NGUYÊN TRƯỜNG
Đương sự cố tình “giếm” chứng cứ ở cấp sơ thẩm, đợi đến cấp phúc thẩm mới cung cấp thì tòa có được hủy án? Ngày 19/2/2009, tại TP Cà Mau, TAND tối cao đã phối hợp với cơ quan hợp tác Nhật Bản tổ chức hội nghị về thực thi Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) và Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) với sự tham dự của đại diện tòa án các tỉnh phía Nam. Trong ngày làm việc đầu tiên, nhiều vướng mắc nổi cộm trong quá trình áp dụng BLTTDS đã được các đại biểu thẳng thắn mổ xẻ.
Án dân sự hay thương mại?
Cái vướng đầu tiên được đa số đại biểu nêu lên là chưa biết xác định tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa cá nhân không đăng ký kinh doanh với ngân hàng là tranh chấp dân sự hay tranh chấp kinh doanh, thương mại.
Theo các đại biểu, Điều 29 BLTTDS hiện hành quy định tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau đều có mục đích lợi nhuận là tranh chấp về kinh doanh, thương mại. Còn tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa cá nhân không có đăng ký kinh doanh với ngân hàng phải là tranh chấp dân sự. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 01 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao năm 2005, tòa kinh tế có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các tranh chấp và các yêu cầu kinh doanh, thương mại mà một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh nhưng đều có mục đích lợi nhuận.
Như vậy, hai quy định mâu thuẫn này đã dẫn đến rối trong việc xác định tòa dân sự hay tòa kinh tế có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa cá nhân không đăng ký kinh doanh với ngân hàng.
Đau đầu về chuyện cung cấp chứng cứ
Việc cung cấp chứng cứ mới của các đương sự trong vụ án dân sự cũng được hội nghị bàn thảo. TAND tối cao gợi mở: Đương sự cố tình “giếm” chứng cứ ở cấp sơ thẩm, đợi đến cấp phúc thẩm mới cung cấp thì tòa có được hủy án sơ thẩm hay không?
Thẩm phán Huỳnh Văn Lưu (TAND tỉnh Đồng Nai) bảo rất cần làm rõ, có hướng dẫn cụ thể vì hiện nay, có hiện tượng cấp phúc thẩm “vô tư” hủy bản án sơ thẩm chỉ vì thiếu những chứng cứ mà cấp phúc thẩm hoàn toàn có thể yêu cầu đương sự bổ sung ngay được.
Thẩm phán Trần Đức Triều (TAND tỉnh Sóc Trăng) nói BLTTDS hiện chưa quy định thời hạn cung cấp chứng cứ dẫn đến chuyện bản án sơ thẩm có thể bị sửa, hủy bất cứ giai đoạn tố tụng nào sau đó. Vì thế, ông Triều đề nghị TAND tối cao nên có hướng dẫn giới hạn cung cấp chứng cứ (một số nước trên thế giới có quy định cụ thể là đến giai đoạn nào thì đương sự không được đưa ra chứng cứ nữa)… Một đại biểu khác thì chỉ ra trường hợp có đương sự đợi vụ án đến giai đoạn xét xử phúc thẩm mới chịu cung cấp chứng cứ bởi họ biết rằng bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay.
Ly hôn cũng rối!
Một vấn đề gây tranh cãi là việc ly hôn giữa hai bên đương sự là người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam có thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án Việt Nam hay không. Có đại biểu bảo theo BLTTDS, nguyên đơn hoặc bị đơn là người Việt Nam thì mới thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa Việt Nam. Nhiều đại biểu khác lại nói Điều 410 BLTTDS quy định bị đơn là công dân nước ngoài, người không quốc tịch cư trú làm ăn tại Việt Nam cũng thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa Việt Nam. Như vậy, giả sử ông chồng người nước ngoài kiện đòi ly hôn bà vợ nước ngoài sinh sống tại Việt Nam thì phải thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa Việt Nam chứ.
Cạnh đó, vụ án ly hôn có một bên vợ hoặc chồng bỏ đi không rõ tin tức, địa chỉ sẽ được giải quyết theo thủ tục nào? Kết quả là có tới ba luồng ý kiến: Thứ nhất, tòa phải thụ lý và thông báo cho người vắng mặt biết, nếu tiếp tục vắng mặt thì tòa giải quyết theo thủ tục chung. Thứ hai, tòa phải thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú rồi lấy kết quả này để giải quyết ly hôn vắng mặt. Thứ ba, tòa phải tuyên bố người mất tích rồi lấy kết quả để giải quyết ly hôn.
Ông Ngô Cường – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TAND tối cao cho biết sẽ tổng hợp những vướng mắc mà các đại biểu đã thảo luận để Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xem xét. Hôm nay (20-2), hội nghị sẽ tiếp tục bàn thảo những vướng mắc trong quá trình thực thi BLTTHS, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/news/toa-an/view.aspx?news_id=243458
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 1. Lý luận chung |
Cảm ơn tác giả đã cung cấp những thông tin bổ ích về thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, theo những thông tin trong bài viết này tôi thấy có một vài điểm cần trao đổi:
+ Thứ nhất, về vấn đề xác định quan hệ tranh chấp giữa cá nhân không đăng ký kinh doanh với ngân hàng là quan hệ tranh chấp dân sự hay kinh doanh, thương mại? Và, tác giả kết luận là: 2 quy định giữa BLTTDS và Nghị quyết 01 là mâu thuẫn nhau. Mặc dù chưa học về Luật TTDS, tuy nhiên ở mức độ nào đó trong phạm vi hiểu biết của mình tôi xin được có mấy ý kiến như sau:
– Theo tôi quan hệ mà tác giả đang đề cập là quan hệ tranh chấp kinh doanh, thương mại mà không phải là quan hệ tranh chấp dân sự. Có lẽ, ở đây một số người trong quá trình vận dụng các quy định pháp luật có phần hơi máy móc khi đinh ninh rằng: xác định được quan hệ đang tranh chấp là quan hệ gì? và thuộc dân sự hay kinh doanh thương mại để theo đó xác định thẩm quyền của tòa án. Về nguyên tắc, đúng là như vậy. Tuy nhiên, tham khảo kỹ BLTTDS và Nghị quyết 01 tôi nhận thấy: trong trường hợp này vẫn phải xác định tranh chấp trong trường hợp này là tranh chấp kinh doanh, thương mại và thẩm quyền. Xuất phát từ những lý do sau: Một là, tại khoản 4 – Điều 29 BLTTDS nhà làm luận đã dự liệu bằng quy định mở là: Các tranh chấp khác kinh doanh thương mại mà pháp luật có quy định. Như vậy, theo tinh thần điều luật này nếu trong hệ thống pháp luật có quy định bổ sung thêm các quan hệ về kinh doanh thương mại thì đó cũng phải được coi là quan hệ kinh doanh, thương mại mặc dù BLTTDS không quy định hết. Và quy định khác này tồn tại trong điểm b, tiểu mục 1.1, mục 1 phần I của Nghị quyết 01 khi Nghị quyết 01 cho rằng: các tranh chấp về kinh doanh thương mại mà một bên hoặc các bên không đăng ký kinh doanh nhưng đều có mục đích lợi nhuận. Như vậy, theo đúng tinh thần của quy định này thì TANDTC cho rằng: các tranh chấp kinh doanh thương mại có thể là tranh chấp mà một bên hoặc các bên không đăng ký kinh doanh mà. Như vậy, dấu hiệu đăng ký kinh doanh không phải là dấu hiệu bắt buộc để xác định là quan hệ đó thuộc quan hệ gì? mà dấu hiệu cùng mục đích lợi nhuận và thực hiện hành vi kinh doanh, thương mại mới là dấu hiệu bắt buộc. Hướng dẫn này của TANDTC hoàn toàn phụ hợp với Luật thương mại khi Luật này thừa nhận hình thức “thương nhân thực tế” bao gồm cá nhân kinh doanh độc lập, thường xuyên không đăng ký kinh doanh. Từ việc BLTTDS có quy định mở và Nghị quyết 01 cũng đã hướng dẫn thêm như vậy suy ra tranh chấp trên là tranh chấp kinh doanh thương mại. Ở đây, có vấn đề cần bàn luận thêm nếu chúng ta xem xét câu cú của Nghị quyết 01 thì có lẽ sẽ thấy có vấn đề khi tại tiểu mục 3.4 của Nghị quyết có nói rõ: “Đối với các tranh chấp tại khoản 2 Điều 29 BLTTDS thì KHÔNG NHẤT THIẾT đòi hỏi cá nhân và tổ chức phải có đăng ký kinh doanh”, cụm từ “không nhất thiết” này có thể dẫn đến hiểu lầm là các khoản khác là phải nhất thiết có đăng ký kinh doanh mới xác đinh là tranh chấp thương mại
– Tiếp tục là vấn đề xác định thẩm quyền của Tòa án. Đây có lẽ là cái mà tác giả phân vân nhất, nếu để ý một chút trong Tư pháp quốc tế có 2 loại quy phạm cũng thường xuyên bị gây nhầm lẫn đó là Quy phạm xung đột xác định luật và quy định định thẩm quyền. Tức là với quy phạm xung đột xác định luật thì nó sẽ chỉ ra luật nào sẽ áp dụng. Tuy nhiên, quy phạm này không đồng nghĩa với việc sẽ xác định được tòa án nào sẽ có thẩm quyền giải quyết. Xác định thẩm quyền giải quyết phải dựa trên những hệ thuộc như: luật tòa án, hay dựa vào luật nội dung của từng nước quy đinh…. Ở đây, tôi muốn nói là việc xác định tranh chấp là dân sự hay kinh tế ở một mức độ nào đó cũng chỉ là xác định luật nào sẽ được ưu tiên áp dụng hơn (chuyên ngành hay luật chung) còn Tòa án giải quyết thì phải do quy phạm xác định thẩm quyền tòa án chứ không phải là cứ dứt khoát cho rằng quan hệ tranh chấp nào thì sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa án đó. Như vậy, căn cứ theo hướng dẫn của TANDTC thì các tranh chấp mà một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh vẫn sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa kinh tế. Đây là hướng dẫn rất cần thiết vì dù không có đăng ký kinh doanh nhưng do mục đích lợi nhuận nó sẽ làm thay đổi hẳn bản chất quan hệ và mức độ phức tạp của nó. Tất nhiên khi tòa án kinh tế giải quyết không có nghĩ là chỉ áp dụng luật chuyên ngành như ngân hàng mà còn phải căn cứ theo Bộ luật Dân sự nữa.
+ Về vấn đề xác định vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài mà hai bên đương sự là người nước ngoài thì có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt nam không? Tôi nghĩ đây không phải là vấn đề quá khó và không có mâu thuẫn gì. Điều 410 không phải xác định riêng biệt (đương nhiên) của Tòa án việt nam do đó theo yêu cầu của các bên đương sự thì Tòa án mới phát sinh thẩm quyền tuy nhiên phải dựa trên các trường hợp mà Điều 410 liệt kê. Theo đó, điểm b khoản 2 Điều 410: bị đơn là công dân nước ngoài nhưng phải thuộc trường hợp cư trú, làm ăn, sinh sống tại việt nam hoặc có tài sản trên lãnh thổ việt nam nếu yêu cầu thì mới thuộc thẩm quyền của Tòa án. Quy định tại điểm g khoản 2 Điều 410 về vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài không loại trừ quy định trên. Nếu xác định phải nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt nam (nhà làm luật sử dụng hệ thuộc nhân thân) thì quy định về giải quyết ly hôn mà tài sản trên lãnh thổ việt nam (hệ thuộc nơi có tài sản) sẽ không có ý nghĩa gì nữa.
Trên đây một số ý kiến của tôi về bài viết trên. Rất mong nhận được sự trao đổi của các bạn.
Thân!