủ điều kiện được cưỡi nhóm ngựa nhỏ như nhóm 3, 4, 5, 6, các em phải dùng đến biện pháp giảm cân nhanh bằng cách dùng thuốc xổ, uống thuốc lợi tiểu… cho mất nước nhanh. Chỉ cần dùng 1 liều thuốc có thể giảm cân nặng từ 2 đến 3 kg sau một ngày đêm. Những đứa trẻ này hoàn toàn không bình thường về thể trạng.
Tương lai nào cho các em?
Có khoảng 40 nài đang tham gia thường xuyên ở trường đua Phú Thọ, phần lớn sống ở huyện Đức Hòa (Long An) và ngoại thành TP.HCM như: Hóc Môn, Bình Chánh… Những nài ngựa hầu hết đều xuất thân từ hoàn cảnh gia đình khó khăn, lao vào mưu sinh từ khi còn rất nhỏ, không được học hành đến nơi đến chốn. Khi được hỏi về tương lai, câu trả lời của các em thật đơn giản: “Không biết sau này sẽ làm gì, tới đâu hay tới đó” hoặc “Em chỉ muốn đi dắt ngựa mướn cho chủ”…
Các bậc cha mẹ của các nài trả lời cũng rất vô tư, không chút băn khoăn, khi nói về việc học hành bị gián đoạn của các con: “Nó học tới lớp 5 nghỉ”, “thằng đó thì tới lớp 8 nghỉ”… Đi dọc trên tuyến đường qua huyện Đức Hòa, chúng tôi bắt gặp những tấm áp phích với khẩu hiệu: “Huyện Đức Hòa quyết tâm thực hiện chống mù chữ, phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí” và “Thanh niên độ tuổi 15 – 18 phải tốt nghiệp THPT, THCS để vững bước vào cuộc sống”. Những khẩu hiệu đó xa lạ với lũ trẻ làm nghề nài ngựa.
Lại có những mảnh đời được sinh ra và lớn lên thiếu sự quan tâm từ cha mẹ hoặc gia đình có gia cảnh ly tán… Các em ra đời sớm, kiếm được tiền nhưng lại lao vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ăn nhậu, mại dâm và đã có những trường hợp trở thành con nghiện ma túy. Có em khi tiếp xúc, chúng tôi không khỏi bàng hoàng khi thấy các em biểu hiện thái độ rất thiếu văn hóa, thô lỗ và trên khuôn mặt, ánh mắt của các em nét hồn nhiên, trẻ thơ đã mất.
Bà N.T.T.V, mẹ của một nài ngựa ở huyện Đức Hòa kể: “Những nài không có gia đình, cha mẹ bỏ nhau, rồi theo về sống tại chuồng ngựa của một số chủ ngựa thiếu sự quan tâm, dạy bảo nên lao vào đua đòi, ăn chơi”. Một chủ ngựa có thâm niên hơn 20 năm trong làng ngựa TP.HCM thì kể: “Cách đây khoảng 3 năm trước, có 2 nài ngựa chết do chích quá liều. Hiện có một nài ngựa tên K vào nghề nài khi mới 13 – 14 tuổi, nhưng sau đó rơi vào vòng xoáy của ma túy và vừa đi cai nghiện về. K được đánh giá là một nài giỏi, có tầm cỡ. Nhưng không một chủ ngựa nào dám nhận vào làm dù chỉ với “chức danh” dẫn ngựa vì quá khứ ăn chơi, nghiện ngập của K”.
Những biểu hiện tiêu cực trong cuộc sống của một số nài ngựa không chỉ dừng lại từ nguyên nhân cha mẹ, gia đình thiếu quan tâm mà còn từ những kẻ đam mê cá độ, đã mua chuộc, dụ dỗ các nài ngựa thực hiện những hành vi gian lận trong thi đấu. Hành vi nghiêm trọng này đã diễn ra nhiều năm nay.
2. ĐỒNG TIỀN VÀ NHÂN CÁCH
Đua ngựa được xem là môn thể thao giải trí “quý tộc”. Người nước ngoài nuôi ngựa chỉ để thoả niềm đam mê, nhưng ở Việt Nam đó là khái niệm xa xỉ.
Phần lớn họ làm để kinh doanh, kiếm được nhiều tiền, do đó không từ bất cứ thủ đoạn nào. Và để “giúp đỡ” cho những chủ ngựa này là các tay “thầu ngựa” và “chân rết” của chúng. Người thiệt thòi nhất vẫn là những chủ ngựa chân chính và nài ngựa nhỏ tuổi.
Ngựa “nuôi” chủ ngựa
Theo ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó Chủ nhiệm CLB thể thao Phú Thọ, hiện nay CLB có khoảng 900 – 1.000 chủ ngựa đang hoạt động, nhưng thực chất chỉ có 500 – 600 chủ ngựa thật sự. Số còn lại là “phát sinh” nhằm trốn thuế nhà nước. Có nhiều chủ ngựa nuôi ngựa chỉ để tranh đua nhằm đạt được tham vọng tiền bạc.
Chi phí để nuôi một con ngựa đua khoảng 2-3 triệu đồng/tháng. Theo một chủ ngựa giấu tên: nếu đua chân chính vẫn có thể lấy lại được số vốn trên và có lời, nhưng nhiều chủ ngựa đã chấp nhận bán rẻ danh dự của mình để kiếm tiền, thậm chí rất nhiều tiền. Ông Huỳnh Thanh Hùng cũng thừa nhận, hiện nay việc chủ ngựa tìm cách… để “được thua” vẫn còn xảy ra tại trường đua, nhưng do chế tài không đáng kể nên nó vẫn tiếp tục diễn ra và chưa có biện pháp ngăn chặn.
Khi được hỏi những chủ ngựa “cầu thua” như vậy được những lợi gì và phía sau họ là ai chỉ đạo thì ông Huỳnh Thanh Hùng từ chối không trả lời. Theo một số chủ ngựa thì nếu chấp nhận thua theo sắp xếp, các chủ ngựa sẽ được mức tiền trung bình khoảng 10-20 triệu đồng. Trong khi nếu đua hết sức chưa chắc đã thắng, mà mức tiền cũng chỉ gần 10 triệu đồng.
Những “chiêu thức” để thua của các chủ ngựa cũng khá tinh vi, rất khó để phát hiện và xử lý. Họ có thể tác động trực tiếp tới ngựa như: chích thuốc ngủ, cho ngựa nhịn đói, ăn quá no, cho ngựa lội nước để oải cơ… khiến cho ngựa không thể đua tốt nhất. Còn chiêu thức nữa là các chủ ngựa mua nài. Một số chủ ngựa nuôi nài ở nhà để dắt và quần ngựa. Vì vậy, những nài này có khi trở thành… người nhà, dễ sai bảo. Theo một cựu HLV tại trường đua Phú Thọ thì “phần lớn nài đều rất nhỏ tuổi, chưa đủ khả năng nhận thức rõ vấn đề. Do đó, chỉ cần bỏ ra 400.000 -500.000 đồng là có thể bảo nài làm theo ý mình”. Đây là thực trạng mà các chủ ngựa đều thừa nhận.
Tại trường đua đều có gắn camera theo dõi, nhưng đối với nài “có kinh nghiệm” thì vượt qua kiểm soát camera không khó. Trên thực tế, các nài vẫn một tay quất ngựa “nhiệt tình”, nhưng một tay lại níu cương. Camera chỉ có thể quay 1 hướng, do đó ở góc khuất, nài hạ tay xuống thấp hơn lưng ngựa là có thể ghì cương mà không ai biết.
Thầu ngựa lộng hành
Tại Việt Nam, đua ngựa được nhà nước cho phép và bản chất là trò chơi có thưởng. Nhưng do không kiểm soát được mặt trái tại trường đua, nên dần dần đã bị biến chất. Một chủ ngựa tại Đức Hoà – Long An khẳng định “bây giờ đua ngựa đã trở thành tệ nạn cờ bạc trá hình”.
Như đã nói ở trên, nếu “làm độ” thì chủ ngựa sẽ được một khoản tiền không nhỏ. Việc một số chủ ngựa móc ngoặc với nhau để sắp xếp thứ tự ngựa về đích là không đáng kể, và chỉ là “trò trẻ con”. Mà phía sau họ chính là những “thầu ngựa” giật dây. Những “thầu ngựa” này rất ít khi ra mặt, mà chủ yếu thông qua đám “chân rết” của mình. Trước mỗi cuộc đua, đám “chân rết” lại mang “phơi” ghi cá cược về nộp lại.
Những “thầu ngựa” này, về cung cách làm ăn không khác gì những “thầu đề”. Tuy nhiên, “thầu đề” khó khăn hơn rất nhiều vì phụ thuộc vào kết quả xổ số (thường rất khách quan, khó có thể nhúng tay vào được). Trong khi “thầu ngựa” chỉ cần bỏ ra một khoản tiền nhất định là có thể mua chuộc được kết quả cuộc đua. Do đó, tính công bằng khách quan tại trường đua là “hơi hiếm”.
Được biết, tại trường đua Phú Thọ hiện có khoảng gần 10 “trùm thầu” và khoảng 100 “chân rết” đang hoạt động ráo riết. Chính vì có nhiều “trùm thầu” như vậy nên đôi khi kết quả lại không được như… “sắp xếp”. Chuyện ngựa về “ngược”, “bể kèo” xảy ra thường xuyên.
Việc sắp xếp kết quả không phải quá khó, không ít chủ ngựa dùng mọi thủ đoạn để làm cho ngựa bị thua, nhưng ban tổ chức rất khó phát hiện. Ông Huỳnh Thanh Hùng cho biết, đội ngũ bác sĩ thú y sẽ khám xét ngựa, nếu phát hiện gian lận thì sẽ loại con ngựa đó. Tuy nhiên, một số chủ ngựa có thâm niên trong nghề cho rằng điều đó là rất khó, kể cả tìm bằng chứng việc các nài cố ý thua cũng không hề dễ. Phần lớn nài nằm trong “tầm ngắm” để mua chuộc đều là nài giỏi, có kinh nghiệm. Trong khi chất lượng đội ngũ trọng tài nói chung thường không qua trường lớp đào tạo, không bằng cấp, chứng chỉ nên chuyên môn cũng là dấu hỏi lớn!
Những kết quả được sắp xếp đã được dư luận đồn đại từ rất lâu. Việc xử lý những chủ ngựa đua dàn xếp kết quả cũng chưa đủ nặng, nên không thể hiện được tính răn đe. Chính những vấn đề còn tồn tại như vậy, nên từ một môn thể thao giải trí lành mạnh như đua ngựa đã và đang biến chất, chuyển thành một loại hình cờ bạc trong mắt người xem. Đáng lên án hơn, chính là “trò cờ bạc trá hình” này có liên quan trực tiếp đến nài ngựa, những đứa trẻ còi cọc vì “không được lớn”.
Sử dụng trẻ em dưới tuổi lao động đang là vấn đề không dễ giải quyết, khi giấy tờ của các em nài phần lớn là giả mạo. Đặc biệt khi “bóc lột” sức lao động của các em vào trò cờ bạc, làm huỷ hoại nhân cách của nhiều em là vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam. Sự việc diễn ra trong thời gian dài, nhưng không cơ quan nào biết?! Theo một người có “địa vị” tại trường đua, thì trường đua ngựa mặc dù trực thuộc Sở VH,TT&DL TP.HCM, nhưng hầu như chẳng cơ quan chức năng nào “nhòm ngó” tới.
Hoạt động của môn thể thao đua ngựa đang có những dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về việc sử dụng lao động chưa đủ tuổi. Những hoạt động của trường đua và cơ cấu tổ chức cần phải được xây dựng lại. Nhưng đó là vấn đề không dễ, khi gốc rễ của những sai phạm đã ăn sâu vào cả hệ thống trường đua.
3. CẦN CÓ LUẬT ĐỂ ĐIỀU CHỈNH
So với các quốc gia châu Á khác, đua ngựa tại Việt Nam còn hoạt động thiếu sự điều chỉnh từ luật. Việc tuyển lựa, đào tạo nài có nhiều điều bất cập; hoạt động của bộ môn đua ngựa đã bị biến tướng, bóp méo thành hoạt động cờ bạc trá hình.
Cần phải nhìn nhận lại trách nhiệm từ nhiều phía và xây dựng bộ môn đua ngựa để xứng tầm quốc tế.
Sai phạm từ đâu?
