admin@phapluatdansu.edu.vn

DỰ THẢO QUẢN LÝ XE ÔM: “TRÓI CẲNG CHIM TRỜI”?!

VIETNAMNET – Thông tư (dự thảo) của Bộ GTVT hướng dẫn hoạt động kinh doanh xe 2 bánh phải có giấy phép kinh doanh đang gây xôn xao dư luận không chỉ khó khả thi, mà còn đi ngược lại chủ trương của Chính phủ, của chính Bộ GTVT! 

"Trói cẳng chim trời"!

Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, ông chưa nhận được bản dự thảo này, tuy nhiên, ông hoàn toàn bất ngờ khi biết nội dung này qua báo chí.

Ông Linh nói, hơn 10 năm trước, Sở GTVT cũng đã giao Thanh tra Sở GTVT siết chặt quản lý hoạt động xe ôm tại các bến xe, nhà ga bằng việc thành lập các đội xe ôm tự quản, có đăng ký với thanh tra sở, được sở này chấp thuận và cấp phép.

Tuy nhiên, đến năm 2000, khi có Quyết định số 19/2000 của Thủ tướng cùng Nghị định số 02/2000 về hướng dẫn đăng ký kinh doanh, trong đó có việc loại bỏ trên 100 "giấy phép con" gây phiền hà cho doanh nghiệp, thì Sở GTVT Hà Nội cũng đã "buông" quản lý hoạt động xe ôm từ ngày đó.

Cũng theo ông Linh, năm 2002, Bộ GTVT từng có Thông tư 03 về quy chế quản lí xe ôm, trong đó cũng nêu những điều kiện tương tự bắt buộc, nhưng không có điều kiện là phải có giấy phép kinh doanh như bây giờ. Song, thông tư này cũng bị phản đối và không đi vào cuộc sống.

"Nhưng không hiểu sao, sau 7 năm, những nội dung ấy lại được bê nguyên gần như hoàn toàn và nói là "dự thảo lần 3" – ông Linh nói.

Điều 3 dự thảo này quy định: người muốn tham gia kinh doanh xe ôm phải có hộ khẩu thường trú hoặc giấy tạm trú do chính quyền địa phương cấp. Có sức khỏe, có đơn xin tham gia vận tải hành khách…

Hiệu lực của đơn xin kinh doanh đối với người có hộ khẩu là một năm, với người có giấy tạm trú tối đa không quá một năm.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội ô tô Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc tổ chức thành các tổ hợp chủ yếu là để các lái xe ôm đoàn kết trong hành nghề, tương trợ lẫn nhau trong lúc khó khăn là điều cần thiết và nên khuyến khích. Nhưng là quy định bắt buộc trong bối cảnh hiện nay thì chưa thích hợp.

“Với loại hình này, giấp phép được khai thác dịch vụ vận tải, Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 cũng không quy định bắt buộc. Hơn nữa, về mặt thực tế, lực lượng xe ôm cũng đa dạng. Anh sinh viên cũng có thể chạy xe ngoài giờ học, anh công chức tranh thủ chạy thêm ngoài giờ làm. Hôm nay họ chạy ở đây, mai họ nghỉ, ngày kia chạy chỗ khác, quản lí họ khác nào "trói cẳng chim trời". Song, với lực lượng xe ôm "chuyên nghiệp" ở nhà ga, bến xe thì nên khuyến khích họ vào đội này đội nọ để đỡ phức tạp" – ông Hùng nói.

Phạt xe ôm không đăng ký kinh doanh?- Còn lâu?!

Nếu dự thảo này được thông qua, thì xe ôm không đăng ký sẽ bị xử phạt ra sao? 
Trả lời câu hỏi này, Thượng tá Trần Sơn – Phó Trưởng Phòng Hướng dẫn luật và Điều tra xử lý tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông Đường bộ – Đường sắt cho hay: "Hiện nay, trong Nghị định 146/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa nêu và chưa có điều khoản xử lý chuyên biệt dành cho các đối tượng là lái xe ôm. Lái xe ôm hiện cũng bị bắt lỗi và xử lý các hành vi như điều khiển phương tiện không có giấy phép, không đội mũ bảo hiểm, và có thể sắp tới là bảo hiểm xe máy. Nghĩa là, hình phạt với hành vi vi phạm như người dân bình thường chứ không có đối tượng riêng như quy định phạt xe khách hay taxi".

Theo ông Sơn, lực lượng CSGT chỉ xử lý vi phạm được Chính phủ quy định. Vì vậy, muốn xử lý các hành vi như trong dự thảo thông tư nêu trên phải được Chính phủ nhất trí, bổ sung vào Nghị định trên.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, lái xe ôm ở bến Mỹ Đình cho hay, anh từ quê Nam Định lên, đến cái giấy tạm trú còn không có. "Làm cái nghề này, nay công an đuổi, mai đầu gấu đuổi quen rồi. Đuổi bến thì chạy ra cổng, chẳng qua là… chạy từ chỗ này sang chỗ khác thôi" – anh Tuấn nói.

Khác với anh Tuấn, anh Nguyễn Văn Hải, từng vào Công ty xe ôm Cokbi, có đồng phục, mã số, giá niêm yết nên anh sẵn sàng đi đăng ký. Nhưng, anh Hải cho biết: "Quan trọng là nói cho chúng tôi biết chúng tôi được gì, như có bến bãi, có khách ổn định thì chúng tôi đi đăng kí, chứ phạt á?- Còn lâu! Tôi cứ ăn mặc chỉnh tề, chở khách ra bến có khác gì chở con gái ra bến xe hay chờ khách thì khác gì chờ đón người nhà ở cổng bến?!".

Bà Trần Thị Thu Hiền – nguyên Giám đốc của 170 xe ôm thuộc Công ty CP Hiền Linh (Công ty xe ôm Cokbi, đã giải tán sau 2 năm hoạt động) cho biết, quản lí xe ôm chuyên nghiệp không quá khó! Miễn là cho họ thấy lợi ích của họ nếu đứng vào tập thể vì họ vốn tự phát từ lâu rồi.

Từ kinh nghiệm thực tế, theo bà Hiền, chỉ cần đảm bảo cho họ bến bãi, một đầu mối chia việc, cho họ có việc mà không phải tranh giành thì vận động họ vào tổ chức hay đăng ký không có gìkhó. Sau đó có một hành lang pháp lý quản lý.

"Công ty xe ôm của tôi làm ăn tốt, khách nhiều, dân rất thích, nhưng không ai đứng ra bênh vực chuyện bến bãi, không có một cơ sở pháp lý để hỗ trợ, bảo vệ. Chuyện giải tán là vì không "cạnh tranh" nổi với "xe ôm đầu gấu thôi" – bà Hiền cho hay.

SOURCE: VIETNAMNET

Trích dẫn từ: http://www.dddn.com.vn/20090319100249120cat103/Du-thao-quan-ly-xe-om-Troi-cang-chim-troi!.htm

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: