admin@phapluatdansu.edu.vn

HOÃN THI HÀNH LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN LÀ CẦN THIẾT

SÀI GÒN TIẾP THỊ – Không để dân chịu gánh nặng, tạo điều kiện cho người làm luật, cân nhắc phương án hoàn thiện để thực sự hợp lòng dân mới là sự lựa chọn tốt nhất. Nên hoãn thi hành luật và xúc tiến việc sửa luật, cho dù, để làm được việc đó, cần phải triệu tập một kỳ họp bất thường của cơ quan lập pháp.

Hoãn thi hành một đạo luật đã được thông qua một cách hợp hiến là một việc, trên nguyên tắc, không nên làm, nhất là trong khung cảnh của một nhà nước pháp quyền đang trong lộ trình hoàn thiện.

Tuy nhiên, đối với luật Thuế thu nhập cá nhân, có hai lý do chính để áp dụng ngoại lệ của nguyên tắc đó: Các điều kiện kinh tế – xã hội hiện tại không thuận lợi cho việc đưa luật ra thi hành, và đặc biệt, bản thân luật còn chứa đựng vài khuyết tật cơ bản, nhất là phần liên quan đến chế độ giảm trừ gia cảnh, cần khắc phục để luật không rơi vào tình trạng phản tác dụng.

Ở thời điểm luật ra đời, chưa xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Khi đó, cả người làm luật và người chịu thuế đều ở trong tư thế cho phép suy nghĩ, tính toán để có sự chuẩn bị thích hợp cho việc thi hành.

Nhưng, những gì đang diễn ra gần trước ngày luật có hiệu lực không phù hợp với những suy nghĩ, tính toán đó. Người dân vốn đã rất mệt mỏi sau những cơn vật vã trong giông bão lạm phát, rồi đến giảm phát; buộc người dân vác thêm gánh nặng thuế không phải là cách ứng xử thích hợp cho việc tạo trong mắt họ hình ảnh tích cực của người cầm quyền.

Vả lại, dù đã được chấp nhận bằng biểu quyết theo đa số, các giải pháp liên quan đến giảm trừ gia cảnh chưa thuyết phục được người chịu thuế. Đúng là so với ở các nước trong khu vực có trình độ phát triển kinh tế tương đương, hoặc cao hơn chút ít, suất giảm trừ gia cảnh được ấn định trong luật không có sự chênh lệch quá đáng.

Ràng buộc nghĩa vụ thuế không đồng thời đối với các tầng lớp xã hội khác biệt, suy cho cùng, là sự phân biệt đối xử tích cực và cần thiết. Nó có tác dụng lập lại sự bình đẳng giữa các chủ thể, vốn đã mất đi do sự can thiệp của nhiều yếu tố vào quá trình tạo thu nhập của con người: Tài năng, may mắn, môi trường sống, quan hệ xã hội thuận lợi,… Nếu đánh đồng ngay từ ngày đầu tất cả các chủ thể về phương diện trách nhiệm đóng góp cho ngân sách công, theo kiểu “cá mè một lứa”, thì, suy cho cùng, chỉ người có thu nhập thấp, người nghèo phải chịu thiệt thòi.

Có nhiều ý kiến cho rằng vẫn nên áp dụng luật Thuế thu nhập cá nhân theo đúng lộ trình; bên cạnh đó, cần thực hiện các biện pháp cho phép một số đối tượng được hưởng sự miễn, giảm. Nhưng, việc xét miễn, giảm, để bảo đảm công bằng, đòi hỏi một khung pháp lý chặt chẽ, minh bạch; việc xây dựng một khung pháp lý như thế tất nhiên không phải là chuyện ngày một, ngày hai. Hơn nữa, với phương án này, chắc chắn cơ chế xin – cho sẽ tiếp tục đồng hành với guồng máy thuế vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của tệ nạn mua bán ân huệ mưa móc, loại tệ nạn luôn gắn liền với cơ chế đó.

SOURCE: BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ NGÀY 26/12/2008

Trích dẫn từ: http://portal.mot.gov.vn/cchc/?menu=135&sub=135&kind=1&id=2625

2 Responses

  1. Có lẽ bạn financelaw cần nên xem lại lý luận bản chất và chức năng của thuế !

  2. Rất nhiều người, trong đó có tác giả bài viết, không thực sự hiểu bản chất của khủng hoảng tài chính. Có một thực tế là: ngay trong cuộc khủng hoảng, khi có nhiều người cảm thấy nghèo đi thì vẫn có nhiều người khác giàu lên vì tổng tài sản của xã hội không đổi. Vậy, việc đánh thuế là cần thiết đối với những người có thu nhập. Có lẽ tác giả không hiểu một việc: không nên gắn chính sách xã hội vào luật thuế.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading