admin@phapluatdansu.edu.vn

BA “ĐỜI” CHỦ TỊCH THÀNH PHỐ CHƯA “CỨU” ĐƯỢC MỘT NHÀ NGUY HIỂM

image TUANVIETNAM – Trong khi chung cư C7 Giảng Võ bị quyết liệt "đẩy" đi thì cách đó vài trăm mét, chung cư B6 vẫn "ung dung tự tại" cho dù mức độ hiểm nguy chẳng thua kém, thậm chí dấu hiệu nguy hiểm ở toà nhà này được phát hiện trước đó rất lâu.

Cùng tại Hà Nội, cùng quận Ba Đình, cùng khu Giảng Võ – trong khi chung cư C7 bị quyết liệt "đẩy" đi thì cách đó vài trăm mét, chung cư B6 vẫn "ung dung tự tại" dù mức độ hiểm nguy chẳng thua kém gì, thậm chí những dấu hiệu nguy hiểm của toà nhà này đã được phát hiện trước đó rất lâu. Không ít hơn 3 "đời" Chủ tịch Thành phố đã được thông báo về việc này.

Nhà nguy hiểm? "Giao bóng" cho doanh nghiệp!

Trong tay chúng tôi có tài liệu "cũ mèm" từ những năm 90 thế kỷ trước. Trong đó nói rõ tập thể lắp ghép 5 tầng B6 Giảng Võ đã được xếp vào top 32 nhà nguy hiểm nhất trên địa bàn thành phố và thuộc sự quản lý của Công ty Kinh doanh nhà số 1 (Sở Địa chính – Nhà đất Hà Nội). Theo tài liệu còn lưu trữ và trí nhớ của những người từng tham gia công tác quản lý nhà đất ngày ấy, cứ mỗi cuộc họp hành, hội thảo về sửa chữa nhà nguy hiểm hoặc mỗi mùa mưa bão, B6 Giảng Võ lại được nhắc đến như một "điển hình" đáng chú ý, không bao giờ "vắng mặt" trong các báo cáo, danh sách về công trình nguy hiểm tại Thủ đô!

Năm 1999, (trước khi có Tiêu chuẩn đánh giá mới), nhà B6 Giảng Võ tiếp tục được Đoàn kiểm tra liên ngành Thành phố xếp loại nguy hiểm ký hiệu A3-C3. Năm 2000, Giám đốc Cty Kinh doanh nhà số 1 Nguyễn Gia Quỹ đã "khẩn thiết rung chuông" cảnh báo về sự nguy hiểm của B6 Giảng Võ với Sở Địa chính – Nhà đất Hà Nội.

Ngày 6/11/2003, Giám đốc Sở Địa chính – Nhà đất Hà Nội lúc đó là ông Phạm Cao Nguyên mới chính thức có Tờ trình gửi UBND TP đề nghị giao B6 Giảng Võ cho doanh nghiệp "lo"! Lúc này đang là nhiệm kỳ Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên.

Nhiều người chỉ trích, ngay từ khi phát hiện ra nhà "điển hình nguy hiểm" B6 Giảng Võ, nhưng chính quyền các cấp vẫn chưa rốt ráo chủ động xử lý.

Một số người khác nói thẳng ra rằng, nếu nhà nguy hiểm sập đâu có thuộc về doanh nghiệp. Việc "đá" một nhà nguy hiểm sang cho doanh nghiệp phải chăng chính quyền chấp nhận kéo dài tình trạng nguy hiểm đó thêm ít một thời gian nữa. Vì ai cũng biết, một doanh nghiệp để hoàn tất 33 thủ tục cũng phải mất ít nhất 3 năm. !

Nhà nguy hiểm: chờ lập Ban Chỉ đạo!

Tới giữa năm 2004, khi ông Nguyễn Quốc Triệu nhậm chức Chủ tịch UBND TP Hà Nội, việc xử lý nhà nguy hiểm B6 Giảng Võ có vẻ "yên tâm" vì đã "xã hội hóa" cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Triệu: "Phải tính đến tính cấp bách của dự án vì đây là dạng nhà cần làm nhanh chóng cho dân, không thể để chậm trễ. Đây cũng là một dự án thí điểm đầu tiên về nhà nguy hiểm do thành phố triển khai" (BáoTiền Phong 12/1/2007).

Doanh nghiệp cặm cụi lập, trình, thiết kế và…họp! Đường Nam Cao trước mặt nhà B6 mở rộng, không còn nhom nhem, gồ ghề như trước. Nhà B6 "lọt tầm ngắm" của nhiều doanh nghiệp khác. Không ít doanh nghiệp "chậm chân" hơn đã "lấy lòng" dân bằng cách thả "tờ rơi" quảng cáo các phương án xây lại nhà B6 tương lai cùng những hứa hẹn như: không chỉ được nhận nhà mới miễn phí khi xây xong mà mỗi hộ tầng 1 còn được doanh nghiệp "tặng" thêm 1 tỉ đồng, mỗi hộ tầng 2 được 500 triệu đồng, tầng 3, 4, 5 cũng đều có "quà tặng".

Cùng thời điểm này, với Tiêu chuẩn xây dựng vừa mới ban hành, nhà B6 Giảng Võ được "tái khám" kỹ càng và kết luận "nguy hiểm cấp D" bởi một cơ quan cấp cao hơn là Cục Giám định chất lượng nhà nước các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng).

Thế nhưng, đây cũng là lúc một số hộ dân cương quyết không đi đâu hết, cho rằng B6 chẳng nguy hiểm gì cả, phản đối doanh nghiệp lúc đầu đã đến với họ và đòi quyền tự chọn chủ đầu tư!

Đến 3/1/2007, tiếp nối yêu cầu của Cục Giám định (kể trên), Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Đỗ Hoàng Ân ký công văn yêu cầu di dời ngay 100 hộ dân khỏi nhà nguy hiểm B6 Giảng Võ. Dân bắt đầu nhốn nháo và chia làm 2 "phe" rõ rệt: một số muốn đi ngay, một số cho hay sẽ trụ lại đến cùng!

Chủ tịch Nguyễn Quốc Triệu đã có buổi thị sát nhà B6, tiếp xúc với một số hộ dân, sau đó bàn bạc tại cuộc giao ban và thống nhất lập ra mộtBan Chỉ đạo nhà B6 Giảng Võ do Chủ tịch UBND quận Ba Đình làm Trưởng ban, thành phần gồm lãnh đạo các sở và đại diện của 3 tổ dân phố trong tòa nhà (do các tổ bầu chọn hoặc cử).

Nhiệm vụ của Ban này – theo UBND TP, là "để tổ chức xây dựng và thực hiện di dời, xem xét các phương án đề xuất cải tạo xây dựng lại nhà B6 của các chủ đầu tư theo qui định của Nhà nước và Thành phố; có quyền đề xuất nhà đầu tư thực hiện dự án và tổ chức giám sát…; trường hợp có từ 2 tổ chức, doanh nghiệp muốn tham gia đầu tư xây dựng thì sẽ thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư theo các qui định hiện hành".

Nhưng rồi, các thành phần về phía chính quyền, sở, ngành lúc nào cũng sẵn sàng song cả 4 cuộc họp trong vòng nửa năm sau đó các tổ dân B6 không thể bầu ra được đại diện vào Ban Chỉ đạo di dời dân và xây dựng lại nhà B6 như quyết định của Thành phố! Cứ họp là cãi cọ, là "vỡ chợ"!!! Ban theo ý Thành phố không hình thành, trong khi đó một số hộ dân lại tự lập ra Ban khác có tên là "Ban đại diện nhà B6" bị chính quyền sở tại lúc ấy rất phản đối vì không thông qua, không được đồng ý của Phường, Quận! Chuyện nhà B6 tiếp tục ầm ĩ và nan giải trên cả thực tế lẫn các mặt báo…

Việc Thành phố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo di dời dân và xây dựng lại nhà B6 khi đó cũng khiến giới đầu tư xây dựng và dư luận xôn xao: Nếu mỗi chung cư, mỗi nhà nguy hiểm khi di dời, phá dỡ cũng phải lập một Ban Chỉ đạo trong khi số lượng lãnh đạo các sở, ngành, Quận, Phường chỉ có hạn – hàng trăm chung cư phải di dời từ nay đến 2015, tức có thời điểm hàng chục chung cư cùng địa bàn sẽ cùng lập dự án, di dời một lúc… phải cần đồng thời hàng chục, hàng trăm Ban chỉ đạo! Các lãnh đạo đi họp Ban Chỉ đạo chung cư cũng đã đủ "hết ngày", còn làm được việc gì?!

Trên thực tế, dù Ban chỉ đạo di dân và xây dựng lại nhà B6 Giảng Võ theo Quyết định ban hành ngày 9/3/2007 của Thành phố có hình thành hay không thì sự thật đến nay (2 năm đã trôi qua) – tại B6 Giảng Võ chưa hề có chuyện di dân và dĩ nhiên cũng không xây lại!!!

Quý III/2007, ông Nguyễn Quốc Triệu không còn là Chủ tịch UBND TP Hà Nội nữa mà nhậm chức Bộ trưởng Bộ Y tế.

Nhà nguy hiểm ư? Phải như "cứu hộ, cứu nạn"…

Kiến trúc sư Nguyễn Thế Thảo chỉ vài tháng sau khi trở thành Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã khẳng định trước HĐND TP: "Còn nhiều ý kiến khác nhau phải bàn bạc, nhưng với nhà nguy hiểm như B6 Giảng Võ thì không thể bàn bạc được. Giống như cứu hộ cứu nạn, phải di dời theo luật, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng người dân"!

Ông Nguyễn Thế Thảo: "Nhà nguy hiểm như B6 Giảng Võ thì không thể bàn bạc được. Giống như cứu hộ cứu nạn, phải di dời theo luật, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng người dân".

Nói là làm, Hà Nội ngay sau đó đã "ưu tiên" hết sức, "dồn toàn lực" cho dự án B6 Giảng Võ: Dân không thích tạm cư ở Thanh Lương – Thành phố có ngay Định Công! Dân không thích chủ đầu tư cũ mà muốn tự kêu gọi, lựa chọn chủ đầu tư – dù nhiều sở, ngành băn khoăn về năng lực và phương án của nhà đầu tư mới, Thành phố vẫn chấp thuận! Chủ đầu tư mới không chấp nhận chỉ tiêu qui hoạch kiến trúc đã được phê duyệt cho khu B6 mà tự thiết kế và trình lại – cả Thành phố "nín thở" chờ…!!!

Thế nhưng, lại đã bước sang năm thứ 2 kể từ khi Chủ tịch Thảo tuyên bố phải di dân khỏi nhà B6 "như cứu hộ, cứu nạn" – khu nhà này vẫn không suy suyển. Dân vẫn "sống chung với thảm họa đã được báo trước".

Công văn mới nhất của TP Hà Nội về nhà B6 có đoạn: "UBND TP đã có văn bản số 3765/UBND-GT ngày 5/12/2008 giao Cty TNHHNN 1 TV Đầu tư xây lắp và thương mại 36 tổ chức thực hiện việc di dời, phá dỡ trong tháng 1/2009 để triển khai thi công xây dựng lại nhà B6 Giảng Võ theo các qui định hiện hành của Nhà nước và UBND TP. Tuy nhiên, tới nay tiến độ thực hiện việc di dời các hộ dân và phá dỡ nhà nguy hiểm B6 của công ty 36 là chậm, không đúng cam kết với Thành phố".

"Quả bóng B6" vẫn tiếp tục được "đá" cho doanh nghiệp! Nhận thức được là "cấp thiết" nhưng việc "cấp bách" của Thành phố vẫn được giao phó cho hết doanh nghiệp này đến doanh nghiệp khác, và khi doanh nghiệp hoặc vì năng lực, hoặc vì kinh nghiệm, hoặc vì "tính chưa ra" mà chưa thể "cứu hộ, cứu nạn" được cho dân đang gặp hiểm nguy thì việc của Thành phố vẫn chỉ là… ra văn bản rồi chờ, các sở, ngành, Quận, Phường cũng ra văn bản, cũng chờ, rồi… báo cáo!

Mà chờ doanh nghiệp thì rốt cuộc lại rơi vào "vòng luẩn quẩn" như đã nói ở trên: lại ít nhất 3 năm, 33 thủ tục mới có thể phá dỡ, khởi công (đó là không vướng những khiếu nại rất dễ nảy sinh về đất đai, đền bù, quyền lợi…)! 

Làm ăn hay nhân đạo: Không thể nhập nhằng!

Các doanh nghiệp vẫn đang phải "gánh hộ" chính quyền cái "trọng trách nhân đạo", làm việc thiện cứu tính mạng và tài sản nhân dân trong tình huống khẩn cấp, nguy nan. Song, như một định luật tất yếu, doanh nghiệp sẽ "làm việc thiện" theo cách của doanh nghiệp – tức là phải tính toán thời điểm, lợi nhuận… (chẳng hạn với dự án nhà ở – khi bất động sản "đóng băng", doanh nghiệp hiểu rằng cần gì phải phá dỡ, triển khai ngay cho tốn tiền trả nợ lãi vay…)!

Nói cách khác, làm việc thiện trong trường hợp này đối với doanh nghiệp là "nhân đạo có tính toán". Không tính toán không được, bởi doanh nghiệp được "khoán trắng" lo lắng cho dân, nhưng các cơ chế, chính sách, chỉ tiêu qui hoạch kiến trúc, quỹ nhà tạm cư… vẫn phải trình chính quyền, sở, ngành phê duyệt mới được triển khai! Không tính, lỗ kêu ai?

Không phải chính quyền không biết điều đó. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo từng nói: Ở nhiều chung cư cũ, một số người dân không chịu đi vì chưa đi đã biết sẽ có một công ty vào xây lại tòa nhà theo mô hình nọ, mô hình kia… nên nghĩ rằng việc tái thiết chung cư họ ở là vấn đề kinh tế chứ không phải xã hội!

Nghĩa là đang có sự lẫn lộn giữa "làm ăn" và "nhân đạo". Điều này dễ hiểu khi một "hàng xóm" của B6 là C7 (thuộc diện "đàn em" về độ nguy hiểm), nhiều hộ dân còn chưa được bàn bạc, chưa kịp hiểu biết gì về cả phương án lẫn công ty sẽ thay đổi cuộc đời mình thì đã sớm bị  "đẩy" đi khiến họ sinh nghi: "Nếu cứu thì sang cứu B6 trước ấy, bên đấy còn nguy hiểm lâu năm hơn bên này rất nhiều" hoặc "nếu vì lý do nhân đạo thì UBND TP phải di dời, tạm cư các hộ và phá dỡ chung cư C7 bằng ngân sách thành phố chứ không thể bằng vốn của Công ty CP Tư vấn Handic"…

"Làm ăn" hay "nhân đạo"? Nếu không rành mạch 2 vế của vấn đề này, chắc rằng sự phản đối kịch liệt như đang diễn ra tại C7 và nhiều chung cư khác vẫn sẽ triền miên, và "điển hình nguy hiểm" B6 Giảng Võ vẫn sẽ tiếp tục tồn tại qua nhiều thời kỳ, nhiều thế hệ, nhiều thế kỷ (như nó từng tồn tại) chứ không chỉ 3 "đời" Chủ tịch Thành phố…

SOURCE: TUANVIETNAM.NET

Trích dẫn từ: http://tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu//6269/index.aspx

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: