CAND – Báo CAND và Chuyên đề ANTG đã rất nhiều lần điều tra, phản ánh những dấu hiệu không bình thường của một số thẩm phán cũng như những người liên quan giải quyết vụ án này song rất tiếc rằng đến nay tất cả đều “án binh bất động”…
Đầu năm 2009, bà Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương) có nhận được Công văn số 622/2008/CV-TPT ngày 30/12/2008 của tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân (TAND) tối cao tại TP HCM gửi cho Thi hành án (THA) dân sự TP HCM về việc giải thích bản án phúc thẩm số 409/2007/DSPT ngày 12/12/2007 của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM. Điều thật lạ lùng là người trực tiếp liên quan đến vụ kỳ án dân sự nhà 36 Nguyễn Thị Diệu (NTD) chính là bà Nguyễn Thị Thanh Tao (trú tại nhà 36 NTD phường 6, quận 3, TP HCM) thì lại không hề hay biết gì!? Người ký công văn này là ông Phạm Hùng Việt, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm (xét xử ngày 12/12/2007) đã cố dùng mọi lý lẽ giải thích bản án theo hướng hoàn toàn có lợi cho ông Lê Hồng Phương mặc dù bản án 409/2007/DSPT do chính ông tuyên đã quá rõ ràng chẳng có gì để mà cơ quan THA phải “xin giải thích”!
Đáng nói hơn là THA dân sự TP HCM đã gởi yêu cầu giải thích bản án từ đầu năm (cụ thể là ngày 30/1/2008) nhưng đến cuối năm thì ông chủ tọa mới có công văn giải thích?! Trong khi đó theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và Pháp lệnh THA dân sự chỉ cho phép thời gian là 15 ngày. Để làm rõ hơn công văn “giải thích” của ông Phạm Hùng Việt, Chuyên đề ANTG xin trở lại vụ tranh chấp nhà 36 NTD để bạn đọc hiểu rõ hơn bản chất của vấn đề…
Bản án phúc thẩm số 409/2007/DSPT đã tuyên: “Một là: Hủy bỏ các hợp đồng mua bán (HĐMB) nhà ngày 2/9/1990 và ngày 15/9/1999 về việc mua bán nhà 36 NTD giữa bà Nguyễn Thị Thanh Tao với bà Dương Thị Bạch Diệp. Hai là: Hủy bỏ HĐMB ngày 27/8/2000 về việc mua bán căn nhà 36 NTD giữa bà Nguyễn Thị Thanh Tao với vợ chồng ông Lê Hồng Phương, bà Nguyễn Thị Thanh và tờ thỏa thuận ngày 27/8/2000 giữa bà Dương Thị Bạch Diệp với ông Lê Hồng Phương. Ba là: Bác yêu cầu của bà Dương Thị Bạch Diệp, bà Nguyễn Thị Châu Hà, ông Lê Hồng Phương và bà Nguyễn Thị Thanh xin mua căn nhà 36 NTD. Bốn là: Ông Phương được tạm giữ các giấy tờ bản chính có liên quan đến thủ tục hóa giá căn nhà 36 NTD đến khi thi hành xong bản án. Năm là: Bà Nguyễn Thị Thanh Tao phải đền bù cho ông Lê Hồng Phương, bà Nguyễn Thị Thanh 2.096,32 lượng vàng SJC”.
Nhìn vào quyết định như thế này của bản án, bất cứ một người nào biết đọc cũng có thể hiểu được phải THA như thế nào. Ấy vậy mà cơ quan chuyên môn về THA thì không biết phải làm sao để THA ở phần thứ năm tức “Bà Nguyễn Thị Thanh Tao phải đền bù cho ông Lê Hồng Phương, bà Nguyễn Thị Thanh 2.096,32 lượng vàng SJC” sau khi bà Nguyễn Thị Thanh Tao có đơn yêu cầu tự nguyện THA. Vì sao lại có chuyện lạ lùng này?
Công văn 622/2008/CV-TPT do ông Phạm Hùng Việt ký phân tích: “Nếu không có gì phát sinh trong quá trình giải quyết thì bà Tao vẫn là chủ căn nhà 36 NTD và phải trả cho ông Lê Hồng Phương và bà Nguyễn Thị Thanh 2.096,32 lượng vàng SJC. Tuy nhiên, trong vụ án cụ thể này, sau khi xét xử phúc thẩm lần 1 thì bản án phúc thẩm dân sự số 161/DSPT ngày 20/5/2005 của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM được thi hành theo yêu cầu của ông Phương. Do bà Tao không có khả năng THA nên Cơ quan THA đã giao Trung tâm đấu giá phát mãi căn nhà trên và ông Hoàng Ngọc Tài trúng đấu giá căn nhà này và đã giao đủ tiền (vàng). THA dân sự TP HCM đã chi trả cho ông Phương, bà Thanh 3.273 lượng vàng. Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự thì các vấn đề này không thuộc phạm vi xem xét, giải quyết của tòa án cấp phúc thẩm”.
Khi quyết tâm soạn thảo công văn này, không biết ông Việt căn cứ vào điều nào của Bộ luật tố tụng dân sự mà dám khẳng định như vậy vì rõ ràng ở đây ông Hoàng Ngọc Tài là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến căn nhà 36 NTD nhưng tòa phúc thẩm ngày 12/12/2007 không đưa vào tham gia tố tụng thì chính HĐXX dân sự phúc thẩm vụ án này đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Cái sai này của tòa đã khiến việc THA gặp biết bao hệ lụy và trở ngại. Tuy nhiên cho đến thời điểm này bản án phúc thẩm số 409/2007/DSPT vẫn chưa có cơ quan thẩm quyền nào đề nghị tạm hoãn THA để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm vì vậy mà phải được đem ra THA theo đúng nội dung của bản án chứ không thể khác hơn được.
Còn việc ông Việt nại ra lý do ông Hoàng Ngọc Tài đã mua “ngay tình” căn nhà 36 NTD nên đề nghị THA dân sự TP HCM thi hành theo hướng “ông Phương, bà Thanh phải trả lại số vàng đã nhận dư (3.273-2.096,32 lượng vàng) cho bà Nguyễn Thị Thanh Tao và giao nhà 36 NTD cho ông Hoàng Ngọc Tài” là đã gạt bỏ quyền lợi chính đáng của bà Tao và xem thường các quy định của pháp luật.
Theo Tiến sĩ, luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư TP HCM), khi bản án phúc thẩm lần 1 (số 161/DSPT ngày 20/5/2005) bị hủy thì đương nhiên kết quả đấu giá cũng không còn hiệu lực. Mặt khác, theo mục 7.3 Thông tư số 03/2005/TT-BTP ngày 4/5/2005 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số quy định của Nghị định 05/2005/NĐ-CP ngày 18/1/2005 của Chính phủ đã quy định rõ: “Trong trường hợp có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi một phần hoặc hủy toàn bộ các quyết định liên quan đến tài sản đấu giá do có vi phạm pháp luật thì kết quả bán đấu giá tài sản đó đương nhiên bị hủy”.
Đặc biệt hơn là trong thời gian vừa qua Báo CAND đã có nhiều bài viết vạch trần phiên đấu giá nhà 36 NTD là một kịch bản do ông Lê Hồng Phương làm “đạo diễn” vì nó đã được công chứng mua bán trước khi phiên đấu giá diễn ra và hai người tham gia đấu giá là chị ruột và em rể (ông Hoàng Ngọc Tài) của ông Phương. Rất tiếc là cho đến nay, hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của những người tham gia bán đấu giá vẫn chưa được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nên mới dẫn đến hệ lụy ngày hôm nay.
Sau khi giải thích xong việc THA nhà 36 NTD, công văn 622/2008/CV-TPT còn “dạy” Cơ quan THA dân sự TP HCM cách thức phải THA là “đối với các giấy tờ (Bản chính) có liên quan đến thủ tục hóa giá căn nhà 36 NTD mà ông Phương đang tạm giữ thì THA dân sự TP HCM yêu cầu ông Phương chuyển trả cho THA để THA giao cho ông Hoàng Ngọc Tài. Trường hợp bị mất thì Cơ quan THA cùng Trung tâm đấu giá cấp lại các giấy tờ liên quan cho ông Tài để ông Tài tiến hành các thủ tục để được cấp giấy sở hữu nhà”. Nội dung này hoàn toàn không có trong quyết định của bản án phúc thẩm 409/2007/DSPT và cụm từ “trong trường hợp bị mất…” đã thể hiện sự quyết tâm đến cùng của thẩm phán Phạm Hùng Việt bảo vệ quyền lợi cho ông Hoàng Ngọc Tài, trong khi đó người cần được bảo vệ chính là bà Tao – một cán bộ lão thành cách mạng năm nay đã 90 tuổi, bà Tao rất nhiều lần viết đơn yêu cầu cơ quan thực thi pháp luật để bà sớm thi hành bản án số 409/2007/DSPT. Vậy phải chăng tòa phúc thẩm TAND tối cao đã “tuyên án trước” một vụ kiện dân sự khác về tranh chấp quyền sở hữu căn nhà 36 NTD giữa bà Nguyễn Thị Thanh Tao và ông Hoàng Ngọc Tài? Cơ sở để chúng tôi đặt nghi vấn là vì ngay trong công văn 622/2008/CV-TPT có nêu rõ: “Trường hợp bà (Nguyễn Thị Thanh Tao) có căn cứ cho rằng việc đấu giá nhà 36 NTD không đúng theo quy định của pháp luật thì bà có quyền yêu cầu cơ quan thẩm quyền giải quyết”.
Báo CAND và Chuyên đề ANTG đã rất nhiều lần điều tra, phản ánh những dấu hiệu không bình thường của một số thẩm phán cũng như những người liên quan giải quyết vụ án này song rất tiếc rằng đến nay tất cả đều “án binh bất động”.
Chúng tôi mong rằng ông Chánh án TAND tối cao, ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp và những cơ quan chức năng cần cho kiểm tra những khuất tất của văn bản mà ông thẩm phán Vũ Hùng Việt vừa ký, để việc THA phải được thực hiện nghiêm túc theo các quyết định mà bản án phúc thẩm số 409/2007/DSPT đã tuyên, hòng lấy lại niềm tin nơi công lý cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bà Nguyễn Thị Thanh Tao.
SOURCE: BÁO CÔNG AN NHÂN DÂN
Trích dẫn từ: http://thuvienphapluat.com/?CT=NW&NID=20313
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 7. Tình huống tố tụng, CÂU CHUYỆN PHÁP LUẬT |
Leave a Reply