admin@phapluatdansu.edu.vn

TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT: “KẸT” VỚI ÁN OAN SAI

VI TRẦN

Một vụ tranh chấp hơn 20 m2 đất, tòa đã phân xử nhưng gần 15 năm nay phán quyết vẫn chỉ nằm trên giấy. Cuối năm 1987, bà T. ở Vũng Tàu cắt một phần đất hợp pháp bán cho ông K. Tiếp đến, bà bán 184 m2 đất còn lại cho bà H. Cả hai hợp đồng chuyển nhượng đất này đều được UBND phường chứng nhận. Sau đó, Sở Xây dựng Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo đã cấp “giấy đỏ” cho hai người mua nhưng lại không ghi diện tích đất mà chỉ ghi diện tích nhà.

“Quên” quyền lợi của người thứ ba

Thế rồi, rắc rối phát sinh khi ông K. cho rằng bà T. bán đất cho bà H. như trong hợp đồng chuyển nhượng là lấn sang phần đất ông đã mua trước đó. Vì thế, ông kiện bà T. ra tòa, yêu cầu “cắt bớt” phần diện tích bán cho bà H. lại cho ông.

TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thụ lý, đưa bà H. vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đến năm 1995, ông K. và bà T. tự thỏa thuận là “cắt bớt” 20 m2 đất của bà H. giao cho ông K. Lạ một điều là TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận này mà không hề làm việc, ghi nhận ý chí của bà H.

Oái oăm hơn, đến phiên phúc thẩm (được mở vì ông K. và bà T. kháng cáo), hai đương sự lại đồng loạt rút kháng cáo, buộc Tòa phúc thẩm TAND tối cao phải đình chỉ xét xử. Đương nhiên, quyết định của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có hiệu lực pháp luật.

Đến khi biết chuyện, bà H. chỉ còn mỗi một cách là khiếu nại lên TAND tối cao đề nghị người có thẩm quyền xem xét kháng nghị giám đốc thẩm. Thế nhưng khiếu nại của bà sau đó đã không hề được hồi đáp.

Khó thi hành

Quyết định của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có hiệu lực nhưng các cơ quan chức năng lại không đến đo đạc, cấp lại “giấy đỏ” cho các đương sự. Bốn năm sau, UBND tỉnh cấp “giấy đỏ” đồng loạt cho các hộ tại phường và cấp luôn cho bà H. theo đúng diện tích như trong hợp đồng chuyển nhượng ban đầu (184 m2) mà không hề hay biết đến phán quyết của tòa.

Đến lúc này, ông K. khiếu nại rằng UBND tỉnh cấp “giấy đỏ” cho bà H. như thế là đã phủ quyết bản án của tòa, làm mất của ông hơn 20 m2 đất. Ông K. khiếu nại mãi, đến cuối năm 2006, UBND tỉnh mới chịu công nhận phán quyết có từ năm 1995 của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Ông K. được giải quyết đúng ý thì đến lượt bà H. bất bình. Không chịu mất 20 m2 đất, bà đâm đơn kiện chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ra TAND tỉnh này.

Sai ngay từ đầu

Về nguyên tắc, bản án đã có hiệu lực pháp luật thì các cơ quan, cá nhân phải thi hành. Vì thế, chủ tịch UBND tỉnh phải giải quyết khiếu nại cho ông K. như trên và bị bà H. kiện. Tuy nhiên, chỉ sau hơn ba tháng thụ lý, mới đây tòa đã tạm đình chỉ vụ kiện hành chính của bà H.

Có chuyện này bởi trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị lên UBND tỉnh cho dừng việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại của chủ tịch tỉnh. Theo Sở, Sở không sai khi ghi nhận diện tích đất của bà H. là 184 m2 vì đã căn cứ vào hồ sơ chuyển nhượng, bản đồ trích lục trước năm 1975… Cạnh đó, bà H. cũng cho biết là giữa năm 2006, VKSND tối cao báo tin cho bà rằng đã yêu cầu TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chuyển hồ sơ lên để xem xét.

Từ đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh đã gửi công văn đến tòa và các cơ quan chức năng yêu cầu dừng thi hành quyết định của chủ tịch tỉnh. Dựa vào đó, TAND tỉnh đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ kiện hành chính trên.

Theo nhiều chuyên gia, ngay từ đầu, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã sai sót nghiêm trọng khi công nhận sự thỏa thuận giữa ông K. với bà T. mà không hề ghi nhận ý chí của bà H. Vì thế, việc thi hành quyết định của tòa bị tắc vì bà H. cương quyết không chịu và cơ quan chức năng cũng thấy lấn cấn, lần chần, không dám mạnh tay.

Vấn đề là nếu quyết định năm 1995 của tòa “chưa chuẩn” thì ai là người có thẩm quyền sửa sai? Đến nay, thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm đã hết (ba năm kể từ ngày bản án, quyết định của tòa có hiệu lực pháp luật – NV). Mặt khác, nhìn lại cũng không có tình tiết nào mới phát sinh để làm thay đổi bản chất vụ án nên không thể xem xét theo thủ tục tái thẩm. Như vậy, xem ra vụ tranh chấp 20 m2 đất này trên thực tế chưa thể có điểm dừng.

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/news/toa-an/view.aspx?news_id=247227

One Response

  1. Đề nghị Tòa An TP Hồ Chí Minh.Giải quyết cho tôi rỏi quyền sử dụng đất,nguyên thủy thửa đất 312m của ông (bà Cố) tạo mải.khi ông (bà Cố) qua đời để lại cho 3 người con gái , 1 ngôi nhà nằm trong diện tích 312m . Có 2 người có chồng xa quê hương , còn 1 bà có chồng gần và sống cùng với bà Cố . Năm 1995 (bà Nội ) tôi đã đăng ký kê khai quyền sử dụng đất , đến năm 1997 thì (Bà Nội) tui qua đời . Để lại cho lại nhà và đát cho Cha tôi , nhưng Cha tôi có 1 người em gái có chồng . Nhưng em tôi không tiền mua đất ở , nên Cha tôi đã cho em tôi 1 thữa đất để ở tam , khi nào em tôi làm có tiền thì trả lai đất cho tôi . đến năm 2008 Cha tôi làm sổ đỏ , thì Em của Cha tôi ra tranh chấp đất với tôi . Xã đã ra hòa giải và kyý giấy rỏ ràng . Hòa giải Nội tộc cũng đã ký giáy rỏ ràng cho hai bên không tranh chấp đất nữa . Từ đó bên nào nấy xây nhà .
    Tôi xin hỏi Tòa Án TPHCM , tôi có thể làm sổ đỏ dược hay không ?

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: