admin@phapluatdansu.edu.vn

TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN: VỤ KIỆN TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI Ở BÌNH MỸ (TÂN UYÊN – BÌNH DƯƠNG), TIỀN HẬU BẤT NHẤT

A.C

KTNT – Qua đơn khiếu nại của ông Phạm Văn Tâm và bà Phạm Thị Lợi, ngụ tại ấp Đồng Sặt, xã Bình Mỹ (Tân Uyên – Bình Dương), chúng tôi đã xác minh và nhận thấy việc khiếu nại của gia đình ông Tâm là có cơ sở.

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, ông Phạm Văn Tâm tham gia cách mạng từ năm 1960, là cháu nội của ông Phạm Văn Tửng, người khai phá và để lại phần đất đang tranh chấp.

Ông Tửng khi qua đời để lại cho ông Phạm Văn Huột và ông Phạm Văn Trâm thửa đất rộng 1.984m2, toạ lạc tại xã Bình Mỹ. Năm 1962, ông Trâm qua đời chỉ còn ông Huột chăm sóc và canh tác đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Lúc này ông Phạm Văn Tâm đang công tác trong quân đội về thăm cha, thấy cha già không ai phụng dưỡng nên ông xin phục viên nghỉ hưu và canh tác trên mảnh đất của gia đình.

Cùng thời gian này có 2 người cháu là Trương Thị Bưởi và Trương Thị Bông do hoàn cảnh khó khăn đã đến xin mượn tạm một phần số đất trên để canh tác. Nghĩ tình ruột thịt, ông Tâm chấp thuận với điều kiện, chỉ trồng hoa màu, không được trồng cây lâu năm và cất nhà trại. Sau khi làm rẫy được vài mùa, ông Tâm thu hồi lại đất và quản lý cho đến bây giờ.

Năm 2000, huyện Tân Uyên cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tâm nhưng kiểm tra không đúng với diện tích thực tế nên ông xin điều chỉnh lại và phát sinh tranh chấp, do ông Hận, em bà Bưởi cho rằng ông Tâm kê khai cả đất của bà Bưởi vào đất của ông. Sau nhiều lần hoà giải không thành, UBND huyện chỉ đạo giao phần đăng ký trên cho bà Bưởi, với yêu cầu trong 30 ngày nếu ông Tâm không khiếu nại sẽ giải quyết cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Bưởi. Lập tức ông Tâm làm đơn khiếu nại, gửi ông Nguyễn Hồng Quốc (cán bộ địa chính lúc bấy giờ), yêu cầu giải quyết công bằng và đúng pháp luật. Không hiểu sao, lá đơn đó không đến được các cấp có thẩm quyền để xem xét giải quyết. Do đó, các cấp có thẩm quyền cho rằng, ông Tâm không khiếu nại gì trong hạn định, sau khi hết 30 ngày, hội đồng xét duyệt đã công nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho bà Bưởi, số 02369/QSDĐ TK ngày 26/8/2002.

Ngay sau khi có Giấy chứng nhận QSDĐ, bà Bưởi lập tức kiện cậu ruột mình ra toà để lấy cho được thửa đất mà ông Tâm đang canh tác và trồng cao su. Ông Tâm ra toà mà không hiểu vì sao?! Nhưng Toà án nhân dân huyện Tân Uyên đã xác minh tường tận và căn cứ tình hình thực tế, chứng cứ ở hồ sơ, đã mở phiên toà ngày 11/12/2007 và bản án DSST số 69/2007 căn cứ vào tờ cam kết giao phần hương hoả cho 5 người con của ông Tửng, trong đó có cha của ông Tâm ký, giao đất này cho cha ông Tâm làm hương hoả lễ giỗ ông bà, ông Tâm là người kế tục. Văn bản này đã định đoạt rõ ràng quyền và lợi ích hợp pháp của ông Tâm. Bản án đã tuyên công nhận 1.984m2 đất trên ông Tâm được quyền sử dụng.

Sự việc tưởng đến đây là kết thúc, nhưng 6 tháng sau, Toà án nhân dân tỉnh Bình Dương đã chấp nhận kháng cáo quá hạn của bà Trương Thị Bưởi để mở phiên toà phúc thẩm ngày 17/6/2008. Toà đã đưa ra 2 tình tiết bất lợi cho ông Tâm. Một là trong biên bản (bút lục số 11), ông Nguyễn Hồng Quốc chối bay rằng không nhận được đơn của ông Tâm, đồng thời toà cũng không công nhận luôn tờ cam kết giao phần đất hương hoả. Thế là bản án dân sự phúc thẩm đã tuyên buộc ông Tâm phải giao phần đất 1.984m2 cho bà Bưởi!

Bức xúc khiến ông Tâm phải chống án đến Toà án tối cao! Liệu rằng bản án kia bao giờ mới đến hồi kết có hậu?

SOURCE: BÁO KINH TẾ NÔNG THÔN

Trích dẫn từ:

http://kinhtenongthon.com.vn/Story/bandocvaphapluat/2008/10/15053.html

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: