MỸ DUYÊN
Phòng Công chứng Nhà nước số 1 chậm chứng thực một ngày để “xác minh” theo văn bản “đề nghị ngăn chặn của văn phòng luật sư” dẫn đến việc đương sự chậm trễ thực hiện hợp đồng với đối tác và bị phạt 830 triệu đồng. Thiệt hại này ai chịu?
Đó là trường hợp của Công ty TNHH Vận tải biển Cửu Long (Cty Cửu Long) trụ sở tại 47 Cửu Long, phường 2, Tân Bình, TPHCM. Đại diện cho Cty Cửu Long, bà Nguyễn Thị Nghiệp – Giám đốc công ty – đã gửi văn bản khiếu nại đến Vụ khiếu tố khiếu nại (thuộc Văn phòng Chính phủ), Vụ quản lý luật sư (Bộ Tư pháp), Sở Tư pháp Hà Nội, Đoàn Luật sư Hà Nội… để kêu cứu về trường hợp bị thiệt hại rất oan ức của doanh nghiệp này.
Ngày 19-8-2008, Công ty Cửu Long ký hợp đồng mua tàu biển với Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Sài Gòn. Để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng này, Cty Cửu Long ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – chi nhánh Phú Mỹ Hưng để vay một số tiền, với tài sản thế chấp là một con tàu khác của công ty. Ngày 11-9-2008, Cty Cửu Long và đại diện ngân hàng đến Phòng công chứng nhà nước (CCNN) số 1 thành phố Hồ Chí Minh nộp hồ sơ yêu cầu chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản là con tàu Hoàng Long của Cty Cửu Long.
Các bước như ký tên, đóng dấu, lăn tay giữa hai bên được công chứng viên hướng dẫn thực hiện bình thường, nhưng đến quy trình xác nhận, chứng thực thì công chứng viên Từ Dương Tuấn – Phó trưởng phòng Công chứng Nhà nước số 1 – thông báo cho hai bên biết “chưa thể công chứng hồ sơ này, do trước đó vào ngày 20-5-2008, phòng công chứng nhận được văn bản yêu cầu của Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và Cộng sự (trụ sở tại Hà Nội), đề nghị các phòng công chứng trên địa bàn TPHCM tạm dừng công chứng các hồ sơ liên quan đến việc chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh hay cho thuê các tài sản: nhà 47 Cửu Long, tàu Hoàng Long, tàu Long Vân (tài sản của Cty Cửu Long).
Quá bức xúc trước việc này, bởi tàu Hoàng Long cũng như các tài sản trên là tài sản hợp pháp của cá nhân và Cty Cửu Long (khi ký hợp đồng và đến phòng công chứng, bà Nghiệp đương nhiên mang theo các loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với con tàu trên), bà Nghiệp đề nghị Phòng CCNN số 1 phải giải thích rõ ràng lý do không chứng thực hợp đồng cho bà.
Ngày hôm sau, 12-9-2008, ông Từ Dương Tuấn mới cho mời đại diện Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và Cộng sự đến làm việc. Ông Tuấn yêu cầu phía văn phòng luật sư này cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh nội dung yêu cầu “dừng chứng thực” của mình đối với tài sản của bà Nghiệp và cả văn bản đề nghị ngăn chặn của cơ quan có thẩm quyền thì luật sư Nguyễn Sơn Hải – đại diện văn phòng luật sư này – cho biết, văn phòng luật sư của ông là đại diện theo ủy quyền của phạm nhân Ngô Đức Minh (tức Minh “sứt” – hiện đang thụ án chung thân về tội buôn bán ma túy tại trại giam Xuân Lộc) đang khởi kiện tại tòa tranh chấp căn nhà 47 Cửu Long (hiện do bà Nghiệp đứng tên chủ sở hữu) phường 2, Tân Bình.
Còn các tài sản khác chưa khởi kiện vì “văn phòng luật sư đang thu thập chứng cứ”. Luật sư Nguyễn Sơn Hải cho rằng phòng công chứng được quyền chứng thực đối với tài sản trên nhưng “phải thông báo cho bên cho vay (ngân hàng) biết về việc Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và Cộng sự sẽ khởi kiện tranh chấp đối với tàu Hoàng Long theo yêu cầu của ông Ngô Đức Minh”.
Sau khi tiến hành lập biên bản làm việc với đại diện văn phòng luật sư, với Cty Cửu Long và đại diện ngân hàng, buổi chiều cùng ngày, ông Tuấn mới tiến hành chứng thực cho hợp đồng thế chấp tài sản giữa Cty Cửu Long với ngân hàng trên. Tuy nhiên, việc chứng thực hoàn tất vào cuối giờ chiều ngày thứ sáu, 12-9-2008, nên việc giải ngân của ngân hàng không kịp trong ngày để Cty Cửu Long thanh toán tiền đặt cọc cho phía đối tác bán tàu (hạn chót đóng tiền cọc lần 1 để mua tàu là hết ngày 12-9-2008). Ngày thứ bảy và chủ nhật, ngân hàng cũng không làm việc. Mãi đến thứ hai, 15-9-2008, Cty Cửu Long mới nhận được tiền từ ngân hàng để thanh toán cho đối tác. Và như vậy, Cty Cửu Long đã vi phạm hợp đồng do thanh toán trễ so với hợp đồng. Ngày 16-9-2008, phía bán tàu đã phát văn bản thông báo về việc Cty Cửu Long thanh toán chậm và bị phạt số tiền 830 triệu đồng.
Bà Nghiệp bức xúc: “Vì kiểu làm ăn tắc trách của những cá nhân và cơ quan có trách nhiệm đã gây thiệt hại nặng nề cho công ty chúng tôi. Tôi không hiểu Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và Cộng sự có quyền gì mà được phép đề nghị ngăn chặn giao dịch đối với tài sản của chúng tôi. Rồi phòng công chứng tại sao lại phải làm theo “đề nghị ngăn chặn” của văn phòng luật sư. Lẽ nào phòng công chứng lại không hiểu rằng văn phòng luật sư không phải là cơ quan có thẩm quyền ra văn bản “đề nghị ngăn chặn”?
Theo quy định, chỉ có 5 cơ quan có thẩm quyền được phép ra văn bản ngăn chặn gồm: cơ quan điều tra, tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, ủy ban nhân dân các cấp. Như vậy, văn phòng luật sư không hề có chức năng ra văn bản ngăn chặn. Nếu văn phòng luật sư có các chứng cứ chứng minh thì có thể cung cấp và đề nghị cho cơ quan có thẩm quyền để cơ quan này ra văn bản đề nghị ngăn chặn. Điều này hẳn phòng công chứng nhà nước phải biết, nhưng không hiểu sao trong trường hợp này lại làm theo “đề nghị” của một văn phòng luật sư thì rất khó hiểu. Mới đây, Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và Cộng sự đã gửi văn bản phúc đáp cho bà Nghiệp, với nội dung “…với tư cách là người đại diện theo ủy quyền của ông Ngô Đức Minh và để bảo vệ tài sản cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của ông Ngô Đức Minh, Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và Cộng sự có quyền nhân danh ông Ngô Đức Minh phát hành các công văn nêu trên…”. Bà Nghiệp cho biết, đang làm các thủ tục cần thiết để khởi kiện các bên liên quan đã trực tiếp và gián tiếp gây thiệt hại cho công ty của bà. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc để phản ánh đến bạn đọc được rõ.
SOURCE: BÁO CÔNG AN TPHCM
Trích dẫn từ:
http://www.phapluattp.vn/news/nha-nuoc/view.aspx?news_id=230951
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 7. TÌNH HUỐNG THỰC TIỄN, CÂU CHUYỆN PHÁP LUẬT |
Leave a Reply