Trường đua Phú Thọ với diện tích 48 ha ra đời năm 1932, do người Pháp xây dựng, từng được xếp là một trong những trường đua nổi tiếng nhất châu Á. Sau một thời gian dài đóng cửa, đến năm 1989 trường đua hoạt động trở lại, thuộc quyền quản lý của Sở VH, TT&DL TP.HCM. Trường đua mở cửa mỗi tuần 2 ngày với 9 đợt đua. Số lượng ngựa đăng ký thi đấu chính thức hiện nay lên đến trên 600 con và còn đến vài trăm ngựa dự bị khác, cuốn theo nó là bao nhiêu thân phận nài ngựa mà chúng tôi đã phản ánh trong 2 kỳ trước.
Hoạt động đua ngựa của trường đua Phú Thọ hiện chỉ theo điều lệ được soạn thảo từ Ban Chủ nhiệm CLB Phú Thọ và chưa có luật qui định về hoạt động đua ngựa. Trong khi các quốc gia trong khu vực châu Á đã có Luật đua ngựa và việc tổ chức các hoạt động từ đào tạo nài, tổ chức thi đấu, tổ chức cá cược với các qui định cụ thể và chế tài chặt chẽ.
Đơn cử: Hiệp hội đua ngựa Hàn Quốc (KRA – The Korea Racing Association) là một tổ chức phi chính phủ được thành lập và giám sát bởi Bộ Nông, Lâm nghiệp Hàn Quốc. Nhiệm vụ chính của hiệp hội này là đem đến cho người hâm mộ những cuộc đua hấp dẫn và công bằng. Bên cạnh đó, hiệp hội sẽ sử dụng nguồn tài chính từ các hoạt động đua ngựa cho các hoạt động dịch vụ xã hội.
Riêng đối với các nài ngựa, phải được đào tại bài bản 2 năm tại trường dạy đua ngựa KRA thành lập từ năm 1971. Điều kiện bắt buộc để tham gia dự tuyển, các thí sinh phải tốt nghiệp phổ thông trung học, có độ tuổi từ 17 đến 22, cân nặng từ 50 kg và chiều cao từ 1m68 trở lên. Với chương trình 2 năm, các học viên phải trải qua 300 – 400 giờ học lý thuyết và thực hành.
Trong khi đó, nài tại trường đua Phú Thọ lại dưới tuổi lao động, quá trình đào tạo chỉ 1 tháng rưỡi là trở thành nài tập sự và sau 3 tháng tập sự là trở thành nài chính thức cho một môn thể thao nguy hiểm. Đây là hành vi gây hại đến sức khỏe của trẻ em. Mặt khác, việc đưa trẻ em vào làm một bộ phận trong hệ thống hoạt động cá cược và việc sắp xếp, dàn xếp, mua nài của “thầu ngựa”, chủ ngựa để gian lận được phản ánh trong loạt bài trước là hành vi gây hại đến giáo dục nhân cách của trẻ em. Bên cạnh đó, việc bỏ học tham gia làm nghề nài ngựa sẽ ảnh hưởng đến tương lai của các em.
Theo điều 4, điểm e Nghị định 139/NĐ-CP ban hành ngày 5/9/2007 của Chính phủ có quy định cấm trẻ em được tham gia: “Kinh doanh các loại đồ chơi, trò chơi nguy hiểm, đồ chơi, trò chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự an toàn xã hội”.
Điều 26 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: “Gia đình, Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em; Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn cho trẻ em. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật”. Trong điều 33 của luật này cũng qui định về nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, cụ thể: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tuyên truyền, vận động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Phát triển phúc lợi xã hội cho trẻ em, tạo cơ hội thuận lợi để trẻ em thực hiện quyền, bổn phận và phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức; Cung cấp dịch vụ chăm sóc, trợ giúp trẻ em”.
Do vậy, cần có trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc sử dụng trẻ em dưới tuổi lao động thuộc về nhiều phía: từ gia đình, cha mẹ của các em, chính quyền địa phương, chủ ngựa và những kẻ luôn đặt đồng tiền trên tất cả cho đến Ban Chủ nhiệm CLB thể thao Phú Thọ.
Cần có luật điều chỉnh
CLB thể thao Phú Thọ cho biết, ngày 1/1/2009 Bộ môn Đua ngựa của Việt Nam đã được tham gia vào Liên đoàn đua ngựa châu Á. Trước đó, Bộ môn Đua ngựa Việt Nam đã cử đại diện đi Hàn Quốc và một số quốc gia khác để tìm hiểu, học tập, ứng dụng những thành tựu của bộ môn đua ngựa các nước bạn. Nhưng đến nay, việc học tập, ứng dụng vẫn chưa được thực hiện. Vì sao như vậy? Nhất là việc sử dụng nài nhỏ tuổi?
Hiện nay, giống ngựa thuần chủng là giống ngựa đạt tiêu chuẩn, đủ điều kiện tham dự các cuộc đua tại các trường đua Hàn Quốc, Hong Kong và các nước có bộ môn đua ngựa phát triển trên thế giới. Đối với ngựa thuần chủng thì được điều khiển bởi nài từ 19 tuổi (sau khi tốt nghiệp trường đào tạo nài ngựa) trở lên. Riêng Việt Nam, một cựu nài ngựa cho biết: “Giống ngựa ở ta không phải thuần chủng (còn được gọi là ngựa cỏ), dáng nhỏ nên phải sử dụng nài nhỏ tuổi và ép cân cho nhẹ kí từ 25- 38 kg. Nài “to xác” là không thể đua được”.
Đó là quan điểm sai lầm và không thể vịn vào đó để có thêm một lí do bao biện cho hành vi sử dụng trẻ em trở thành nài. Bởi lẽ, Hàn Quốc vẫn bảo tồn một giống ngựa truyền thống, có kích cỡ, sức khỏe tương đương với ngựa cỏ Việt Nam và không cho phép lai tạo với giống ngựa khác. Hiện nay, Hàn Quốc vẫn tổ chức các cuộc đua với giống ngựa truyền thống và được các nài từ 19 tuổi trở lên điều khiển. Tuy nhiên, cự li đua sẽ ngắn hơn và tốc độ chạy sẽ chậm hơn.
Bên cạnh đó, hoạt động của bộ môn đua ngựa cần phải được điều chỉnh bằng luật, có chế tài chặt chẽ và giải quyết tận gốc vấn đề cá cược, hoạt động của các “thầu ngựa”, các chủ ngựa không vì đam mê bộ môn thể thao “quí tộc”. Cần phải làm trong sạch để trả lại vị trí xứng đáng mà bộ môn này vốn được cả thế giới công nhận.
Cần thiết phải xây dựng một trường đào tạo nài ngựa đúng tiêu chuẩn, chính qui. Bên cạnh đó, việc cá cược nếu được nhà nước cho phép, thì cần được ban hành những qui định cụ thể, nhất là qui định về độ tuổi đủ điều kiện tham gia cá cược.
Trường đua Phú Thọ nhiều năm nay các cơ quan chức năng đã bỏ ngỏ, không kiểm tra, giám sát hoạt động. Đã đến lúc phải nhìn lại mình và điều chỉnh.
4. CƠ QUAN CHỦ QUẢN NHẬN TRÁCH NHIỆM
Ông Nguyễn Thành Rum, GĐ Sở VHTT&DL TP.HCM đã thừa nhận trách nhiệm để tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài. Ông Rum khẳng định sẽ chỉ đạo chấn chỉnh ngay để hoạt động đua ngựa thực sự là một môn thể thao đúng nghĩa.
Bao giờ mới yên?
Sở dĩ các thầu “ngựa” trái phép có thể hoạt động công khai, trắng trợn là do được hỗ trợ của hàng trăm chân rết ghi phơi cá cược tại trường đua, cùng với sự quản lý yếu kém của Ban quản lí (BQL) trường đua Phú Thọ. Như đã phản ánh trên TT&VH, hiện nay, trường đua Phú Thọ là nơi diễn ra các hoạt động cờ bạc, mua bán độ và nghiêm trọng hơn là việc sử dụng trẻ em để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng thầu “ngựa”. Tương lai của các em sẽ ra sao? trong khi nhân cách của các em đang bị bóp méo bởi những đồng tiền “bẩn” của những kẻ đặt đồng tiền trên tất cả và từ sự thiếu trách nhiệm của gia đình và các cơ quan chức năng.
Trao đổi với TT&VH, ông Nguyễn Thành Rum, với tư cách lãnh đạo Sở chủ quản thừa nhận trách nhiệm trong công tác quản lí hoạt động tại trường đua Phú Thọ. Ông Rum cho biết: Không chỉ riêng hoạt động của bộ môn đua ngựa có sử dụng lao động trẻ em, mà một số hoạt động khác như sân khấu, bóng đá, Tennis…cũng sử dụng trẻ em. Qua thông tin phản ánh trên TT&VH, lãnh đạo Sở đã có công văn gửi toàn ngành về việc rà soát các hoạt động có sử dụng trẻ em. Riêng với bộ môn đua ngựa, lãnh đạo Sở đã yêu cầu với BQL trường đua Phú Thọ báo cáo tình hình sử dụng nài ngựa tại trường đua. Qua báo cáo của BQL, có khoảng 52 em nài ngựa hiện đang tham gia tại trường đua, năm 2008 có 3 trường hợp dưới 15 tuổi, nhưng tính đến thời điểm này 3 em đó đã đủ 15 tuổi. Nhưng đó chỉ là con số báo cáo từ phía BQL, thực tế tình hình nài ngựa dưới tuổi lao động làm hồ sơ giả cho đủ 15 tuổi đã diễn ra nhiều năm nay và đang tiếp diễn. Bên cạnh đó, Ông Nguyễn Thành Rum thừa nhận BQL trường đua Phú Thọ đã không thực hiện đầy đủ về việc kí hợp đồng lao động đặc biệt đối với trẻ em làm nài ngựa.
Khi TT&VH đặt vấn đề việc các em nài ngựa làm hồ sơ giả để đủ tuổi theo qui định làm nài ngựa, ông Nguyễn Thành Rum cho rằng đó là trách nhiệm của địa phương chứ không phải là trách nhiệm của Sở. Ông Nguyễn Thành Rum khẳng định nếu phát hiện được thì sẽ báo cho chính quyền địa phương.
Còn đối với các thầu “ngựa” trái phép, theo ông Nguyễn Thành Rum đây là vấn đế đã diễn ra nhiều năm nay, Sở sẽ tiến hành làm việc với cơ quan công an để xử lí tình trạng này, đồng thời, xử phạt mạnh đối với hành vi gian lận của những cá nhân trong quá trình tham gia hoạt động đua ngựa.
Kiến nghị những giải pháp
Vấn đề sử dụng trẻ em trong hoạt động tại trường đua, là điều không thể chấp nhận, nhất là vịn vào lí do khách quan giống ngựa Việt Nam được gọi là ngựa “cỏ” có thể trạng nhỏ. Tại Hàn Quốc cũng có giống ngựa có thể trạng tương tự với ngựa “cỏ” Việt Nam nhưng vẫn được tổ chức giải đua với nài từ 19 tuổi, sau khi tốt nghiệp trường đào tạo nài ngựa. Vì sao Việt Nam không áp dụng được những qui chuẩn này như các nước khác?
Mặt khác, với độ tuổi của các em đang làm nài ngựa thì các em phải được tiếp tục học hành, không cho phép trở thành nài ngựa. Do vậy, cần phải có trách nhiệm và sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng. Việc làm hồ sơ giả của các nài ngựa chỉ là trách nhiệm của chính quyền địa phương, còn nơi sử dụng nài ngựa thì “nhắm mắt” sử dụng là điều bất hợp lí. Cần xử lí nghiêm những cán bộ địa phương xác nhận “ẩu” và sự thiếu trách nhiệm trong công tác quản lí của Ban quản lí trường đua Phú Thọ.
Để có thể phát triển bộ môn đua ngựa, việc xây dựng trường đào tạo nài ngựa với tiêu chuẩn về độ tuổi, trình độ như các quốc gia khác là điều cần thiết. Sử dụng nài ngựa nhỏ tuổi, phải ăn kiêng để “ép xác”, bỏ học, thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy xấu đối với tương lai của các em.
Hoạt động của các thầu “ngựa” trái phép, đây là hoạt động vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Phải điều tra làm rõ, bóc gỡ toàn bộ đường dây tội phạm này.
Đã đến lúc không thể để hoạt động đua ngựa tiếp diễn bát nháo và phạm luật như hiện nay.
SOURCE: BÁO THỂ THAO VĂN HÓA
Trích dẫn từ:http://www.thethaovanhoa.vn/306N20090327111034689T14/Vu-dung-lao-dong-tre-em-tai-truong-dua-Phu-Tho-TPHCM-Co-quan-chu-quan-nhan-trach-nhiem.htm
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: CÂU CHUYỆN PHÁP LUẬT, PHÁP LUẬT VỀ LAO ĐỘNG VÀ ASXH |
Leave a Reply