VIỆT HÀ – CAO HỒNG
Bỗng nhiên, gia đình nông dân Trần Văn Khá ở xóm Chữ, xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội nhận được thông báo nợ của Ngân hàng TMCP Phương Đông với số tiền lên tới 1,1 tỷ đồng …
Vay 200 triệu, nợ hơn 1 tỷ đồng
Sau khi cất công tìm hiểu, gia đình ông Khá mới biết rằng, khoản nợ hơn một tỷ đó chính là do ông bảo lãnh cho khoản vay của Công ty cổ phần Xây lắp và Phát triển Khoa học Công nghệ Thuận An (gọi tắt là Công ty Thuận An), có trụ sở tại số 251 đường Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Nguồn cơn sự việc bắt đầu từ nguyên nhân gia đình ông cần vay tiền cho cậu con trai út lấy vốn làm ăn. Sau hai lần con trai ông là lên 2 ngân hàng hỏi vay vốn đều không vay được tiền.
Do có người quen giới thiệu, năm 2006, ông Khá và con trai đến gặp ông Bùi Văn Chính ở xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội nhờ vay ngân hàng số tiền 200.000.000 đồng. Lúc này ông Chính là Giám đốc Chi nhánh Công ty Thuận An (có trụ sở tại Khu tập thể Bắc Hà, xã Vân Nội, huyện Đông Anh).
Hai bên làm hợp đồng thỏa thuận, Chi nhánh Công ty Thuận An sử dụng sổ đỏ do ông Khá đứng tên (diện tích 1.000m2) để thế chấp ngân hàng. Khi vay được tiền, bên A (chi nhánh Công ty Thuận An) cho bên B (ông Khá) vay 200.000.000 đồng. Thời hạn vay là 24 tháng (24/2/2006 đến 24/2/2008).
Ông Khá phải chịu lãi suất bằng lãi suất vay ngân hàng là 1,1%/tháng và chi phí giao dịch 5% trên số tiền vay. Ngày đi làm thủ tục công chứng và bảo lãnh ngân hàng, ông Chính không trực tiếp đưa ông Khá đi mà để cho một nhân viên của mình đưa ông Khá lên Văn phòng công chứng số 5 (Sóc Sơn, Hà Nội). Cùng đi còn có ông Phạm Viết Thủy, Giám đốc Công ty Thuận An.
Hợp đồng bảo lãnh ký tại phòng công chứng giữa ông Khá và Công ty Thuận An. Ông Khá là người ủy quyền cho Công ty Thuận An sử dụng sổ đỏ mang tên mình.
Trong Hợp đồng bảo lãnh, mọi điều khoản đều có lợi cho Công ty Thuận An mà ông Khá không đọc kỹ. Hợp đồng đánh giá giá trị tài sản của gia đình ông Khá là 2 tỷ đồng, được vay mức tối đa 1,6 tỷ đồng. Thay mặt bên được bảo lãnh là ông Phạm Viết Thủy, bên nhận bảo lãnh (ngân hàng) ký tên Trần Văn Hải.
Sau đó ít ngày, ông Khá nhận được số tiền 200.000.000 đồng theo thỏa thuận. Ông Khá thực hiện nghiêm túc theo cam kết trong hợp đồng là 3 tháng trả lãi suất một lần 2,2 triệu đồng cho ông Chính chứ không trực tiếp lên ngân hàng.
Tuy nhiên, chưa đầy một năm vay vốn, gia đình ông Khá bất ngờ nhận được giấy báo nợ đầu tiên của Ngân hàng TMCP Phương Đông, Chi nhánh Hà Nội ký ngày 12/12/2006.
Công văn này yêu cầu gia đình ông phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với khoản vay của Công ty Thuận An với số tiền lên tới 977.717.997 đồng (tạm tính đến ngày ký giấy). “Nếu đến ngày 20/12/2006, hộ gia đình ông Khá không thanh toán được số nợ quá hạn thay cho Công ty Thuận An thì hộ gia đình ông Khá phải bàn giao tài sản đảm bảo cho Chi nhánh Ngân hàng TMCP Phương Đông để xử lý nợ”.
Tiếp theo, ngày 29/5/2007, Chi nhánh Ngân hàng Phương Đông tiếp tục có thông báo mời bên vay và bên bảo lãnh đến ngân hàng làm việc. Sau đó, ngày 13/8/2007, Chi nhánh Ngân hàng Phương Đông tiếp tục gửi cho gia đình ông Khá thông báo toàn bộ số nợ quá hạn với tổng số 1.106.820.343 đồng. Cũng theo thông báo này, nếu ông Khá và Công ty Thuận An không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì ngân hàng sẽ tiến hành khởi kiện bên vay, bên bảo lãnh về hành vi chiếm dụng bất hợp pháp.
Cần bảo vệ người dân nghèo
Theo ông Khá, do bất ngờ trước các văn bản thông báo của ngân hàng, gia đình ông Khá trực tiếp lên ngân hàng tìm hiểu, đi tìm ông Chính, ông Thủy để hỏi cho ra nhẽ. Nhưng gia đình ông không nhận được bất cứ trả lời hợp lý nào của cả Giám đốc Chi nhánh và Giám đốc Công ty Thuận An. Gia đình ông Khá chỉ gặp được ông Chính. Đốc thúc nhiều thì ông Chính hứa sẽ giải quyết, rồi khất lần mãi.
Sáng 26/12, trao đổi với đại diện Ngân hàng TMCP Phương Đông chi nhánh Hà Nội, chúng tôi được biết ngân hàng cũng đang ráo riết tìm Công ty Thuận An để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Nhưng hiện ngân hàng chưa tìm được do công ty này đã chuyển địa điểm…
Mong rằng các cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết sự việc, bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho người dân nghèo.
SOURCE: BÁO CÔNG AN NHÂN DÂN
Trích dẫn từ: http://thuvienphapluat.com/?CT=NW&NID=19715
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 7. TÌNH HUỐNG THỰC TIỄN, CÂU CHUYỆN PHÁP LUẬT |
Vì sao mà ông Khá có được tài sản thế chấp như vậy lại không đi vay được trực tiếp từ Ngân hàng (với 2 lần bị từ chối) ??