Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

XÁC ĐỊNH HIỆU LỰC PHÁP LUẬT CỦA BẢN ÁN

Advertisements

TRẦN THỊ HỒNG VIỆT

Để xác định một bản án có hiệu lực pháp luật hay chưa cần phải căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng đối với từng loại vụ án và từng trường hợp. Trong phạm vi bài viết này, người viết muốn đề cập đến các bản án dân sự.

Điều 245 Bộ luật tố tụng dân sự quy định thời hạn kháng cáo như sau:

1.Thời hạn kháng cáo đối với bản án củaTòa án cấp sơ thẩm là mười lăm ngày, kể từ ngày tòa tuyên án; đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.

2….

3.Trong trường hợp đơn kháng cáo gửi qua bưu điện thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu ở phong bì.

Điều 252 Bộ luật tố tụng dân sự quy định thời hạn kháng nghị như sau:

1.Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát là mười lăm ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là ba mươi ngày, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án.

2…

Theo nội dung của hai điều luật trên, thời hạn kháng cáo và kháng nghị được theo hai tình huống:

– Tình huống các đương sự có mặt tại phiên tòa, thời hạn kháng cáo tối đa đối với họ là mười lăm ngày; và có Kiểm sát viên tham gia phiên tòa thời hạn kháng nghị tối đa là ba mươi ngày kể từ ngày tòa tuyên án.

Ví dụ: Tòa tuyên án vào ngày 01/01/2008, thời hạn kháng cáo đối với các đương sự kết thúc vào ngày 16/01/2008; thời hạn kháng nghị đối với Viện kiểm sát kết thúc vào ngày 31/01/2008. Sau ngày kết thúc thời hạn kháng nghị, bản án sẽ phát sinh hiệu lực pháp luật vào ngày 01/02/2008.

-Tình huống đương sự vắng mặt tại phiên tòa, thời hạn kháng cáo đối với họ là mười lăm ngày kể từ ngày bản án được giao cho họ hoặc niêm yết; và kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tối đa là ba mươi ngày kể từ ngày nhận được bản án.

Ví dụ: Tòa tuyên án vào ngày 01/01/2008, ngày 10/01/2008 Tòa án giao bản án cho người vắng mặt và Viện kiểm sát, thời hạn kháng cáo đối với người vắng mặt kết thúc vào ngày 25/01/2008; thời hạn kháng nghị đối với Viện kiểm sát kết thúc vào ngày 09/02/2008. Sau ngày kết thúc thời hạn kháng nghị, bản án sẽ phát sinh hiệu lực pháp luật vào ngày 10/02/2008.

Đối với trường hợp các đương sự ở trong nước thì thuận lợi, đối với các đương sự cư trú ở nước ngoài thì Tòa án phải thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp để Tòa án có thẩm quyền của nước đương sự đang cư trú thực hiện việc tống đạt bản án cho họ. Đối với những nước có hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam thì thuận lợi hơn trong việc tống đạt bản án, sau khi Tòa án nhận được biên bản giao bản án cho đương sự thì việc xác định ngày bản án phát sinh hiệu lực rất dễ dàng. Tuy nhiên, đối với các nước chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam thì Tòa án không thể nhận được kết quả tống đạt bản án; trong những trường hợp này, sau ba tháng kể từ ngày gửi bản án qua bưu điện, Tòa án thường cấp bản án có hiệu lực pháp luật cho đương sự.

Việc cấp bản án có hiệu lực cho đương sự, Tòa án nhân dân tối cao chưa có văn bản hướng dẫn thống nhất, các Tòa án thường khắc dấu có dòng chữ “ÁN CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT” đóng lên trang đầu của bản án để gửi cho đương sự và sau đó chỉnh lý hồ sơ đưa vào lưu trữ. Nếu các đương sự và Kiểm sát viên có mặt tại phiên tòa, khi đọc bản án, chúng ta có thể nhận biết ngày bản án có hiệu lực pháp luật; nhưng đối với các bản án có đương sự vắng mặt và không có kiểm sát viên tham gia phiên tòa, khi đọc bản án chúng ta không thể biết được ngày nào bản án có hiệu lực. Sau khi hồ sơ đưa vào lưu trữ, Tòa án nhận được công văn yêu cầu xác định thời điểm phát sinh bản án có hiệu lực pháp luật, người có thẩm quyền xử lý công văn không thể trả lời công văn bởi vì toàn bộ hồ sơ lưu trữ không tài liệu nào thể hiện ngày bản án phát sinh hiệu lực pháp luật. Việc xác định ngày bản án có hiệu lực pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thi hành bản án và việc phát sinh quyền nghĩa vụ khác của đương sự như quyền thừa kế tài sản, nghĩa vụ thanh toán tài sản…

Đây là vấn đề mang tính pháp lý đồng thời cũng mang tính hình thức đối với một bản án được phát hành, ngoài việc tuân thủ về hình thức của mẫu bản án, các Tòa án cần tuân thủ quy định về việc đóng các loại dấu lên bản án. Dấu tròn hình Quốc huy được đóng lên chữ ký của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa; khi bản án có kháng cáo, kháng nghị hoặc có hiệu lực pháp luật thì có cần đóng dấu có các dòng chữ “ÁN CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT”, “KHÁNG CÁO”, “KHÁNG NGHỊ” lên bản án hay kèm theo bản án là một thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị hoặc thông báo xác định ngày bản án có hiệu lực pháp luật ?. Việc đóng quá nhiều dấu vào một bản án vừa mất thời gian cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ vừa không đảm bảo về mặt hình thức của bản án.

Vấn đề này Tòa án nhân dân tối cao cần nghiên cứu và có hướng dẫn thực hiện thống nhất trong toàn ngành Tòa án.

SOURCE; CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TÒA ÁN NHÂN DÂN TPHCM

Trích dẫn từ; http://www.tand.hochiminhcity.gov.vn/DetailNews.asp?ID=1131

Exit mobile version