GIANG THANH (Theo Mark Nowlan )
Bằng cách tạo ra một nội dung chuyên đề độc đáo được đăng tải trên các tờ báo, bạn sẽ chiếm lĩnh được công chúng độc giả mong muốn
Quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng không dễ dàng chút nào. Mỗi ngày, các phóng viên phải hụp lặn trong biển tin tức từ rất nhiều nguồn thông tin khác nhau, mà tất cả đều rất hào nhoáng, bóng bẩy để thu hút sự chú ý. Chỉ có một cách để trở nên nổi trội trong cả khối thông tin khổng lồ đó là bạn phải đưa ra được một kiểu bài báo khác biệt, một bài báo có thể nêu bật được chủ đề đang là mối quan tâm hàng đầu của lượng độc giả/khán thính giả triển vọng, nhưng không chỉ phụ thuộc vào tính thời sự tại thời điểm được tung ra. Kiểu bài viết đó có thể gọi là chuyên đề.
Một chuyên đề là một đề tài có chiều sâu về một sản phẩm hoặc một ngành công nghiệp, là một nội dung được đúc kết để bạn có thể dễ dàng tiếp cận. Một chuyên đề có thể đem lại cho công ty nhiều lợi ích bằng cách liên kết sản phẩm hay chi nhánh của bạn theo chiều hướng khuếch trương hoặc tập trung hóa về công nghệ và đồng thời, góp phần xây dựng hình ảnh của bạn, một doanh nhân, một nhà lãnh đạo trong lĩnh vực của bạn. Nếu một tin tức được đăng nhằm mục đích hướng phóng viên tự tìm kiếm thêm thông tin, thì chuyên đề lại được thiết kế cho mục đích duy nhất là biên tập lại cho vừa với khoảng trống sẵn có trên trang báo.
Các chủ đề như tăng cường sức khỏe, trang trí nhà cửa, đi du lịch, công nghệ, tự thân chúng đã mang tính đặc biệt bởi vì chúng có thể dùng cho các chuyên mục đặc trưng trên báo như chuyên mục phong cách sống, nhà cửa, nghệ thuật, công nghệ trong các tuần báo. Các tạp chí thương mại cũng đăng những chuyên đề như thế nhưng thường là dưới hình thức phụ trương đặc biệt.
Do đặc thù là một chuyên đề phải được viết theo nghệ thuật báo chí, bạn nên làm cho sự kiện trở nên nổi bật hơn trên cả mức độ quảng cáo. Lí tưởng nhất là biên tập viên các chuyên đề không hề thay đổi nội dung bài viết và sẽ dùng bài này làm đề tài khi cần dùng để bổ sung vào đề tài chủ đạo hoặc làm kín trang.
Các tòa báo thích có sẵn các bài viết có chất lượng tốt. Vì vậy, hãy cố gắng tiếp cận với khái niệm mang tính chuyên đề và vận dụng các hướng dẫn dưới đây để viết một bài báo hay nhé.
Tiêu đề
Tiêu đề là phần chính mang tính quyết định cho cả bài chuyên đề của bạn. Hãy đặt tiêu đề sao cho nó có thể chuyển tải được nội dung tóm tắt của bài viết. Hãy tự đặt câu hỏi cho mình là tại sao nội dung này lại quan trọng? Sẽ ra sao nếu bài viết này nắm bắt được sở thích của độc giả? Một tiêu đề hay sẽ có lời giải đáp cho những câu hỏi đó bắng cách đem đến cho độc giả cái gì đó mới mẻ, khác biệt và bổ ích – chỉ vỏn vẹn trong 20 từ đổ lại. Tôi đã được thấy một số ví dụ như:
• Ổ cắm điện giúp bạn tiết kiệm chí phí trên hóa đơn
• Tái bản “Chiến thuật làm mẹ”: Ngày càng có nhiều phụ nữ lựa chọn kinh doanh để dành quyền kiểm soát, sự linh hoạt và thời gian dành cho gia đình
• Lời khuyên của chuyên gia về giấc ngủ: Tạo không gian ngủ thích hợp cho sinh viên
Để có một tiêu đề hay, hãy tưởng tượng như bạn đang kể cho bạn mình nghe nội dung của bài báo, giải thích phần hấp dẫn nhất trong nội dung đó. Sử dụng từ ngữ đơn giản, tránh dùng các biện pháp so sánh bậc nhất và ngôn ngữ biểu cảm cũng như tránh nêu tên công ty hay thương hiệu trừ khi cái tên đó rất nổi tiếng. Thay vào đó, hãy tập trung vào điều gì quan trọng nhất về đề tài của bạn.
Đoạn dẫn nhập
Một đoạn dẫn nhập hay sẽ dẫn dắt nội dung cốt lõi ngay từ đầu bài viết. Các biên tập viên không có thời gian để đọc hết cả bài viết để nắm bắt vấn đề cốt yếu, kể cả độc giả cũng vậy. Hãy nghĩ phần dẫn nhập chính là phần mở rộng thêm cho tiêu đề và có thể sử dụng lại một vài từ ngữ mang tính cốt lõi.
Khi viết phần dẫn nhập, cố gắng viết thật ngắn gọn, gồm hai hoặc ba câu ngắn nhất có thể. Tóm lại, chuyên đề của bạn chỉ nên dài khoảng 400 từ. Lúc này, đừng bận tâm về vấn đề thương hiệu vội, chỉ giới thiệu các yếu tố hấp dẫn của nội dung. Phần dẫn nhập của bạn nếu nghe có vẻ như một mẩu quảng cáo sẽ phản tác dụng ngay.
Đoạn thứ hai
Đoạn thứ hai đóng vai trò hỗ trợ và khai triển các ý tưởng đã được nêu trong đoạn dẫn nhập. Đây là chỗ thích hợp để hé mở cho người đọc biết nhân vật đằng sau chuyên đề này để tránh có sự nhầm lẫn về chủ nhân của bài viết. Đồng thời, nếu bài viết buộc phải ngắn gọn do không đủ chỗ đăng, hãy để tên công ty hoặc người phát ngôn và địa chỉ trang web ngay vị trí bắt đầu đến phần quan trọng nhất.
Nếu được viết tốt, hai đoạn đầu tiên vừa rồi đã có thể là một bài báo súc tích đối với một tờ báo hoặc trang tạp chí bị giới hạn về chỗ đăng.
Dùng các câu trích dẫn/người thật, việc thật
Một câu trích dẫn có thể tạo uy tín cho bài viết, vì vậy hãy giới thiệu một chuyên gia nào đó, và sau đó mở rộng nội dung. Điều quan trọng nhất là các câu trích dẫn có thể chuyển tải cảm xúc cá nhân, các bình luận, ý kiến. Do đó đây là chỗ bạn muốn dùng các biện pháp so sánh bậc nhất và ngôn ngữ biểu cảm nhưng đừng giả tạo nhé. Phải chắc chắn rằng các câu được trích dẫn trong phong cách đối thoại, và không chỉ trích dẫn các sự kiện hay nhân vật riêng lẻ bởi vì chẳng có người thật nào lại chỉ nói suông. Bạn cũng nên tránh lặp đi lặp lại các thông tin hoặc từ ngữ chuyên môn/biệt ngữ, cứ diễn đạt như thể bạn đang giải thích về sản phẩm/dịch vụ của bạn cho bà ngoại mình nghe vậy.
Điều lí tưởng nhất là người mà bạn đưa vào trích dẫn sẵn sàng để phỏng vấn, trả lời thêm một số câu hỏi của phóng viên. Và vì vậy, người đó phải có kiến thức nhất định về đề tài này và sẵn lòng xuất hiện trên phương tiện truyền thông đại chúng. Hãy dùng câu trích dẫn nào có tác dụng mạnh nhất trước tiên và nhớ phải nêu thông tin liên lạc cũng như mối quan hệ của người được trích dẫn với công ty ở cuối bài báo.
Đi sâu vào chi tiết
Sau đoạn thứ ba, bất cứ thông tin nào bạn đưa vào để triển khai nội dung rõ hơn và duy trì sự hứng thú của độc giả. Đây chính là lúc đi sâu vào từng chi tiết về tiện ích của sản phẩm đó hoặc do cơ chế hoạt động của sản phẩm đem lại. Bên cạnh đó, để giúp người đọc dễ dàng theo dõi nội dung, nên sử dụng gạch đầu dòng khi liệt kê nhiều thông tin.
Một điều đáng lưu ý nữa là dù chuyên đề một mặt khác với các loại tin tức được đăng tải khác, thì nội dung của chuyên đề hầu như vẫn không chứa đựng các câu văn có hàm ý chú dẫn hoặc ám chỉ.
Thời điểm nào thích hợp để gửi bài chuyên đề
Nhìn chung, góc chuyên đề trên báo bao giờ cũng được lên kế hoạch trước đó tối thiểu là ba tuần. Do đó, bạn cần phải chuẩn bị. Trao đổi qua thư điện tử với biên tập viên chuyên đề để xác định xem liệu họ có thích đề tài đó trước khi bắt tay vào viết – đây chỉ là một bước chuẩn bị đơn giản. Nếu bạn thử viết chuyên mục thương mại, hãy nghiên cứu và xem lại thời hạn nhé – vì có thể kéo dài đến ba tháng chuẩn bị cơ đấy!
Hầu hết các hãng thông tấn đều có trang chuyên đề và cơ sở dữ liệu phục vụ thông tin đại chúng và thường là có một lịch trình định sẵn ngày nào sẽ đăng tải chuyên đề gì. Xem xét, phân bố và nếu có thể, hãy chọn một hãng thông tấn có sẵn danh sách thời gian và vị trí đăng bài của bạn và có các hướng dẫn giúp phân loại bài viết tiếp cận với các đối tượng độc giả khác nhau.
Đồng thời, bạn cũng đừng quên các độc giả trên mạng đấy nhé. Các công cụ tìm kiếm được vận dụng hàng triệu triệu lần mỗi ngày khi người ta muốn tìm một cách thức, một địa điểm hay thời điểm của đủ các loại báo chí. Chính tòa soạn mà bạn lựa chọn sẽ đưa bạn đến với độc giả thông qua các lựa chọn từ công cụ tìm kiếm, đặt bài viết của bạn ở vị trí đắt giá nhất, nhận được nhiều tìm kiếm nhất.
Hình chụp và dữ liệu đa phương tiện
Một tấm hình chụp sẽ tạo sự khác biệt giữa bài báo của bạn với các đối thủ khác. Bức hình sẽ giúp lí giải cho nội dung và có thể bắt mắt người đọc khi lướt nhìn qua toàn trang báo. Đồng thời, nó cũng tạo ra nhiều khả năng lựa chọn hơn cho người biên tập khi sắp xếp bài trí trên trang báo.
Phải đảm bảo các bức hình đạt chất lượng tốt. Nên cung cấp các tấm hình có độ phân giải cao (300 dpi) và nếu có thể, hãy tìm một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp để thực hiện bức ảnh đó. Một bức ảnh kém chất lượng sẽ làm giảm giá trị bài báo của bạn.
Các lựa chọn đa phương tiện khác như phim video hoặc đoạn ghi âm về nội dung bài viết, về ý kiến của chuyên gia, các cuộc phỏng vấn. Một bài chuyên đề sống động hay một đoạn phim, đoạn ghi âm đều có thể chuyển tải được tất cả những giá trị để biến nội dung bài của bạn thành một kinh nghiệm trực tuyến cho khán giả, có đường dẫn và các nguồn tư liệu tham khảo để họ có thể tự tìm hiểu thêm.
Cuối cùng là
Khi gửi bài cho phóng viên biên tập lại, đừng e ngại việc gọi điện khi muốn cung cấp thêm thông tin – nhưng đừng gọi để kiểm tra xem họ đã nhận được bài chưa. Các phóng viên thường rất bận rộn và họ không thích những cuộc điện thoại không có lí do chính đáng đâu. Và hãy kiên nhẫn vì nếu bài của bạn chưa phải là một đề tài kiệt xuất thì hẳn phóng viên sẽ để dành phát vào kì kế tiếp trong tuần sau, tháng hay quý sau.
Khi bài của bạn đã được duyệt, hãy tìm ngay những cơ hội tiếp theo. Tiếp tục theo dõi khuynh hướng phát triển của lĩnh vực đã chọn hoặc là xem xét khả năng thực hiện câu chuyện “Điều gì diễn ra sau một năm nữa”, hay một bài tiểu sử về một nhân vật mà bạn đã dùng để minh họa trong bài viết. Nếu may mắn, bài chuyên đề của bạn có thể sẽ là đề tài tiếp theo được thảo luận rôm rả.
SOURCE: KINHDOANH.COM
Trích dẫn từ: http://www.kinhdoanh.com/Home/index.php?news=2299
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: Kinh nghiệm học tập |
Leave a Reply