admin@phapluatdansu.edu.vn

ĐI TÌM NGUYÊN NHÂN CỦA THAM NHŨNG

image cuongphamthi@yahoo.com.vn

Tham nhũng là một từ ghép. Tham là tham lam, vơ vét. Nhũng là nhũng nhiễu, hách dịch. Tham nhũng dùng để ám chỉ bọn quan lại triều đình phong kiến ngày xưa, luôn sách nhiễu dân thường để nhận quà cáp, biếu xén. Như vậy có thể thấy tham nhũng chỉ xuất hiện ở những người có thế lực, quyền hành trong xã hội.

Tuy nhiên, ở xã hội phát triển như ngày nay thì tham nhũng bao hàm những nội dung rộng lớn hơn: anh trông giữ xe mà đòi tiền trên mức quy định cũng là tham nhũng; ngồi phòng máy điều hòa trong cơ quan mà chơi game cũng là tham nhũng; bác tài xế xe taxi đi vòng vo để tính tiền khách cũng là tham nhũng; càu nhàu, khó chịu khi giải quyết công việc vì lý do nào đó cũng là tham nhũng…

Như vậy chúng ta có thể thấy Tham nhũng là một căn bệnh cố hữu trong xã hội loài người, nó luôn tiềm ẩn và nằm sâu trong lòng mỗi con người, không riêng gì ở nước ta mà các nước khác trên thế giới đều có tham nhũng. Nhưng về hành vi và mức độ của tham nhũng thì mỗi nơi, mỗi nước có khác nhau.

Tham nhũng, ngoài nguyên nhân chính là con người, còn có sự tác động mạnh mẽ từ xã hội. Chúng ta thử đi tìm nguyên nhân xã hội của tham nhũng ở nước ta hiện nay.

Theo Chủ nghĩa Duy vật biện chứng thì: “ Vật chất quyết định ý thức”. Dân gian ta có câu: “ Có thực mới vực được đạo”.

Chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy rằng: con người từ lúc mới sinh ra cũng cần phải có khăn, tã quấn lại cho ấm, lớn thêm một tý thì có nhu cầu về đồ hàng ( đồ chơi trẻ em), lớn hơn nữa thì sách vở, quần áo mới…đến khi trưởng thành, đi làm thì lo cho cuộc sống tự lập, báo hiếu cha mẹ…khi có gia đình thì lo cho con, cho cháu…đó là chưa kể nhu cầu ăn uống, sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày là điều kiện cần và đủ để cuộc sống có thể tồn tại.

Tất cả, chung quy lại đó là vật chất, được tính bằng tiền.

Ai trong chúng ta, khi trưởng thành và bắt đầu đi làm đều có một mong muốn chân chính nhất đó là: đi làm để có được tiền lương, tiền lương này đủ nuôi sống bản thân và có một ít tích lũy để lo những việc lớn ( như đàn ông có 3 việc lớn là: tậu xe, xây nhà, hỏi vợ). Nhưng ngay từ đầu, cái mong muốn “ chân chính” ấy đã bị “ bôi đen” bởi khi đi xin việc, có nhiều cơ quan, đơn vị, muốn được vào làm thì phải chạy chọt, lo lót bằng tiền.

Và mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh từ đây: người bỏ tiền ra để xin việc thì điều đầu tiên họ nghĩ đến là phải thu hồi lại được số tiền đã bỏ ra ( một cách tự giác hay bắt buộc), như vậy họ có vẻ là đang làm việc nhưng thực chất là họ đang tìm mọi cách để “ thu hồi vốn” như: đi muộn, về sớm ( ăn cắp thời gian), gọi điện thoại làm việc riêng (ăn cắp tiền), sử dụng điện, nước, văn phòng phẩm vô tội vạ…Nghĩa là họ cố tình làm bất cứ việc gì có thể được, miễn là không phải trả tiền, nói như người Nam bộ là “xài chùa”.

Mâu thuẫn tiếp tục phát triển thành một nghịch lý, đó là tiền lương hàng tháng. Quả thật với đồng lương tối thiểu cộng các khoản thu nhập khác như: phụ cấp chức vụ, trách nhiệm ( nếu có), tiền ABC, tiền thưởng, tiền ăn trưa, tiền làm thêm…thì một người chỉ có thể “ tồn tại” được, chứ đừng nói là “ sống” được. Bởi một lẽ, để “ tồn tại” chỉ cần có ăn, uống và thở không khí, còn để “ sống” thì cần rất, rất nhiều những đòi hỏi về vật chất và tinh thần khác nữa.

Và người ta đã tự cho phép mình làm tất cả những gì có thể, để có được “ thu nhập thêm”, để đáp ứng nhu cầu tối thiểu ( với những người không có điều kiện và nhu cầu thấp) hay tối đa ( với những người có điều kiện và nhu cầu cao) của cuộc sống.

Nghịch lý nối tiếp nghịch lý, như một triết lý rất lạc hậu từ xa xưa để lại đó là: “ Trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Nghĩa là cứ việc sinh con ra nhưng không cần nuôi mà bắt nó tự làm, ăn mà sống. Có bộ máy tổ chức, có tuyển người vào làm việc nhưng không nuôi sống họ được bằng lương, biết thế nhưng vẫn thành lập mới, vẫn tuyển dụng và giao việc nhưng không kiểm tra ( hay không dám kiểm tra vì mọi người đều thế cả). Thay vì thưởng, phạt nghiêm minh thì người ta tìm mọi cách để khen thưởng càng nhiều càng tốt, còn phạt thì quên đi ( vì sợ va chạm).

Chúng ta đều biết, tiền lương cơ bản không đủ trang trải cho cuộc sống, nhưng thực tế thì ngược lại. Người ta vẫn sống “ tốt”. Như vậy, vô hình dung, chúng ta đã chấp nhận một thực tế là mọi người đều có quyền làm bất cứ việc gì để có “ thu nhập thêm”. Bởi vậy người ta cứ vô tư nhận tiền “lo lót”, vô tư mua nhà, sắm xe, vẫn uống những loại rượu mà giá một chai còn cao hơn cả tiền lương tháng…

Đến đây sẽ xuất hiện một mâu thuẫn nữa: nếu cho rằng “ thu nhập thêm” đó là bất hợp pháp thì theo pháp luật, sẽ có nhiều người phải chịu trách nhiệm liên đới ( vì biết mà không báo hay không ngăn chặn). Nhưng nếu cho rằng “thu nhập thêm” là hợp pháp hoặc là đúng ( ý này có lẽ hợp lý hơn vì ai cũng có “ thu nhập thêm” với mức độ khác nhau) thì sẽ nảy sinh vấn đề: “thu nhập thêm” đó là bao nhiêu? Có kiểm soát được không? ( mặc dù là ai cũng biết).

Theo tôi thì nguyên nhân xã hội của nạn tham nhũng chính là đây. Khi người ta chủ động làm mọi việc để có tiền, có càng nhiều càng tốt mà không bị kiểm soát, ngăn chặn, đến lúc này đồng tiền sẽ trở thành “ ma lực” chi phối lại chính ta. Lòng tham của con người thường “ không có đáy”, làm được 1 rồi thì lại muốn kiếm thêm 2, có 2 rồi lại muốn kiếm thêm 3,4,5…thiên hạ có câu “ Hy sinh đời Bố, củng cố đời con” phần nào đã phản ánh điều này. Không những vậy, “ thu nhập thêm” còn được hợp pháp hóa bằng những “ phong bì” dày cộm, những chuyến du lịch “ không tốn đồng nào”, những chiếc bánh trung thu nhân làm bằng vàng 9999, những món quà có giá bằng tiền lương của cả năm ( với điều kiện phải nhịn ăn)…
Đó cũng là lý do tệ quan liêu, tham nhũng thời gian qua không hề suy giảm mà càng tinh vi hơn, nhưng cũng rất táo bạo và trắng trợn.

Cải cách chế độ tiền lương là điều tất yếu, tuy nhiên điều quan trọng hơn là phải cải cách như thế nào? Theo tôi cải cách tiền lương trước hết là phải đảm bảo cho cán bộ, công chức sống được bằng lương. Cải cách không đơn giản chỉ là tăng mức lương tối thiểu mà cải cách phải làm sao nâng cao được hiệu quả công việc, hiệu lực quản lý hay nói đúng hơn là việc trả lương phải đúng người, đúng việc và không thể cào bằng.

Cải cách tiền lương phải đi kèm với việc tuyển dụng, sử dụng và tinh giản biên chế, kiên quyết không nhận và đưa ra khỏi bộ máy những người thiếu đạo đức, thiếu văn hóa, không đủ trình độ, năng lực để làm việc, bởi đây là một trong những vật cản rất lớn đối với bộ máy và sự phát triển của xã hội.

Tôi tin chúng ta không thiếu tiền để trả lương cho cán bộ, công chức, cái chúng ta thiếu là thiếu chính sách, thiếu chế độ tiền lương rõ ràng, đồng bộ và hợp lý.

SOURCE: CHUNGTA.COM

Trích dẫn từ: http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Suy-ngam/Di_tim_nguyen_nhan_cua_tham_nhung/

One Response

  1. Nhân đọc bài này tôi xin góp vui câu chuyện:
    Có một quan ông ở một làng nọ nổi tiếng là thanh liêm và rất thương dân. Ông thường dặn vợ không được nhận bất cứ quà cáp nào của dân đem biếu.
    Do công lao của ông giúp cho dân nhiều nên mọi người rất biết ơn và tỏ ý muốn đến đáp, nhưng chưa biết làm thế nào.
    Dù rất sợ chồng nhưng vợ quan cũng chỉ giúp cho mọi người một cách ” Nhà tôi tuổi tý mà cũng sắp đến sinh nhật ông ấy, mọi người hãy đúc tặng ông ấy con chuột bạc rồi có vấn đề gì tôi sẽ nói đỡ.”
    Y lời vợ quan mọi người đúc một con chuột bạc rất xinh đem đến nhà quan.
    Khi trở về nhà nhìn thấy con chuột bạc quan bèn hỏi vợ.
    Bà vợ dù rất sợ nhưng cũng nhẹ nhàng thuật lại toàn bộ sự việc cho quan nghe. Nghe xong quan bèn vỗ đùi cái đét và mắng vợ:
    ” Trời ơi sao mẹ mày không nói anh tuổi Sửu”.
    ——-
    Mọi người hãy bình câu chuyện này nhé

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading