Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

CÓ HOÃN XÉT XỬ HAY KHÔNG KHI BỊ ĐƠN VẮNG MẶT…?

Advertisements

PLTPHCM – Tòa cấp trên dựa vào nghị quyết bảo phải hoãn xử, tòa cấp dưới viện dẫn luật và nói tiếp tục xử là đúng… Tòa án quận X (TP.HCM) vừa có văn bản kiến nghị với TAND TP, cho rằng mình đã bị hủy án sơ thẩm… oan.

Vắng có lý do, hoãn phiên tòa?

Vụ việc bắt nguồn từ chuyện xin ly hôn của vợ chồng bà T. Vợ chồng họ cưới nhau được một năm thì xảy ra mâu thuẫn. Năm 2004, người chồng đòi ly hôn trong khi người vợ mong muốn được đoàn tụ.

Thụ lý, tòa quận X đã liên tục mời hai bên đến hòa giải nhưng người chồng một mực giữ quan điểm, còn người vợ cũng “bảo lưu ý kiến”. Cuối cùng, tòa đành phải đưa vụ án ra xét xử nhưng triệu tập nhiều lần mà người vợ không đến khiến phiên tòa cứ bị hoãn lên hoãn xuống.

Giữa năm 2008, tòa quận X mở phiên xử, nhận định: “Tòa án quận đã tống đạt hợp lệ nhiều lần nhưng bà T. cố tình không đến tòa. Do vậy, tòa căn cứ vào khoản 2 Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự xử vắng mặt bà T.”. Sau đó, tòa đã tuyên chấp nhận cho hai vợ chồng này ly hôn.

Bà T. kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm vừa qua, luật sư của bà cho rằng việc tòa quận X xử vắng mặt bà là vi phạm tố tụng. Theo luật sư, khi mở phiên sơ thẩm, bà T. đã có đơn thông báo với tòa là đang nằm bệnh viện. Việc bà vắng mặt là có lý do chính đáng, phải được hoãn xử.

Ý kiến của luật sư đã được TAND TP.HCM chấp nhận. Theo tòa, dù cấp sơ thẩm triệu tập hợp lệ nhưng việc bà T. phải nằm bệnh viện chữa bệnh là thuộc trường hợp trở ngại khách quan, phải hoãn xử theo hướng dẫn tại tiểu mục 1.2 mục 1 phần III Nghị quyết 02 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Vì vậy, để đảm bảo quyền được tham gia phiên tòa của các đương sự, TAND TP đã hủy án sơ thẩm.

Tiếp tục xử là đúng luật?

Trong văn bản kiến nghị, tòa quận X cho rằng mình đã bị hủy án… oan! Bởi lẽ khoản 2 Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự chỉ quy định: “Bị đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì tòa án xét xử vắng mặt họ”. Đây là điểm khác biệt so với khoản 3 Điều 48 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự trước đây (quy định nếu bị đơn vắng mặt lần thứ hai mà không có lý do chính đáng mới được xử vắng mặt).

Mặt khác, tài liệu tập huấn Bộ luật Tố tụng dân sự do Trường Cán bộ tòa án phát hành và tài liệu tập huấn do Viện Khoa học xét xử TAND tối cao phát hành cũng hướng dẫn: “Bị đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì tòa án giải quyết vắng mặt bị đơn” hay “lần thứ hai khi được tống đạt hợp lệ mà còn vắng mặt thì tòa án vẫn tiến hành xét xử”. Chưa kể, TAND TP viện dẫn nghị quyết nhưng trong nghị quyết cũng không nói rõ hướng dẫn này có được áp dụng trong trường hợp bị đơn đã được triệu tập hợp lệ lần hai mà vẫn vắng mặt hay không.

Như vậy theo tòa quận X, căn cứ vào luật và tham khảo các tài liệu tập huấn thì tòa sẽ xét xử vắng mặt bị đơn đã được triệu tập hợp lệ lần hai mà không cần phải xét đến lý do. Ở vụ này, tòa đã triệu tập nhiều lần nhưng bị đơn luôn né tránh không đến nên việc tòa xử vắng mặt là đúng luật.

Tòa nào đúng?

Có thể nói, việc tòa cấp dưới phản ứng với tòa cấp trên như trên đã cho thấy cách hiểu và áp dụng pháp luật của các thẩm phán vẫn còn khác nhau.

Về lý thuyết, lâu nay vẫn có quan điểm cho rằng nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao không phải là văn bản giải thích luật, không có giá trị để tòa viện dẫn, áp dụng mà chỉ để tham khảo. Nếu cần văn bản giải thích luật chính thức thì phải do Quốc hội (cơ quan lập pháp) ban hành chứ không phải do TAND tối cao (cơ quan tư pháp). Tuy nhiên trên thực tế, ngành tòa án vẫn luôn áp dụng nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao để giải quyết các vấn đề liên quan. Ở đây, TAND TP cũng đã theo nghị quyết để hủy án của tòa quận X.

Trong vụ án này, liệu tòa nào xử đúng? Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có giá trị áp dụng hay không? Nếu nghị quyết hướng dẫn rộng hơn hay khác với tinh thần của Bộ luật Tố tụng dân sự thì sao? Xin mời bạn đọc luận bàn.

Sự có mặt của bị đơn tại phiên tòa

Bị đơn phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của tòa án; nếu vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa. Bị đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.

(Trích Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự)

Đối với những trường hợp đương sự đã nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định tại khoản 2 Điều 195 của Bộ luật Tố tụng dân sự, đã được tòa án tống đạt hợp lệ giấy triệu tập phiên tòa theo quy định tại các điều từ Điều 150 đến Điều 156 của Bộ luật Tố tụng dân sự và đương sự đã chuẩn bị tham dự phiên tòa xét xử vụ án nhưng do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan xảy ra đối với họ ngay vào thời điểm trước ngày tòa án mở phiên tòa hoặc ngay trong thời điểm họ đang trên đường đến tòa án để tham dự phiên tòa (do thiên tai, địch họa, bị tai nạn, ốm nặng phải đi bệnh viện cấp cứu, người thân bị chết…) nên họ không thể có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của tòa án thì tòa án cũng hoãn phiên tòa.

(Trích tiểu mục 1.2 mục 1 phần III Nghị quyết 02 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao)

SOURCE; BÁO PHÁP LUẬT TPHCM – TÁC GIẢ CHƯA XÁC ĐỊNH

Trích dẫn từ; http://thuvienphapluat.com/?CT=NW&NID=18696

Exit mobile version