TS. NGUYỄN MINH TÚ – Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Thực tiễn cho thấy, nước ta đã đạt được một số thành tựu cơ bản và quan trọng trong phát triển nông thôn nhưng đồng thời đang và sẽ phải đối mặt với nhiều nan giải mới. Trước hết, tỷ lệ dân số sống ở nông thôn đã giảm đi, từ 75,8% năm 2000 xuống 73% năm 2005, tức giảm bình quân 0,7%/năm, trong khi tỷ lệ dân số sống ở thành thị đã tăng lên, từ 24,2% năm 2000 lên 27% năm 2005.
Tuy nhiên, tỷ lệ dân sống ở vùng nông thôn giảm rất chậm và đang có hiện tượng một bộ phận dân cư không nhỏ tuy sống ở nông thôn, nhưng không còn là nông dân vì không còn đất canh tác do đất đai đã được giải tỏa cho các dự án khu công nghiệp, chế xuất; thậm chí không còn việc làm. Theo tài liệu của Hội Nông dân Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 héc ta đất đai bị thu hồi, kéo theo 1,5 triệu nông dân mất đất, mất việc làm và thu nhập.
Đời sống nhân dân nói chung, trong đó có dân cư nông thôn nói riêng đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, đang xuất hiện ngày càng rõ nét một bộ mặt tương phản của đời sống nhân dân, nhất là ở nông thôn. Đã và đang xuất hiện một nguy cơ lớn là một bộ phận dân cư có thể bị gạt ra ngoài lề của sự phát triển. Họ có thu nhập rất thấp, thậm chí không đủ chi tiêu lương thực thực phẩm, không có hoặc bị mất đất canh tác, phải đi làm thuê với việc làm và chỗ làm việc không ổn định.
Cách biệt thu nhập giữa các vùng và giữa các nhóm dân cư đang và sẽ tiếp tục ngày càng tăng đi đôi với gia tăng các bất ổn xã hội. Nhiều huyện, xã, nhất là ở miền núi còn có tỷ lệ hộ nghèo rất cao, trên 60%.
Cơ cấu lao động đã có xu hướng thay đổi tích cực, theo đó tỷ lệ lao động nông nghiệp, lâm nghiệp trong tổng số lao động xã hội giảm đi, từ 62,5% năm 2000 xuống 53,3% năm 2005; tỷ lệ lao động thủy sản đã tăng lên, từ 2,6% năm 2000 lên 3,5% năm 2005.
Tuy nhiên, mức giảm tỷ lệ lao động nông, lâm nghiệp diễn ra chậm. Mặt khác, một bộ phận lao động nông, lâm nghiệp do không còn đất canh tác đã phải chuyển sang lao động nông nghiệp làm thuê, thực chất vẫn là lao động nông, lâm nghiệp.
Tỷ lệ thời gian làm việc của lao động nông thôn tuy có tăng lên, từ 74,16% năm 2000 lên 80,65% năm 2005, nhưng nhìn chung tăng chậm. Hơn nữa, hiệu quả sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn cơ bản còn rất thấp.
Tỷ trọng GDP của ngành nông, lâm nghiệp có xu hướng giảm nhanh hơn so với các chỉ số khác, từ 21,16% năm 2000 xuống còn 17,03% năm 2005- tức giảm bình quân 1,03%/năm, trong khi mức giảm dân số nông thôn chỉ bình quân 0,7%/năm và mức giảm tỷ lệ bình quân hàng năm lao động nông, lâm nghiệp 2,3%/năm. Chỉ số này cho thấy GDP bình quân đầu người và lao động khu vực nông, lâm nghiệp chưa được cải thiện đáng kể; cách biệt thu nhập giữa dân cư, lao động nông, lâm nghiệp và dân cư, lao động phi nông nghiệp có xu hướng tăng.
Cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tuy có chuyển đổi theo hướng giảm tỷ lệ trồng trọt, tăng tỷ lệ chăn nuôi, nhưng diễn ra rất chậm và xuất hiện xu hướng mới không lành mạnh, đó là giảm tỷ lệ dịch vụ từ 2,8% năm 1990 xuống 2,5% năm 2000 và 2,1% năm 2005.
Kết quả tổng quát là thu nhập của người sản xuất nông, lâm nghiệp sau 20 năm đổi mới tuy được nâng lên so với thời kỳ trước đó nhưng vẫn còn rất thấp; vùng nông thôn cơ bản vẫn còn nghèo, cách biệt với vùng thành thị ngày càng rộng hơn; năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn vẫn rất thấp.
Những hạn chế cơ bản
Có một số hạn chế, thiếu sót cơ bản trong phát triển nông, lâm nghiệp như sau:
– Trước hết, đầu tư cho phát triển nông nghiệp từ mọi nguồn, trong đó có nguồn vốn đầu tư phát triển của Nhà nước tuy có chiếm tỷ lệ khá và tương đối ổn định, đạt mức bình quân 13,5%/năm trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong năm năm qua, nhưng chưa tương xứng với nhu cầu phát triển nông thôn và số dân, số lao động nông thôn.
– Hiệu quả vốn đầu tư cho lĩnh vực nông lâm thủy sản nói riêng và nông thôn nói chung vẫn chưa cao, có biểu hiện phân tán, dàn trải, chưa tạo sự cộng hưởng để hỗ trợ nhân dân vùng nông thôn phát triển. Đầu tư cho công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với nông nghiệp nông thôn còn chưa hiệu quả. Các công trình đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng và chế biến mía đường, dứa, bò sữa… mà thường là sử dụng vốn ngân sách nhà nước đã chứng tỏ hiệu quả thấp.
– Chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn chưa thể hiện rõ trọng tâm, trọng điểm và cũng rời rạc, thiếu sự hỗ trợ lẫn nhau.
– Chúng ta chưa nhận thức rõ vai trò của thể chế trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp trước đây, chúng ta đã tuyệt đối hóa vai trò của hợp tác xã (kiểu cũ) trong phát triển nông thôn. Nay, chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường, chúng ta lấy kinh tế hộ làm chủ thể, có quyền tự chủ. Kinh tế hộ dù được khuyến khích mạnh mẽ đến đâu vẫn có giới hạn mang tính tự nhiên của nó. Thực tế là, khoảng 14 triệu hộ nông dân ở nước ta vẫn là những thực thể kinh tế nhỏ bé, sức cạnh tranh yếu kém.
Đã đến lúc cần tổ chức các hộ kinh tế nhỏ bé đó vào các tổ chức do dân tự chủ, tự quản. Hợp tác xã (kiểu mới) cùng với tổ hợp tác là mô hình thể chế thích hợp để tăng cường tính hợp tác của nhân dân, trước hết là nông dân và người sản xuất nhỏ ở nông thôn, giúp nâng cao sức cạnh tranh cho họ. Thể chế hợp tác xã phát triển sẽ tác động mạnh tới phương thức hỗ trợ của Nhà nước đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn và cách thức tiếp cận thị trường của người dân ở nông thôn.
Cần làm những gì?
Phát triển nông thôn để nông thôn không những thoát khỏi nạn nghèo đói mà còn tiến kịp thành thị, góp phần hiệu quả vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo chúng tôi, để làm được điều đó, cần tiếp tục đổi mới chính sách theo một số nội dung chủ yếu sau đây:
1. Cần tổ chức lại cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm về phát triển nông thôn và tăng cường phối hợp chính sách. Cần thành lập một cơ quan chính phủ chuyên trách phát triển nông thôn và cộng đồng, đầu mối phối hợp tất cả các chính sách, chương trình và dự án phát triển nông thôn. Cơ quan này cũng chuyên trách về phát triển cộng đồng, vì cùng với sự phát triển, công nghiệp hóa, càng cần khuyến khích phát triển cộng đồng và gìn giữ giá trị văn hóa gia đình.
Cần nghiên cứu, rà soát lại tất cả các chính sách liên quan đến phát triển nông thôn, đảm bảo tính nhất quán về mục tiêu, nội dung và thời gian của việc thực hiện các chính sách đó; tránh chồng chéo, trùng lặp; đảm bảo sự đồng bộ về tất cả các mặt của chính sách; đảm bảo ở cấp trung ương chỉ có một cơ quan điều phối duy nhất chỉ đạo và ở cấp địa phương chỉ có một cơ quan đầu mối duy nhất phối hợp triển khai thực hiện.
2. Cần nghiên cứu tổ chức lại cơ cấu hành chính các cấp có liên quan đến pháp triển nông thôn theo hướng bỏ hẳn cấp trung gian; tăng cường trách nhiệm và quyền hạn, năng lực và điều kiện cho cấp cơ sở gần dân nhất. Như vậy, cần xem xét bỏ hẳn cấp huyện ở các tỉnh như là một cấp chính quyền độc lập, hoặc nếu còn duy trì thì chỉ là một cơ quan trợ giúp của cấp tỉnh và không nhất thiết phải tổ chức ở mọi địa bàn. Đặc biệt chú ý tăng cường năng lực cấp xã, vì đại bộ phận dân cư, nhất là dân cư nông thôn sinh sống và hoạt động kinh tế theo địa bàn lãnh thổ hành chính xã.
3. Cần khuyến khích phát triển các hiệp hội, hội, các tổ chức xã hội dân sự tự quản của nhân dân tham gia phát triển nông thôn; đảm bảo các hiệp hội, hội và tổ chức xã hội dân sự đó tự chủ, gắn kết và dựa vào hội viên/thành viên – tức dân cư tại các vùng nông thôn; khuyến khích phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các loại hình tổ chức kinh tế cũng như phi lợi nhuận khác để tăng cường tính hợp tác, nâng cao sức mạnh kinh tế và sức cạnh tranh của các thành viên, nâng cao vị thế chính trị, địa vị xã hội của các tầng lớp dân cư nông thôn, nhất là nông dân.
SOURCE: THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN
Trích dẫn từ: http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/ykien/15780/
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI |
Leave a Reply