admin@phapluatdansu.edu.vn

NƯỚC VIỆT NAM TA NHỎ HAY KHÔNG NHỎ?

TS. NGUYỄN HỮU THÂN

Vào năm 1995, khi nghe ông Russel Cheetman, phó chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương nói rằng Việt Nam cần phải mất 40 năm mới bằng Malaysia năm 1993(1), tôi cảm thấy ngạc nhiên, nhưng vẫn tin bởi vì lúc đó tôi đã qua Thái Lan và đi học ở Canada (năm 1994) và cảm nhận được sự cách biệt đó.

Nhưng bây giờ, 11 năm sau, khi nghe Il Houng Lee, Trưởng Đại diện quỹ tiền tệ thế giới nói rằng Việt Nam có thể phải mất 197 năm(2) mới đuổi kịp Singapore, tôi cảm thấy sững sờ và không tin. Và mới đây, trong Diễn đàn “Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ” ngày 6/8/2006 có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển… tham dự, nhiều người nhắc lại con số khủng khiếp đó(3). Chuyến đi du lịch Singapore và Malaysia ngày 8-8-2006 vừa qua đã cho tôi cơ hội để kiểm chứng nhận định trên, và phần nào trả lời câu hỏi “Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ”.

Hạ cánh tại phi trường quốc tế Singapore tôi cảm thấy Singapore lớn hơn Việt Nam nhiều. Tất cả mọi sinh hoạt, cách trưng bày, phong cách quản trị và cách chào đón khách văn minh không khác chi tại Mỹ và Canada, và dĩ nhiên hơn hẳn Trung Quốc. Nhưng khi xâm nhập hơi sâu trong lòng Thành phố Singapore, tôi mới cảm thấy sự khác biệt nhiều. Đi khắp mọi nơi, đâu đâu cũng thấy rất nhiều cây xanh – một bầu không khí trong lành và tươi mát. Phố xá rất sạch. Buổi sáng tập thể dục thật sớm tôi lại cảm nhận một bầu không khí trong lành, không bụi bặm, không rác rưởi, và một luồng gió mát thổi từ biển khơi, làm cho lồng ngực tôi như muốn vỡ tung vì “luồng sinh khí của nó” y hệt như những ngày tôi học ở Vancouver, Canada – một thành phố lúc đó được đánh giá là đẹp thứ hai trên thế giới. Tôi rùng mình hổ thẹn, sao Việt Nam chúng ta không được sạch như thế !

Nhưng sau hai ngày sống ở Singapore và đi nhiều nơi, tôi càng cảm thấy ngạc nhiên hơn vì không thấy bóng dáng một nhân viên cảnh sát nào. Trong khi đó, ở nước Mỹ, tôi thấy xe cảnh sát tuần tiễu dày đặc trên đường. Họ ở đâu thế nhỉ? Tại sao mọi sự di chuyển và sinh hoạt tại những nơi công cộng như bến xe điện ngầm, bến xe buýt, tại các siêu thị…tất cả đều diễn tiến trong một trật tự và an ninh tương đối hoàn chỉnh. Tôi hỏi hướng dẫn viên du lịch và được trả lời rằng ở Singapore có một hệ thống máy camera kiểm soát mọi hoạt động và sinh hoạt của thành phố.

Điều này đúng nhưng chưa trả lời trọn vẹn câu hỏi của tôi. Sở dĩ mọi việc diễn ra tốt đẹp như thế là bởi vì sự tự giác của người dân. Nhưng du khách và người nước ngoài làm việc tại đây cũng tự giác hay sao? Không phải vậy. Tại Singapore, luật lệ rất nghiêm minh. Người vi phạm luật lệ bị phạt rất nặng, có thể là nặng nhất trên thế giới. Ném rác và mẩu thuốc lá tại nơi công cộng sẽ bị phạt 1000 đô la Sing (từ năm 1994 trở về trước là 500 đô), tương đương với mười triệu đồng Việt Nam. Khi tôi sống ở Canada (1994) tôi đã nghe rằng một thanh niên Mỹ vi phạm luật lệ tại Singapore bị nọc ra đánh công khai. Lúc đó Tổng thống Mỹ Bill Clinton xin chính phủ Singapore giảm tội, và xin hình phạt khác vì nhục quốc thể nhưng không được. Bởi vậy du khách cũng như người nước ngoài rất “ớn” Singapore. Nói tóm lại, tinh thần tự giác của người dân và kỷ luật nghiêm minh đã tạo nên bộ mặt văn minh trên đây. Xét về mặt này, tôi thấy Việt Nam chúng ta rất nhỏ, phải mất cả trăm năm mới theo kịp họ.

