NGHĨA NHÂN
VKSND tối cao vừa chủ trì tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự. Theo đó, tính đến tháng 6-2008, cơ quan tư pháp các cấp đã tiếp nhận đơn yêu cầu bồi thường của 311 người và đã thương lượng, bồi thường cho 210 người với tổng số tiền hơn 16 tỷ đồng. Hầu hết trường hợp oan này đều xảy ra trước khi có Nghị quyết 388.
Theo VKSND tối cao, các cơ quan tư pháp thụ lý đơn đều thực hiện khôi phục danh dự cho người bị oan trước khi thương lượng bồi thường thiệt hại vật chất, hình thức gồm cải chính công khai trên báo, tổ chức xin lỗi công khai tại nơi cư trú, nơi làm việc theo yêu cầu của người bị oan. Tất cả được tiến hành với nghi thức trang trọng, cầu thị, giúp minh oan, giải tỏa tâm lý mặc cảm nặng nề, góp phần củng cố lòng tin của người dân với hoạt động tư pháp. Có trường hợp sau khi được xin lỗi công khai, người bị oan không đòi bồi thường vật chất nữa.
Cùng với việc khôi phục danh dự, cơ quan tố tụng cũng xử lý cán bộ làm oan: Ba điều tra viên bị kỷ luật, bốn trường hợp phải rút kinh nghiệm, tám thẩm phán không được tái bổ nhiệm, 53 kiểm sát viên bị xử lý trách nhiệm, trong đó 21 cán bộ là viện trưởng, viện phó VKS cấp huyện, một viện phó VKS tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu là cán bộ tố tụng thiếu ý thức trách nhiệm, hạn chế năng lực áp dụng luật. Đến nay chưa phát hiện trường hợp cán bộ tố tụng vì động cơ cá nhân mà cố ý làm oan cho người vô tội.
Tuy nhiên, năm năm thực hiện Nghị quyết 388 đã bộc lộ một số hạn chế. Một số vụ việc cơ quan tư pháp không nhận thấy hết trách nhiệm, hậu quả của việc gây oan, dẫn tới né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Có nơi cơ quan tư pháp còn đưa ra lý do thiếu chính đáng để từ chối xin lỗi, bồi thường hoặc có thụ lý giải quyết thì thiếu cầu thị, gây căng thẳng hoặc tính không đầy đủ, toàn diện thiệt hại thực tế cho người bị oan…
Từ kết quả tổng kết, VKSND tối cao đề nghị sớm luật hóa những quy định của Nghị quyết 388 vào Luật Bồi thường nhà nước; nghiên cứu mở rộng đối tượng được bồi thường, chẳng hạn như trường hợp hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm. VKSND tối cao cũng kiến nghị quy định cơ quan tố tụng mà làm oan thì phải chủ động xin lỗi, cải chính công khai ngay sau khi bản án, quyết định xác định một người bị oan có hiệu lực pháp luật thay vì buộc người đó có đơn yêu cầu như hiện nay.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/news/chinh-tri/view.aspx?news_id=239571
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: CÂU CHUYỆN PHÁP LUẬT, Trách nhiệm dân sự |
Leave a Reply