ĐỨC THẮNG
Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới đã và đang triển khai thành công hình thức PPP (hợp tác Công – Tư). Các chuyên gia khẳng định rằng Quan hệ đối tác tư nhân nhà nước – PPP hiện đang là một xu hướng trên thế giới và Việt Nam đang nằm trong xu hướng đó. Có thể lấy một số ví dụ điển hình ở một số nước để rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Trung Quốc: Mô hình cổ phần
Hình thức ưa thích áp dụng ở Trung Quốc là Chính phủ hợp tác với tư nhân thông qua các công ty cổ phần. Trong những năm qua, rất nhiều dự án giao thông đường bộ đã được thực hiện theo hình thức PPP dưới dạng này. Các hợp đồng thường là gồm các đơn thầu độc lập với quy mô khác nhau. Nguồn tài trợ trong nước có thể huy động thông qua phát hành trái phiếu quốc tế và trong nước và thông qua thị trường dài hạn. Cơ cấu tài trợ của nhiều dự án đường bộ thu phí ở Trung Quốc dựa trên các khoản vay và trái phiếu quốc tế. Ngoài ra, chứng khoán hóa cũng được sử dụng như một cách thức tài trợ dự án. Điều này có nghĩa là một công ty dự án được niêm yết ở Trung Quốc, điều này chỉ xảy ra cho các công ty có lợi nhuận dương thường xuyên trong ít nhất 3 năm, đây là cách duy nhất cho tái tài trợ các dự án. Tuy nhiên, một nguy cơ của dự án là mức phí giao thông ở Trung Quốc khá cao và đang tương đương với nhiều nước phát triển trên thế giới. Điều này dẫn tới hệ quả là các lợi ích kinh tế và tài chính tính toán để hấp dẫn các nhà đầu tư vẫn chưa đạt được do giao thông được định giá quá cao.
Hàn Quốc: Nhất quán hóa chính sách
Hàn Quốc bắt đầu chương trình PPP của mình từ năm 1994 với Luật Thúc đẩy tư nhân đầu tư vốn cho toàn xã hội. Chương trình này nhằm xây dựng một chính sách nhất quán trong các lĩnh vực khác nhau. Sau luật này, có khoảng 100 dự án hạ tầng được thực hiện theo hình thức PPP. Tuy nhiên trong 4 năm đầu chỉ có 42 dự án được hoàn thành. Do sự thành công hạn chế, Chính phủ Hàn Quốc đã phải ban hành Luật PPP mới vào tháng 2/1998. Luật này đã cải thiện hình thức các hợp đồng, cách thức xử lý các dự án đơn lẻ, đồng thời quy định nghiên cứu khả thi bắt buộc, hệ thống hỗ trợ rủi ro khác nhau và thiết lập hẳn một trung tâm PPP mang tên PICKO. Ngoài ra, Hàn Quốc còn khuyến khích sự phát triển của PPP bằng việc miễn giảm cả thuế VAT. Trong nhiều hợp đồng, có thể đàm phán, Chính phủ có thể bảo lãnh doanh thu lên tới 90%, điều này khiến cho khu vực tư nhân hầu như không có rủi ro doanh thu mà phần rủi ro này được chuyển sang phần lớn cho Chính phủ. Chính vì vậy, tốc độ phát triển của các dự án PPP tăng lên nhanh chóng.
Gợi ý từ Nhật Bản
Mô hình riêng – đó là gợi ý của các chuyên gia Nhật Bản khi đề cập việc xây dựng mô hình PPP tại Việt Nam. Lý giải về điều này, ông Toru Mihara – GĐ Viện Chiến lược toàn cầu của Mitsui cho rằng, do sự khác nhau về các yếu tố lịch sử, hoàn cảnh kinh tế – xã hội, nên mô hình PPP ở mỗi quốc gia cũng khác nhau, được thiết lập tuỳ theo tình trạng của nền kinh tế và các chính sách công đi kèm. Bởi vậy, để mô hình hợp tác PPP thành công, quan trọng trong lúc này là Việt Nam phải có một sự lựa chọn chính sách hợp lý.
TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết, cách đây 10 năm, VCCI đã bắt đầu thúc đẩy xúc tiến quan hệ đối tác công – tư ở Việt Nam. VCCI đã phối hợp với các địa phương để đào tạo về chương trình đối tác công – tư ở các tỉnh, thành. VCCI đặc biệt kêu gọi đối tác công – tư trong khu vực DNNVV, tạo điều kiện khu vực DN này cùng Nhà nước tham gia các dự án lớn và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi.
SOURCE: BÁO DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
Trích dẫn từ:
http://www.dddn.com.vn/20090105105756772cat134/Hop-tac-CongTu-Kinh-nghiem-tu-nuoc-ngoai.htm
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: Quyền sở hữu |
Leave a Reply