admin@phapluatdansu.edu.vn

TRANH CHẤP SỞ HỮU TÀI SẢN: MẤT 9 CĂN NHÀ VÌ KHÔNG … HÔN THÚ

NGỌC HÀ – KHÁNH LY

Sau 13 năm chung sống, người đàn ông muốn phủ nhận sạch trơn công sức của người vợ lẽ đối với khối bất động sản mà chỉ mỗi mình ông đứng tên. Khi đến với nhau năm 1988, ông H. và bà B. chỉ có hai bàn tay trắng. Ông là thợ sửa đồng hồ, bà là thợ may, ở nhờ nhà của người quen. Bà B. cũng biết ông H. đã có hai đời vợ và sáu người con. Nhưng vào thời điểm trên thì ông chỉ sống một mình, ông H. nói vậy và bà B. cũng tin như thế.

Không đăng ký kết hôn

Bà B. cho biết ông H. có cưới hỏi bà đàng hoàng. Nhưng do cuộc sống chật vật nên hai người không thể về quê để đăng ký kết hôn. Do không có giấy chứng nhận kết hôn nên khi khai sinh cho đứa con duy nhất của hai người, ông H. phải làm giấy nhận con. Nhờ bạn bè giúp đỡ, ông H. chuyển từ nghề sửa đồng hồ sang buôn bán đồng hồ cũ rồi cả hai chuyển sang làm vỏ đồng hồ vàng và giàu lên từ đó. Khi có tiền, cả hai quay ra làm môi giới đất đai, mua đất nông nghiệp rồi bán lại kiếm lời.

Khi hai người thuê nhà mở điểm kinh doanh, bà B. ở văn phòng tiếp khách, làm giấy tờ, còn ông H. đi ra ngoài giao dịch. Đến năm 2001, khi chia tay nhau thì hai người có chung rất nhiều căn nhà và lô đất. Có căn giá trị lên đến vài tỷ đồng. Bấy giờ, ông H. trở mặt, phủ nhận sạch trơn công sức đóng góp của bà B. trong những nhà, đất trên mà cụ thể là không cho mẹ con bà hưởng thứ gì. Cả căn nhà mẹ con bà B. đang ở cũng bị ông dằn mặt “chỉ cho ở nhờ, khi cần thiết sẽ lấy lại để bán”.

Ức quá, bà B. đã kiện ông H. ra tòa với hai yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng và được chia tài sản chung gồm chín căn nhà với tổng giá trị hơn 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều bà không ngờ đến là toàn bộ tài sản trên đều đứng tên ông H. (nhiều căn đã có “giấy hồng”). Đau hơn nữa, ông H. vẫn chưa xé hôn thú với người vợ đầu tiên.

Tài sản riêng hay chung?

Theo bà B., khối nhà, đất khổng lồ trên cùng được tạo lập trong thời gian sống chung nên là tài sản chung của hai người, việc ông H. một mình đứng tên không đồng nghĩa đó là tài sản riêng của ông. Trong giấy nhận con, ông H. cũng gọi bà B. là vợ. Chính bà là người cùng ông H. đi ngồi sui, cưới vợ cho con trai riêng của ông.

Ông H. cũng thừa nhận có cưới hỏi, có sống chung với bà B nhưng ông không coi bà B. là vợ vì ông đã có vợ hợp pháp trước đó và chưa ly hôn. Theo những quy định của pháp luật mà ông nắm được, những tài sản trên là tài sản chung của ông và người vợ trước chứ không phải là bà B. Mặc dù những người hàng xóm, người thân và một số chủ nhà, đất cũ đều công nhận là khi bán nhà, họ đã thực hiện giao dịch với cả ông H. và bà B. nhưng hồ sơ nhiều căn nhà không thể hiện có sự tham gia mua bán của bà B. Như vậy, khi không phải là vợ ông H. thì bà B. không có quyền đòi chia tài sản như những trường hợp ly hôn khác. Bà B. chỉ được chia phần nhỏ tương xứng với công sức đóng góp để tạo lập khối tài sản trên.

Vụ án kéo dài đã tám năm ròng và hiện vẫn chưa kết thúc. Bởi lẽ các tòa án phải ủy thác điều tra, chờ đợi kết quả xác minh và định giá khối tài sản ở nhiều nơi mà bà B. đã kê khai và yêu cầu chia.

Theo các bạn, khối tài sản trên là tài sản riêng của bị đơn hay tài sản chung của nguyên đơn và bị đơn? Bà B. hay ông H. sẽ thắng kiện? Chúng tôi ghi nhận được nhiều ý kiến phân tích pháp lý khác nhau.

Luật sư Nguyễn Đình Hùng: Nguyên đơn vẫn có thể thắng kiện

Thực sự thì giữa ông H. với bà B. đã có quan hệ hôn nhân bất hợp pháp. Ông H. không đủ điều kiện để kết hôn với bà B. (do ông H. có vợ hợp pháp trước đó và chưa ly hôn). Do đó, bà B. không thể đòi phân chia tài sản chung sau khi ly hôn mà chỉ có thể đòi phân chia tài sản phát sinh trong thời gian hai người sống chung. Dù tài sản tranh chấp chỉ có ông H. đứng tên nhưng bà B. vẫn có thể thắng kiện với điều kiện bà chứng minh được mình có công sức tạo dựng. Đương nhiên, bà B. buộc phải có chứng cứ và thông qua các nhân chứng cụ thể. Những người đó có thể chứng minh việc mua bán tài sản có sự tham gia của cả ông H. và bà B.

Luật sư Phạm Quốc Hưng: Ai muốn giành phần phải chứng minh

Khi ông H. vẫn còn hôn thú với người vợ trước đó thì cuộc hôn nhân của ông với bà B. là bất hợp pháp và như vậy thì cả hai không phải là vợ chồng. Do vậy, số tài sản đang tranh chấp có thể là số tài sản có được do hai người cùng nhau hợp tác làm ăn. Người nào nói đó là phần tài sản của mình đều phải chứng minh. Có hai trường hợp cần được đặt ra: Đối với số tài sản chỉ mỗi ông H. đứng tên chủ sở hữu, nếu bà B. cho rằng mình có phần đóng góp thì bà phải chứng minh. Đối với phần tài sản chưa được cấp giấy chủ quyền hợp pháp, cả ông H. và bà B. đều phải đưa ra chứng cứ để chứng minh phần tài sản đó là của mình.

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/news/ban-doc/view.aspx?news_id=241640

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading