admin@phapluatdansu.edu.vn

TRANH CHẤP BẤT ĐỘNG SẢN LIỀN KỀ: KHIẾU KIỆN KÉO SÀI DO CƠ QUAN CHỨC NĂNG “LÀM LIỀU”?

HUYỀN THƯ

Bức tường là ranh giới giữa hai thửa đất liền kề. Năm 2003, khi xảy ra tranh chấp, hòa giải không thành, vụ việc được chuyển từ xã lên huyện rồi bị "chìm xuồng". Tháng 3/2008, chủ sử dụng mới nhận chuyển nhượng một thửa đất đã phá tường, xây nhà, "nuốt" luôn bức tường đang có tranh chấp. Khi vụ việc tiếp tục được xem xét, mọi người mới tá hỏa, phần diện tích của bức tường đã nằm trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chủ sử dụng mới. Sự việc trên diễn ra tại xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm, nay là phường Ngọc Thụy (Long Biên – Hà Nội).

Năm 1993, bà Tạ Quán Nam, hộ khẩu thường trú tại số 51, ngõ 203, phố Tôn Đức Thắng (Đống Đa – Hà Nội) được ông Nguyễn Gia Liêm ở thôn Gia Quất, xã Ngọc Thụy chuyển nhượng 2.050m2 đất tại số 2, ngách 264/42, phường Ngọc Thụy. Việc mua bán có xác nhận của chính quyền địa phương. Thời điểm chuyển nhượng, con ngõ từ đường đi chung của thôn vào thửa đất chỉ có gia đình ông Liêm sử dụng. Vì ngõ nhỏ nên ông Liêm đã dẫn bà Nam đến gặp bà Lý – chủ sử dụng thửa đất liền kề, bàn bạc mở rộng lối đi. Bà Lý đồng ý bán cho bà Nam 11,5m2 đất thuộc quyền quản lý, sử dụng của gia đình mình, dọc lối đi từ thửa đất bà Nam nhận chuyển nhượng ra đường đi của thôn. Trong giấy mua bán viết tay, hai bên thống nhất: “Bà Nam có toàn quyền sử dụng lối vào kể từ phần tường xây giáp vườn nhà bà Lý".

Tuy nhiên, năm 2003, gia đình bà Lý lại phá bức tường này, xây một bức tường khác ngay trên móng tường cũ. Sau khi nhận được đơn khiếu nại của bà Nam, chính quyền xã Ngọc Thụy đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính gia đình bà Lý vì xây nhà cấp 4 trái phép trên phần đất đang có tranh chấp, yêu cầu đình chỉ xây dựng, khôi phục nguyên trạng. Vụ việc sau đó được báo cáo lên huyện, Thanh tra xây dựng huyện Gia Lâm đã có văn bản yêu cầu chính quyền xã Ngọc Thụy cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm, nhưng mọi việc… dậm chân tại chỗ.

Hành vi vi phạm ban đầu không bị xử lý dứt điểm đã trở thành tiền đề cho các vi phạm tiếp theo. Tháng 3/2008, phát hiện một chủ sử dụng đất mới phá một đoạn bức tường ranh giới, đào móng cả phần diện tích đang tranh chấp để xây nhà, gia đình bà Nam lại có đơn khiếu nại. Đến lúc này gia đình bà mới biết phần đất có móng của bức tường cũ đã nằm gọn trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của gia đình ông Đặng Đình Tuấn, người nhận chuyển nhượng đất từ con trai bà Lý.

Như vậy, trong khi hành vi vi phạm của gia đình bà Lý chưa bị xử lý, tranh chấp giữa hai gia đình chưa được giải quyết thì chính quyền địa phương lại "nhanh tay" cấp sổ đỏ, xác nhận chuyển nhượng đất, cấp giấy phép xây dựng cho chủ sử dụng mới. Hàng loạt động thái này đã khiến vụ việc càng trở nên phức tạp. Trong cuộc họp hòa giải ngày 13/3/2008, mọi người đã khẳng định phần đất 11,5m2 dọc lối đi bà Nam mua bằng giấy viết tay của bà Lý là thuộc quyền sử dụng của bà Nam. Chính quyền phường cũng đã kiểm tra hiện trạng sử dụng đất của gia đình anh Tuấn, nhận thấy phần móng đã đào nằm hoàn toàn trong sổ đỏ được cấp nhưng lại xây dựng sai với giấy phép được cấp, phường đã lập biên bản yêu cầu ngừng thi công. Hiện bà Nam vẫn khẳng định khi nhận chuyển nhượng đất của ông Liêm chỉ có mình gia đình ông sử dụng lối đi, hai bên đã xây tường rào không có gia đình nào sử dụng chung, việc chuyển nhượng diễn ra từ năm 1993. Bà đề nghị chính quyền địa phương can thiệp để những người vi phạm phải khôi phục nguyên trạng bức tường ranh giới cũ đã bị phá dỡ. Một lần nữa, hòa giải lại không thành, phường Ngọc Thụy đã có văn bản báo cáo UBND và cơ quan chức năng quận Long Biên xem xét, giải quyết.

Vụ việc trở nên phức tạp vì UBND và cơ quan chức năng huyện Gia Lâm không giải quyết dứt điểm khiếu kiện của gia đình bà Nam từ năm 2003, sau đó quận Long Biên lại cấp sổ đỏ cho các chủ sử dụng đất liền kề, trong khi ranh giới sử dụng đất chưa được phân định rõ ràng.

Thiết nghĩ, UBND và cơ quan chức năng quận Long Biên cần nhanh chóng xem xét, giải quyết vụ việc trên nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các bên liên quan. Trước mắt, cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không để các bên tiếp tục chuyển nhượng, xây dựng công trình trên phần đất có tranh chấp, khiến vụ việc càng trở nên phức tạp.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: