admin@phapluatdansu.edu.vn

105 TẤN SỮA Ở VĨNH PHÚC ĐỔ RA ĐƯỜNG: HẬU QUẢ CỦA SỰ VÔ CẢM “VĨ ĐẠI”…

image PHẠM VIẾT ĐÀO

Chứng kiến hàng trăm tấn sữa bị đổ ra đường, bị để cho ôi thiu do những thông tin sai lạc từ các cơ quan chức năng của Bộ Y tế, những người làm ra sữa và người có lương tâm thì xót xa, đau đớn; người nghèo thì không khỏi không oán trách: sao không để cho những đứa bé con họ đang khát sữa được tận hưởng thứ bị đổ đi này? Vậy thì ai có khả năng gỡ giải nỗi oán hận này nếu không phải là hai bộ: Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn?

Sáng thứ 7 ngày 10/1/2009, theo Tiềnphongonline hơn bảy tấn sữa bò tươi của nông dân nuôi bò sữa ở Vĩnh Phúc bị đổ đi. Tại hai xã Trung Nguyên (huyện Yên Lạc) và Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Tường), sữa bò được đổ lênh láng trên đường làng. Đây là một hành động phản kháng xót xa và đau đớn của những bà con nuôi bò vì họ không còn cách nào khác? Và cũng theo nguồn thông tin trên, từ thời điểm Bộ Y tế đưa thông tin sữa bò tươi của họ bị nhiễm melamin, các hộ nông dân ở hai xã Trung Nguyên và Vĩnh Thịnh đã phái đổ bỏ 105 tấn sữa tươi…Cùng với hậu quả đổ sữa ra đường vì không tiêu thụ được, hơn 200 con bò sữa tại xã An Lạc bà con đã phải đem bán theo giá bò thịt, một con khi mua mất 30 triệu, bán bò thịt chỉ được 3 triệu…

Thiệt hại này không chỉ bà con ở Vĩnh Phúc phải hứng chịu mà cách đây vài tuần Đài truyền hình Việt Nam cũng đã có phóng sự về những tổn thất của bà con nuôi bò sữa ở Ba Vì trước thông tin thất thiệt do các cơ quan chức năng của Bộ Y tế đưa ra…Trong hoạt động báo chí. Chính phủ đã có Nghị định 56 quy định các hình phạt đối với loại thông tin sai sự thật trên báo chí, mặc dù thông tin trên báo chí là loại dư luận để bạn đọc và cơ quan chức năng tham khảo chứ không mang tính cưỡng chế áp đặt phải được điều chỉnh theo thông tin. Mặc dù vậy không ít trường hợp các nhà báo đã bị phạt tù về hành vi thông tin sai sự thật trên báo chí…

Thế còn những thông tin mà các cơ quan chức năng của Bộ Y tế đưa ra là lọai thông tin mang tính cưỡng chế như một mệnh lệnh hành chính mà mọi công dân phải phải bị điều chỉnh đối với sự việc có liên quan, ai không chịu điều chỉnh có khi còn bị phạt tù; hệ lụy của thông tin do cơ quan chức năng của Bộ Y tế đưa ra này là hàng trăm tấn sữa bị ế đọng và riêng 2 xã ở Vĩnh Phúc bị đổ ra đường 105 tấn như Tienphongonline nêu?

Chúng tôi đã chứng kiến những cuộc trả lời chất vấn của ông Nguyễn Quốc Triệu-Bộ trưởng Bộ Y tế khá là trơn tru và được Chủ tọa phiên chất vấn rất khen về tinh thần trách nhiệm, trả lời sòng phẳng, thẳng vào câu hỏi một cách rõ ràng, không né tránh; tóm lại ôgn Nguyễn Quốc Triệu được khen vào diện Bộ trưởng “thuộc bài”? Cũng tại Diễn đàn Quốc hội vừa rồi, ông Cao Đức Phát Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã khảng khái nhận lỗi về mình: Chịu hoàn toàn trách nhiệm trước việc gây thiêt hại cho bà con nông dân trong việc cho ngừng các hợp đồng xuất khẩu gạo ở cái thời điểm gạo xuất khẩu đang được giá. Ông Cao Đức Phát được ghi điểm là dũng cảm dám nhận lỗi?

Cử tri đặt vấn đề: không phải các vị quan chức này dũng cảm, trả lời bài bản, đúng luật pháp, đúng chức trách nhiệm vụ trước diễn đàn quốc hội, trước tivi mà là các hành động thực tiễn trong phạm vi chức trách của các vị trước và sau khi trả lời, nghĩa là trong thực tiễn có liên quan đến chức trách của quý vị?

Xin hỏi: Vụ việc bà con nông dân ở Ba Vì, Vĩnh Phúc bị ế đọng sữa, phải đổ sữa ra đường, phải bán bò sữa theo giá bò thịt có thuộc phạm vi trách nhiệm, hậu quả gây ra từ các cơ quan chức năng của Bộ Y tế và một phần trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không? Chúng tôi biết việc hàng trăm nông dân nuôi bò bị thiệt hại do tin từ cơ quan chức năng của Bộ Y tế đưa ra sai sự thật, phản khoa học: rằng sữa do các con bò của họ nuôi bằng cỏ do họ trồng bị nhiêm melamin là chuyện nhỏ so với phạm vi quản lý nhà nước đối với 2 Bộ này vì các vị có trách nhiệm với 80 triệu dân với trăm công nghìn việc. Chúng tôi chỉ lưu ý rằng, khi xưa Khổng Tử dạy: bát cơm đối với mỗi người nông dân là ông Trời của họ, các vị đã gần như vô cảm trước việc hàng trăm nồi cơm của bà con nông dân bị đạp vỡ do sai sót từ việc làm tác trách của các cơ quan do các vị lập ra, quản lý, tuyển dụng và trả lương?

Vấn đề là các vị vừa nhận lỗi, hứa sẽ nâng trách nhiệm một cách hùng biện, hùng hồn xong rồi mọi chuyện lại tiếp tục tái diễn . Trong kỳ họp Quốc hội tới, chắc chắn chuyện này rồi sẽ đưa ra, cử tri chắc chắn sẽ được chứng kiến sự sụt sùi của các vị về tổn thất của các hộ nông dân nuôi bò; nhưng thử hỏi sự nhận lỗi này nếu có thì còn có ích gì khi mà bà con nông dân đã phải bán hàng trăm con bò sữa theo giá bò thịt, hàng trăm tấn sữa bị đổ ra đường hoặc để cho thối, thiu rồi. Liệu sau vụ bò sữa xảy ra rồi các vị có dám cam đoan không để xảy ra các vụ khác tương tự: dẫn tới quá tam hàng chục bận không? Các vị phải làm gì thiết thực đi chứ?

Nhìn hàng trăm tấn sữa bị để cho ôi thiu, bị đổ ra đường trong khi chúng ta phải nhập sữa ngoại, trong khi hàng triệu trẻ con đang khát sữa vì không đủ tiền mua, ai mà không đau lòng. Con trâu, con bò là đầu cơ nghiệp của người nông dân thế mà chỉ một thông tin sai lạc từ Bộ Y tế mà hàng trăm hộ nông dân rơi vào tình cảnh khánh kiệt, nợ nần, không nhẽ các vị không tìm ra cách gì để cứu giúp bà con khắc phục những hậu họa do chính các vị gây ra. Là Bộ quán lý về nông thôn, tại sao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không đặt vấn đề với Chính phủ trợ giá mua sữa như trợ giá mua gạo, mua cá basa mà Chính phủ đã làm đối với bà con đồng bằng sông Cửu Long. Số sữa này nếu mua chế biến mà tiêu thụ chậm thì đem cứu tế cho những nơi nghèo khó trong những ngày giáp hạt có nên chăng; hay việc trồng, nuôi con gì và tiêu thụ ra làm sao là chuyện của nông dân, của các doanh nghiệp như ông Cao Đức Phát đã trả lời đại biểu Nguyễn Lân Dũng trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi?

Chứng kiến hàng trăm tấn sữa bị đổ ra đường, hoặc bị để cho ôi thiu do những thông tin sai lạc từ cơ quan chức năng của Bộ Y tế, những người làm ra sữa và người có lương tâm thì xót xa, đau đớn; người nghèo thì không khỏi không oán trách: sao không để cho những đứa con của họ đang khát sữa được tận hưởng thứ bị đổ đi này? Vậy thì ai có khả năng gỡ giải nỗi oán hận này nếu không phải là hai bộ: Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn?

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

Trích dẫn từ: http://hnv.vn/News.Asp?cat=32&scat=&id=796

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: