admin@phapluatdansu.edu.vn

DỰ THẢO LUẬT BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC: CÒN “BỎ LỌT” NHIỀU HÀNH VI

LS. TRỊNH THANH

Có thể nói việc xây dựng dự luật về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra, với tên gọi “Luật bồi thường nhà nước” là một bước tiến lớn. Đó là Nhà nước đã nhìn nhận một cách chính thức mình là chủ thể bình đẳng như bao chủ thể khác khi tham gia vào các quan hệ xã hội, và Nhà nước cũng có nghĩa vụ bồi thường nếu gây thiệt hại cho các chủ thể khác.

Tháo gỡ được một số điểm “tắc”

1. Bồi thường nhà nước là việc Nhà nước phải bồi thường thiệt hại cho cá nhân, tổ chức do người thi hành công vụ gây ra trong khi thi hành công vụ.

2. Cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước là cơ quan đại diện cho Nhà nước thực hiện việc giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, thi hành án và hoạt động tố tụng (trích điều 5, dự thảo Luật bồi thường nhà nước).

Dự luật lần này được hình thành dựa trên những quy định khá chặt chẽ và minh bạch. Theo đó người bị thiệt hại có quyền đưa vụ kiện tới tòa án để giải quyết nếu không thương lượng, hòa giải được với cơ quan giải quyết bồi thường. Điều này tưởng như đơn giản nhưng thực tế đã gỡ được nhiều điểm “tắc” mà trước đây không thể thực hiện trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, thi hành án dân sự, hay việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trong các vụ án dân sự…

Dự luật cũng đã tháo gỡ cho những trường hợp người bị tạm giam đã hết thời hạn điều tra nhưng cơ quan điều tra không chứng minh được phạm tội, cũng được bồi thường thiệt hại. Đây cũng là điểm mà nghị quyết 388 về bồi thường cho người bị oan không đề cập.

Đối với những ý kiến lo ngại cán bộ, công chức sẽ xin nghỉ việc hàng loạt vì quyền lợi chưa tương xứng với nghĩa vụ họ gánh vác, dự luật cũng đã có cách hóa giải. Theo đó, chỉ khi người thi hành công vụ gây thiệt hại có lỗi thì mới phải hoàn trả một phần hoặc toàn bộ khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường; còn nếu lỗi vô ý thì không phải hoàn trả. Đây là một điểm mới, sẽ giúp đối tượng cán bộ công chức an tâm hơn khi thực thi công vụ, đồng thời cũng giúp họ cẩn trọng, giảm thiểu oan sai.

Những chuyện to bị bỏ quên

Tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm phải bàn thêm. Ví dụ, dự luật chỉ đưa vào một số loại việc trong pháp lệnh giải quyết các vụ án hành chính (sau đây gọi tắt là pháp lệnh), còn lại những loại việc như ban hành quyết định hành chính về trưng dụng, trưng mua, tịch thu tài sản, về chuyển giao tài chính trong nước và quốc tế… vẫn để giải quyết theo pháp lệnh. Như vậy sẽ dễ tạo ra tâm lý so bì tại sao loại việc này được đưa vào giải quyết theo Luật bồi thường nhà nước mà loại việc kia lại theo pháp lệnh?

Ngoài ra, rất nhiều hành vi hành chính, quyết định hành chính, hành vi thi hành công vụ… sai sót, trong những chuyện to như “cái đình” được cả xã hội quan tâm lại bị dự luật “bỏ lọt” và cũng không chịu sự điều chỉnh của pháp lệnh như: hành vi chậm công bố chất 3-MCPD trong vụ nước tương “đen” ít nhiều đã gây thiệt hại sức khỏe của người sử dụng; chuyện kiểm tra, cấp phép cho dựng “lô cốt”, đào đường đang diễn ra ở nhiều địa phương đã để xảy ra thiệt hại tài sản, tính mạng của người dân; hay chuyện xử lý vi phạm ô nhiễm môi trường không triệt để gây hậu quả nghiêm trọng (mà vụ Vedan chỉ là một ví dụ)….

Một số trường hợp khác như nghi can, bị can, bị cáo… bị người tiến hành tố tụng đánh đập, ép cung, nhục hình, hoặc những bị cáo được tuyên án thấp hơn so với số ngày đã bị giam giữ cũng cần phải được Nhà nước bồi thường đã không được đưa vào dự luật.

Trong bối cảnh đó, nếu đương sự kiện và cán bộ, công chức có lỗi thì theo Bộ luật dân sự, cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức đó vẫn phải đứng ra bồi thường. Tuy nhiên với những quy định “rối rắm”, chung chung hiện có, thiếu hẳn một cơ chế minh bạch về giải quyết bồi thường như trong dự luật, người dân sẽ gặp khó khăn khi muốn “đáo tụng đình” với cơ quan nhà nước. Mặt khác, Nhà nước cũng sẽ nan giải khi muốn buộc người thi hành công vụ hoàn trả tiền bồi thường theo quy định hiện hành. Trong khi đó dù áp dụng theo thủ tục khởi kiện nào, nếu thua kiện thì thực chất cơ quan, tổ chức đó vẫn phải lấy tiền từ ngân sách nhà nước ra để bồi thường giống như việc nhà nước bồi thường như trong dự luật mà thôi .

SOURCE: BÁO TUỔI TRẺ

Trích dẫn từ: http://vibonline.com.vn/vi-VN/Drafts/ReviewDetails.aspx?ReviewID=211

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: