admin@phapluatdansu.edu.vn

THAY ĐỔI VĂN HÓA CÔNG VỤ VIỆT NAM: MỘT CÁCH NHÌN CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

image DAVID MA

Đầu tiên phải nói rằng những gì tôi sắp trình bày chỉ là quan điểm riêng của cá nhân. Tôi không xuất hiện ở đây để liệt kê những việc phải làm; tôi cũng không dạy ai làm gì cả. Hãy coi những điều tôi nói là những lời nói của một ông già, người đã làm việc trong 2 nền công vụ khác nhau qua hơn 3 thập kỷ.

Sau khi tốt nghiệp, tôi làm việc trong nền công vụ Hong Kong và 3 năm sau là nền công vụ Singapore. Công việc đầu tiên của tôi trong nền công vụ Singapore là ở Vụ Quy hoạch của Bộ Phát triển Quốc gia. Đây là một môi trường khác với môi trường mà tôi đã từng làm việc. Những nhà quy hoạch là một nhóm những cán bộ trẻ. Họ thân thiện, nhiệt tình và nghiêm túc trong công việc. Họ biết họ đang làm gì và cống hiến hết mình trong mọi việc. Làm việc với họ là niềm vui của tôi.

Tôi băn khoăn điều gì đã cho họ đạo đức công việc như vậy. Đó không phải là tiền vì nền công vụ Singapore trả lương thấp hơn nhiều nền công vụ Hong Kong. Thực ra, khi Singapore độc lập thi công chức còn bị giảm lương.

Dần dần tôi nhận ra một số điều. Thứ nhất, họ có một tầm nhìn chung – đưa Singapore từ thế giới thứ 3 lên thế giới thứ nhất. Lúc đó Singapore là một quốc gia trẻ, mới giành độc lập trước đó mấy năm. Những nhà quy hoạch có cảm tưởng họ đang tạo ra vận mệnh của chính họ. Suy nghĩ đó khiến họ đam mê công việc của mình. Và họ tin rằng họ có thể làm được điều đó vì họ là những người tốt nhất và thông minh nhất. Họ tự hào về công việc và muốn mọi việc họ làm có chất lượng cao nhất. Qua thời gian, những công chức như họ giúp Singapore xây dựng được cái như những người ngoại quốc gọi là nền văn hóa của chất lượng xuất sắc. Làm thế nào văn hóa này lại hình thành?

Định nghĩa của tôi về văn hóa rất đơn giản: đó là cách chúng ta làm việc. Và những người khác nhau làm việc theo các cách khác nhau. Gần đây, tôi ở tại một khách sạn tư tại một tỉnh của Việt Nam. Tôi gặp 2 chuyên gia tư vấn trong nước mà tôi biết vào bữa sáng. Họ cho tôi hay họ vừa chuyển đến từ một nhà khách của chính phủ. Họ phàn nàn về dịch vụ kinh khủng của nhà khách đó. Thông thường, họ không nhận được dịch vụ như mong muốn, và nếu nhận được thi dịch vụ đó cũng không như họ mong đợi. Không ai trong nhà khách đó quan tâm. Vì thế họ chuyển đến khách sạn tư. Họ cảm thấy rằng thật là vô lý khi phải trả một khoản tiền như nhau mà không nhận được dịch vụ nào.

Tôi mừng vì tôi không phải trải qua cảnh đó. Những người điều hành khách sạn tư làm việc hoàn toàn khác. Khi tôi yêu cầu gì, họ đáp ứng và đáp ứng rất nhanh. Một thứ mà tôi luôn yêu cầu là nước nóng trong phòng để tôi pha trà. Ngày đầu tiên khi tôi đến, sau khi làm thủ tục nhập phòng, tôi yêu cầu một phích nước sôi trong phòng. Sau khi nhận chìa khóa, tôi vào phòng. Ngay khi tôi đặt túi xách xuống, ai đó gõ cửa và đây: phích nước nóng. Tôi ngạc nhiên vì sự đáp ứng nhanh đó không diễn ra một lần mà nhiều lần. Tôi không biết làm thế nào mà họ lại nhanh như vậy. Sau một vài ngày, họ biết thói quen của tôi và tự động mang phích nước sôi lên phòng trước khi tôi trở về phòng vào lúc 6 giờ chiều. Vào thứ Bảy, Chủ nhật, khi tôi không phải đi làm, họ đưa tôi 2 phích nước nóng, một vào buổi sáng và một vào buổi tối mà tôi không cần phải yêu cầu.

Một ngày chủ nhật, tôi ăn trưa trong nhà hàng của khách sạn. Thông thường, họ phục vụ đồ ăn rất nhanh. Hôm đó, họ phục vụ lâu hơn bình thường. Sau vài phút, một người phục vụ đến xin lỗi tôi, giải thích rằng trong nhà hàng đang phục vụ một đám cưới và đầu bếp cần thêm một chút thời gian để chuẩn bị thức ăn. Sau đó, một nữ phục vụ lại đến xin lỗi tôi và chuyển cho tôi một đĩa lạc để giữ cho miệng tôi bận rộn để tôi không phàn nàn. Tôi phải nói rằng tôi không được phục vụ kiểu như thế này thậm chí ở một số khách sạn hàng đầu thế giới.

Điều gì khiến nhân viên ở khách sạn tư này làm việc khác nhân viên nhà khách chíh phủ đến vậy? Tìm hiểu điều này thật thú vị. Khi tôi gặp người quản lý, tôi khen ngợi nhân viên của anh ta làm việc tốt và hỏi anh về cách quản lý. Anh cho biết khách sạn chỉ tuyển người tốt nhất; là những người quan tâm phục vụ khách hàng chứ không phải những người có bằng cấp. Sau khi tuyển dụng họ, khách sạn đào tạo thêm nhấn mạnh vào kỹ năng phục vụ khách hàng. Khách sạn không trả lương quá nhiều, nhưng nếu họ làm tốt họ sẽ được thưởng. Càng nghe, tôi càng thấy nhiều điểm chung giữa nền công vụ Singapore và khách sạn này.

Và tin tốt là: những gì mà 2 tổ chức có thể đã làm, mọi tổ chức khác đều có thể làm.
Điểm chung của họ là gì?

Thứ nhất, họ có tầm nhìn. Khách sạn muốn khách hàng được phục vụ tốt. Singapore muốn trở thành một phần của thế giới thứ nhất. Sau đó họ tuyển dụng những người chia sẻ tầm nhìn đó. Họ không quan tâm đến việc người được tuyển có kỹ năng hay không. Họ quan tâm hơn đến thái độ của người được tuyển. Đó là lý do tại sao khách sạn không tổ chức thi tuyển. Nền công vụ Singapore cũng vậy. Ứng viên chỉ cần qua một cuộc phỏng vấn. Mục đích là đế đánh giá thái độ. Tại sao anh muốn tham gia vào nền công vụ. Anh có làm khách hàng hài lòng không? Anh sẽ làm việc với đồng sự như thế nào? vv… Lý do đơn giản là kiến thức, kỹ năng có thể dễ dàng tích lũy được nhưng thái độ khó thay đổi. Khi bạn có những cán bộ có thái độ đúng, bạn có cơ hội thành công.
Chính phủ Việt Nam cũng có một tầm nhìn: xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Tuy vậy, chỉ đặt ra tầm nhìn là chưa đủ. Lãnh đạo chính trị phải hỗ trợ công chức đưa tầm nhìn đó thành hiện thực. Khi công chức không muốn chia sẻ tầm nhìn đó, họ sẽ không làm việc nhiều để biến nó thành hiện thực. Thách thức là tuyển dụng những cán bộ chia sẻ tầm nhìn đó và làm việc hướng tới việc hoàn thành tầm nhìn đó. Thách thức này khó giải quyết được chừng nào nền công vụ Việt Nam còn tuyển dụng cán bộ theo bằng cấp và kiến thức lý thuyến về quản lý nhà nước.

Thứ hai, cả khách sạn và nền công vụ Singapore đều tìm kiếm những con người tốt nhất, những người tự hào về họ là ai và làm gì. Ở nhà hàng trong khách sạn, một người phục vụ hỏi tôi một cách thân thiện rằng tôi từ đâu đến. Tôi trả lời: “Tôi đến từ Singapore và tôi là người Singapore.” Anh ta đáp lại: “Tôi đến từ Việt Nam và là người Ê-đê”. Với cách nói ấy, anh ta không có lỗi gì với niềm tự hào to lớn trong mình. Vì anh ta tự hào là người Việt Nam, là người Ê-đê, anh ta cống hiến hết mình, và yêu cầu đồng nghiệp cũng vậy. Vào bữa sáng, anh đảm bảo rằng mọi chiếc đĩa và ly được đặt đúng chỗ. Và bất cứ khi nào anh ta thấy những chiến đĩa và ly đã được dùng và bỏ quanh, anh ta lại thay chúng. Anh ta không thể chịu được những chiếc bàn đầy ly và đĩa bẩn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng được động viên bởi tinh thần phục vụ và sự hài lòng vì làm việc tốt. Tháng 5 năm này, Học viện Hành chính Quốc gia, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương và GTZ phát hành một báo cáo chung “Hệ thống lương hiện nay của nền công vụ Việt Nam”. Tôi xin dẫn một đoạn sau:

“Có một trường hợp cấp cứu trong bệnh viện. Nếu bệnh nhân muốn được đưa thẳng vào phòng cấp cứu mà không phải đợi ngoài phòng đăng ký, anh ta phải đưa cho bảo vệ hoặc nhân viên an ninh 10 ngàn đồng để họ mở cửa cho xe cứu thương vào phòng cấp cứu. Trong phòng cấp cứu, để mượn những vật dụng như chiếu, chăn và gối, anh ta phải đưa cho y tá 5 ngàn nữa. Mỗi lần tiêm mà không cho y tá vài ngàn, anh ta sẽ bị tiêm đau hơn vì bị tiêm ẩu hoặc quá nhanh.”

Dường như, cán bộ trong bệnh viện công đó không được động viên để phục vụ trừ khi họ nhận được ít lợi ích. Chuyện những công chức được động viên chủ yếu bằng tiềng đang tạo ra một loạt các vấn đề khác cho bệnh viện. 2 năm trước, tôi đi thăm một bệnh viện công tại Hà Nội. Ông giám đốc điều hành cho biết rất khó bắt mọi người làm việc ở văn phòng. Mọi người muốn làm những việc có liên hệ trực tiếp với bệnh nhân. Mặc dù làm việc trong văn phòng là một sự thăng chức đối với họ, cán bộ lại thu nhập ít đi vì họ không được nhận quà từ bệnh nhân và gia đình bệnh nhân nữa.

Cách đây không lâu, báo chí địa phương đưa tin một cuộc điều tra dư luận tại thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả điều tra quá xa so với sự thật đến nỗi mà không ai, trừ cơ quan tiến hành điều tra, tin vào kết quả. Gần đây, tôi đọc một báo cáo điều tra do một tổ chức nổi tiếng ở Việt Nam phát hành. báo cáo có nhiều khiếm khuyết quan trọng. Tôi đã không thể chấp nhận được báo cáo, bạn tôi ở nền công vụ Singapore cũng đã không thể; anh bạn người Ê-đê cũng không nếu biết báo cáo viết về cái gì. Tuy nhiên, 2 tác giá có trình độ giáo dục cáo chỉ đơn giản viết báo cáo mà không để ý đến chất lượng và cơ quan chủ trì báo cáo vui vẻ trả công cho người viết. Những sự việc như vậy phản ánh những gì mà 2 người bạn chuyên gia tư vấn trong nước của tôi nói về cách chính phủ điều hành nhà khách – không ai quan tâm. Không ai quan tâm vì không ai tự hào vì việc bất kỳ ai làm.

Một lý do là xu hướng đào tạo công chức theo cấp của họ chứ không theo chức năng mà họ thực hiện. Vì chức năng của mỗi cấp rất rộng nên không ngạc nhiên là hầu hết những gì một chuyên viên hoặc chuyên viên cao cấp được học đều không được áp dụng vào công việc. Hơn nữa, đào tạo có xu hướng tập trung vào quản lý nhà nước chung chung chứ không vào yêu cầu công việc. Để khắc phục thiếu sót này, Bộ Nội vụ đã áp dụng một số khóa đào tạo kỹ năng ngắn hạn cho công chức và Học Viện Hành chính là nơi tổ chức các khóa này.

Thứ tư, cả khách sạn và nền công vụ Singaopre đều thường xuyên đánh giá cán bộ và khen thưởng cán bộ làm việc tốt. Khách sạn thưởng nhân viên khi khách sạn làm ăn có lãi vì nhân viên làm việc tốt. Tương tự, nền công vụ Singapore thưởng công chức nếu họ làm việc tốt trong năm đánh giá. Chính phủ Việt Nam cũng thưởng công chức nhưng khoản đó thường được coi là một khoản thu nhập thêm chứ không phải là thưởng vì làm việc tốt. Đây là điều mà báo cáo của Học viện hành chính, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương phải nêu lên,

“Thật ngạc nhiên khi biết rằng luôn có mối liên hệ giữa lương và thưởng. Trong một số trường hợp, thưởng được chia đều như là một biểu hiện của chủ nghĩa bình quân. Trong các trường hợp khác, thưởng được trả theo tỉ lệ với lương mà mỗi cá nhân cán bộ, công chức nhận được. Vì thế, những người làm việc lâu cho chính phủ và có lương cao hơn thi được thưởng cao hơn không biết là họ có xứng đáng hay không.”
“Cái gì đo lường được thì mới thực hiện được” (What is measured gets done) có thể là một câu nói lâu đời. Nhưng đến nay nó vẫn còn ý nghĩa. Nếu muốn công chức làm việc tốt, chính phủ phải có một hệ thống để đo lường kết quả hoạt động của họ, khen thưởng những người làm việc tốt và giúp những người hoạt động chưa tốt. Nếu ai cũng được một phần thưởng không cần biết họ làm việc thế nào thi công chức sẽ không coi trọng công việc của họ.

