admin@phapluatdansu.edu.vn

LỰA CHỌN MÔ HÌNH ĐIỀU CHỈNH CỦA LUẬT VỀ CÔNG NHẬN, THI HÀNH BẢN ÁN DÂN SỰ THƯƠNG MẠI CỦA TÒA ÁN NƯỚC NGOÀI

THS. DƯ NGỌC BÍCH

Đặt vấn đề

Việt Nam đang ngày càng tham gia sâu rộng vào thương mại và đầu tư quốc tế. Để xúc tiến thương mại quốc tế và đầu tư, chúng ta cần có được lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài và những đối tác nước ngoài đầu tư tại Việt Nam hay giao dịch thương mại với đối tác Việt Nam. Việt Nam cần có luật pháp mang tính ổn định và dự đoán được, trong đó phải kể đến một lĩnh vực quan trọng: công nhận và thi hành bản án dân sự thương mại của tòa án nước ngoài (sau đây gọi là bản án nước ngoài).

Hiện nay, chúng ta mới chỉ ký kết một số Hiệp định Tương trợ tư pháp trong đó có quy định vấn đề công nhận, thi hành bản án của hai nước ký kết[1], không thể bắt kịp với số lượng các quốc gia và vùng lãnh thổ đối tác đang gia tăng rất nhanh[2]. Nguyên tắc có đi có lại được bổ sung vào Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (Bộ luật TTDS 2004) được mong đợi là sẽ khắc phục khiếm khuyết của Pháp lệnh Công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài năm 1993 (đã hết hiệu lực) đối với bản án của tòa án của nước không có điều ước quốc tế. Vì vậy, việc sửa đổi luật nhằm tạo điều kiện mở rộng khả năng công nhận và thi hành bản án nước ngoài đã được nêu lên trong dự thảo thứ chín của “Đánh giá những yêu cầu toàn diện nhằm phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010”[3]. Những nhà hoạch định cũng đã đưa ra đề nghị Việt Nam gia nhập các điều ước quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp nhằm tạo thêm cơ hội để công nhận thi hành bản án nước ngoài[4].

Tuy nhiên, đàm phán thành công điều ước quốc tế đa phương không phải là công việc dễ dàng như đã được thấy qua những cố gắng trong việc đàm phán dự thảo công ước The Hague về công nhận bản án nước ngoài[5]. Và chúng ta cũng không nên chờ đợi những công ước đa phương đó[6]. Một khả năng khác là Việt Nam có thể tiếp tục ký kết các hiệp định song phương về vấn đề công nhận bản án, nhưng với khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đối tác như hiện nay thì công việc này phải tốn rất nhiều thời gian và chi phí, chưa nói đến việc có thể dẫn đến xung đột giữa một rừng hiệp định song phương. Vì vậy sửa đổi hợp lý luật trong nước về vấn đề công nhận thi hành bản án nước ngoài sẽ là một lựa chọn tốt nhất hiện nay[7].

Vấn đề đặt ra là sửa đổi luật như thế nào? Trước khi đi vào sửa đổi điều khoản cụ thể, chúng tôi kiến nghị sửa đổi cách tiếp cận các quy định về công nhận thi hành bản án nước ngoài, hay nói khác đi là kiến nghị mô hình điều chỉnh. Nhưng trước hết, chúng tôi xin được phân tích mô hình điều chỉnh của luật hiện hành.

Luật hiện hành và những hạn chế

Nếu nghiên cứu kỹ các quy định của luật hiện hành, ta có thể thấy chúng bị ảnh hưởng bởi các quy định trong đa số các Hiệp định Tương trợ tư pháp. Theo đó bản án nước ngoài được chia thành hai loại: 1) bản án không cần thi hành (chỉ đặt vấn đề công nhận) và 2) bản án cần phải thi hành (cần công nhận và thi hành). Mỗi loại có thủ tục riêng: 1) thủ tục không công nhận đối với loại bản án không cần phải thi hành, 2) thủ tục công nhận và thi hành đối với loại bản án cần phải thi hành. Cả hai thủ tục này có cùng một quy định về những trường hợp bản án nước ngoài bị từ chối công nhận (Điều 356 Bộ luật TTDS 2004): bản án nước ngoài chưa có hiệu lực pháp luật; vắng mặt do không được triệu tập hợp lệ; thuộc thẩm quyền xét xử riêng biệt của Việt Nam; đã có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án Việt Nam hoặc bản án của nước thứ ba đã được tòa án Việt Nam công nhận hoặc trước khi tòa án nước ngoài thụ lý, tòa án Việt Nam đã thụ lý và đang giải quyết vụ án đó; hết thời hiệu thi hành và trái trật tự công cộng.

Theo thủ tục không công nhận bản án nước ngoài không cần thi hành, bên phản đối bản án nước ngoài sẽ nộp đơn yêu cầu không công nhận trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, tòa án Việt Nam sẽ xem xét đơn dựa trên cơ sở các trường hợp không công nhận theo Điều 356 Bộ luật TTDS 2004.

Theo thủ tục công nhận và thi hành bản án nước ngoài cần phải thi hành, bên yêu cầu công nhận và thi hành sẽ nộp đơn yêu cầu tòa án Việt Nam công nhận và thi hành. Bên yêu cầu phải chứng minh (Khoản 1 Điều 351 Bộ luật TTDS 2004): bản án nước ngoài đã có hiệu lực pháp luật, chưa hết thời hạn thi hành, và trong trường hợp bị đơn vắng mặt, phải chứng minh bị đơn đã được triệu tập hợp lệ. Những vấn đề khác: quyền tài phán riêng biệt; đã có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án Việt Nam hoặc nước thứ ba đã được tòa án Việt Nam công nhận hoặc tòa án Việt Nam đã thụ lý và đang giải quyết; và vi phạm trật tự công cộng; có thể hoàn toàn được đặt ra bởi bên kia hoặc sẽ được chủ động kiểm tra (điều này chưa được nêu rõ trong các điều khoản luật, nhưng theo như phân tích câu chữ Điều 355, có rất nhiều khả năng) bởi tòa án Việt Nam (hoặc có thể là Kiểm sát viên).

Hạn chế của luật hiện hành

Thủ tục không công nhận bản án không có yêu cầu thi hành

Thủ tục này có lẽ thích hợp đối với các bản án không có yêu cầu thi hành của các nước ký kết các Hiệp định Tương trợ tư pháp mà có quy định vấn đề công nhận, thi hành bản án song phương với Việt Nam, theo đó, bản án của nước ký kết cho rằng được công nhận tại Việt Nam, trừ khi có đơn yêu cầu không công nhận trong thời hạn 30 ngày (Khoản 5 Điều 343, Điều 360 Bộ luật TTDS 2004). Nếu bên phản đối bản án nước ngoài muốn tòa án Việt Nam xét xử lại vụ việc, thì họ phải nộp đơn yêu cầu không công nhận trước, nếu thành công họ mới nộp đơn yêu cầu xét xử lại vụ việc, bởi vì theo Điều 413 Bộ luật TTDS 2004, tòa án Việt Nam sẽ không xem xét vụ việc mà đã có bản án của tòa án của nước đã có điều ước quốc tế với Việt Nam về vấn đề công nhận, thi hành bản án lẫn nhau. Tuy nhiên, đối với những bản án của các nước không có điều ước quốc tế với Việt Nam về vấn đề công nhận thi hành bản án, thì thủ tục trên bộc lộ những nhược điểm sau:

Thứ nhất, giả sử bên không đồng tình với bản án tòa án nước ngoài không nộp đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam trong giới hạn thời gian trên, thì vấn đề đặt ra là liệu bản án nước ngoài đó có được công nhận một cách mặc nhiên tại Việt Nam hay không. Nếu câu trả lời là khẳng định thì làm sao đảm bảo những lợi ích cần phải bảo vệ khác như bảo vệ đương sự đối với thủ tục không công bằng ở tòa án nước ngoài, hoặc những nguyên tắc cơ bản khác của Việt Nam. Nếu câu trả lời là phủ định thì thủ tục yêu cầu không công nhận trở nên không cần thiết, bởi vì một người chỉ nộp đơn yêu cầu không công nhận bản án nước ngoài nếu không làm như vậy thì bản án nước ngoài đó sẽ được công nhận tại Việt Nam[8].

Thứ hai, thủ tục yêu cầu không công nhận bản án nước ngoài không cần thi hành đòi hỏi người phản đối bản án đó đóng vai trò chủ động, đặc biệt là trong thời hạn 30 ngày luật định. Anh ta có thể nhận biết quyền này (yêu cầu không công nhận) để nộp đơn đúng thời hạn nếu rõ ràng bản án sẽ có thể được công nhận ở Việt Nam (vì có liên quan đến Việt Nam), ví dụ nếu một trong các bên đương sự ở Việt Nam, hoặc một trong những sự kiện làm phát sinh tranh chấp xảy ra ở Việt Nam[9]. Tuy nhiên, nếu vụ việc không có liên quan gì đến Việt Nam[10], anh ta có lẽ không biết đến (hoặc không nghĩ đến) quyền này, và bản án nước ngoài đó có thể lúc nào đó được nêu ra (và đặt vấn đề công nhận) như là một vấn đề phụ trong một vụ việc nào đó được thụ lý bởi tòa án Việt Nam và có thể ảnh hưởng đến kết quả của việc giải quyết vụ việc đó.

Thứ ba, giả sử bên phản đối bản án nước ngoài đã nộp đơn đúng hạn định, tòa án Việt Nam sẽ tuyên bố: 1) không công nhận bản án nước ngoài hoặc 2) bác đơn yêu cầu không công nhận (Khoản 2 Điều 362 Bộ luật TTDS 2004). Trong trường hợp thứ nhất, số phận của bản án nước ngoài đã rõ, nhưng trong trường hợp thứ hai, nó không rõ ràng là bản án nước ngoài có được công nhận hay không.

Thứ tư, đối với bản án từ chối yêu cầu về một món tiền hoặc khi bên thắng kiện không thỏa mãn với số tiền mà bản án tuyên, yêu cầu không công nhận chỉ đặt ra nhằm mục đích (sau khi đã được tòa án Việt Nam không công nhận) yêu cầu tòa án Việt Nam xét xử lại vụ việc. Tuy nhiên, đối với bản án nước ngoài không có điều ước thì bên phản đối bản án không bị ngăn cản bởi Điều 413 để mang vụ việc ra tòa án Việt Nam xem xét lại, vì vậy không có ý nghĩa gì để yêu cầu tòa án Việt Nam không công nhận bản án nước ngoài đó nữa. Giả sử rằng Điều 413 được sửa đổi để áp dụng cho tất cả các bản án nước ngoài, thì thủ tục yêu cầu không công nhận cũng không thích hợp, bởi một quyết định là bản án nước ngoài được công nhận hoặc không được công nhận mang lại hậu quả pháp lý rõ ràng hơn là quyết định bác bỏ đơn yêu cầu không công nhận. Rõ ràng sẽ hợp lý hơn nếu quy định rằng phía bên kia, nếu muốn bảo vệ quyền lợi của mình, sẽ yêu cầu tòa án Việt Nam công nhận bản án nước ngoài và bác đơn yêu cầu xem xét lại vụ việc.

Với tất cả lý lẽ trên, có thể kết luận rằng, đối với bản án của nước không có điều ước quốc tế với Việt Nam, thủ tục yêu cầu không công nhận đối với bản án không có yêu cầu thi hành là không hợp lý, mà chính thủ tục yêu cầu công nhận mới là điều cần thiết. Hay nói cách khác, vấn đề công nhận nên luôn được đặt ra bất cứ khi nào cần thiết.

Thủ tục công nhận và thi hành bản án cần phải thi hành

Đối với thủ tục công nhận và thi hành bản án cần phải thi hành, những vấn đề sau đây cần được xem xét lại:

Thứ nhất, điều kiện để người được thi hành trong bản án nước ngoài có quyền nộp đơn xin công nhận và thi hành bản án nước ngoài đó tại Việt Nam là nếu cá nhân phải thi hành cư trú, làm việc tại Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức phải thi hành có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc tài sản liên quan đến việc thi hành bản án nước ngoài có tại Việt Nam vào thời điểm gửi đơn yêu cầu (Khoản 1 Điều 344 Bộ luật TTDS 2004). Đối với người phải thi hành án là cá nhân, thì có thể hiểu điều luật bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài (nếu thỏa mãn điều kiện cư trú hoặc làm việc tại Việt Nam). Đối với người phải thi hành là tổ chức, có thể suy luận rằng điều luật chỉ áp dụng cho doanh nghiệp Việt Nam mà không áp dụng cho doanh nghiệp nước ngoài mặc dù họ có chi nhánh, văn phòng đại diện ở Việt Nam. Còn đối với tài sản liên quan đến việc thi hành án nước ngoài có tại Việt Nam vào thời điểm gửi đơn yêu cầu, sẽ không rõ là tài sản này phải là tài sản liên quan trực tiếp đến vụ kiện (tài sản đặc định) hay là tài sản nói chung của doanh nghiệp có thể dùng để thi hành án. Nhưng nếu phân tích câu chữ thì điều luật có thể được hiểu theo nghĩa thứ nhất. Và nếu như vậy, sẽ dẫn đến hệ quả là nếu bên phải thi hành không cư trú, không làm việc ở Việt Nam, không có trụ sở chính tại Việt Nam, và cũng không có tài sản liên quan trực tiếp đến việc thi hành án ở Việt Nam thì bên có quyền không thể yêu cầu tòa án Việt Nam xem xét công nhận và thi hành bản án nước ngoài tại Việt Nam, mặc dù bên phải thi hành đó có tài sản nói chung ở Việt Nam và mặc dù bản án tuyên về một số tiền. Nếu mục đích của việc công nhận và thi hành bản án nước ngoài về một số tiền là để bảo vệ quyền lợi của bên có quyền trong bản án nước ngoài đó trong việc đòi số tiền từ bên phải thi hành án, thì điều quan trọng nhất cho bên có quyền là bên có nghĩa vụ có tài sản tại Việt Nam, mà không cần phân biệt là người hay pháp nhân Việt Nam hay nước ngoài. Nếu không, sẽ không có ý nghĩa gì để nộp đơn ra tòa án Việt Nam yêu cầu công nhận, thi hành bản án nước ngoài về một số tiền. Vì vậy, điều kiện chung để người có quyền nộp đơn yêu cầu tòa án Việt Nam công nhận và thi hành bản án nước ngoài về một số tiền nên là bên phải thi hành có tài sản nói chung tại Việt Nam vào thời điểm gửi đơn yêu cầu.

Thứ hai, bên có quyền trong bản án nước ngoài phải chứng minh rằng: bản án nước ngoài có hiệu lực pháp luật; chưa hết thời hạn thi hành; và trong trường hợp bên phải thi hành bản án nước ngoài vắng mặt tại phiên tòa của tòa án nước ngoài thì bên phải thi hành đã được triệu tập hợp lệ. Những yêu cầu này sẽ được kiểm chứng bởi tòa án Việt Nam. Đối với các trường hợp không được công nhận và thi hành khác: quyền tài phán riêng biệt; đã có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án Việt Nam hoặc của nước thứ ba đã được tòa án Việt Nam công nhận hoặc tòa án Việt Nam đã thụ lý và đang giải quyết; và vi phạm trật tự công cộng, thì điều luật không nói rõ là chúng sẽ do bên phải thi hành nêu ra và chứng minh hay chúng cũng được tòa án Việt Nam (hay Viện Kiểm sát) chủ động xem xét cho dù bên có nghĩa vụ có đặt vấn đề hay không. Nếu dựa vào phân tích câu chữ của Điều 355 thì có thể được hiểu là tòa án Việt Nam cũng sẽ chủ động xem xét các trường hợp không công nhận này. Như vậy thì tất cả các trường hợp không công nhận cuối cùng đều sẽ được chủ động xem xét bởi cơ quan tư pháp của Việt Nam, và theo thủ tục thì ban đầu bản án nước ngoài có vẻ sẽ được công nhận và thi hành tại Việt Nam nếu: có hiệu lực pháp luật, chưa hết thời hiệu thi hành, và trong trường hợp vắng mặt trong phiên tòa nước ngoài thì bên có nghĩa vụ đã được triệu tập hợp lệ. Nhưng sau đó, thủ tục lại bộc lộ ra rằng, tất cả các trường hợp không công nhận sẽ được chủ động xem xét bởi cơ quan tư pháp của Việt Nam, hay nói cách khác các trường hợp không công nhận sẽ trở thành điều kiện để công nhận bản án nước ngoài. Như vậy, có thể thấy điều khoản của luật đã gây nhầm lẫn giữa những trường hợp từ chối công nhận và những điều kiện mà một bản án nước ngoài phải thỏa mãn để được công nhận và thi hành ở Việt Nam. Điều khoản luật cũng thất bại trong việc nói rõ nghĩa vụ chứng minh của các bên và vai trò của tòa án trong việc xem xét công nhận và thi hành bản án nước ngoài, điều mà trong thực tế có ý nghĩa rất quan trọng. Hơn nữa, như đã được nêu rõ[11], quy định về quyền tài phán riêng biệt (Khoản 3 Điều 356 Bộ luật TTDS 2004) rõ ràng không phải là quy định hợp lý.

Sửa đổi cách tiếp cận

Giới hạn phạm vi

Công nhận, thi hành bản án của tòa án nước ngoài là vấn đề rất phức tạp vì nó bao hàm nhiều vấn đề, nhiều giá trị phải xem xét, cân nhắc tùy thuộc vào loại bản án nước ngoài là gì, ví như hôn nhân gia đình, dân sự, thương mại, có yếu tố tài sản hay không có yếu tố tài sản. Chúng tôi giới hạn phạm vi nghiên cứu đối với bản án nước ngoài về một số tiền mang bản chất dân sự thương mại, loại trừ các bản án về phá sản, thừa kế, hôn nhân gia đình, cấp dưỡng và những vấn đề khác liên quan đến hôn nhân gia đình. Bản án về một số tiền trong lĩnh vực dân sự thương mại vì vậy được giới hạn chủ yếu đối với vấn đề hợp đồng dân sự thương mại và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trong điều kiện mà các quốc gia còn rất dè dặt trong việc công nhận bản án của tòa án nước ngoài (trừ khi có điều ước quốc tế) thì việc giới hạn như trên có thể là bước khởi đầu dễ được chấp nhận, còn những lĩnh vực khác có thể được nghiên cứu riêng, những giới hạn khác nữa sẽ được chỉ ra trong những nghiên cứu khác.

Bản án dân sự thương mại về một món tiền nghĩa là bản án quyết định về một số tiền cho bên đương sự nào đó và cần phải thi hành. Bản án về một món tiền nếu được công nhận, thì sẽ được thi hành (nghĩa là dùng sức mạnh cưỡng chế của bộ máy thi hành). Nhưng không phải tất cả các bản án về một số tiền cần phải thi hành đều cần phải công nhận, ví dụ như các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hay những quyết định tạm thời của tòa án nước ngoài. Chúng tôi chỉ nghiên cứu bản án có hiệu lực pháp lý, vì vậy vấn đề công nhận trùng với thi hành. Hay nói cách khác, công nhận là điều kiện tiên quyết của thi hành. Do đó, những kiến nghị về điều kiện công nhận có thể áp dụng cho việc xem xét công nhận và thi hành bản án nước ngoài cần phải thi hành và cũng được áp dụng để xem xét công nhận các bản án không cần thi hành (ví dụ các bản án bác bỏ, những bản án có nội dung yêu cầu về một số tiền nhưng bị bác bỏ), là những bản án chỉ đặt vấn đề công nhận để loại trừ việc cùng vụ việc đó có thể bị đem ra tòa án Việt Nam để xét xử lại.

Xác định lợi ích

Để có thể đưa ra những quy định hợp lý về vấn đề công nhận bản án nước ngoài, chúng ta cần phân tích rõ về mặt thực tiễn những lợi ích nào có liên quan trong vấn đề này cần phải được bảo vệ và cân nhắc giữa những lợi ích đó. Có thể chia thành hai nhóm lợi ích: nhóm lợi ích ủng hộ cho việc công nhận thi hành bản án nước ngoài, và nhóm lợi ích chống lại việc công nhận thi hành bản án nước ngoài.

Những lợi ích ủng hộ cho việc công nhận bản án nước ngoài

Thứ nhất, công nhận thi hành bản án nước ngoài sẽ bảo vệ lợi ích của bên thắng kiện. Vấn đề bảo vệ lợi ích này dựa trên cơ sở sự công bằng cho bên thắng kiện đó. Bởi vì, sẽ thật bất công khi buộc bên thắng kiện phải khởi đầu lại quá trình xét xử vụ việc đó lần nữa, mà lần này có thể sẽ khó khăn cho họ khi phải tập hợp lại vật chứng, nhân chứng, mà đôi khi, không thể tập hợp lại được.

Thứ hai, công nhận và thi hành bản án sẽ tạo ra môi trường pháp lý ổn định và dự đoán được. Sự phát triển của thương mại quốc tế luôn đi kèm với tranh chấp thương mại gia tăng. Điều mà các nhà kinh doanh quan tâm là làm sao bảo vệ họ trước những đối tác ngoan cố lẩn tránh việc thi hành án. Nói cách khác, họ quan tâm đến sự an toàn và dự đoán được trong các giao dịch thương mại quốc tế. Công nhận thi hành bản án nước ngoài giúp tạo cho họ lòng tin để mạnh dạn tham gia thương mại quốc tế. Các quốc gia có thể nhận thức rằng, nếu họ muốn xúc tiến thương mại quốc tế họ cần đáp ứng mong đợi này của nhà kinh doanh.

Thứ ba, công nhận và thi hành bản án nước ngoài góp phần hạn chế chi phí tư pháp của quốc gia được yêu cầu công nhận và chi phí của các bên tranh chấp. Bởi nếu một bản án nước ngoài không được công nhận, vụ việc phải được xem xét lại, điều này sẽ gây tốn kém và thêm công việc cho tòa án của nước được yêu cầu công nhận, tốn kém cho các bên tranh chấp và gây trì hoãn việc kết thúc vụ tranh chấp.

Thứ tư, công nhận và thi hành bản án nước ngoài sẽ tạo cơ hội cho bản án của nước được yêu cầu công nhận được công nhận ở nước ngoài. Điều này đặc biệt có tác dụng đối với các quốc gia áp dụng nguyên tắc có đi có lại.

Thứ năm, công nhận và thi hành bản án nước ngoài sẽ giúp tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp. Bởi bằng việc công nhận và thi hành bản án nước ngoài, các quốc gia sẽ tránh được tình huống khi luật của quốc gia A dẫn chiếu đến quyền tài phán của tòa án của quốc gia B, nhưng sau đó quốc gia A lại từ chối việc công nhận (và thi hành) bản án đó của tòa án nước ngoài (vì thiếu cơ sở pháp lý ví dụ như không có điều ước quốc tế và luật quốc gia cũng không quy định).

Nhóm lợi ích chống lại việc công nhận thi hành bản án nước ngoài

Thứ nhất, công nhận thi hành bản án nước ngoài mà không có điều ước quốc tế có thể là việc làm đi ngược lại chủ quyền quốc gia của nước được yêu cầu công nhận. Theo nguyên tắc chủ quyền quốc gia, bản án tòa án của một nước chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó. Tuy nhiên, công nhận thi hành bản án nước ngoài không vi phạm nguyên tắc chủ quyền quốc gia của quốc gia được yêu cầu bởi đây là vấn đề lựa chọn của quốc gia đó (công nhận hay không công nhận), hoàn toàn không phải là việc áp đặt từ bên ngoài[12]. Hay nói cách khác, quốc gia chọn việc công nhận thi hành bản án nước ngoài theo trình tự, thủ tục và điều kiện do chính quốc gia đó đặt ra cho nó. Điều này hoàn toàn không đi ngược lại chủ quyền của quốc gia đó.

Thứ hai, công nhận thi hành bản án nước ngoài có thể gây bất công cho bên thua kiện nếu họ là nạn nhân của một thủ tục tư pháp bất công ở tòa án nước ngoài. Thủ tục tư pháp bất công có thể kể đến là việc tòa án nước ngoài áp đặt quyền tài phán quá đáng, hoặc liên quan đến việc triệu tập, thông báo, quyền trình bày, tham gia phiên tòa của bị đơn. Đây là vấn đề bảo đảm thực thi công bằng mà trên thực tế các quốc gia được yêu cầu công nhận đều quan tâm và luôn xem xét tùy mức độ khác nhau, nhất là đối với bản án của tòa án của nước không có điều ước quốc tế.

Thứ ba, công nhận và thi hành bản án nước ngoài có thể dẫn đến hệ quả xâm phạm những nguyên tắc cơ bản (hay trật tự công cộng) của hệ thống pháp luật của quốc gia được đề nghị. Do luật của các quốc gia có thể rất khác nhau, nên hiệu lực của bản án của tòa án nước ngoài có thể xâm phạm những nguyên tắc cơ bản mà quốc gia được yêu cầu công nhận muốn bảo vệ. Thực tế là tất cả các quốc gia đều bảo lưu vấn đề trật tự công cộng đối với việc xem xét công nhận thi hành bản án nước ngoài.

Trên đây là phân tích những lợi ích có liên quan trong vấn đề công nhận thi hành bản án nước ngoài. Nếu cân nhắc những lợi ích này với nhau thì rõ ràng có thể thuyết phục Việt Nam nên công nhận thi hành bản án kể cả của những nước không có điều ước quốc tế. Nếu như vậy, Việt Nam sẽ đạt được nhiều lợi ích quan trọng không chỉ cho đương sự mà còn cho chính Việt Nam. Mặt khác, một số ngoại lệ cần được bảo lưu để hạn chế những mặt tiêu cực từ việc công nhận thi hành bản án nước ngoài (như trật tự công cộng, đảm bảo công bằng cho bị đơn). Vấn đề đặt ra là làm sao xây dựng những quy định có thể cân bằng hai mặt của vấn đề và đạt được lợi ích tối đa mang lại từ việc công nhận thi hành bản án nước ngoài.

Lựa chọn mô hình

Trước khi đi vào những điều khoản chi tiết, cần xác định mô hình điều chỉnh của luật đối với vấn đề công nhận thi hành bản án nước ngoài, bởi vì điều này sẽ giúp định hướng xây dựng những điều khoản của luật.

Do nghiên cứu chỉ giới hạn đối với bản án có hiệu lực pháp luật (đã được xét xử dứt điểm bởi một cấp xét xử), không bao gồm những quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, hay những quyết định tạm thời của tòa án, nên vấn đề công nhận trùng với thi hành.

Thực tiễn cho thấy có ba mô hình được áp dụng trong pháp luật của các nước[13]: 1) liệt kê các điều kiện mà một bản án nước ngoài phải thỏa mãn để được công nhận thi hành; 2) liệt kê các trường hợp từ chối công nhận thi hành; 3) vừa liệt kê các điều kiện mà một bản án nước ngoài phải thỏa mãn để được công nhận thi hành và liệt kê các trường hợp từ chối công nhận thi hành.

Mô hình thứ nhất liệt kê các điều kiện mà một bản án nước ngoài phải thỏa mãn để được công nhận thi hành ở nước được yêu cầu công nhận. Bên thắng kiện có nghĩa vụ phải chứng minh để thỏa mãn những điều kiện này và tòa án của nước được yêu cầu công nhận phải chủ động kiểm tra những điều kiện này. Khi những điều kiện này được thỏa mãn thì bản án nước ngoài được công nhận thi hành ở nước được yêu cầu công nhận.

Mô hình thứ hai liệt kê các trường hợp từ chối công nhận thi hành. Nếu bản án nước ngoài rơi vào một trong những trường hợp này thì sẽ bị từ chối công nhận. Đối với mô hình này có ba khả năng xảy ra: 1) Nếu những trường hợp này được chủ động kiểm tra bởi tòa án của nước được yêu cầu thì đây thực chất là các điều kiện mà một bản án nước ngoài phải thỏa mãn, tức giống như mô hình thứ nhất; 2) Nếu những trường hợp này không được chủ động kiểm tra bởi tòa án của nước được yêu cầu mà chỉ bởi sự phản đối (hay tự vệ) của bị đơn (hay bên thua kiện) thì điều này có nghĩa rằng bản án nước ngoài về nguyên tắc được công nhận thi hành tại quốc gia được yêu cầu trừ khi có sự phản đối của bên bị đơn (hay bên thua kiện); 3) hoặc có thể những trường hợp này sẽ bao gồm một số điều kiện công nhận và một số trường hợp phản đối được nêu bởi bị đơn như mô hình thứ ba.

Mô hình thứ ba thiết lập những điều kiện mà một bản án phải thỏa mãn như trường hợp mô hình thứ nhất. Khi những điều kiện này thỏa mãn thông qua nghĩa vụ chứng minh của bên thắng kiện và tòa án nước được yêu cầu chủ động kiểm tra thì bản án nước ngoài đó về nguyên tắc sẽ được công nhận bởi nước được yêu cầu. Mặt khác, mô hình này cũng thiết lập những cơ sở tự bảo vệ mà bên phản đối việc công nhận thi hành bản án nước ngoài phải chủ động nêu ra và tòa án của nước được yêu cầu có quyền chấp nhận hay không hoặc tòa án phải từ chối công nhận bản án nước ngoài nếu tòa án thỏa mãn với những chứng minh của bên thua kiện.

Có thể nhận xét rằng, đối với mô hình thứ nhất, tòa án của nước được yêu cầu công nhận hoàn toàn kiểm soát việc công nhận bản án nước ngoài. Mô hình này có thể đáp ứng yêu cầu bảo vệ ở mức tối đa các lợi ích mà quốc gia được yêu cầu quan tâm. Tuy nhiên, nó có thể gây khó khăn cho việc công nhận thi hành bản án nước ngoài vốn cũng mang lại những lợi ích khác. Khả năng thứ hai của mô hình thứ hai đề xuất một cơ chế rất tự do theo đó tòa án của nước được yêu cầu công nhận không kiểm soát vấn đề công nhận thi hành bản án nước ngoài mà để cho bên phản đối việc công nhận bản án nước ngoài tự bảo vệ lợi ích của họ. Tuy nhiên, những lợi ích có nguy cơ bị đe dọa khác sẽ không được bảo vệ chắc chắn. Khả năng thứ ba của mô hình thứ hai tương tự như mô hình thứ ba, tuy nhiên, không như mô hình thứ ba, nó không thể hiện rõ trách nhiệm chứng minh của các bên và vai trò của tòa án của nước được yêu cầu công nhận, là điều rất quan trọng trong thực tiễn áp dụng. Mô hình thứ ba đề xuất một hướng dung hòa, theo đó, tòa án của nước được yêu cầu công nhận sẽ kiểm soát việc công nhận thi hành bản án nước ngoài ở mức độ nhất định và để cho bên phản đối việc công nhận bản án nước ngoài bảo vệ lợi ích của họ ở mức độ nhất định. Mô hình này có thể được xem là tối ưu khi nó có thể dung hòa được các lợi ích có liên quan trong vấn đề công nhận thi hành bản án nước ngoài. Theo đó, đối với những lợi ích quan trọng nhất cần phải được bảo vệ sẽ được đặt vào danh sách các điều kiện công nhận, những lợi ích khác ít quan trọng hơn sẽ được đặt vào danh sách tự bảo vệ[14]. Bằng cách đó, việc công nhận bản án nước ngoài sẽ có thể nhanh chóng, dễ dàng hơn và tòa án nước yêu cầu vẫn có thể bảo vệ được những lợi ích quan trọng nhất. Hơn nữa, mô hình này cũng sẽ giải quyết những vấn đề về thủ tục trong luật hiện hành Việt Nam như đã được phân tích ở trên. Thứ nhất, nó làm sáng tỏ nghĩa vụ chứng minh giữa các bên và vai trò của tòa án Việt Nam. Thứ hai, bằng việc quy định những điều kiện cho việc công nhận không chỉ cho mục đích thi hành mà còn cho mục đích ngăn ngừa việc vụ việc sẽ được yêu cầu xét xử lại[15], những bất hợp lý phát sinh từ thủ tục yêu cầu không công nhận trong luật Việt Nam hiện hành sẽ được loại trừ. Bởi vì, bất kỳ khi nào một bản án nước ngoài nào đó cần được nêu ra nhằm ngăn chặn việc tiến hành thủ tục xét xử lại vụ việc tại tòa án Việt Nam, bên có lợi ích liên quan sẽ cần phải yêu cầu công nhận bản án nước ngoài đó nhằm mục đích ngăn chặn hoặc chấm dứt thủ tục xét xử lại vụ việc tại tòa án Việt Nam, không cần thiết để bên kia nộp đơn yêu cầu không công nhận trước.

Theo chúng tôi, Việt Nam nên chọn mô hình thứ ba khi tiến hành sửa đổi quy định về công nhận thi hành bản án nước ngoài. Tuy nhiên, để bảo đảm tính ổn định và dự đoán được của luật thì tòa án được yêu cầu công nhận phải từ chối công nhận nếu bên phản đối việc công nhận bản án đó chứng minh được một trong những trường hợp tự bảo vệ. Công ước 2005 nhằm mục đích dành cho các nước thành viên quyền định đoạt những trường hợp tự bảo vệ có được chấp nhận để từ chối công nhận bản án nước ngoài hay không[16]. Tuy nhiên, trong luật quốc gia những vấn đề này nên được xác định rõ ràng nhằm mục đích tạo sự ổn định và dự đoán được, hạn chế sự tùy nghi của tòa án. Vì vậy, mô hình của quy phạm về công nhận bản án nước ngoài không có điều ước quốc tế với Việt Nam có thể được xây dựng như sau:

1. Trong trường hợp không có điều ước quốc tế áp dụng, bản án nước ngoài trong lĩnh vực dân sự thương mại sẽ được công nhận (và thi hành) tại Việt Nam nếu:

a…

2. Bản án nước ngoài mặc dù thỏa mãn điều kiện công nhận được quy định trong Khoản 1 Điều này, sẽ bị từ chối công nhận nếu bên phản đối công nhận chứng minh được, hoặc bản án nước ngoài đó rõ ràng thể hiện trước tòa án Việt Nam:

a…”./.

—————————————————
Chú thích:

[1] Việt Nam đã ký kết Hiệp định Tương trợ tư pháp trong đó có quy định vấn đề công nhận thi hành bản án của hai nước ký kết với các quốc gia sau: với Tiệp Khắc (ngày 12/10/1982) ngày nay cả Czech và Slovak đều thừa kế Hiệp định này; với Cuba (ngày 30/11/1984); với Hungary (18/01/1985); với Bulgaria (3/10/1986); với Ba Lan (23/03/1993); với Nga (25/08/1998), với Lào (6/07/1998); với Trung Quốc (19/10/1998); với Pháp (24/02/1999), Ukraine (6/04/2000), Mông Cổ (17/04/2000), Belarus (14/09/2000).

[2] Việt Nam đã có quan hệ thương mại và đầu tư với khoản 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

[3] Dự thảo thứ chín “Đánh giá những yêu cầu tòan diện nhằm phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010”, 30/03/2002, tr.25-26.

[4] Như trên.

[5] Công ước the Hague 1971 về bản án dân sự thương mại đã không thành công vì chỉ có bốn quốc gia phê chuẩn công ước là Cyprus, Hà Lan, Kuwait và Bồ Đào Nha, tuy nhiên những quốc gia này vẫn phải ký kết các hiệp định song phương để thực thi công ước giữa các quốc gia này với nhau. Dự thảo công ước The Hague mới ban đầu dự định bao quát nội dung rộng về quyền tài phán và công nhận thi hành bản án nước ngoài do Mỹ khởi xướng năm 1992, sau hơn 10 năm đàm phán, công ước cuối cùng được ký kết ngày 30/06/2005 với nội dung thu hẹp: Công ước về thỏa thuận chọn tòa án (Convention on Choice of Court Agreement), công ước này hiện đang để ngỏ cho các quốc gia phê chuẩn và hiện nay chỉ có Mexico đã phê chuẩn công ước.

Xem http://www.hcch.net/index_en.php?act=conventions.text&cid=98

[6] Công ước về Thỏa thuận chọn tòa án – 2005 (convention on choice of court agreement) hiện đang mở cho tất cả các quốc gia phê chuẩn. Việt Nam cần xem xét có nên phê chuẩn tham gia công ước này hay không. Tuy nhiên không phải tất các các quốc gia có quan hệ thương mại đầu tư với Việt Nam đều sẽ tham gia công ước này, hơn nữa, phạm vi điều chỉnh của công ước rất hẹp, chỉ giới hạn trong vấn đề thỏa thuận lựa chọn tòa án giải quyết tranh chấp và công nhận thi hành bản án của tòa án đó.

[7] Trong khi việc đàm phán một công ước đa phương về công nhận thi hành bản án nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn do những khác biệt giữa các hệ thống pháp luật của các nước, việc sửa đổi luật quốc gia để tạo thêm cơ hội công nhận thi hành bản án nước ngoài sẽ là bước khả thi nhằm rút ngắn những khác biệt trong luật của các quốc gia, từ đó, đổi lại, có thể làm cho việc đàm phán ký kết công ước đa phương trở nên dễ dàng hơn.

[8] Như đối với trường hợp của bản án nước ngoài có điều ước quốc tế với Việt Nam.

[9] Như đối với một số vụ việc được điều chỉnh trong các Hiệp định Tương trợ tư pháp liên quan giữa hai quốc gia ký kết.

[10] Điều này cũng có thể xảy ra đối với những bản án của tòa án của nước có ký kết Hiệp định Tương trợ tư pháp với Việt Nam trong đó có quy định vấn đề công nhận lẫn nhau bản án của nước ký kết không chỉ giới hạn trong những bản án có liên quan đến hai quốc gia, ví dụ điển hình là Hiệp định Tương trợ tư pháp với Cộng hòa Pháp.

[11] Xem Dư Ngọc Bích, “Nguyên tắc có đi có lại có phải là giải pháp?”, Tạp chí NCLP số 8 (43) 08/2004, tr.61-

[12] Xem Ho, H.L. Policies Underlying the Enforcement of Foreign Commercial Judgments, International and Comparative Law Quarterly, Vo.46, tr. 449.

[13] Xem Du Ngoc Bich: Recognition and enforcement of foreign judgments in civil and commercial matters: A proposal for Vietnam, Hephaestus Publishers The Netherlands, 2006.

[14] Dĩ nhiên danh sách các điều kiện công nhận vẫn có thể được sử dụng bởi bên muốn phản đối việc công nhận để phản đối việc công nhận. Ý nghĩa của việc phân biệt hai danh sách đó là nhằm phân định nghĩa vụ chứng minh của các bên và vai trò của tòa án nước được yêu cầu công nhận. Điều này rất có ý nghĩa về mặt thực tiễn áp dụng.

[15] Như đã được quy định tại Điều 413 Bộ luật TTTDS 2004, giả định rằng điều khoản này được sửa đổi áp dụng cho tất cả các bản án có thể công nhận thi hành của tất cả các nước, không chỉ của các nước có điều ước quốc tế.

[16] Điều 9 Công ước 2005: recognition or enforcement may be refused if

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ:

http://www.nclp.org.vn/nha_nuoc_va_phap_luat/lua-chon-mo-hinh-111ieu-chinh-cua-luat-ve-cong-nhan-thi-hanh-ban-an-dan-su-thuong-mai-cua-toa-an-nuoc-ngoai

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading