admin@phapluatdansu.edu.vn

HỦY ÁN VÌ NHỮNG SAI SÓT LẶT VẶT

HOÀNG LAM

Nhầm tên thẩm phán, quên mời phiên dịch, bỏ qua trưng cầu giám định… nên nhiều bản án bị hủy. Trong một vụ án, người tham gia tố tụng phải trải qua nhiều thủ tục tiêu tốn thời gian đi lại, công sức cũng như hao tổn về kinh tế. Nhiều vụ án kéo dài có khi hàng mấy năm trời. Thế nhưng trong nhiều trường hợp, cấp giám đốc thẩm buộc phải hủy bản án của tòa cấp dưới chỉ vì những sai sót không đáng có.

Tố tụng hớ hênh

Hôm ấy, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM xử vụ đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Các tài liệu trong hồ sơ vụ án, biên bản nghị án lẫn biên bản phiên tòa đều ghi chủ tọa là thẩm phán Hoàng Văn Trung. Thế mà chẳng hiểu sao bản án phúc thẩm lại ghi chủ tọa là thẩm phán Tô Chánh Trung. Chưa hết, một bị cáo trong vụ án bị tuyên phạt 18 tháng tù (cho hưởng án treo) nhưng lại không rõ tội gì.

Vài ngày sau, cấp phúc thẩm ra quyết định đính chính rằng chủ tọa chính xác là thẩm phán Hoàng Văn Trung, còn bị cáo kia thì phạm tội đánh bạc. Tuy nhiên, cấp giám đốc thẩm không chịu đính chính này mà buộc tòa cấp dưới sửa sai bằng cách xét xử phúc thẩm lại vì đây là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Ngoài nhầm tên thẩm phán, có tòa còn giải quyết sai đơn kháng cáo. Cuối năm 2006, cấp giám đốc thẩm cũng đã hủy bản án của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP Hà Nội xét xử một vụ cướp tài sản. Vụ án này được sơ thẩm vào ngày 26-12-2003. Bị cáo kháng cáo vào ngày 5-1-2004.

Vậy mà cấp phúc thẩm lại bảo đơn kháng cáo là ngày 2-10-2003, tức trước cả thời điểm xét xử sơ thẩm (!?). Ngộ nữa là đơn kháng cáo này không có trong hồ sơ vụ án. Theo hội đồng giám đốc thẩm, đáng lẽ cần xem xét đơn kháng cáo hợp pháp ghi ngày 5-1-2004, cấp phúc thẩm lại lấy ở đâu ra đơn kháng cáo không có thật và xem xét nó (!).

Anh N. (tỉnh Hậu Giang) có mâu thuẫn với một người nước ngoài. Nhằm lúc ông này đang ngồi ở bờ ao để cho vịt ăn, N. cầm dao tiến đến chém trúng sườn bên trái và chân trái của ông, gây thương tích 12%. Theo khoản 1 Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng phải yêu cầu người phiên dịch cho người bị hại vì ông này không biết tiếng Việt. Tuy nhiên, cả cấp sơ lẫn phúc thẩm đều không làm điều đó mà lại chấp nhận cho vợ của người bị hại (là người Việt Nam) phiên dịch cho chồng. Thế là phải hủy án!

Có cả 1.001 sai sót không đáng có dẫn đến hủy án, như xét xử vắng mặt đương sự không đúng luật, nguyên đơn kiện đòi ba yêu cầu thì chỉ giải quyết một yêu cầu, bỏ quên kháng cáo của bị cáo…

Nội dung lẫn lộn

Vợ chồng bà N. đăng ký kết hôn năm 1997, đến năm 2001 thì xin ly hôn. Trong đơn xin ly hôn, bà N. khai mình có tài sản chung với chồng bao gồm nhà và đất. Nhưng tại phiên tòa, các đương sự lại không yêu cầu giải quyết tài sản chung.

Thay vì ghi vào bản án về phần tài sản chung là “không yêu cầu giải quyết”, cấp sơ thẩm TAND quận 9 lại ghi là “không có gì giải quyết”. Án sơ thẩm không bị kháng cáo nên có hiệu lực. Tuy nhiên sau đó, bà N. khiếu nại đòi chia tài sản chung. Theo cấp giám đốc thẩm, nếu các đương sự không yêu cầu giải quyết tài sản chung thì cấp sơ thẩm không giải quyết tài sản chung chứ sao lại ghi vào bản án là “không có gì giải quyết”. Vài câu chữ khác biệt này mà phần quyết định về tài sản trong bản án đã bị hủy.

Mới đây, Báo Pháp Luật TP.HCM cũng thông tin trường hợp bà Nguyễn Thị Bảy (Long Xuyên, An Giang) kiện đòi khoảng 200 m2 đất. Bị đơn bảo bà Bảy đã bán đất cho họ, có ký hợp đồng hẳn hoi. Bà Bảy không chịu. Bà nói mình không biết chữ, không biết ký và chưa từng nhờ ai ký giùm để chuyển nhượng đất.

Phúc thẩm vụ án, TAND tỉnh An Giang căn cứ vào tài liệu là lời “cam đoan những lời khai trên là đúng sự thật” có chữ ký “Bay” ở dưới để xác định bà Bảy đã ký vào hợp đồng chuyển nhượng đất. Lẽ ra các cấp tòa cần thu thập mẫu chữ ký của bà Bảy, trưng cầu giám định chữ ký để đảm bảo tính khách quan khi đánh giá chứng cứ nhưng lại không làm. Hậu quả là các đương sự phải vất vả quay về TAND thành phố Long Xuyên để tham gia sơ thẩm lại từ đầu.

Ngành tòa án hẳn không phải tốn công uổng sức nếu cán bộ xét xử loại bỏ được những sai sót không đáng có như trên.

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/news/ban-doc/view.aspx?news_id=242901

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: