1. Những tác động về mặt lý thuyết của việc gia nhập WTO đến phát triển kinh tế – thương mại của Việt Nam
Các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam là kết quả rõ ràng nhất sau hơn 11 năm đàm phán, đồng thời là tâm điểm chú ý của các đối tác đàm phán bạn bè quốc tế, các tầng lớp dân cư, các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, đại diện các bộ, ngành và cộng đồng các doanh nghiệp. Trước khi trở thành thành viên chính thức của WTO, Việt Nam đã đưa ra nhiều cam kết về kinh tế thương mại để mở cửa thị trường, thúc đẩy cải cách kinh tế trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong các Hiệp định thương mại và đầu tư song phương (đáng chú ý nhất là hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ) và gần đây trong khuôn khổ ASEAN mở rộng. Bên cạnh đó, Việt Nam còn tham gia nhiều chương trình hợp tác trong Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và Diễn đàn Hợp tác Á-ÂU (ASEM). Có thể khẳng định rằng các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam là những cam kết triệt để nhất, toàn diện nhất, đồng thời là điều kiện tiên quyết để nước ta tham gia vào tổ chức kinh tế, thương mại lớn nhất hành tinh, vì vậy, nó có những tác động sâu sắc đến sự phát triển kinh tế – thương mại của đất nước. Do đó để đánh giá tác động của việc gia nhập WTO đến tình hình phát triển kinh tế – thương mại của Việt Nam, trước tiên phải xem xét và phân tích các cam kết gia nhập của Việt Nam. Về kết cấu, các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam có 3 phần chính: Cam kết đa phương; Cam kết về thương mại hàng hoá; Cam kết mở cửa thị trường dịch vụ. Các cam kết này có thể tóm lược như sau:
a. Cam kết đa phương là các cam kết chung về mặt nguyên tắc, về thể chế chính sách trong việc tham gia WTO. Theo đó, Việt Nam phải cam kết tuân thủ các định chế pháp lý của WTO, mà cụ thể là các Hiệp định đa phương của tổ chức này. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải cam kết về một số lĩnh vực đặc thù riêng. Theo đó, Việt Nam phải sửa đổi hệ thống luật pháp, chính sách sao cho phù hợp với các định chế pháp lý của WTO. Các cam kết đa phương chính của Việt Nam bao gồm các cam kết cụ thể sau đây:
– Cam kết về Chính sách tài chính – tiền tệ, ngoại hối và thanh toán;
– Cam kết đảm bảo các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu hoặc kiếm soát, hoặc được hưởng đặc quyền hay độc quyền, hoàn toàn hoạt động theo tiêu chí thương mại, Nhà nước không can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào hoạt động của các doanh nghiệp này…;
– Cam kết thực thi việc quản lý giá phù hợp với các quy định của WTO và bảo đảm tính minh bạch trong kiểm soát giá thông qua việc đăng tải danh mục các mặt hàng chịu sự quản lý giá và các văn bản pháp luật liên quan trên Công báo;
– Cam kết áp dụng trực tiếp hoặc nội luật hoá các cam kết và ưu tiên áp dụng các điều khoản trong cam kết quốc tế…;
– Cam kết về Quyền kinh doanh (quyền xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối), cho phép doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài được quyền xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa như doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam, trừ đối với các mặt hàng thuộc danh mục thương mại nhà nước…;
– Cam kết áp dụng thuế nhập khẩu theo nguyên tắc không phân biệt đối xử; Cam kết áp dụng, phân bổ và quản lý hạn ngạch thuế quan một cách minh bạch…;
– Cam kết việc miễn, giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trên cơ sở không phân biệt đối xử và sẽ không gắn việc miễn, giảm thuế với các yêu cầu về xuất khẩu hay nội địa hóa…;
– Cam kết áp dụng các loại phí và lệ phí phản ánh đúng giá trị của dịch vụ được cung ứng; Cam kết vế thuế nội địa;
– Cam kết về Biện pháp hạn chế định lượng đối với hàng nhập khẩu (bao gồm cấm nhập khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, giấy phép nhập khẩu…);
– Cam kết về Quy tắc xuất xứ;
– Cam kết về Chống bán phá giá, chống trợ cấp và các biện pháp tự vệ;
– Cam kết về Chính sách công nghiệp, trợ cấp: bãi bỏ hoàn toàn các loại trợ cấp bị cấm;
– Cam kết về Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, tiêu chuẩn và chứng nhận hợp chuẩn;
– Cam kết về Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật;
– Cam kết về Các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại;
– Cam kết không áp dụng trợ cấp xuất khẩu đối với nông sản…;
– Cam kết về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại;
– Cam kết về các chính sách ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ;
– Cam kết về minh bạch hóa, theo đó sẽ dành tối thiểu 60 ngày cho việc đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực điều chỉnh của WTO, đăng công khai các văn bản pháp luật trên các tạp chí hoặc trang tin điện tử (website) của các bộ, ngành…
Nhìn chung, phần lớn các cam kết đa phương có tác động chủ yếu đến chính sách kinh tế vĩ mô nói trên là phù hợp với hệ thống luật pháp hiện hành và chính sách hội nhập kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, việc tuân thủ nghiêm chỉnh các cam kết da phương có tác động không nhỏ đến việc đẩy nhanh động lực cho cải cách chính sách trong nước, tăng trưởng kinh tế, khuyến khích đầu tư trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài, tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng cho các thành phần kinh tế. Bên cạnh các tác động tích cực đó thì việc thực hiện cam kết về minh bạch hóa là thách thức không nhỏ đối với hệ thống các cơ quan công quyền; cam kết không phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp có thể sẽ làm cho nhiều doanh nghiệp, nhà nước gặp khó khăn, thậm chí một số phải giải thể hay phá sản.
b. Về yêu cầu mở cửa thị trường hàng hoá, để gia nhập WTO, Việt Nam phải: ràng buộc mức trần cho tất cả các dòng thuế trong biểu thuế nhập khẩu của mình; chỉ dùng thuế nhập khẩu làm công cụ để bảo hộ; không sử dụng phí, lệ phí và các khoản thu khác nhằm mục đích thu ngân sách (ngoài thuế nhập khẩu). Trên tinh thần dó, Việt Nam cam kết giảm mức thuế nhập khẩu bình quân từ mức hiện hành 17,4% xuống còn 13,4% trong vòng 5-7 năm. Mức thuế nhập khẩu bình quân đối với hàng nông sản giảm từ mức hiện hành 23,5% xuống còn 20,9% và mức thuế nhập khẩu bình quân đối với hàng phi nông sản giảm từ 16,8% xuống 12,6%. Việt Nam bảo lưu quyền áp dụng hạn ngạch thuế quan với đường, trứng gia cầm, thuốc lá và muối. Đối với trợ cấp nông sản, Việt Nam cam kết bãi bỏ hoàn toàn các loại trợ cấp bị cấm như trợ cấp xuất khẩu, trợ cấp nội địa hóa và được quyền hỗ trợ trong nước đối với nông sản ở mức 10%… Xem xét tác động của các cam kết giảm thuế có thể thấy, về tổng thể, việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ làm giảm sự bảo hộ đối với một số mặt hàng, thúc đẩy việc cơ cấu lại nền kinh tế phát triển theo hướng hiệu quả, chuyên môn hoá và tăng sản xuất quy mô lớn, phát huy tốt hơn các lợi thế so sánh về lao động, tài nguyên; thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu. Các dự án đầu tư sản xuất thay thế nhập khẩu dựa trên bảo hộ cao trước đây sẽ phải định hướng lại sản xuất. Đây là tín hiệu tốt đối với các nhà đầu tư nước ngoài, tăng niềm tin vào định hướng mở cửa và tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam. Việc cắt giảm thuế trong ngắn hạn sẽ có tác động nhất định, tuy nhiên, về lâu dài sẽ tác động không lớn lắm đối với nguồn thu ngân sách nhà nước. Hiện nay ở nước ta, tổng thu từ thuế nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 9% tổng thu ngân sách nhà nước. Đối với kim ngạch nhập khẩu, chỉ khoảng 20% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng năm chịu ảnh hưởng của việc cắt giảm thuế nhập khẩu; việc cắt giảm thuế lại được thực hiện theo lộ trình, không phải cắt giảm đối với tất cả mặt hàng, cũng không cắt giảm ngay trong giai đoạn đầu tiên. Thêm vào đó, việc cắt giảm thuế chắc chắn sẽ làm tăng kim ngạch xuất nhập khẩu (việc giảm thuế tất yếu sẽ thúc đẩy nhập khẩu hàng với số lượng lớn hơn nhập nhiều nguyên vật liệu đầu vào hơn…) và dẫn đến tăng thu thuế nhập khẩu, nên sẽ tác động không lớn, thậm chí về lâu dài sẽ làm tăng thu cho ngân sách nhà nước. Kinh nghiệm cho thấy đối với một số mặt hàng có khi việc cắt giảm thuế lại là biện pháp hữu hiệu nhất kiềm chế nạn nhập lậu một số mặt hàng có giá trị lớn, thuế suất nhập khẩu cao (ví dụ mặt hàng điện thoại di động, vàng, kim loại quý, ô tô xe máy…) vì việc giảm thuế sẽ làm giảm động lực của việc nhập lậu vốn chứa đựng nhiều rủi ro, thúc đẩy việc nhập khẩu chính ngạch không bị rủi ro, không vi phạm pháp luật, thúc đẩy tăng thu ngân sách. Xingapo là nền kinh tế phát triển và tăng trưởng nhất khu vực, nhưng từ lâu thuế suất nhập khẩu vào Xingapo là 0%. Thuế suất nhập khẩu bình quân vào Hoa Kỳ cũng chỉ khoảng 3,7%, EU khoảng 4,2%, Nhật Bản 3,4%, Trung Quốc 10%.
c. Cam kết mở cửa thị trường dịch vụ
Theo cam kết, Việt Nam phải mở cửa 110 phân ngành thuộc 11 ngành dịch vụ cho các thành viên WTO. Những cam kết này liên quan đến chế độ đầu tư, hình thức thành lập doanh nghiệp, thuê đất, các biện pháp về thuế, trợ cấp cho doanh nghiệp trong nước… Chúng ta chưa cho phép các công ty nước ngoài hiện diện tại Việt Nam dưới hình thức chi nhánh (ngoại trừ điều đó được cho phép theo cam kết trong từng ngành cụ thể). Các công ty nước ngoài được phép mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng mức mua trong từng ngành sẽ phải phù hợp với sự hạn chế về phần vốn thuộc sở hữu nước ngoài quy định trong Biểu cam kết (riêng ngành ngân hàng, phía nước ngoài chỉ được phép mua tối da 30% cổ phần). Các công ty nước ngoài cũng được phép đưa cán bộ quản lý vào Việt Nam làm việc, nhưng cán bộ quản lý là người Việt Nam tối thiểu phải chiếm 20%… Về cơ bản, tương đương với cam kết về thương mại dịch vụ trong Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ, các cam kết về thương mại dịch vụ của Việt Nam phù hợp với chính sách và thực trạng của nền kinh tế nên nhìn chung sẽ không gây ra tác động lớn đến sự phát triến các ngành dịch vụ. Tuy nhiên, một số ngành có thể phải chịu sức ép khá lớn, đó là dịch vụ phân phối, bán lẻ, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ logistic, hỗ trợ vận tải biển, giao thông – vận tải… Đánh giá tổng thể tác động của toàn bộ các cam kết gia nhập WTO có thể thấy rõ tính hai mặt của nó. Các cam kết về thủ tục hành chính, mở cửa thị trường hàng hoá, thị trường dịch vụ tạo thuận lợi cho đầu tư… đều đem lại cả thuận lợi và khó khăn. Tuy nhiên, đối với toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, thuận lợi là nhiều hơn thách thức của ngành này có khi lại là cơ hội của ngành khác và ngược lại. Các cam kết gia nhập WTO nhìn chung phù hợp với chủ trương, chính sách đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế của chúng ta. Tuy rằng việc triển khai các cam kết liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi hệ thống pháp luật theo hướng rõ ràng, minh bạch hơn là thách thức rất lớn, nhưng đều là những việc chúng ta bắt buộc phải làm và đã làm dần từ trước khi trở thành thành viên chính thức của WTO. Việc cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu sẽ làm cho nhiều ngành sản xuất hàng hoá tương tự trong nước gặp khó khăn vì phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu cùng loại. Nhưng điều đó lại khiến họ phải tự đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh của mình. Thực tế những năm vừa qua cho thấy, những ngành được bảo hộ ít nhất hay không được bảo hộ lại là ngành phát triển tốt (ví dụ như bia, bánh kẹo, xe máy, xe đạp…). Bên cạnh đó, việc giảm thuế lại làm cho nhiều ngành được lợi vì họ có thể nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào với chi phí rẻ hơn. Thủ tục dợn giản hơn, rõ ràng minh bạch hơn cũng làm giảm chi phí cho các doanh nghiệp. Tác động đối với các ngành dịch vụ cũng tương tự như vậy. Việc mở cửa nhiều ngành và phân ngành dịch vụ nhất là các phân ngành dịch vụ cơ bản có tác động quan trọng đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế như ngân hàng, viễn thông, phân phối, giao thông – vận tải, giao nhận… sẽ tạo điều kiện cho nhiều ngành khác phát triển thúc đẩy tăng trường kinh tế của đất nước. Mở cửa thị trường dịch vụ sẽ làm gia tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ dẫn đến việc giảm chi phí đầu vào cho sản xuất (như chi phí giao dịch, vận tải giao nhận, ngân hàng, bảo hiểm, phân phối, viễn thông…).
2. Tác động thực tế của việc gia nhập WTO đến sự phát triển kinh tế – thương mại của Việt Nam sau gần một năm gia nhập WTO
Như đã phân tích ở trên, không phải cam kết WTO nào cũng phải thực hiện ngay mà thực hiện theo lộ trình, nhiều cam kết phải chờ hướng dẫn thi hành và ngay cả những cam kết đã có hiệu lực thì “liều thuốc cam kết WTO” chưa thể ngấm hết ngay vào toàn bộ cơ thể của nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù vậy, tình hình phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian vừa qua cho thấy những đánh giá của ADB nói trên là hoàn toàn chính xác.
Về nhịp độ tăng trưởng GDP, nền kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2007 đã tăng trưởng cao hơn dự đoán với nhịp độ tăng trưởng GDP ở mức 7,9%. Nhịp độ tăng trưởng CLĐP trong quý III năm 2007 ước tính khoảng 8,93% và cả năm 2007 dừ kiến sẽ vào khoảng 8,3% đến 8,5%, đây là mức tăng trưởng GDP cao nhất trong 10 năm qua. Điều đáng nói ở đây là, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nửa đầu năm 2007 phần lớn do tăng trưởng từ sản xuất công nghiệp (tăng 12,4%), thương mại, dịch vụ (dịch vụ thương mại và tài chính tăng 10,4%, khách sạn và nhà hàng tăng 12,7% do tiêu dùng và du lịch tăng cao) và sự phát triển của khu vực tư nhân (tăng trưởng của khu vực tư nhân là 20,5% gần gấp đôi khu vực nhà nước). Điều này cho thấy, sau khi gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển đúng hướng với việc dựa vào tăng trưởng ở các ngành quan trọng là công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Do đó, cơ cấu kinh tế đã dịch chuyển theo hướng tích cực: tỷ trọng trong GDP của nhóm ngành công nghiệp – xây dựng đã được nâng cao từ 41,31% lên 41,48%, của nhóm ngành dịch vụ đã nâng cao từ 38,25% lên 38,44% và của ngành nông, lâm, thủy sản đã giảm từ 20,45% xuống còn 20,08%. Thêm vào đó, một tín hiệu đáng mừng cho thấy hiệu quả của việc cải cách chính sách theo hướng không phân biệt đối xử (giảm dần bảo hộ cho các doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân và các loại hình kinh tế khác) và mở cửa thị trường theo các cam kết với WTO thể hiện ở chỗ trong 6 tháng đầu năm 2007, đầu tư đã tăng tới 14%. Kết quả này có được là do việc cải cách chính sách đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh theo cam kết với WTO. Nhưng điều đáng nói nhất là đóng góp phần lớn vào tăng trưởng đầu tư là do khu vực tư nhân trong nước (chiếm tới 35%). Như vậy, chứng tỏ chính sách cải cách của chúng ta đã phát huy tác dụng kích thích và tạo điều kiện khuyến khích đầu tư tư nhân.
Về xuất khẩu, trong 8 tháng đầu năm 2007 xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 31,218 tỷ USD, tăng l 9,3% so với cùng kỳ năm 2006 (cao gấp hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế). Trong đó, các doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 13,758 tỷ USD, chiếm 44,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt l 7,460 tỷ USD, chiếm 55,9 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực thì dệt may và da giày là những mặt hàng chịu tác động trực tiếp của cam kết WTO: theo cam kết WTO, Hoa Kỳ đã phải bỏ hạn ngạch nhưng duy trì cơ chế giám sát, tạo nguy cơ điều tra chống bán phá giá đối với hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Do chúng ta quản lý tốt công tác giám sát xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ để tránh bị kiện bán phá giá nên các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ đã quay trở lại Việt Nam đặt hàng cho quý IV và các tháng đầu năm 2008. Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam 8 tháng năm 2007 ước đạt 5,084 tỷ USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2006. Đối với mặt hàng da giày, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2007 ước đạt 2,7 tỷ USD, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm 2006. Nhóm hàng công nghiệp và chế biến có tốc độ tăng trưởng cao và giá trị xuất khẩu lớn bao gồm: hàng dệt may, giày dép, hàng điện tử và linh kiện điện tử, sản phẩm gỗ…(sản phẩm nhựa tăng 49,3%; điện tử và linh kiện máy tính tăng 24,6%; dây điện và cáp điện tăng 24,5%; sản phẩm gỗ tăng 24,3%…). Nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra do giá thế giới tăng cao là cà phê, hạt tiêu, sản phẩm nhưa…(cà phê tăng 90,8%, mặc dù số lượng xuất khẩu chỉ tăng 47,3%; hạt tiêu tăng 20,2%, trong khi lượng giảm 43,l %). Một số mặt hàng chủ lực khác có giá trị xuất khẩu 8 tháng qua tăng cao so với cùng kỳ năm trước gồm: nhân điều tăng 24,2%; rau quả tăng 19,3%; than đá tăng 17,4%; giày dép tăng 14,3%; thủy sản tăng 14,1% gạo tăng 12,1%…
Qua những con số đó, có thể thấy sau khi vào WTO, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục được duy trì ở mức cao, nhiều mặt hàng nông sản có thuận lợi về giá và thị trường xuất khẩu. Bên cạnh những kết quả khả quan về kim ngạch xuất khẩu nói trên, vấn đề nhập khẩu và cán cân thương mại đã gây ra nhiều tranh luận khác nhau. Kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2007 ước đạt 37,632 tỷ USD, tăng tới 29,9% so với cùng kỳ năm 2006. Giá trị nhập siêu 8 tháng năm 2007 là 6,414 tỷ USD, bằng 20,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhập siêu tăng sau khi Việt Nam gia nhập WTO, thể hiện như sau:
Thứ nhất là, nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất và đầu tư chiều sâu tăng mạnh dẫn đến việc tăng nhập khẩu. Các mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch tăng mạnh đều là nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất và tái sản xuất hay đầu tư và xây dựng (những mặt hàng nhập khẩu có giá trị tăng cao là: linh kiện ô tô tăng 69,4%; thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 57,5%; máy móc thiết bị phụ tùng tăng 51,4%; thép tăng 65%; phôi thép tăng 26,7%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 42,5%; gỗ và nguyên liệu tăng 41,1%; sợi các loại tăng 24,5%; bông tăng 29%; chất dẻo nguyên liệu tăng 23,3%; phân bón tăng 17,2%…). Điều này không đáng ngại vì khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh, đầu tư gia tăng, xuất khẩu cũng tăng thì tất yếu nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phải tăng theo. Nhập khẩu hàng tiêu dùng chỉ tăng với giá trị tuyệt đối nhỏ, chiếm tỷ trọng thấp trong tổng kim ngạch nhập khẩu do đa số mặt hàng tiêu dùng phổ thông đã được sản xuất trong nước, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Thứ hai là, thời gian qua do có nhiều thiên tai, dịch bệnh đối với cả trồng trọt, chăn nuôi nên nhịp độ tăng của nhóm ngành nông lâm, thủy sản bị giảm sút so với cùng kỳ năm trước, khối lượng xuất khẩu của các sản phẩm thuộc nhóm này cũng tăng ít (hạt tiêu chỉ đạt 57 ngàn tấn, thấp hơn cùng kỳ 43,1%, gạo đạt 3.592 ngàn tấn, giảm hơn cùng kỳ 4,8%…)
Thứ ba là do xuất khẩu dầu thô giảm, chỉ đạt 9.985 ngàn tấn, giảm 9,9% về lượng và l l,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2006.
Thứ tư là do giá cả của hầu hết hàng hoá nhập khẩu (trừ xăng dầu) tiếp tục tăng hoặc đứng ở mức cao.
Thứ năm là tác động của giảm thuế theo các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Như đã phân tích ở trên, mặc dù nhiều mặt hàng chưa phải cắt giảm thuế ngay theo cam kết WTO, nhưng chúng ta đã phải cắt giảm thuế theo cam kết trong ASEAN/AFTA từ ngày 01/01/2006 với mức thuế bình quân chỉ còn 4,7%.
Cuối cùng là nước ta là một nước đang phát triển ở trình độ thấp, nên Nhà nước đã và đang tạo chính sách và môi trường thông thoáng để tranh thủ các nguồn vốn từ bên ngoài, trong đó quan trọng nhất là vốn ODA và FDI. Nguồn vốn ODA và FDI được vật chất hóa dưới dạng nguyên, nhiên, vật liệu máy móc, thiết bị. Nhìn chung, số liệu nhập siêu gần 20 năm qua của nước ta xấp xỉ tổng số vốn ODA và FDI thực hiện.
Một vấn đề nữa đối với kinh tế Việt Nam trong thời gian sau khi gia nhập do là giá cả và lạm phát tăng cao hơn mức trung bình các nước đang phát triển của châu Á (6,8%). Nguyên nhân chính là do lạm phát giá thực phẩm ở Việt Nam cao hơn và biến động hơn so với các nước khác. Giá thực phẩm co giãn theo nhu cầu tiêu dùng, nên nhu cầu tiêu dùng tăng thì giá thực phẩm tăng theo, cộng với việc nước ta chịu nhiều thiệt hại do dịch bệnh như cúm gia cầm bệnh lợn lở mồm long móng, lợn tai xanh…Một số nguyên nhân dẫn đến lạm phát giá cả nữa là nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh (tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2007 tăng 23%, trong khi năm 2006 chỉ có 20,9%) do lượng tiền kiều hối tăng mạnh; do tăng lương, do giá cả thế giới liên tục tăng cao; giá thành của nguyên liệu đầu vào (như thép, phân bón…) cũng tăng.
Qua những phân tích nêu trên có thể thấy rằng, tuy thời gian gia nhập WTO chưa đủ dài để đánh giá toàn diện những tác động của việc gia nhập WTO, nhưng cũng có thể thấy, xét cả về mặt lý thuyết lẫn thực tế, thì nền kinh tế Việt Nam đã và đang phát triển đúng hướng và những tác động tích cực của việc gia nhập WTO là hoàn toàn có thể nhận thấy được. Sau một thời gian nhất định nữa, những mặt tích cực và tiêu cực sẽ xuất hiện rõ nét hơn. Nhưng điều quan trọng mà chúng ta cần lưu ý ở đây là: những tác động tiêu cực của việc gia nhập WTO thì đã và đang hiện hữu ở ngành này hay ngành khác, ở lĩnh vực này hay lĩnh vực khác của nền kinh tế, còn những tác động tích cực của nó nhiều hay ít là hoàn toàn do ý chí, quyết tâm của chúng ta quyết định. Việc thành công nhiều hay ít sau khi nước ta gia nhập WTO phụ thuộc phần lớn vào việc tố chức triển khai linh hoạt các cam kết. Cần nhận thức đúng đắn rằng, việc bảo hộ một số ngành hàng thiết yếu một số ngành dịch vụ quan trọng một mặt là cần thiết, nhưng mặt khác lại làm cho nhiều ngành khác, thậm chí cả nền kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực. Phải nhìn nhận rõ tính chất hai mặt của việc bảo hộ không nên quá nâng cao tầm quan trọng của “thành công” trong việc bảo hộ đối với ngành này hay ngành khác. Lạm dụng bảo hộ để triển khai một cách máy móc, cứng nhắc sẽ gây tâm lý ỷ lại, trì trệ của một số ngành, dẫn đến việc chậm đổi mới và nâng cao sức cạnh tranh, tác động tiêu cực đến sự phát triển chung của kinh tế trong nước.
SOURCE: TẠP CHÍ THÔNG TIN VÀ DỰ BÁO KINH TẾ XÃ HỘI
Trích dẫn từ: http://www.vienkinhte.hochiminhcity.gov.vn/xemtin.asp?idcha=2450&cap=3&id=4551
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: Chuyên đề WTO, TPP... |
Leave a Reply