Những gì tôi nói đến giờ không mới đối với Bộ Nội vụ, cơ quan phụ trách các vấn đề công vụ. Các thách thức tương tự và các giải pháp có thể đã được đề cập trong nhiều báo cáo và tài liệu như báo cáo năm 2004 của Bộ trưởng Đỗ Quang Trung “Khảo sát chính sách lương trong khu vực công của Malaysia và Thailand” và tài liệu gần đây của Ông Tran Quoc Hai, một cán bộ của Bộ Nội vụ và một nghiên cứu sinh của Học viện Hành chính, “Thế mạnh của hệ thống công vụ cho cải cách thể chế công vụ tại Việt Nam.” Tuy vẫn nói về những thách thức và giải pháp tương tự hôm nay, chúng ta vẫn thiếu cái gì đó?

Có lẽ cái chúng ta cần là một hệ thống giá trị hiện hữu để gắn tất cả các nhân tố đó lại với nhau. Khách sạn có một hệ thống giá trị mà trung tâm là “dịch vụ”. Nền công vụ Singapore có một tuyên bố giá trị mà trọng tâm là “tính toàn vẹn”, “dịch vụ” và “chất lượng xuất sắc”. Mọi người trong 2 tổ chức trên hiểu những giá trị đó nghĩa là gì và phấn đấu để duy trì các giá trị đó.

Việt Nam cũng có một hệ thống giá trị. Ngay từ năm 1964, Bác Hồ đã nói về một loạt các phẩm chất đạo đức cách mạng. Bác nói: nếu không có giá trị là không có nền tảng. Nền tảng mà Bác nói dựa trên 5 ý tưởng đơn giản:

•Đức – không làm gì có hại cho nhân dân, cho Đảng;
•Chính – cam kết thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình;
•Trí – nhận thức và khả năng thực hiện thành công công việc và tránh hậu quả xấu;
•Dũng – sức mạnh và lòng dũng cảm thực hiện các nhiệm vụ khó khăn; và
•Liêm – không mưu cầu địa vị hay tiền bạc.

Về “liêm”, Bác Hồ cũng nói rằng công chức và cán bộ không nên sử dụng cơ chế nhà nước để “ vinh thân phì gia”.

Một số người có cảm giác rằng các giá trị đó ngày nay không còn phù hợp vì Việt Nam không còn là một đất nước chiến tranh và đã hoàn toàn hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tôi cho rằng 5 giá trị của Bác Hồ vẫn còn nguyên ý nghĩa cho đến ngày nay. Thực ra, tôi cho rằng các giá trị đó vẫn thích hợp trong thế giới ngày càng vật chất hiện nay nơi mà tiền dường như là mọi thứ.

Tôi không biết liệu Học viện Chính trị và Học viện Hành chính quốc gia vẫn dạy công chức 5 giá trị đó hay không. Nếu có thì họ chưa dạy đủ. Họ cần nỗ lực hơn nữa. Họ cần vươn ra hơn để đào tạo nhiều công chức hơn nữa và chuyên sâu đào tạo hơn nữa đề các giá trị đó thấm sâu vào mỗi công chức.

Vun trồng 5 giá trị đó chắc chắn trong mỗi và mọi công chức là rất quan trọng. Việt Nam đã trở thành một phần của thị trường toàn cầu. Không những hàng hóa, dịch vụ mà con người và ý tưởng cũng lưu thông dễ dàng trong nước. Vì xã hội càng trở nên có tiếng nói, đa dạng và uyển chuyển, chúng ta cần một bộ giá trị để gắn kết xã hội. Nền công vụ phải đi đầu trong việc duy trì và đề cao các giá trị đó. Chỉ khi đó những người Việt Nam bình thường mới cảm thấy tự hào về nền công vụ và chính phủ.

SOURCE: Báo cáo chuyên đề tại Hội nghị quốc tế về CCHC tại Việt nam, từ ngày 25 đến 26 tháng 11 năm 2006, Hanoi, Vietnam

Trích dẫn từ:

http://www.caicachhanhchinh.gov.vn/Vietnam//InterExperience/ReformAreas/

1562200701081349000/index.htm

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: