MAI MINH
Công an trả chiếc ôtô bị “thế chấp lén” cho chủ sở hữu vì không liên quan gì đến vụ việc, người nhận thế chấp lại đâm đơn khắp nơi đòi bồi thường… Cuối tháng 6-2008, do nợ ông Ch., ngụ quận An Lão (TP Hải Phòng) hơn một tỷ đồng nên ông Ph., ngụ quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) đã mượn chiếc xe hơi Toyota Altis của bạn rồi tự đem đi… thế chấp cho ông Ch. Rắc rối đã phát sinh từ chuyện “thế chấp lén” này.
Xe hoàn chủ sở hữu
Quá hạn trả nợ mà vẫn chưa xoay được tiền để lấy xe về, ông Ph. nghĩ ra cách là làm đơn gửi Công an quận An Lão bịa chuyện tố cáo ông Ch… cưỡng đoạt tài sản của mình. Nhận được tin báo, công an đã xuống làm việc với ông Ch. và tạm giữ chiếc ôtô tang vật. Sau khi xác minh, nhận thấy đây chỉ là vụ việc dân sự, công an đã hướng dẫn các bên đưa nhau ra tòa giải quyết theo thủ tục dân sự.
Với chiếc Toyota Altis đã bị tạm giữ, công an xác định người đứng tên xe là vợ người bạn đã cho ông Ph. mượn xe. Làm việc với công an, bà này mếu máo: “Ông Ph. mượn xe tui rồi dông đi mất, sau đó nói là xe cho bạn mượn ít bữa. Tui đâu có đồng ý thế chấp xe cho ai đâu”. Xác định được chủ sở hữu hợp pháp của chiếc xe không có liên quan gì đến vụ việc, Công an quận An Lão đã trả xe cho bà này.
Kiện công an được không?
Vụ việc đến đây phát sinh một tình tiết pháp lý đáng chú ý là khi thấy “vật thế chấp” của mình “biến mất”, ông Ch. liền đâm đơn khiếu nại Công an quận An Lão khắp nơi. Theo ông, việc công an tự ý giao trả xe cho chủ xe là sai, gây thiệt hại đến quyền lợi của ông nên phải bồi thường thiệt hại. Ông lập luận: Nếu đây là vụ án hình sự thì chiếc xe là tang vật của vụ án, phải được giải quyết theo các thủ tục tố tụng hình sự. Còn nếu là vụ án dân sự thì chiếc xe phải được giao sang tòa để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Theo luật sư Tô Ngọc Minh Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), thế chấp tài sản là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Theo khoản 1 Điều 342 Bộ luật Dân sự, bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên nhận thế chấp. Như vậy, một trong những yếu tố quan trọng nhất khi đi thế chấp là tài sản thế chấp phải thuộc quyền sở hữu của người thế chấp chứ không được mượn ai cả. Trong trường hợp này, yếu tố quan trọng nhất đã không được đáp ứng nên đương nhiên giao dịch thế chấp xe vô hiệu.
Luật sư Tuấn cũng nhận xét việc Công an quận An Lão trao trả xe cho chủ sở hữu là hoàn toàn đúng. “Chiếc xe không có liên quan gì, chủ xe cũng chẳng dính dáng gì đến quan hệ nợ nần giữa chủ nợ và con nợ nên nó không phải là vật chứng hay tang vật gì cả”. Vì vậy, trong vụ này, chủ nợ chỉ có thể khởi kiện con nợ ra tòa, yêu cầu con nợ phải trả tiền chứ còn khiếu kiện đòi đưa chiếc xe vào vòng tố tụng dân sự và đòi công an bồi thường thiệt hại sẽ không có kết quả.
Có vu khống?
Trong vụ này, ông Ph. đem xe bạn đi thế chấp. Không trả được nợ để lấy lại xe, ông dựng chuyện tố ông Ch. cưỡng đoạt tài sản khiến công an phải vào cuộc. Hành vi này theo pháp luật bị xử lý ra sao?
Theo Điều 122 BLHS, người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Nếu vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm…
Ở đây, ông Ph. bịa chuyện tố ông Ch. cưỡng đoạt chiếc Toyota Altis là đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội vu khống (bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền). Tùy vào giá trị của chiếc Toyota Altis là bao nhiêu mà ông Ph. sẽ bị xử lý theo khoản 1 hay khoản 2 Điều 122 BLHS. Cụ thể, nếu giá trị chiếc xe dưới 200 triệu đồng thì ông Ph. bị xử lý theo khoản 1, nếu trên 200 triệu đồng là khoản 2 (vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng).
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/news/toa-an/view.aspx?news_id=237059
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 7. TÌNH HUỐNG THỰC TIỄN, CÂU CHUYỆN PHÁP LUẬT |
Leave a Reply