admin@phapluatdansu.edu.vn

MÔ HÌNH TÒA ÁN MỚI: TÒA NÀO XỬ SƠ THẨM

HỒ KHẢI HÀ

Người nói án sơ thẩm nên để cho tòa sơ thẩm khu vực “ôm” hết, người lại bảo tòa cấp trên cũng có quyền “trị” án này…

Trong hội thảo về mô hình tổ chức tòa án khu vực do Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tổ chức mới đây, ngoài việc lựa chọn mô hình tòa án ba hay bốn cấp, vấn đề thẩm quyền giải quyết án của các tòa cũng còn gây nhiều tranh cãi.

Phúc thẩm san sẻ các vụ sơ thẩm…

Theo Phó Chánh tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM Phạm Hùng Việt, tòa sơ thẩm khu vực nên xử một số án sơ thẩm như tòa cấp huyện hiện nay. Ông Việt lựa chọn mô hình tòa bốn cấp (tòa sơ thẩm khu vực, tòa phúc thẩm, tòa thượng thẩm, tòa tối cao) nên theo ông, tòa phúc thẩm sẽ “làm” một số án sơ thẩm như tòa cấp tỉnh hiện nay.

Ý kiến này được nhiều tòa án địa phương ủng hộ. Theo họ, hiện tại tòa sơ thẩm khu vực chỉ nên xử những án hình sự có khung hình phạt từ 15 năm tù trở xuống, cao hơn thì chuyển cho tòa phúc thẩm. Nói gì thì nói, đối với những án đặc biệt nghiêm trọng thì trình độ thẩm phán tòa sơ thẩm khu vực vẫn chưa kham nổi! Chưa kể nếu tòa cấp trên không san sẻ thì lượng án đổ dồn về tòa sơ thẩm khu vực có thể sẽ gây quá tải. Chánh án TAND tỉnh Long An Huỳnh Công Lý còn nói các án dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến nước ngoài rất phức tạp. Ngay cả tòa cấp tỉnh hiện cũng còn lúng túng, nếu đẩy về cho tòa sơ thẩm khu vực hết sẽ rất căng!

Hay tòa sơ thẩm “ôm hết”?

Ngược lại, không ít đại biểu cho rằng cách chia thẩm quyền xét xử như trên là bất hợp lý. Đại diện TAND tỉnh Tiền Giang bảo đã gọi tên là tòa sơ thẩm khu vực thì nên giao hết án sơ thẩm cho tòa này “ôm”. Phó Trưởng khoa Dân sự, Trường đại học Luật TP.HCM Nguyễn Thị Hoài Phương nhìn nhận: “Lựa chọn mô hình tòa ba cấp (tòa sơ thẩm khu vực, tòa phúc thẩm, tòa tối cao) là hợp lý bởi nhiều nước trên thế giới đang làm tốt. Theo đó, tòa sơ thẩm khu vực chuyên trị án sơ thẩm, tòa phúc thẩm chuyên trị án phúc thẩm”. Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Chu Hải Thanh cũng đồng tình với quan điểm này.

Các ý kiến khác ở phía này phân tích thêm: “Chúng ta đừng sợ quá tải, đừng sợ án đặc biệt nghiêm trọng hay có yếu tố nước ngoài bởi khi giao cho tòa sơ thẩm khu vực giải quyết thì cũng phải tính đến việc luân chuyển cán bộ từ tòa phúc thẩm xuống để họ gánh vác những loại án trên… Chứ bảo rằng lập ra tòa phúc thẩm nhưng lại xử sơ thẩm thì đâu khác gì hiện nay, sao gọi là cải cách?”

Tòa thượng thẩm chuyên phá án?

Việc có nên tổ chức tòa thượng thẩm hay không cũng là một vấn đề tranh cãi và càng gây tranh cãi hơn khi bàn đến thẩm quyền xét xử của tòa này.

Theo thẩm phán Phạm Hùng Việt cùng chánh án các tòa Cần Thơ, Đồng Tháp và Long An, tòa thượng thẩm không giống như tòa phúc thẩm của TAND tối cao hiện nay. Đành rằng tòa này cũng sẽ xử phúc thẩm (nếu các tòa phúc thẩm xử một số loại án sơ thẩm) nhưng cạnh đó cũng được xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Việc giao cho tòa thượng thẩm thẩm quyền phá án là cách đẩy nhanh thời gian giải quyết án, ít tốn kém công sức tiền bạc hơn, tránh quá tải cho tòa tối cao. Các đại biểu đề nghị thành lập khoảng năm tòa thượng thẩm đặt ở những địa phương trọng yếu.

Tuy nhiên không ít người băn khoăn: Nếu để tòa thượng thẩm xử phúc thẩm thì không ít bản án phải chạy lên tòa tối cao để xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Như vậy mà nói để tòa tối cao chuyên làm công tác hướng dẫn xét xử thì cũng “nửa nạc nửa mỡ”. Đó là chưa kể hiện vẫn còn các tòa chuyên trách của tòa tối cao, vậy “số phận” các tòa này như thế nào, liệu có dẫm chân tòa thượng thẩm hay không?

TS Nguyễn Thị Hoài Phương, TS Chu Hải Thanh thì cho rằng việc giám đốc thẩm, tái thẩm phải thuộc về tòa tối cao. Các ý kiến này không tán đồng việc tổ chức thêm tòa thượng thẩm…

Nâng chất, lượng thẩm phán!

Trong hội thảo, một lãnh đạo Tòa phúc thẩm TAND tối cao thẳng thắn nhìn nhận những sai sót của tòa chủ yếu là do con người. Thẩm phán yếu năng lực, trình độ là “bài ca muôn thuở”. Chưa kể việc thẩm phán còn ngán ngại, sợ đụng chạm, việc đáng quyết thì không dám quyết…

Từ đó, không ít ý kiến đã đề nghị song hành với lộ trình cải tổ mô hình tòa án cũng cần phải có lộ trình nâng chất, lượng thẩm phán. Nếu không sẽ chẳng khác nào việc bắt những con người cũ khoác lên mình chiếc áo mới. Một đại biểu đến từ Tây Ninh thẳng thắn: “Nếu không có một đội ngũ thẩm phán đủ sức đảm đương công việc thì dù mô hình tòa có thay đổi như thế nào cũng không xong. Ở đây, chưa thấy có một lộ trình nào để cùng nâng chất và lượng thẩm phán song song với việc tổ chức lại mô hình tòa. Quanh đi quẩn lại chỉ toàn là những thẩm phán đang công tác. Có chăng là sự luân chuyển họ từ nơi này đến nơi khác, từ tòa này sang tòa kia!”.

Về chuyện này, TS Chu Hải Thanh nhận xét: Tòa án lúc nào cũng kêu thiếu người nhưng lại đang tự bó buộc mình trong cơ chế tuyển nhân sự. Luật không cấm bổ nhiệm thẩm phán từ những nguồn khác nhưng thông thường các tòa chỉ lấy nguồn từ thư ký tòa. Quanh quẩn nội bộ như thế thì không thể tìm ra nhiều người được. Tại sao lại không mời các giáo sư, nhà nghiên cứu… đủ chuẩn để ngồi vào ghế thẩm phán nhằm mở rộng thêm nguồn cán bộ?

Một số ý kiến khác phân tích ở khía cạnh chăm lo đến chế độ cho cán bộ tư pháp. Họ nhìn nhận chế độ lương thưởng quá thấp hiện nay làm nhiều người chùn bước dù rất muốn vào làm. Cần phải tăng chế độ để thu hút đầu vào và để cán bộ an tâm làm việc.

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/news/toa-an/view.aspx?news_id=235533

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: