ĐỖ THẾ MÃI
Hiện nay, sổ tiết kiệm được xem là một trong những tài sản đảm bảo có tính an toàn cao nhất đối với các ngân hàng. Nhiều ngân hàng có thể cho vay với giá trị khoản vay bằng 100% giá trị sổ tiết kiệm (khi thời hạn của khoản vay ngắn hơn thời hạn của sổ tiết kiệm, tổng lãi tiền gửi từ sổ tiết kiệm lớn hơn hoặc bằng tổng lãi của khoản vay và khoản vay phải đáo hạn trước sổ tiết kiệm – trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác).
Hầu hết trong các trường hợp, các ngân hàng chỉ ký kết hợp đồng cầm cố/thế chấp mà không cần các thủ tục công chứng hay đăng ký giao dịch bảo đảm. Biện pháp quản lý tài sản cầm cố duy nhất là giữ bản chính sổ tiết kiệm. Biện pháp quản lý khoản vay hầu như không cần thiết hoặc thực hiện hết sức lơi lỏng bởi khi xảy ra rủi ro, ngân hàng có thể xử lý sổ tiết kiệm ngay để thu hồi nợ mà không gặp nhiều trở ngại. Chính vì vậy, nhiều người thường cho rằng cho vay nhận tài sản đảm bảo là sổ tiết kiệm do chính ngân hàng mình phát hành thì rủi ro gần như không có.
Tuy nhiên, thực tế lại không hẳn như vậy!
Theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm (Bộ luật Dân sự 2005 và Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006), một tài sản có thể được dùng để đảm bảo thực nhiều nghĩa vụ dân sự tại một hoặc nhiều tổ chức tín dụng khác nhau, giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm (trừ trường hợp nhà ở – đã được quy định tại luật nhà ở hoặc pháp luật có quy định khác). Tiết d Khoản 1 Điều 12 Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 quy định, trường hợp thế chấp một tài sản để đảm bảo thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự thì hợp đồng đảm bảo đó bắt buộc phải đăng ký giao dịch bảo đảm (cần lưu ý việc đăng ký giao dịch đảm bảo ở đây là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng bảo đảm). Pháp luật cũng không bắt buộc bên bảo đảm phải chuyển giao tài sản/giấy tờ sở hữu tài sản bảo đảm (bản chính hoặc bản sao) cho bên nhận bảo đảm. Như vậy, khi các bên ký kết hợp đồng bảo đảm mà tài sản bảo đảm là sổ tiết kiệm thì việc có giao sổ tiết kiệm cho ngân hàng hay không (hoặc chỉ giao bản sao) là do các bên thỏa thuận (nếu có chuyển giao bản chính sổ tiết kiệm thì là hợp đồng cầm cố, không chuyển giao là hợp đồng thế chấp).
Do đó, việc nhận đảm bảo bằng tài sản là sổ tiết kiệm do chính ngân hàng mình phát hành, ngoài các rủi ro thông thường như rủi ro pháp lý (của tài sản và của người đại diện ký kết), rủi ro trong giao dịch (rủi ro chữ ký giả mạo, hợp đồng không tuân thủ về hình thức và nội dung theo quy định của pháp luật,…) vẫn có thể xảy ra các trường hợp rủi ro sau đây:
Rủi ro về thứ tự ưu tiên thanh toán: Ngân hàng nhận cầm cố/thế chấp sổ tiết kiệm do chính mình phát hành có thể không thu được đồng nào từ việc xử lý sổ tiết kiệm khi phải xử lý sổ tiết kiệm của khách hàng để thu nợ do không đăng ký giao dịch bảo đảm đối với hợp đồng cầm cố/thế chấp sổ tiết kiệm. Ví dụ, khách hàng A đến cầm cố sổ tiết kiệm (do Ngân hàng X phát hành) để vay vốn tại Ngân hàng X. Ngân hàng X, do nhận thấy sổ tiết kiệm do chính mình phát hành, lại giữ bản chính nên không có rủi ro, đã không thực hiện công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm hợp đồng cầm cố (để đơn giản thủ tục cho khách hàng). Tuy nhiên, sau đó khách hàng A vẫn có thể dùng sổ tiết kiệm trên (bản sao) để mang đi thế chấp tại Ngân hàng Y. Do một tài sản có thể được dùng để đảm bảo cho nhiều nghĩa vụ tại nhiều tổ chức tín dụng khác nhau nên việc thế chấp của A là hoàn toàn hợp pháp. Ngân hàng Y nhận thế chấp và tiến hành đăng ký giao dịch đảm bảo đối với hợp đồng thế chấp sổ tiết kiệm trên. Hành vi nhận thế chấp này của Ngân hàng Y cũng hoàn toàn hợp pháp. Khi khách hàng A vi phạm cam kết hoặc mất khả năng thanh toán dẫn đến việc phải xử lý sổ tiết kiệm để thực hiện nghĩa vụ, lúc này quyền được xử lý tài sản thu nợ sẽ ưu tiên cho Ngân hàng Y (do Y đã đăng ký giao dịch đảm bảo, còn X thì không). Như vậy rủi ro không thu được nợ của Ngân hàng X là hoàn toàn hiện hữu!
Ngay cả khi hợp đồng cầm cố trước đó giữa A và Ngân hàng X có điều khoản ràng buộc A không được thế chấp sổ tiết kiệm trên tại bất cứ tổ chức nào khác, thì Ngân hàng Y vẫn được coi là ngay tình, và nguồn trả nợ từ xử lý sổ tiết kiệm vẫn sẽ ưu tiên cho Ngân hàng Y được thu nợ trước. Hành vi mang sổ tiết kiệm thế chấp cho Ngân hàng Y của A cho thấy A vi phạm cam kết trong hợp đồng cầm cố với Ngân hàng X, nhưng điều đó không làm cho hợp đồng thế chấp giữa A và Ngân hàng Y vô hiệu. Sau khi Ngân hàng Y thu nợ từ xử lý sổ tiết kiệm, ngân hàng X mới có thể thu nợ từ phần còn lại (nếu còn) hoặc từ các nguồn khác, đồng thời pháp luật sẽ xem xét xử lý hành vi vi phạm cam kết trong hợp đồng của A đối với Ngân hàng X.
Rủi ro hợp đồng thế chấp vô hiệu (trong trường hợp một hợp đồng thế chấp sổ tiết kiệm đảm bảo cho nhiều hợp đồng tín dụng): Do nhận thức việc cầm cố/thế chấp sổ tiết kiệm là không có rủi ro, vì vậy một số ngân hàng ký kết một hợp đồng thế chấp sổ tiết kiệm để đảm bảo chung cho nhiều hợp đồng tín dụng khác nhau đã không thực hiện đăng ký giao dịch đảm bảo đối với hợp đồng thế chấp nói trên. Như vậy, đối chiếu với quy định của pháp luật giao dịch bảo đảm hiện hành, hợp đồng thế chấp trên đã bị vô hiệu. Dù hậu quả là như thế nào, ngân hàng có thu được nợ hay không thì việc ký một hợp đồng thế chấp mà hợp đồng đó lại vô hiệu là điều không ai muốn, và tất nhiên, lúc này rủi ro vẫn thuộc về ngân hàng.
Thiết nghĩ, biện pháp bảo đảm chỉ là nguồn thu nợ dự phòng ngoài nguồn thu nợ chính là từ phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng vay. Trong giao dịch vay vốn giữa khách hàng và ngân hàng, hợp đồng bảo đảm cũng được pháp luật coi là hợp đồng phụ (hợp đồng tín dụng mới là hợp đồng chính của giao dịch). Vì vậy, khi xem xét cho vay, ngân hàng phải thẩm định kỹ hiệu quả của phương án vay, khả năng tài chính, dòng tiền cũng như uy tín của khách hàng vay, sau đó mới xem xét đến tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo, dù là tài sản gì thì cũng luôn ẩn chứa rủi ro, và tùy từng trường hợp, ngân hàng nên có biện pháp quản lý tài sản thích hợp trên nguyên tắc an toàn vốn vay, giảm thiểu rủi ro đến mức có thể.
SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 21/2008
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: Quy định chung về nghĩa vụ và bảo đảm nghĩa vụ |
Hôm nay, 17.2.2011 tôi đọc bài này, có nhận xét sau:
1/ Tác giả chắc không làm trong ngành ngân hàng
2/ Tác giả qúa máy móc lý thuyết quá, không có một chút thực tế. Thiết nghĩ khi đi vay, anh phải có nghĩa vụ trả, Ngân hàng cho vay, thì có quyền thu hồi nợ. Giả sử đồng ý các tình tiết tác giả đưa ra (thực tế không xảy ra) Ngân hàng Y sao đòi tiền được, ngân hàng X chỉ cần hạch tóan thu hồi nợ chưa đầy 3 phút là xong. khi đó không lẻ ngân Y khởi kiện ngân hàng X ? hay khởi kiện khách hàng, để rồi khách hàng khởi kiện lại ngân hàng X. Thật tình tôi không tưởng tượng ra tình huống như tác giả nghĩ!