BÀI 1. TẠI SAO LƯƠNG TRONG KHU VỰC NHÀ NƯỚC QUÁ THẤP? – VŨ QUANG VIỆT (New york)
TBKTSG – Không ai trong khu vực nhà nước sống nổi bằng đồng lương, nhưng người ta vẫn sống, mà sống đàng hoàng. Câu nói này nói lên tình trạng thiếu lành mạnh của hệ thống nhà nước Việt Nam hiện nay.
Tại sao lại sống được? Bởi vì để sống được và để có thể lo cho gia đình, kể cả tồn tại trong công việc người ta phải làm những điều mà ở một xã hội bình thường khác họ thường sẽ cảm thấy xấu hổ.
Tại sao lại đặt vấn đề lương
Nhưng xã hội Việt Nam hơi thiếu bình thường, bởi vì ở nước ta, tham nhũng hay tham ô không chỉ mang tính cá nhân, mà còn mang tính tập thể, nhiều người cùng làm, hoặc cùng làm ngơ vì ai cũng có lợi trong đó; và hơn thế, những hành động này nhiều khi lại hợp pháp.
Điển hình là trường hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính, nhằm tăng thu nhập cho giáo viên ở trường công, đã cho phép nhà trường thu thêm các loại phí, cho phép thầy cô dạy thêm lấy tiền, cho phép thầy cô nhận phong bì, cho phép Hội phụ huynh quyết định thu thêm các loại đóng góp cho trường mà bộ coi là đóng góp tự nguyện của phụ huynh nằm ngoài sự kiểm soát của bộ mặc dù không đóng không được.
Và tất nhiên là việc phân chia sẽ không đồng đều, cấp trên tất nhiên nhận nhiều hơn cấp dưới. Đây là những việc hoàn toàn hợp pháp.
Còn những trường hợp chiếm dụng phần chi cho vật chất và đầu tư xây dựng để chia nhau là bất hợp pháp nhưng cũng có thể được lãnh đạo đồng ý tập thể. Sự thiếu nghiêm chỉnh trong giáo dục ảnh hưởng đến sự suy nghĩ của trẻ em, mà khi lớn lên chúng có thể coi những hành động tham nhũng là điều tự nhiên, tự nhiên như cần dầu bôi trơn cho máy nổ hoạt động.
Mục tiêu phát triển
Lương, phần chính của thu nhập phải là tiêu chí của phát triển. Bất cứ một xã hội nào muốn phát triển trong ổn định ít nhất cũng phải đạt được năm tiêu chí: một là thu nhập tăng ổn định và phân phối công bằng (công bằng chứ không phải cào bằng), hai là luật pháp công minh (tức là công bằng và nghiêm minh, không phân biệt đối xử địa vị xã hội, vai trò chính trị), ba là mọi người bình đẳng về cơ hội, bốn là môi trường thiên nhiên trong sạch, và năm là nâng cao dân trí qua việc xây dựng một nền giáo dục có chất lượng.
Tất nhiên, nhiều nước còn đặt thêm các tiêu chí không thể thiếu khác như dân chủ và tự do. Tuy vậy, với tiêu chí số một, ở Singapore, Lý Quang Diệu lại tập trung vào điểm mấu chốt của mục tiêu này là bảo đảm lương bổng trong khu vực nhà nước không những đủ sống mà phải cao hơn khu vực tư nhân, để bảo đảm công chức không tham nhũng và toàn tâm làm nhiệm vụ phục vụ công quyền. Tất nhiên không ai ngờ nghệch cho rằng lương đủ sống sẽ bảo đảm tính thanh liêm của công chức, cán bộ làm cho Nhà nước, nhưng nó là điều kiện cần.
Trong năm tiêu chí phát triển trên, chữ ổn định hầu như nằm ở trong từng tiêu chí. Nếu không có ổn định tất nhiên không thể phát triển. Về mặt kinh tế, chữ ổn định cũng bao hàm: một là lương được trả đúng với sức mình bỏ ra, ít nhất là bảo đảm khả năng tái sản xuất sức lao động một cách hợp pháp và hợp đạo đức; hai là nền kinh tế có tăng trưởng để ngày càng tạo thêm công ăn việc làm cho lao động chưa có việc làm và cho giới trẻ mới gia nhập lực lượng lao động, và ba là giá cả ổn định để chúng không làm giảm sức mua của thu nhập.
Mục tiêu phát triển vừa qua là gì?
Nếu chỉ xét về mặt kinh tế, thì mục tiêu phát triển của Việt Nam nhằm vào tốc độ tăng GDP là chính chứ thực chất trong hành động không nhằm vào mục tiêu ổn định hay chất lượng.
Thiếu mục tiêu ổn định đã phản ánh rõ qua việc lạm phát, nguyên nhân làm đời sống nhân dân lao động, nhất là người sống bằng đồng lương, và là yếu tố cơ bản làm mất ổn định xã hội đã không được để ý đúng mức. Nhìn vào ba nước đạt tốc độ tăng GDP cao trong năm năm 2003-2007 (xem bảng 1) là Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam thì chỉ có Việt Nam là có lạm phát cao trên dưới 8%, suốt từ 2004 và lại tăng vọt vào năm 2008.
Thế nhưng Chính phủ vẫn kiên trì với tốc độ tăng trưởng từ 8,5-9,0%, cho đến khi chính sách này bị đảo ngược vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4-2008. Ngược lại, các nước khác trong cùng khu vực như Indonesia, Philippines, Thái Lan khi thấy lạm phát tăng (dù còn thấp hơn Việt Nam) đã phải bằng mọi cách đưa chúng xuống, ngay cả thời mà quan chức nhà nước Việt Nam cho rằng lạm phát là do yếu tố quốc tế như giá dầu lửa và lúa gạo tăng.
Thiếu mục tiêu chất lượng đã phản ánh rõ qua quyết định của Chính phủ Nhật tạm dừng ODA vừa qua, cũng như hàng loạt các con sông bị ô nhiễm nặng nề, cùng nạn kẹt xe, ô nhiễm trong thành phố hiện nay.
Tại sao lương trong khu vực nhà nước ở Việt Nam lại thấp?
Câu hỏi về lương trong khu vực nhà nước ở Việt Nam đòi hỏi ta nhìn nhận lại chính sách “tất cả vì đầu tư” hiện nay, dù là nhằm đạt tốc độ tăng GDP cao, bất chấp môi trường, sự ổn định đời sống của dân chúng và nói chung là chất lượng phát triển.
Hiện nay, Việt Nam đầu tư tới 41,7% GDP, có nghĩa là làm 100 đồng thì để đến gần 42 đồng bỏ vào đầu tư, vượt xa rất nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới.
Đầu tư dù cao như vậy vẫn không những không đạt tốc độ đề ra, mà lại còn đẩy nền kinh tế tới chỗ khủng hoảng vì lạm phát. Mà đầu tư lại tập trung vào khu vực quốc doanh, chiếm tới 40% tổng đầu tư của cả nước, nhưng chỉ tạo ra khoảng 4 triệu việc làm, bằng 18% việc làm cả nước. Đấy là đã kể tới cả 2 triệu lao động trong khu vực dịch vụ nhà nước.
Ngoài vốn từ ngân sách, lại còn vốn vay mượn nước ngoài mà Nhà nước cuối cùng phải chịu trách nhiệm, nhằm bơm cho các tập đoàn quốc doanh. Vốn vay này hiện nay không được ghi là vốn vay của ngân sách. Nhưng nếu chỉ nhìn vào ngân sách, ta thấy, chi ngân sách so với GDP ở Việt Nam là 30%, rất cao so với các nước trong khu vực, cao gấp rưỡi Trung Quốc và Thái Lan và gấp đôi Ấn Độ.
Và hơn nữa trong ngân sách, chi cho đầu tư lại cao gấp rưỡi, gấp đôi các nước khác (xem bảng 3). Chính vì chi đầu tư quá cao mà tỷ lệ chi lương cho cán bộ công nhân viên nhà nước đâm ra quá thấp. Và do lương quá thấp, tỷ lệ đầu tư cao càng làm tăng nguồn cho tham nhũng và sự tàn phá môi trường.
Hiện trạng trả lương trong khu vực nhà nước
Chi lương hiện nay không nằm trong các tường trình về ngân sách vì cũng như giáo dục có lẽ không ai biết thực chi cho lương là bao nhiêu. Tuy nhiên, về mặt thống kê có thể tính được dựa vào thu nhập bình quân lao động trong khu vực nhà nước do Tổng cục Thống kê điều tra. Mà thu nhập thường phải cao hơn lương và thu nhập thêm chính thức vì còn các khoản thu lãi tiền gửi ngân hàng, thu do người khác chuyển nhượng. Thu nhập này được tính trong bảng 4.
Dù đã tính dôi thừa ra dựa trên ý niệm thu nhập, thu nhập của nhân viên nhà nước cũng chỉ bằng 3,8% GDP và bằng 13% chi ngân sách, một tỷ lệ cực kỳ nhỏ bé (xem bảng 5).
Chi lương chắc còn nhỏ hơn vì trong giáo dục chẳng hạn, điều tra thực địa cho thấy lương trung bình chỉ có 1,4 triệu đồng/tháng, tức là bằng 70% thu nhập nhận được từ hoạt động trong trường (Trần Hữu Quang, Thời Đại mới, tháng 3-2008).
Thu nhập chính thức này vẫn chưa tính thu nhập thêm khác mà Tổng cục Thống kê tính vào thu nhập lao động. Nếu đi vào phân tích chi tiết ở bảng 4, cột (5), ngoài chi cho giáo dục và Đảng và đoàn thể, tỷ lệ chi lương rất thấp so với tổng chi thường xuyên (chi thường xuyên thường là gần bằng GDP tạo ra trong các hoạt động này).
Thử nhìn một cách khác
Như đã nói, ngân sách hiện nay ở Việt Nam chiếm tới 30% GDP. Trong đó phần trả lương cao lắm cũng chỉ bằng 3,8% GDP. Trong ngân sách, phần đầu tư chiếm tới 33% ngân sách và bằng 9,8% GDP. Như vậy, nếu cho rằng việc trả lương xứng đáng cho lao động là đầu tư vào con người nhằm tăng chất lượng cuộc sống và giảm trừ tham nhũng mà chuyển 9,8% GDP đầu tư trong ngân sách này sang cho trả lương, ta thấy là lương có thể bằng 3,5 lần hiện nay. Tổng lương trả như thế cũng chỉ bằng 154.000 tỉ, khoảng 9,6 tỉ đô la. Ngay cả chỉ chuyển một nửa để tỷ lệ đầu tư trong ngân sách tương đương với các nước khác thì lương cũng có thể tăng hơn gấp đôi.
Tất nhiên có người sẽ thấy vô lý khi ngân sách chính phủ không có khoản đầu tư cho hạ tầng cơ sở. Câu trả lời có thể hình dung được nếu như một phần số tiền được doanh nghiệp quốc doanh giữ lại đầu tư thiếu hiệu quả hiện nay được chuyển vào đầu tư cho hạ tầng cơ sở.
Hiện nay khu vực nhà nước đầu tư lên tới 16% GDP. Mà đầu tư từ ngân sách ở các nước trung bình chỉ khoảng 4% GDP. Theo như nhiều cáo buộc, cũng như điều tra thì mức tham nhũng, thất thoát trong đầu tư lên tới 15%, tức là 15% của 16% GDP, hay là bằng 2,4% GDP, không xa số lương trả từ ngân sách.
Ngoài ra, cũng nên xem xét lại tại sao chi lương (ở mức cao nhất) hiện nay cũng chỉ bằng 44,8% chi thường xuyên, còn ở nhiều hoạt động thì quá thấp (xem bảng 4). Vậy có thể giảm chi cho vật chất để tăng cường cho chi lương không?
Để kết luận, câu hỏi đặt ra là liệu Nhà nước có sẵn sàng có một cái nhìn khác hơn về con người và về chất lượng cuộc sống không khi nói đến phát triển? Nếu câu trả lời là có thì cần nhìn lại chiến lược phát triển và chi tiêu ngân sách hiện nay.
BÀI 2. HÃY TRẢ LƯƠNG CHO CÔNG CHỨC THẬT TỐT – DIỆP THÀNH KIỆT, Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM
TBKTSG – Đọc bài viết “Tại sao lương trong khu vực nhà nước quá thấp” của tác giả Vũ Quang Việt (TBKTSG số 1-2009), có thể thấy rằng rốt cuộc thì xã hội ta bằng cách này hay cách khác, vẫn có thể nuôi được bộ máy công chức của mình một cách đàng hoàng, nhưng do bấy lâu nay chúng ta chưa có biện pháp triệt để đối với kiểu phân phối bất minh và thiếu công bằng, vì thế của cải xã hội rơi vào túi những kẻ vừa có quyền vừa tham lam.
Nếu cứ mãi duy trì kiểu trả lương và cách phân phối bất minh như hiện nay thì của cải xã hội bị thất thoát, cán bộ công chức mẫn cán bỏ đi và người dân mất lòng tin vào cách điều hành của Chính phủ, đánh đồng thiểu số quan chức tham lam với đại đa số công chức mẫn cán. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc, bên cạnh các giải pháp làm trong sạch guồng máy, Chính phủ nên có biện pháp mạnh dạn, đột phá đối với lương và thu nhập của công chức.
1. Trước hết, cũng cần nói rõ thêm một chút về việc lương công chức ở ta quá thấp nhưng nhiều người lại vẫn sống khỏe. Thật ra, việc sống khỏe này không đúng với tất cả công chức, chỉ có một số nào đó “có cửa” mà thôi, trên thực tế vẫn còn nhiều, nếu không muốn nói là rất nhiều công chức thầm lặng nhận đồng lương ít ỏi và họ thà sống chật vật mà lương tâm thanh thản.
2. Do vậy, thiết nghĩ đã đến lúc Chính phủ cần có những biện pháp đột phá nhằm nâng cao thu nhập chính thức của công chức dựa vào cấp bậc và năng lực. Giám đốc của một sở tại TPHCM ít ra cũng phải có mức lương tương đương với giám đốc doanh nghiệp loại trung của khối tư nhân, mà theo khảo sát là phải trên dưới 20 triệu đồng/tháng. Vấn đề là cần công khai mức lương đó để mọi người dân cùng biết.
– Có người nói rằng tham nhũng tại nước ta đã thành hệ thống rồi, dù có tăng lương cán bộ công chức thì nạn tham nhũng cũng không giảm được! Tôi tin là khi mức lương tăng lên, chắc chắn nạn tham nhũng sẽ giảm mạnh hoặc chí ít sẽ mất dần đất sống. Lý do là:
Từ trước đến nay, do thấy lương công chức thấp nên khi cần đến dịch vụ công mà thấy việc được trót lọt thuận tiện, người dân thường có thói quen gửi chút tiền gọi là “trà nước” hoặc “uống cà phê” cho công chức, điều mà nhiều báo gọi là tham nhũng vặt. Người dân sẽ không đưa tiền cho công chức nữa khi biết rằng lương của họ được tăng cao nhiều lần và đủ sống.
Do vậy, có thể khẳng định rằng trước hết, nạn nhũng nhiễu vòi tiền dân và nhận hối lộ vặt của công chức sẽ giảm mạnh. Người dân sẽ mạnh dạn đấu tranh với các hành vi tiêu cực của công chức hơn bởi họ phải đóng thuế để Nhà nước trả lương cao cho công chức và yêu cầu công chức phải làm được việc và phục vụ đàng hoàng. Các cán bộ sẽ có điều kiện quản lý mạnh tay hơn đối với nhân viên công chức dưới quyền vì đội ngũ này đã nhận được đồng lương thỏa đáng. Những công chức liêm khiết, mẫn cán sẽ đỡ lo toan cuộc sống, có điều kiện phục vụ nhân dân hết mình.
Bên cạnh đó, những công chức làm việc làng nhàng, lè phè, đi trễ về sớm, chân ngoài chân trong sẽ sợ mất việc mà làm việc đàng hoàng nghiêm túc hơn. Cuối cùng, còn lại những người dù có nhận lương cao đến mấy thì cũng cứ ăn hối lộ, sẽ trở thành thiểu số, dễ bị phát hiện và cô lập. Cùng với sự tích cực và làm việc có hiệu quả và cứ như thế, công chức và xã hội ta sẽ đi lên trong một vòng xoáy tích cực.
3. Một vấn đề nữa sẽ đạt kết quả nhanh chóng và hiệu quả, đó là vấn đề cải cách hành chính. Nếu công chức làm việc với một tinh thần tích cực thì việc rà soát, cải tiến các thủ tục hành chính sẽ được thực hiện liên tục mà không cần phải chờ Chính phủ đề ra các chương trình nặng ký mà hiệu quả lại không cao (vì công chức thiếu nhiệt tình).
4. Có thể nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi là ngân sách ở đâu mà chi, liệu rằng chi lương cao như vậy thì hiệu quả có tăng lên không… Thực tế công tác cổ phần hóa là một minh chứng rất rõ về việc biết sử dụng đúng đòn bẩy, dù việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và việc cải cách hành chính có nhiều điểm khác nhau nhưng lại có cùng một điểm chung, đó chính là “động lực”. Tôi tin rằng một khi công chức yên tâm làm việc hết mình sẽ tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội và những khoản thu nhập quốc gia đem lại sau đó sẽ thừa sức để trả lương cao cho công chức.
Xin hãy mạnh dạn đột phá vào khâu tiền lương của công chức để tạo thêm động lực cho đất nước trong giai đoạn khó khăn này.
SOURCE: THỜI BÁO KINH TẾ SAI GÒN
Trích dẫn từ:
BÀI 1: http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/ykien/13575/
BÀI 2: http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/bandocviet/14945/
Nguồn ảnh trong bài: tienphong.vn
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI, Xã hội, nhà nước và pháp luật Việt Nam |
Leave a Reply