admin@phapluatdansu.edu.vn

DẤU HỎI SAU NHỮNG PHIÊN TÒA?

QUANG TRUNG

Thường xuyên tham dự những phiên toà ở nhiều tỉnh, thành… tôi có cơ hội chứng kiến những điều tưởng không bao giờ có thể xảy ra trong cuộc sống. Vậy mà nó vẫn cứ tiếp diễn như “chuyện hàng ngày ở huyện”. Bên cạnh những việc làm tuy đã cẩn trọng của các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn còn có những tình tiết mà khi áp dụng trong quá trình xét xử không khỏi khiến người ta suy ngẫm…

Nghĩa tử, nghĩa tận

Ngay trên đường đi đến trụ sở toà án để tham dự phiên toà, chúng tôi đã phải đặt câu hỏi, vì sao người ta lại có thể lôi nhau ra toà trong những vụ việc như thế. Họ, những người đang sống vì những mâu thuẫn phát sinh ở dương gian mà lôi nhau ra toà chỉ vì một lối đi vào mộ cho người ở… cõi âm. Trong vụ việc này đó lại là một câu chuyện đầy bi kịch. Về khía cạnh pháp lý, Luật đã quy định về việc dành lối đi vào nhà cho những hộ gia đình vì những lý do nào đó mà mất lối đi (vấn đề mất lối đi vào nhà, báo chí cũng đã từng phản ánh). Tuy nhiên cái lối đi, hiểu theo nghĩa đường vào viếng mộ nó lại chưa hề được đề cập trong các văn bản pháp luật bởi dường như nó là chuyện hiển nhiên. ấy vậy mà…

Phiên toà diễn ra giữa những người đang sống, những người đã từng là hàng xóm của nhau. Họ từng là những người đã có lúc “cười tươi, bắt tay chặt” rồi chuyển sang “cười nhạt, bắt tay lỏng” và cuối cùng là… lôi nhau ra toà! Câu chuyện lôi nhau ra toà kể cũng lắm nỗi bi ai. Bên đi kiện là dòng họ Nguyễn, bên bị kiện là các ông bà Hùng, Liễu, Cường. Lý do mà dòng họ Nguyễn phát đơn khởi kiện các ông bà trên là do ở khu vực đất mà các ông bà này đang sinh sống có mộ tổ của dòng họ Nguyễn. Ngôi mộ tổ này đã tồn tại gần 300 năm nay. Gần đây bỗng dưng… mất lối đi vào cúng viếng. Ban đầu, khi chưa xuất hiện mâu thuẫn, mỗi khi cúng giỗ, các thành viên của dòng họ Nguyễn vẫn có lối vào để thăm mộ. Tuy nhiên, khi thấy các nhà ông bà trên xây dựng xung quanh khu vực này, dòng họ Nguyễn đã đến yêu cầu các bên dành cho một lối đi. Thoả thuận miệng là thế, cứ ngỡ mọi việc sẽ thuận buồm xuôi gió.

Nhưng sau đó, lối đi dần dần biến mất, các phần đất xung quanh cũng dần được xây dựng kiên cố… Dòng họ Nguyễn tá hoả tam tinh đến yêu cầu phải có lối đi cho họ vào thăm mộ. Nhưng câu trả lời nhận được là: Không! Lý do mà các bên đưa ra là thoả thuận bằng miệng như thế, nhưng không thấy dòng họ Nguyễn nói gì đến trách nhiệm… tài chính. Thực tế phần đất liên quan đều đã được cấp sổ đỏ. ở đây, không bàn đến vấn đề các cá nhân đã khai khoang phục hoá đất, cũng không bàn đến việc chính quyền không xét đến việc có cả… mộ của người đã khuất trên phần đất được cấp sổ đỏ. Đó là vấn đề lịch sử của không ít địa phương. Hơn nữa, nó còn là vấn đề tâm linh… Vấn đề đối với những người chủ cơ sở phần đất liên quan này, là… không cho người nhà dòng họ Nguyễn đi qua nhà mình để viếng mộ nữa. Không hiểu vì sao họ không thể tìm ra tiếng nói chung trong một việc rất không nên để xảy ra “đụng chạm”. Trong phiên toà đó các bên bị kiện có người cho rằng, do đã trót xây dựng nhà kiên cố ở và các công trình liên quan nên không thể… đập đi, để tạo lối đi cho người nhà dòng họ Nguyễn được. Chỉ còn lại một phần có thể làm lối đi và chưa được xây dựng kiên cố, dòng họ Nguyễn có thể thoả thuận với người sở hữu phần đất đó. Trong phiên toà này chủ sở hữu phần đất có thể lấy làm lối đi đó cũng cho rằng, ông ta đã hết sức tạo điều kiện cho dòng họ Nguyễn đi qua phần đất nhà mình. Tuy nhiên, khi có mâu thuẫn phát sinh và do không thoả thuận được về cách giải quyết nên họ Nguyễn kiện thì ông… ra toà! Người xưa vẫn nói, nghìn cái lý, không bằng tí cái tình. Khi tình đã không còn, ra trước pháp luật chỉ còn lý lẽ mà thôi. Có những vụ việc, PV chỉ muốn cái “lý” là căn cứ duy nhất để xem xét, nhưng sao trong vụ việc này chúng tôi thấy thật xót xa. Chỉ riêng việc đưa nhau ra toà thôi cũng là làm cho nỗi đau nhân lên gấp bội…

Bị cáo “nhắc nhở” công tố viên

Trong cả một ngày ngồi theo dõi diễn biến phiên toà xét xử một vụ án đã từng gây xôn xao dư luận, PV tự đặt câu hỏi, đâu là sự thật? Có những diễn biến bên lề không có trong vụ án làm người ta nghĩ đến nát lòng.

Ở đây, xin chưa bàn đến nội dung vụ án và những tình tiết liên quan, cũng như kết quả cuối cùng mà HĐXX công bố, mà chỉ đưa ra vài tình tiết bên lề đáng suy ngẫm. Với tinh thần bảo vệ cho thân chủ một cách hoàn hảo nhất, một vị luật sư (LS) bào chữa đã chuẩn bị bản bào chữa hàng chục trang giấy kín mít chữ. Chuẩn bị sẵn chai nước trên bàn, vị LS nọ bắt đầu… đọc bản bào chữa cho bị cáo bằng những luận điểm và trích dẫn tài liệu một cách rất công phu.

Sau một vài lần hắng giọng có vẻ sốt ruột, vị đại diện VKS giữ quyền công tố bỗng ngắt lời vị LS đang say sưa với bản bào chữa của mình rằng, LS nên nói ngắn gọn thôi, bởi những gì đã biết thì đừng… nhắc lại. Như lửa đổ thêm dầu, vị LS cũng không “ngán” và “bật” lại ngay vị đại diện VKS rằng ông ta đang thực hiện nhiệm vụ của mình và phiên toà chịu sự điều khiển của thẩm phán, Chủ toạ phiên toà chứ không phải đại diện VKS, nên vị đại diện VKS không có quyền bắt LS… nói ngắn. Phần tranh tụng suýt nữa thành việc chỉnh đốn hành vi.

Câu chuyện những tưởng như thế thôi. Vì đó cũng là chuyện thường thấy ở những phiên toà. Thế nhưng đến khi HĐXX cho các bị cáo nói lời cuối cùng, sau một vài lời, một bị cáo bỗng quay ra đại diện VKS nói đại ý đại diện VKS cũng nên tôn trọng LS vì trong lúc LS bào chữa, theo quan sát của bị cáo đại diện VKS cũng… cười và… quay mặt đi. Bị cáo này đồng thời “nhắc nhở” đại diện VKS nên tôn trọng LS!!!

Tham dự nhiều phiên toà, chưa có phiên toà nào mà PV thấy bị cáo dám “nhắc nhở” cả công tố viên như thế. Trộm nghĩ đến câu nói: “Sư nói, sư phải, vãi nói vãi hay” mà chạnh lòng.

Nghịch lý tăng nặng, giảm nhẹ

Bấy lâu nay một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các bản án hình sự sơ thẩm ít khi được bên bị hại chấp thuận đồng tình, dẫn đến việc kháng án lên toà án cấp trên là do khi lượng hình đã không xem xét thoả đáng tình tiết tăng nặng, hay giảm nhẹ của bị cáo. Luật pháp là để nghiêm trị kẻ phạm tội, lấy đó làm gương răn đe kẻ khác. Song luật pháp cũng tính đến các tình tiết để xem xét đến việc giảm nhẹ hình phạt cho các hành vi phạm tội của những đối tượng vi phạm pháp luật. Điều đó thể hiện tính khoan hồng của luật pháp nước ta, cũng là thể hiện bản chất hướng thiện ngàn đời của cha ông với phương châm “đánh kẻ chạy đi, không đánh kẻ chạy lại”…

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, việc xem xét tình tiết nào đáng được coi là giảm nhẹ, thiết nghĩ cũng còn có nhiều điều cần phải bàn cãi. Bởi khác với tình tiết tăng nặng, nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhiều khi nằm ngoài vụ án. Vậy đi tìm đáp án cho vấn đề này ở đâu? Đó thực sự là câu hỏi không dễ trả lời.

Mới đây PV ĐSM &PL đã tham dự một phiên toà hình sự phúc thẩm mà HĐXX đã xem xét tình tiết giảm nhẹ trên cả mức bình thường. Có thể nói đây là một phiên toà cho thấy “rõ nét” nhất việc xem xét tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ…

Tại phiên toà này, trong quá trình thẩm vấn bị cáo, vị đại diện VKSND TP.Hà Nội đã hỏi bị cáo có thấy hối hận về hành vi của mình chưa. Trả lời: Rồi. Hỏi tiếp: Thế tại phiên toà sơ thẩm bị cáo đã xin lỗi bị hại chưa? Trả lời: Chưa. Hỏi tiếp: Tại phiên xét xử hôm nay, bị cáo có thấy mình phải xin lỗi bị hại không? Trả lời: Có. Sau đó, vị đại diện VKS nói bị cáo quay ra xin lỗi công khai bị hại tại phiên toà. Bị cáo đã làm theo… Khi xem xét tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ, hành động này được xem là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo vì đã công khai xin lỗi bị hại tại phiên toà!

Trên thực tế việc công khai xin lỗi ở phiên toà là một việc làm đáng được ghi nhận song không phải ở vụ án nào điều đó cũng có thể coi… như nhau. Và càng không thể căn cứ tình tiết đầy tính “dẫn dắt” của những người cầm cân nẩy mực.

Chỉ một ví dụ để cho thấy còn nhiều khía cạnh liên quan đến tính pháp lý của vấn đề này. Song tiếc thay cách vận dụng như trên lại không hề là cá biệt.

Có những phiên toà kết thúc, là công lý đã đạt được, song cũng có những phiên toà kết thúc chỉ là một dấu hỏi.

SOURCE: BÁO ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT

Trích dẫn từ:

http://www.doisongphapluat.com.vn/Story/Nguoinoitieng/2009/1/11574.html

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: