ÁNH DƯƠNG
Theo quy định của Luật Báo chí, nhà báo là người có quốc tịch Việt Nam, có đủ các tiêu chuẩn chính trị, đạo đức và nghiệp vụ báo chí do Nhà nước quy định, đang hoạt động hoặc công tác thường xuyên với một cơ quan báo chí Việt Nam và được cấp thẻ nhà báo.
Để được cấp thẻ nhà báo, một phóng viên phải đáp ứng đủ các quy định như: tốt nghiệp đại học, đã có thời gian công tác liên tục ở một cơ quan báo chí từ 3 năm trở lên, được ký hợp đồng lao động dài hạn… Thẻ nhà báo sẽ giúp phóng viên chủ động hơn khi tác nghiệp. Thực tế thì sao?
Thẻ nhà báo: Chưa phải là tất cả!
Là phóng viên chuyên theo dõi mảng pháp đình, công việc của tôi thường xuyên phải tiếp xúc với tòa án. Theo quy định của hầu hết các tòa án, để được tác nghiệp trong phiên tòa (ghi âm, chụp ảnh đối với báo viết, quay phim đối với báo hình…) thì phóng viên (PV) phải xuất trình thẻ nhà báo với HĐXX, chủ yếu là vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Cá biệt có tòa (như TAND tỉnh Thanh Hóa) còn yêu cầu PV phải được sự đồng ý của Chánh án! Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài thẻ nhà báo, có tòa vẫn yêu cầu PV phải có thêm giấy giới thiệu của tòa soạn. Ví dụ như: Khi biết PV ĐS &PL muốn dự phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ tranh chấp quyền sử dụng đất, mặc dù PV đã xuất trình và phôtô thẻ nhà báo, nhưng thẩm phán Nguyễn Thu Hoài của TAND quận Hoàng Mai (Hà Nội) vẫn yêu cầu PV phải có thêm giấy giới thiệu của cơ quan báo?
Còn TAND TP. Hà Nội quy định: Muốn quay phim, chụp ảnh phiên tòa, ngoài việc xin phép HĐXX, PV còn phải xin phép được tác nghiệp tại tòa với Chánh văn phòng. Để có được giấy dự tòa (có giấy này PV mới được tác nghiệp trong phiên tòa) của TAND TP., PV phải tìm gặp Phó Chánh văn phòng, xuất trình thẻ nhà báo (để ghi lại tên họ, cơ quan công tác và số thẻ). Kiểm tra xong thẻ nhà báo của PV rồi, vị Phó Chánh văn phòng mới ký giấy dự tòa cho PV. Vì thế mỗi khi muốn dự một phiên tòa nào đó, PV không có cách nào khác là phải liên hệ trước với Phó Chánh văn phòng để xin giấy dự tòa! Nhận xét về giấy dự tòa này, một nhà báo lâu năm ở báo T hài hước bảo: Đây chẳng khác nào một loại “Giấy phép con”!
Có thẻ nhà báo rồi cũng không có nghĩa là sẽ được tác nghiệp. Ngày 5.4.2007, PV ĐS &PL đến dự phiên tòa xét xử vụ tranh chấp cổ phần tại một Công ty ở tỉnh Phú Thọ của Tòa Phúc thẩm TANDTC. Sau khi xuất trình thẻ nhà báo cho HĐXX, PV “được” vị thẩm phán, chủ tọa phiên tòa mời vào phòng làm việc. Tại đây, vị thẩm phán nói với PV rằng nếu chỉ có Thẻ nhà báo mà không có giấy giới thiệu của tòa soạn, thì PV chỉ được dự tòa mà không được quyền tác nghiệp. Chưa hết, nữ thẩm phán này còn yêu cầu PV phải “viết đúng sự thật”???
Người có thẻ nhà báo đã vậy, người chưa được cấp thẻ còn gặp nhiều phiền toái hơn. Có lần, một PV trẻ của Báo ĐS &PL muốn dự phiên tòa sơ thẩm của TAND huyện Phú Xuyên, Hà Tây. Dù đã xuất trình “Giấy giới thiệu” của cơ quan báo và Chứng minh thư nhân dân, nhưng Chánh án TAND huyện vẫn “hạch” PV: “Nhỡ giấy giới thiệu này các anh nhặt ở đâu thì sao? “. Vị Chánh án này còn bảo: Lần này thì chúng tôi châm chước, chứ lần sau các anh phải ghi rõ là “chưa được cấp thẻ” vào giấy giới thiệu?!
Thêm một thủ tục hành chính: Có nên?
Theo quy định của Luật Báo chí (sửa đổi, bổ sung năm 1999), nhà báo có quyền: Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam; hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của Chính phủ; Khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; Khước từ việc biên soạn hoặc tham gia biên soạn tác phẩm báo chí trái với quy định của pháp luật về báo chí; Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ báo chí; hưởng một số chế độ ưu tiên cần thiết trong hoạt động báo chí theo quy định của Chính phủ; Được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.
Khoản 3 Điều 28 quy định: “Người nào vi phạm các quy định về cung cấp thông tin, trả lời trên báo chí, thành lập cơ quan báo chí, phát hành, quảng cáo, họp báo, cản trở hoạt động báo chí, đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, làm hư hỏng phương tiện, tài liệu và các quy định khác của pháp luật về báo chí thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Về việc yêu cầu nhà báo phải có thêm “Giấy giới thiệu” của tòa soạn thì mới được tác nghiệp tại tòa. Trao đổi với PV báo ĐS &PL, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin Đỗ Quỹ Đoãn cho rằng: Giấy giới thiệu đôi khi không chặt chẽ bằng thẻ nhà báo, bởi một người có giấy giới thiệu chưa chắc đã được cấp thẻ. Cũng không nên cho rằng việc các tòa án yêu cầu PV phải có thêm giấy giới thiệu, ngoài thẻ nhà báo là “gây khó khăn”. Có thể trong khi xét xử vụ án nào đó, do phòng xử của tòa án có giới hạn nên không thể cho tất cả PV các báo, đài cùng vào dự, nên tòa án mới yêu cầu PV xuất trình giấy giới thiệu để lấy Giấy dự phiên tòa hoặc thẻ theo dõi phiên tòa.
Có thể các tòa án cho rằng việc họ yêu cầu PV phải có thêm giấy giới thiệu chỉ là để “chặt chẽ” hơn về mặt thủ tục, nhưng theo quan điểm của nhiều nhà báo, giấy giới thiệu chỉ nên bắt buộc trong trường hợp PV chưa có thẻ nhà báo. Việc vừa phải có thẻ nhà báo vừa phải có giấy giới thiệu đã tạo thêm một thủ tục hành chính. Hơn nữa, quy định này làm nhà báo mất đi tính chủ động khi tác nghiệp!
Nếu là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm thì phóng viên còn gặp nhiều chuyện “nhiêu khê” hơn. Muốn dự phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ tai nạn giao thông trên đường Láng – Hòa Lạc của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội, PV phải xuất trình thẻ nhà báo ít nhất là 3 lần: Lần thứ nhất là cho cảnh sát bảo vệ đứng ở ngoài cổng tòa (48 Lý Thường Kiệt), lần thứ hai cho bảo vệ của tòa và lần thứ ba là cảnh sát hỗ trợ tư pháp đứng ở bên ngoài phòng xử!
SOURCE: BÁO ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT
Trích dẫn từ: http://doisongphapluat.com.vn/Story/tiepcancongly/2007/5/4979.html
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 5. Quan điểm của Tòa án và về Tòa án |
Leave a Reply