HOÀNG TƯỜNG
Bên cạnh hành trình 26 năm đòi nhà của một công dân đã xuất hiện những đối tượng móc nối để trục lợi. Điều đặc biệt là họ rất am tường vụ việc… Theo tài liệu của chúng tôi có được, căn nhà 309 Hai Bà Trưng, quận 3-TPHCM có chủ sở hữu là ông Giáo Sính. Tuy nhiên, do có sự nhầm lẫn nên vẫn liệt vào diện nhà công sản của chế độ cũ và bị xác lập sở hữu Nhà nước (SHNN), sau đó bán lại cho người lưu thuê theo Nghị định 61/CP.
Lá đơn thứ… 210!
Sau ngày 30-4-1975, ông Giáo Sính có mua căn nhà trên, việc mua bán được sự chấp thuận của UBND quận 3 và đã trước bạ theo quy định. Ngoài ra, khi mua căn nhà trên, ông Giáo Sính còn ủng hộ cho địa phương 110.000 đồng tiền thời bấy giờ (hiện vẫn còn biên nhận mang số 131/Q3 ngày 28-8-1975 do ông Ngô Hải Tiếc, Phó Chủ tịch UBND quận 3, ký). Do tình cảnh những năm đầu giải phóng còn khó khăn, phức tạp nên ông Giáo Sính có cho gia đình chủ cũ lưu cư. Đến khoảng năm 1980, ông về quê ở An Giang để chữa bệnh. Không biết vì lý do gì, căn nhà này sau đó được đưa vào diện Nhà nước quản lý. Từ năm 1982 đến nay, gia đình ông Giáo Sính đã đi khắp nơi để khiếu nại xin lại căn nhà trên. Đến nay, lá đơn mà ông chuyển đến các cơ quan chức năng là lá đơn thứ 210.
Bước ngoặt của sự việc là căn nhà có chủ này được bán lại cho ông Nguyễn Quốc Trị (nguyên là cán bộ Sở Nhà đất) theo Nghị định 61/CP, người đã được bố trí và sống lưu thuê tại căn nhà trong thời gian ông Giáo Sính không có mặt ở đây.
Làm sai dễ nhưng sửa quá khó?
Trong hàng loạt công văn liên quan đến vụ việc, UBND TPHCM đã khẳng định: “… Căn nhà này thuộc diện quản lý sai, nhưng đã quản lý và bố trí sử dụng. Thực tế là không có căn cứ pháp lý để xác lập SHNN căn nhà này và khiếu nại đòi lại nhà của ông Giáo Sính là có cơ sở”. Ngày 30-12-2005, Bộ Xây dựng có công văn nhận định căn nhà trên không thuộc diện áp dụng Nghị quyết 23/2003/QH 11 của Quốc hội, đề nghị UBND TP trả cho ông Giáo Sính căn nhà nói trên theo phương thức khác phù hợp với điều kiện địa phương. Tiếp đến, ngày 28-12-2007, trong công văn của Bộ Xây dựng đã nhìn nhận việc liệt nhà này vào diện nhà công sản của chế độ cũ để xác lập SHNN và sau đó bán cho người lưu thuê là có sai sót. Quan điểm của Bộ Xây dựng là: “Thay vì trả lại chính căn nhà nói trên cho ông Giáo Sính, UBND TP trả cho ông Giáo Sính một căn nhà khác phù hợp với điều kiện thực tế địa phương”. Chưa hết, Bộ Xây dựng cũng xác định, trước khi được Nhà nước cho thuê và mua căn nhà 309 Hai Bà Trưng, vợ chồng ông Nguyễn Quốc Trị đã có nhiều nhà khác, trong đó có căn nhà ở đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận cũng thuộc SHNN. Đặc biệt, ông Trị là người khai báo không trung thực để UBND TP xác lập SHNN sai với trường hợp trên. Tuy nhiên, đến nay, mọi việc không được giải quyết rốt ráo.
“Ở đâu có mật, chỗ đó có ruồi”
Câu nói trên đúng với tình hình gia đình ông Giáo Sính, bởi đã xuất hiện một số cá nhân tiếp cận với gia đình để móc nối “chạy” lo nhà SHNN mới theo hướng giải quyết trên hoặc lấy lại nhà cũ cho ông Giáo Sính, với điều kiện phải chung chi. Một trong những cá nhân trên vào lúc 11 giờ ngày 19-9-2008 tại một quán cà phê trên đường Triệu Quang Phục, quận 5 đã “làm việc” với gia đình. Theo đó, nam nhân vật này (hiện danh tánh và chỗ ở chưa thể tiết lộ) tự cho rằng mình có thể lo trọn gói, nếu gia đình chấp nhận chung chi 600 triệu đồng thì gia đình ông Giáo Sính được cung cấp danh sách từ 15 đến 20 căn nhà SHNN có giá trị tương đương căn nhà 309 Hai Bà Trưng để lựa chọn. Khi đại diện gia đình đề nghị giảm mức chi xuống 500 triệu đồng, nhân vật này từ chối, bởi theo lý giải số tiền trên phải chia lại cho nhiều người từ cấp sở ngành đến TP… (!?). Để làm tin, người này còn hướng dẫn cách mở tài khoản và “treo” số tiền trên để hai bên làm tin. Khi nào giải quyết xong mới tính chuyện mở lại tài khoản để “tiền trao, cháo múc”. Ngoài ra, nhân vật này còn đề nghị, nếu chịu chi hẳn 200 lượng vàng thì sẽ được trả lại căn nhà 309 Hai Bà Trưng. Điều đáng ngạc nhiên là những người này rất am tường vấn đề liên quan đến vụ việc của ông Giáo Sính (?).
Trước những bức xúc của người dân, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đề nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Công an TPHCM để xử lý. Dư luận cho rằng liệu có hay không những đường dây “chạy” nhà SHNN tại TPHCM? Câu trả lời phải chờ ở cơ quan điều tra.
Sở Xây dựng vào cuộc
Trước hàng loạt các nghi vấn, ông Nguyễn Tấn Bền, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết căn nhà trên thuộc diện không thể trả được, vì đã xác lập SHNN. Tuy nhiên, để giải quyết nhà cho ông Giáo Sính theo chỉ đạo của TP, sở đã giới thiệu 2 căn hộ chung cư, sau đó đưa ra 4 căn nhà mặt tiền để ông này chọn lựa. Trong lúc đang giải quyết vụ việc, ông đã nhận được đơn tố cáo của gia đình ông Giáo Sính. Ngày 5-12, đại biểu Đặng Văn Khoa cho biết vừa nhận được công văn của Sở Xây dựng đề nghị phối hợp làm rõ vụ việc trên.
SOURCE: BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Trích dẫn từ: http://thuvienphapluat.com/?CT=NW&NID=18891
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 7. TÌNH HUỐNG THỰC TIỄN, CÂU CHUYỆN PHÁP LUẬT |
Leave a Reply