Hai ngày kế tiếp sống tại Malaysia, tôi thấy tuy không khí không trong lành như ở Singapore, nhưng cũng có rất nhiều cây xanh hơn Việt Nam rất nhiều. Ở ngoài đường rất ít bóng dáng cảnh sát, trừ khi lúc kẹt xe vào buổi chiều. Chứng tỏ người dân tự giác rất cao. Ngoài ra, nếu như ở Singapore không có bóng dáng người ăn xin ở nơi công cộng, thì ở Malaysia lại có. Nhưng hình thức ăn xin “cao cấp” hơn hẳn Việt Nam chúng ta. Hình thức ăn xin là chọn một chỗ sạch sẽ có đông người qua lại và biểu diễn ca nhạc gây chú ý người qua lại. Họ để cái nón hoặc cái khay tại nơi cố định. Ai cảm thấy thương tình và “đáng giá đồng tiền” thì cho tiền. Đây là một kiểu ăn xin văn minh và lịch sự giống như tại các nước phát triển.

Nếu Trung quốc có Vạn Lý Trường Thành (Great Wall) dài trên 5.000km4 thì Malaysia có Tháp Đôi Petronas tại Kuala Lumpur cao 451, 9 mét, với 88 tầng5, cao nhất thế giới, hơn hẳn tháp đôi tại New York của Mỹ. Đây là một biểu tượng và niềm kiêu hãnh của Malaysia. Ngoài ra Mã Lai còn có những đền thờ và dinh thự uy nghi lộng lẫy.

Một điều rất làm cho tôi ngạc nhiên là người dân Singapore và Malaysia rất ít uống rượu bia tại các nhà hàng và cũng ít hút thuốc lá. Đành rằng, Malaysia là đất nước theo Islam giáo, và người theo đạo Islam không được uống rượu bia, nhưng tại các nhà hàng Trung Hoa, tôi cũng không thấy người Hoa uống bia. Đây là chủ trương chính sách của chính phủ Singapore và Malaysia: đánh thuế rất nặng hai loại mặt hàng này, và vì thế giá cao gấp mười lần tại Việt Nam. Trong khi đó, tại Việt Nam, đâu đâu cũng hút thuốc và uống rượu bia. Điều này rất có hại cho sức khỏe và gây lãng phí cho bản thân và cho xã hội. (Xin lỗi, tôi cũng là người rất thích uống rượu bia). Theo ý kiến chủ quan của tôi thì người Việt Nam hút thuốc lá và uống rượu bia vào “hạng cao thủ” trên thế giới. Xét về mặt này thì Việt Nam rất nhỏ.

Tuy nhiên Việt Nam chúng ta có những cái lớn. Người Việt Nam chúng ta thông minh với số dân trên 80 triệu đứng hàng thứ hai tại Đông Nam Á. Đây là một tiềm năng to lớn nhưng rất tiếc chúng ta chưa biết đào tạo và phát triển họ, và chưa biết sử dụng họ cho đúng. Thật uổng phí biết bao!

Có dịp đi nhiều nơi, theo ý kiến cá nhân, tôi thấy món ăn Việt Nam ngon nhất thế giới. Món ăn Việt Nam đa dạng và phong phú nhưng rất tiếc chúng ta chưa biết cách khai thác triệt để lợi thế đó. Tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam tương đối phong phú so với các nước Đông Nam Á, chúng ta xuất khẩu lúa gạo đứng hạng thứ ba trên thế giới…Xét về những mặt này tôi thấy Việt Nam chúng ta lớn chứ không nhỏ.

Nói tóm lại, để hội nhập toàn cầu và theo kịp các nước trong khu vực, chúng ta cần phải phát huy và biết khai thác những tiềm năng to lớn của mình. Nhưng đồng thời chúng ta cần phải khắc phục và dần dần bỏ những thói quen, nếp sinh hoạt kém văn minh và gây lãng phí. Có như thế chúng ta mới ngẩng cao đầu tự hào là con Rồng cháu Tiên.

Chú thích

1. T.A., “WB: Bốn thách thức cho Đông Á,” Nhật Báo Tuổi Trẻ, số ngày

2/11/1995, tr. 12.

2. Cẩn Hà, “197 năm Việt Nam mới đuổi kịp Singapore,” Nhật Báo Tuổi Trẻ, số

ngày 27/3/2006, tr. 3.

3. Nhóm Phóng viên Chính trị-Xã hội, “Tổng kết Diễn đàn Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ,” Nhật BáoThanh Niên, số ngày 6/8/2006, tr. 7.

4. Beijing-China (Beijing, 2005), tr. 20.

5. Những Thành Phố Nổi Tiếng Thế Giới (TP.HCM: Nxb Kim Đồng, 2006), tr.258.

SOURCE: TẠP SAN KHOA HỌC SỐ 4 (10) – 2006, ĐẠI HỌC MỞ BÁN CÔNG TPHCM

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: