TS. NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Cần cá nhân hóa triệt để trách nhiệm pháp lý gắn với chức vụ công và nhất là phải làm thế nào để, khi làm điều trái khoáy, người thực hiện công vụ buộc phải nhận trách nhiệm, dù không muốn. Chỉ khi đó, quan chức mới biết thận trọng, mẫn cán trong việc thực hiện phận sự công mà xã hội đã giao cho mình.
Chất lượng kém của công tác dự báo thời tiết bộc lộ ngày càng rõ, với những sai biệt lớn giữa số liệu trước và sau khi xảy ra sự kiện. Tác hại của việc dự báo sai cũng càng lúc càng nghiêm trọng; đỉnh điểm gần nhất là thiệt hại trong đợt mưa lịch sử tại Hà Nội cuối tháng qua.
Khi được hỏi, thì những người có trách nhiệm trong ngành khí tượng thủy văn dẫn ra nhiều nguyên nhân mà việc khắc phục có vẻ ngoài tầm với của họ: thiết bị lạc hậu, vùng dự báo thuộc loại khó (?!), trình độ, năng lực của cán bộ chưa theo kịp các yêu cầu mới của công tác; đội ngũ kế thừa quá yếu kém; nhiều diễn biến thời tiết phức tạp, khó lường trong bối cảnh thay đổi khí hậu toàn cầu, khiến cho, thậm chí ở các nước tiên tiến, người ta cũng không đối phó nổi một cách hiệu quả…
Thực ra sai lầm trong dự báo thời tiết không phải là hiện tượng mới; cũng không thể coi đó là biểu hiện xáo trộn hoặc hụt hơi bất chợt, thoáng qua, trước những tác động từ bên ngoài không kiểm soát được, của một hệ thống quản lý ổn định, có nền nếp và đã vận hành suôn sẻ trong thời gian dài.
Đầu năm, miền Bắc chịu một đợt rét chưa từng thấy. Không ai, kể cả những người làm dự báo thời tiết, tiên đoán được rằng rét lại đậm, kéo dài và tác hại đến như thế. Do bị động, phản ứng của các nhà chức trách có thẩm quyền và cộng đồng hơi chậm, cũng không thích đáng. Điều này đã khiến cho thiệt hại vật chất càng nặng nề.
Cách nay bốn năm, cơ quan khí tượng thủy văn đã dự đoán sai đường đi của bão Chanchu, hậu quả là hàng ngàn tàu đánh cá đã đi vào tâm bão và bị đánh tan; nhiều số phận, cho đến nay, vẫn vô định. Cách đó hơn 10 năm, cũng việc dự báo sai về diễn biến một cơn bão cuối mùa ở Nam biển Đông đã đẩy hàng ngàn ngư dân miền Tây Nam bộ vào chỗ chết.
Có một cách khác để lý giải tình trạng sai biệt giữa dự báo và hiện thực về thời tiết. Có thể những người làm công tác dự báo chưa bao giờ đủ sức bảo đảm chất lượng công việc của mình: lâu nay, họ thường dự báo kiểu hú họa, nếu chính xác, thì xuôi chuyện và được nhờ; nếu sai, thì rút kinh nghiệm. Sai lầm hẳn đã xảy ra thường xuyên, nhưng có lúc tác hại không lớn, không gây sự chú ý của dư luận. Đến khi các diễn biến thời tiết cực đoan xảy ra với mật độ dày đặc, thì sự yếu kém mới bộc lộ đầy đủ, thể hiện thành những sai lầm liên tục, với cách biệt to lớn giữa con số đưa ra từ bàn giấy và con số ghi nhận từ hiện thực.
Nếu cách lý giải này đúng, thì chắc chắn, những người trong cuộc, những người thực hiện công việc, thừa biết rằng mình làm liều. Vấn đề là tại sao biết việc mình làm là phiêu lưu, mà họ vẫn làm. Trả lời phỏng vấn một tờ báo, đối với một câu hỏi tương tự, liên quan đến những sai sót trong việc dự báo về lượng mưa, một người có trách nhiệm trong ngành dự báo thời tiết phân trần: đó là do chịu sức ép của công chúng và của các cơ quan nhà nước. Rõ hơn, họ cho rằng xã hội, nhà chức trách cần (hay đòi hỏi) những thông tin thật cụ thể, nghĩa là có kèm theo các số liệu, về tình hình thời tiết; dù không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu, nhưng họ cứ làm bừa, có lẽ vì sợ bị chê là bất tài, rồi… sẽ tùy cơ ứng biến.
Dẫu sao, do bản năng sinh tồn, tự bảo vệ đặc trưng cho mỗi thực thể sống mà, nếu biết rằng mình có nguy cơ bị trừng phạt do làm một việc gì đó, thì con người ta chẳng dại gì làm việc đó một cách công nhiên. Còn người ta cứ làm liều, hẳn vì họ tin rằng việc áp dụng chế tài pháp lý đối với mình, ít nhất trong khung cảnh pháp luật hiện hành, không phải là việc dễ thực hiện.
Đây không chỉ là vấn nạn của riêng ngành dự báo thời tiết. Dư luận vẫn chưa thôi bức xúc về những quyết định được đưa ra trong năm, từ những dự báo sai về tình hình cung cầu lương thực, gây hậu quả thiệt hại nặng nề cho người nông dân. Kiểu lý giải quanh co, chối bỏ trách nhiệm mỗi khi sai sót bị phát hiện, cũng không phải là cách ứng xử chỉ xuất hiện ở các quan chức ngành dự báo thời tiết.
Người dân đã quen thấy, trong khuôn khổ chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, không ít bộ trưởng sử dụng rất thành thạo các phương pháp đùn đẩy trách nhiệm để hóa giải mọi ràng buộc chính trị, pháp lý vào những việc mà, suy cho cùng, thuộc chức năng quản lý của họ.
Cần cá nhân hóa triệt để trách nhiệm pháp lý gắn với chức vụ công và nhất là phải làm thế nào để, khi làm điều trái khoáy, người thực hiện công vụ buộc phải nhận trách nhiệm, dù không muốn. Chỉ khi đó, quan chức mới biết thận trọng, mẫn cán trong việc thực hiện phận sự công mà xã hội đã giao cho mình.
SOURCE: THỜI BÁO KINH TẾ VIỆT NAM
Trích dẫn từ:
http://news.VIBOnline.com.vn/Home/ykienchuyengia/2008/12/3340.aspx
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI |
Leave a Reply